Tuổi 50 cần chú ý đến những vấn đề sức khỏe nào?

Đái tháo đường, huyết áp cao và một số bệnh mãn tính khác có xu hướng bắt đầu xuất hiện từ tuổi 50, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì thế, nếu bạn đã bước đến ngưỡng tuổi 50, hãy cẩn thận và kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và có giải pháp can thiệp kịp thời.

Đái tháo đường

Đái tháo đường đang là căn bệnh phổ biến nhất ở tuổi từ 50 trở lên. Đái tháo đường khiến lượng đường trong máu tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể. Theo thống kê, trên thế giới hiện có 422 triệu người mắc đái tháo đường, đa số là đái tháo đường type 2. Trong đó, người ở độ tuổi trung niên có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Đái tháo đường là căn bệnh phổ biến nhất ở tuổi 50

Bệnh đái tháo đường có thể kiểm soát được bằng cách thay đổi lối sống, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và vận động thể chất phù hợp với thể trạng. Một số trường hợp tiến triển nặng có thể cần phải sử dụng thuốc theo liều lượng và kê đơn của bác sĩ điều trị để kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả hơn.

Dấu hiệu đái tháo đường thường thầm lặng, không rõ ràng. Vì thế, người tuổi 50 cần khám sức khỏe tổng quát định kỳ để quản lý tốt các tình trạng sức khỏe mãn tính. Nếu không được điều trị kịp thời cùng thực hiện các giải pháp thay đổi lối sống, ăn uống lành mạnh, đái tháo đường có thể dẫn đến một loạt các biến chứng nghiêm trọng như bệnh thận, suy giảm thị lực, bệnh lý tim mạch, biến chứng ở chân,… gây nguy hại cho sức khỏe tổng thể.

Huyết áp cao

Huyết áp cao là một trong những tình trạng sức khỏe mạn tính thường gặp cùng với đái tháo đường khi bạn bắt đầu bước qua tuổi 50. Đây là yếu tố nguy cơ chính gây nên căn bệnh tim mạch và đột quỵ. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), chỉ số huyết áp đạt 120/80 mmHg là lý tưởng. Nếu huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 130 thì được xem là huyết áp cao.

Nguyên nhân gây ra tình trạng huyết áp cao ở người lớn tuổi được cho là do hệ thống mạch máu đang dần bị lão hóa theo thời gian. Các động mạch bắt đầu cứng lại và kém đàn hồi, áp lực bên trong thành mạch máu cũng tăng lên. Trọng lượng cơ thể tăng lên, các vấn đề về stress, căng thẳng ở những người lớn tuổi cũng góp phần làm cho chỉ số huyết áp leo thang.

Huyết áp cao có thể kiểm soát tốt được bằng thuốc kê theo đơn của bác sĩ, kết hợp với lối sống lành mạnh về chế độ ăn và chế độ vận động, sinh hoạt. Các triệu chứng khởi phát huyết áp cao không rõ ràng nên chúng ta có thể dễ dàng bỏ qua. Vì thế, bạn nên kiểm tra huyết áp thường xuyên hơn, nhất là khi bước vào độ tuổi 50.

Cholesterol cao

Hàm lượng Cholesterol cao là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh tim mạch. Nồng độ Cholesterol có xu hướng tăng lên theo tuổi tác, tích tụ bên trong thành mạch máu và tạo thành những mảng bám. Điều này dẫn đến tình trạng chậm hoặc tắc nghẽn lưu lượng máu khắp cơ thể. Nặng hơn, những mảng bám này còn có thể vỡ ra gây tụ máu đông, thậm chí là nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Các vấn đề ở tuổi 50

Cholesterol cao gây nên bệnh tim mạch

Cholesterol cao không hề đi kèm với bất kỳ triệu chứng nào. Vì thế, ngoài việc tầm soát đái tháo đường, bạn cần kiểm tra nồng độ cholesterol thông qua những buổi khám sức khỏe tổng quát định kỳ khi bước vào độ tuổi 50. Bên cạnh đó là chú trọng đến chế độ ăn uống lạnh mạnh, thể dục thể thao đều đặn và thường xuyên. 

Bệnh tim

Sự tích tụ các mảng bám trong thành mạch máu là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim. Tình trạng này bắt đầu từ thời thơ ấu và trở nên nặng hơn khi tuổi tác càng lớn. Theo chuyên gia trang y tế WebMD, ở độ tuổi từ 40 – 59, tỷ lệ người mắc bệnh tim là 6,3% nam giới và 5,6% phụ nữ. Nhưng lên đến 60 – 79 thì tỷ lệ này tăng lên rất nhiều, gần 20% ở nam giới và 9,7% ở nữ giới.

Bệnh tim gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người bệnh. Do đó việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là điều cần thiết khi độ tuổi của bạn càng lớn. Bên cạnh đó, khi có một trong các dấu hiệu về bệnh tim như chóng mặt, đau ngực, khó thở, nôn mửa, vã mồ hôi và dễ té ngã do mất thăng bằng thì bạn nên thăm khám bác sĩ ngay. Đồng thời thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì mức cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên để ngăn ngừa mắc bệnh tim.

Béo phì

Béo phì là yếu tố nguy cơ gây ra nhiều bệnh mãn tính khác như đái tháo đường, tim mạch, huyết áp cao, viêm khớp,…. Theo nhiều số liệu thông kê, trong độ tuổi 40 – 59 có đến gần 45% số người bị béo phì. Vì thế, khi đến tuổi 50, bạn cần đặc biệt chú trọng đến vấn đề ăn uống và tập luyện để kiểm soát cân nặng, phòng ngừa béo phì.

Béo phì là yếu tố nguy cơ gây ra nhiều bệnh mãn tính khác

Phì đại tuyến tiền liệt

Phì đại tuyến tiền liệt thường xảy ra ở nam giới tuổi 50 với các triệu chứng như đi tiểu đêm thường xuyên, không thể nhịn tiểu, khó tiểu hoặc không thể đi tiểu hết. Vì thế, nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào, bạn hãy đi khám ngay để phát hiện sớm và điều trị kịp trời, tránh dẫn đến trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu, nước tiểu có máu, viêm thận, thậm chí là suy thận.

Ung thư

Ung thư là tình trạng sức khỏe có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ mắc bệnh ở độ tuổi 45 – 55 cao hơn gấp đôi ở người trẻ. Một số ung thu thường gặp ở độ tuổi 50 như đại tràng, vú, cổ tử cung, tuyến tiền liệt, tuyến tụy,…

Ung thư và đái tháo đường là 2 căn bệnh mạn tính ảnh hưởng tiêu cực lớn đến sức khỏe của người bệnh. Vì thế, khi bước vào độ tuổi tuổi này, bạn cần kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc đi khám bác sĩ ngay khi cơ thể xuất hiện bất kỳ triệu chứng nghi ngờ nào.

Viêm xương khớp

Viêm xương khớp là tình trạng thường gặp ở tuổi 50

Viêm xương khớp là tình trạng thường gặp ở tuổi 50 nhưng thường bị bỏ qua. Bệnh có các triệu chứng như đau đầu gối khi ngồi xổm, quỳ hoặc ngồi gập chân, lên xuống cầu thang. Các cơn đau còn có thể nghiêm trọng đến mức không chịu nổi và bạn không thể di chuyển, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Vì thế, ngoài việc khám để điều trị, bạn cần giữ cân nặng khỏe mạnh, thường xuyên tập thể dục và tránh ngồi xổm, quỳ hoặc ngồi xếp bằng trong thời gian dài.

Bệnh về mắt sau tuổi 50

Khi tuổi tác càng lớn, mắt sẽ thoái hóa một cách tự nhiên. Các bệnh về mắt thường gặp ở người tuổi trên 50 như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng. Bên cạnh đó, các bệnh về mắt cũng có thể là biến chứng của tình trạng đái tháo đường. Vì thế, bạn cần khám sức khỏe, khám mắt định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.Từ tuổi 50 trở đi, cơ thể dần yếu đi bạn sẽ rất dễ mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, xương khớp. Do đó, việc thăm khám sức khỏe định kỳ và tầm soát bệnh lý cùng thực hiện thay đổi lối sống lành mạnh là điều cần thiết để sống vui sống khỏe tuổi xế chiều.