Hiện tượng thai lưu: Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị

Hiện tượng thai lưu có thể xảy ra đối với bất kỳ người phụ nữ nào sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Đây là tình trạng cần được phát hiện và có biện pháp xử lý sớm nếu không có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm cho thai phụ. Thăm khám sản phụ khoa định kỳ có thể giúp mẹ bầu phòng ngừa các biến chứng này.

1. Thai lưu là gì?

Hiện tượng thai nhi tử vong trước tuần thứ 20 của thai kỳ được gọi là sẩy thai. Thai nhi ngừng phát triển sau tuần thứ 20 của thai kỳ và tử vong mà còn lưu lại trong tử cung được gọi là thai lưu.

Theo thống kê, cứ trong 200 trường hợp mang thai thì có một em bé bị chết lưu. Hầu hết phụ nữ gặp tình trạng thai lưu có thể sinh con khỏe mạnh trong lần mang thai tiếp theo. Nếu thai chết lưu do nguyên nhân về vấn đề nhiễm sắc thể của thai nhi hoặc dây rốn thì khả năng thai lưu xảy ra lần sau là rất nhỏ. Nếu nguyên nhân là do bệnh mãn tính ở mẹ hoặc do rối loạn di truyền ở bố mẹ thì nguy cơ thai lưu ở những lần mang thai tiếp theo sẽ cao hơn.

thai luu la gi
Thai chết lưu là tình trạng thai nhi không phát triển sau tuần thứ 20 của thai kỳ

2. Nguyên nhân dẫn đến thai lưu

Khoảng một nửa trường hợp thai lưu không xác định rõ nguyên nhân. Các chuyên gia cho rằng những nguyên nhân dẫn đến thai lưu có thể bao gồm:

  • Dị tật bẩm sinh (có hoặc không có bất thường nhiễm sắc thể) của thai nhi.
  • Các vấn đề với dây rốn: dây rốn bị sa ra ngoài âm đạo, chặn nguồn cung cấp oxy trước khi em bé có thể tự thở. Hoặc dây rốn có thể thắt/quấn chặt quanh chi, cổ của em bé trước khi sinh, khiến bé không đủ oxy và các chất dinh dưỡng để duy trì sự sống.
  • Các vấn đề với nhau thai, chẳng hạn như nhau bong quá sớm khỏi thành tử cung.
  • Mẹ có mắc các bệnh lý nền như tiểu đường hoặc huyết áp cao, đặc biệt là huyết áp cao do mang thai hoặc tiền sản giật. Một số bệnh lý khác của mẹ cũng làm tăng nguy cơ thai lưu như lupus, bệnh lý tuyến giáp.
  • Thai chậm tăng trưởng trong tử cung (Intrauterine growth restriction – IUGR) khiến thai nhi có nguy cơ tử vong do thiếu dinh dưỡng.
  • Mẹ bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng.
  • Nhiễm trùng khi mang thai.
  • Mẹ có tiếp xúc với các tác nhân môi trường như thuốc trừ sâu hoặc carbon monoxide.
  • Mẹ bầu hoặc gia đình mẹ từng gặp tình trạng rối loạn đông máu, chẳng hạn như huyết khối, viêm tắc tĩnh mạch hoặc thuyên tắc phổi.
  • Mẹ bầu nghiện rượu hoặc hút thuốc lá, sử dụng ma tuý trong giai đoạn mang thai sẽ làm tăng nguy cơ thai lưu.
  • Chấn thương.

3. Ai có nguy cơ thai lưu

Bạn có thể có nguy cơ thai chết lưu cao hơn nếu có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào sau đây:

  • Từng gặp tình trạng thai lưu trước đây.
  • Lạm dụng rượu hoặc ma túy.
  • Hút thuốc.
  • Béo phì.
  • Dưới 15 tuổi hoặc trên 35 tuổi.
  • Mắc các bệnh lý như tiểu đường, nhiễm trùng, tiền sản giật, các bệnh lý tuyến giáp, bệnh lý tim mạch.
  • Không được chăm sóc thai sản tốt

4. Dấu hiệu thai lưu

Những dấu hiệu sau đây có thể cảnh báo thai chết lưu:

  • Chảy máu âm đạo hoặc dịch sẫm màu, đặc biệt là trong nửa sau của thai kỳ. Hãy trao đổi bác sĩ nếu gặp tình trạng này.
  • Không còn hiện tượng thai máy : Từ tuần thứ 20 của thai kỳ, mẹ đã có thể bắt đầu cảm nhận được những cử động của thai nhi, những cử động này được gọi là thai máy. Nếu một ngày mẹ không thấy em bé máy trong bụng mình nữa, rất có thể thai đã chết lưu.
  • Chiều cao tử cung không tăng, thậm chí giảm : Mỗi lần khám thai định kỳ, mẹ bầu sẽ được bác sĩ đo chiều cao tử cung, vì số đo này tương ứng với tuổi thai. Nếu chỉ số này không thay đổi hoặc giảm thì cần đánh giá sức khoẻ của thai nhi ngay lập tức.
  • Một số mẹ bầu có thể bị sốt, ơn lạnh hoặc đau vùng bụng dưới. Đây là những dấu hiệu có thể gặp khi thai chết lưu và nhiễm trùng.
  • Khi thăm khám bác sĩ không thể nghe thấy tiếng tim thai, không thấy hoạt động của thai và tim thai trên siêu âm.

5. Điều trị thai lưu

Sau khi được chẩn đoán thai lưu, tuỳ tình trạng của mẹ bầu mà bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Phụ nữ thường gặp tình trạng bị căng, tiết sữa sau khi thai được lấy ra ngoài.

Thai lưu bao giờ cũng gây ra những cảm xúc đau buồn và tội lỗi cho thai phụ. Do đó, gia đình, bác sĩ và chuyên gia tâm lý rất quan trọng để giúp người mẹ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

6. Ngăn ngừa tình trạng thai lưu

Rất nhiều những trường hợp thai chết lưu không rõ nguyên nhân, do đó, dự phòng thai chết lưu là một vấn đề khó khăn, phức tạp. Việc khám thai định kỳ là rất quan trọng, đặc biệt là trong những tuần cuối của thai kỳ, giúp thai phụ biết rõ tình trạng sức khoẻ của thai nhi. Nếu phát hiện có bất thường, bác sĩ có thể đề nghị người mẹ sinh sớm để ngăn ngừa thai chết lưu. 

Phụ nữ mang thai nên theo dõi chuyển động của em bé nhiều lần mỗi ngày, đặc biệt là sau tuần thứ 26, nếu em bé đạp hoặc ít cử động hơn, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Sau khi gặp tình trạng thai lưu, bạn có thể đợi một thời gian để cơ thể phục hồi trước khi mang thai lại. Một số phụ nữ mang thai trong 12 tháng đầu sau khi thai chết lưu có mức độ lo lắng và trầm cảm tăng cao (cả trong thời kỳ mang thai cho đến một năm sau khi sinh ra đứa trẻ khỏe mạnh).

Chăm sóc sức khỏe tốt trước khi mang thai và khám thai sớm, thường xuyên giúp bạn tăng cơ hội sinh con khỏe mạnh. 

Các phương pháp giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh:

  • Tập thể dục, ăn uống đầy đủ và bổ sung 400-800 microgam axit folic mỗi ngày, bắt đầu từ 1 đến 2 tháng trước khi mang thai.
  • Không uống rượu và hút thuốc khi chuẩn bị mang thai và trong suốt thai kỳ.
  • Chỉ dùng thuốc do bác sĩ kê đơn. Không bao giờ ngừng bất kỳ loại thuốc nào mà không thảo luận trước với bác sĩ.
  • Lái xe cẩn thận và thắt dây an toàn.
  • Lắp đặt một máy dò carbon monoxide trong nhà để ngăn ngừa ngộ độc carbon monoxide.
  • Tránh ngộ độc thực phẩm và các bệnh nhiễm trùng khác. Tránh xa thức ăn chế biến sẵn như thịt nguội và thức ăn nhanh hoặc đảm bảo rằng chúng đã được đun nóng kỹ lưỡng. Không ăn pho mát mềm chưa tiệt trùng, thực phẩm sống hoặc thịt nấu chưa chín.

Bác sĩ phụ sản khám & tư vấn

  • Phòng khám sản phụ khoa Marie Stopes Việt Nam.
  • ThS.BS. Trần Thị Kim Xuyến đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị trong lĩnh vực sản phụ khoa và hiện đang đảm nhiệm vị trí trưởng khoa Phụ Sản Bệnh viện Quốc tế City, TP.HCM.
  • BS. Trần Thiện Vĩnh Quân đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa. Hiện đang công tác tại Phòng Khám Đa Khoa Sài Gòn Healthcare.

Thăm khám thai định kỳ có thể giúp bác sĩ và mẹ bầu ngăn ngừa tình trạng thai lưu. Ngoài ra, mẹ nên thăm khám bác sĩ khi có bất cứ nghi ngờ gì.


Bài viết được tham khảo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước cùng tham vấn y khoa từ Bác sĩ Trần Bảo Ngọc. Bài viết mang tính chất tham khảo và Docosan khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.