Bệnh ung thư phổi có lây không là câu hỏi ngày càng nhiều người đặt ra. Vì bệnh này gây ra ho nhiều dẫn đến những người xung quanh lo sợ sẽ lây lan mầm bệnh. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Bài viết dưới đây của Docosan sẽ giúp bạn rõ việc bệnh ung thư phổi có lây không.
Tóm tắt nội dung
Bệnh ung thư phổi là gì?
Bệnh ung thư phổi là căn bệnh do khối u ác tính xuất hiện qua sự tăng sinh tế bào không thể kiểm soát trong các mô phổi. Nếu người bệnh không được điều trị đúng đắn và kịp thời, sự tăng sinh sẽ làm khối u lan ra ngoài phổi đến các mô hoặc bộ phận khác của cơ thể, quá trình này gọi là di căn.
Ung thư phổi được phân chia thành hai loại chính là
- Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC).
- Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC).
Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và chiếm tỷ lệ khoảng 12% tổng số ung thư trên toàn thế giới. Bệnh ngày càng có xu hướng gia tăng và gặp ở những người trẻ tuổi nhiều hơn.
Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư phổi?
Bệnh ung thư phổi bởi những nguyên nhân sau:
Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. 90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá. Theo nhiều nghiên cứu, người đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong 20 năm có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20 lần hơn người không hút.
Môi trường làm việc cũng là yếu tố cũng dễ tác động gây bệnh ung thư phổi. Khói, bụi trong quá trình luyện thép, ni-ken, crôm và khí than gây ra nguy cơ cao bị ung thư phổi.
Tiếp xúc với tia phóng xạ có khả năng mắc các bệnh ung thư. Những công nhân mỏ uranium, fluorspar và ha-ma-tit có nguy cơ mắc ung thư phổi tiếp xúc với tia phóng xạ do không khí có chứa khi radon.
Triệu chứng của bệnh ung thư phổi
Những triệu chứng ung thư phổi thường gặp gồm:
- Ho kéo dài không khỏi, có đờm lẫn máu
- Khó thở, thở ngắn.
- Đau ngực.
Tùy theo từng giai đoạn của bệnh, ở giai đoạn sớm bệnh nhân thường chỉ ho, mệt mỏi và sụt cân. Ở những giai đoạn tiến triển sau của ung thư phổi, người bệnh có thể bị gầy sút nghiêm trọng, khàn giọng, khó nuốt, khó thở, đau nhức xương khớp,…
Bệnh ung thư phổi có nguy hiểm không?
Ung thư phổi là căn bệnh ác tính rất nguy hiểm bởi:
- Khó phát hiện ở giai đoạn sớm: Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng không rõ ràng và rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp thông thường khác như cảm cúm, viêm họng.
- Khó điều trị hiệu quả: Bệnh nhân được phát hiện chủ yếu ở giai đoạn muộn nên điều trị gặp rất nhiều khó khăn.
- Bệnh diễn tiến nhanh: mức độ phát triển của ung thư là rất nhanh. Đặc biệt với ung thư phổi tế bào nhỏ, do đó thời gian di căn là vô cùng ngắn.
- Dễ tái phát sau phẫu thuật: Rất khó loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư bằng biện pháp phẫu thuật là vô cùng khó khăn, và nguy cơ tái phát rất cao.
- Các yếu tố nguy cơ ngày càng gia tăng: Với sự phát triển của công nghiệp ngày càng tăng, việc phơi nhiễm với khói bui thường xuyên càng làm gia tăng khả năng mắc và tái phát ung thư phổi.
Nhìn chung, ung thư phổi là bệnh ác tính nguy hiểm. Một bệnh nhân nếu được phát hiện ung thư phổi tế bào nhỏ mà không được điều trị thì tiên lượng sống được khoảng từ 12 đến 15 tuần, còn khi ở giai đoạn muộn rồi thì chỉ sống được 6 đến 9 tuần.
Bệnh ung thư phổi có lây không?
Ung thư phổi có lây không là thắc mắc của rất nhiều người, đặc biệt đối với những gia đình có người mắc ung thư phổi. Người bệnh bị ho liên tục, ho dữ dội làm nhiều người xung quanh lo sợ có thể bị lây bệnh thông qua không khí, giọt bắn hoặc sinh hoạt hàng ngày.
Tuy nhiên, ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng là bệnh do tế bào trong cơ thể đột biến và tăng sinh, không phải do vi rút, vi khuẩn gây ra nên bệnh không có khả năng lây nhiễm. Như vậy, bệnh ung thư phổi không lây từ người này sang người khác.
Bệnh nhân ung thư phổi không phải là nguồn lây nhiễm, không có khả năng truyền bệnh ra môi trường xung quanh và không có khả năng lây cho người xung quanh. Tất cả các thông tin ung thư phổi có thể lây đều sai sự thật.
Chính vì vậy. mọi người không nên lo lắng về việc lây nhiễm. Người bệnh ung thư phổi luôn cần sự quan tâm, chăm sóc cũng như chia sẻ để có thêm nhiều động lực chống chọi với tình trạng bệnh tình.
Cách phòng tránh ung thư phổi
Ung thư phổi là bệnh có tỷ lệ mắc phải cao, tuy nhiên, nếu chúng ta biết cách phòng tránh thì có thể giảm thiểu khả năng mắc bệnh đi rất nhiều. Để làm được điều đó, bạn cần thay đổi lối sống của bản thân và gia đình trở nên khoa học và lành mạnh.
Tuyệt đối tránh xa các chất có hại, đặt biệt là thuốc lá – nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh ung thư phổi.
Hạn chế làm việc và sinh hoạt trong môi trường có nguy cơ cao mắc bệnh như khói bụi từ các khu công nghiệp, khu mỏ phóng xạ. Nếu phải làm việc, bạn cần có thiết bị bảo hộ đạt tiêu chuẩn.
Ngoài ra, bạn nên tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể như: các loại rau củ quả, nước trà xanh…
Khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Nếu đang mắc bệnh ở giai đoạn sớm, bạn có thể được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc này góp phần không nhỏ vào việc điều trị và cải thiện tiên lượng sống cho bệnh nhân.
Tóm lại, bệnh ung thư phổi có lây không? Bệnh hoàn toàn không lây dù bạn tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Tuy nhiên, đây là một bệnh ác tính nguy hiểm, bạn cần hiểu về bệnh để có thể phòng tránh cũng như bảo vệ sức khỏe cho bạn thân và gia đình.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.