Những điều cần biết về tử cung đôi – Tử cung hai sừng

Khoảng 5% phụ nữ sinh ra có bất thường bẩm sinh của cơ quan sinh dục. Bất thường hình dạng tử cung được chia làm nhiều loại như: tử cung đôi, tử cung hai sừng, tử cung một sừng, tử cung có vách ngăn,… Cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này ngay trong bài viết dưới đây.

Tử cung đôi là gì?

Bình thường mỗi người phụ nữ chỉ có một âm đạo nối vào một cổ tử cung, một tử cung, hai vòi trứng và hai buồng trứng.

Trong quá trình phát triển của phôi thai, tử cung được tạo thành từ sự hợp nhất của hai ống nhỏ gọi là ống Mullerian.

Nếu quá trình hợp nhất của hai ống này này bị bất thường thì các trẻ gái sinh ra sẽ có dị dạng tử cung, một trong số đó là tử cung đôi, tử cung hai sừng, tử cung có vách ngăn, tuy nhiên trẻ gái đó vẫn chỉ có hai vòi trứng và hai buồng trứng.

Vậy tử cung đôi – hai sừng là một dị tật bẩm sinh của phụ nữ xuất hiện từ khi còn là thai nhi ở trong bụng mẹ.

tử cung đôi
Tử cung đôi thường đi kèm với hai cổ tử cung riêng biệt và hai âm đạo

Tử cung đôi thường đi kèm với hai cổ tử cung riêng biệt và hai âm đạo. Còn tử cung hai sừng là tử cung có khuyến ở giữa, hình dạng như “trái tim”, chỉ có một chung một cổ tử cung và một âm đạo.

Triệu chứng tử cung đôi – tử cung hai sừng

Các trường hợp tử cung đôi, tử cung hai sừng thường không có triệu chứng gì. Những trường hợp được phát hiện thường do đi khám phụ khoa hoặc siêu âm bụng vô tình phát hiện.

tử cung đôi
Các trường hợp tử cung đôi không có triệu chứng gì nếu không tiến hành siêu âm vùng bụng

Một số trường hợp phụ nữ bị hiếm muộn, hoặc sẩy thai liên tiếp đi tìm nguyên nhân thì được chẩn đoán ra là tử cung đôi, tử cung hai sừng.

Có trường hợp chị em dùng tampon hoặc cốc nguyệt san khi đến ngày đèn đỏ nhưng máu vẫn chảy ra dù cho bạn đã dùng đúng như hướng dẫn.

Nếu bạn thấy bất thường như trên thì nên đi khám để xem mình có tử cung đôi hoặc đơn giản chỉ là âm đạo có vách ngăn dọc khiến máu vẫn chảy ra từ âm đạo còn lại.

Chẩn đoán tử cung đôi – tử cung hai sừng

Một điều chắc chắn là bạn không thể tự chẩn đoán tử cung đôi khi nó không hề có biểu hiện gì ra bên ngoài.

Các em bé gái đã có tử cung đôi, hai sừng từ khi sinh ra nhưng thường đến độ tuổi sinh sản mới được phát hiện do đi khám định kỳ hoặc có vấn đề về sản khoa thì mới vô tình phát hiện.

Đầu tiên, bác sĩ có thể sẽ khám thấy có vách ngăn âm đạo hoặc hai cổ tử cung, sau đó bạn sẽ được đi làm một số xét nghiệm như siêu âm bụng, chụp X-quang vòi trứng cản quang (HSG) hoặc chụp MRI bụng để chẩn đoán xác định.

Điều trị chủ yếu là không can thiệp gì, một số trường hợp hiếm muộn do tử cung có vách ngăn (khác với tử cung đôi) thì có thể phẫu thuật cắt vách ngăn để tăng cơ hội có thai.

tử cung đôi
Hình siêu âm tử cung đôi

Tử cung đôi – tử cung hai sừng có lợi hay hại?

Nhiều phụ nữ có tử cung đôi vẫn có đời sống tình dục bình thường, vẫn có thể mang thai và sinh con từ cả hai tử cung. Tuy nhiên, tử cung đôi không tăng khả năng có thai mà ngược lại còn có thể gây hiếm muộn vì phôi khó làm tổ hơn.

tử cung đôi
Phụ nữ có tử cung đôi vẫn có đời sống tình dục bình thường, vẫn có thể mang thai và sinh con từ cả hai tử cung

Các dạng bất thường của tử cung nói chung thường gặp bất lợi nhiều hơn có lợi, một trong số đó là:

  • Sẩy thai sớm, sẩy thai liên tiếp nhiều lần.
  • Sanh non.
  • Vỡ ối sớm.
  • Nguy cơ vỡ tử cung khi thai lớn.
  • Ngôi thai bất thường: ngôi mông, ngôi ngang
  • Hiếm muộn.
  • Bất thường thận đi kèm.

Phụ nữ có tử cung đôi hoặc tử cung bất thường mang thai cũng sẽ được theo dõi thai kỳ kỹ hơn vì nhiều nguy cơ cho thai kỳ có thể xảy ra đã nêu trên. Đặt vòng nâng cổ tử cung hoặc mổ lấy thai chủ động có thể được bác sĩ Sản khoa xem xét để dự phòng các kết cục bất lợi có thể xảy ra.

Đặt hẹn thăm khám với các bác sĩ phụ khoa giỏi tại Docosan ngay:

Hi vọng qua bài viết ngắn trên có thể giúp các chị em phụ nữ có tử cung 2 sừng hoặc tử cung đôi giải tỏa các thắc mắc và hiểu biết hơn về bất thường này.

  • Markham SM, Waterhouse TB: Structural anomalies of the reproductive tract. Curr Opin Obstet Gynecol 1992;4(6):867–873.
  • MÜLLERIAN ABNORMALITIES, Williams Obstetrics (24th edition), p39-42 – Mayoclinic