Áp xe phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Áp xe phổi là một tình trạng bệnh lý thuộc chuyên khoa Hô hấp. Bệnh do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng khiến nhu mô phổi nhiễm trùng và hoại tử, hình thành các ổ áp xe chứa mủ. Áp xe phổi có thể gây nguy hiểm nếu như không được điều trị kịp thời. Cùng Docosan tìm hiểu thêm triệu chứng và phương pháp điều trị bệnh áp xe phổi hiện nay.

Áp xe phổi là gì?

Áp xe phổi (tên tiếng Anh là Lung Abscess) là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn xảy ra trong nhu mô phổi. Nhiễm trùng khiến mô chết và mủ đọng lại trong khoảng không gian ở mô phổi. Bệnh có thể khó điều trị và có khả năng cao đe dọa tính mạng của người bệnh.

áp xe phổi
Ảnh chụp X-quang phổi bị áp xe

Nguyên nhân của áp xe phổi

Nguyên nhân của áp xe phổi khiến bệnh được phân chia thành loại: áp xe phổi nguyên phát và áp xe phổi thứ phát.

Áp xe phổi nguyên phát

Áp xe phổi nguyên phát xuất phát từ việc phổi bị nhiễm trùng. Viêm phổi hít hình thành sau khi thức ăn hay dịch tiết từ miệng, dạ dày hoặc các xoang đi vào trong phổi thay vì đi xuống thực quản. Đây là nguyên nhân rất thường gặp gây áp xe phổi nguyên phát.

Việc hít phải thức ăn thường gặp ở những người bị say hoặc bất tỉnh. Chất hít vào thường làm tổn thương nhu mô phổi do có nhiều vi khuẩn, bất kể là vi khuẩn viêm nhiễm từ môi trường ngoài hay vi khuẩn thường trú ở miệng, đường hô hấp hay dạ dày.

Nghiện rượu cũng là một nguyên nhân phổ biến khiến cho người bệnh bị áp xe phổi. Những người nghiện rượu thường dễ nôn ói và mất ý thức. Do đó, họ dễ hit phải chất nôn và vi khuẩn từ dạ dày, dẫn đến viêm phổi. Bên cạnh đó, những người nghiện rượu có hệ miễn dịch yếu do tình trạng sức khoẻ và dinh dưỡng bất thường, càng tạo điều kiện cho viêm nhiễm phát triển.

Áp xe phổi thứ phát

Nguyên nhân của áp xe phổi thứ phát bao gồm những lý do không bắt nguồn từ việc viêm nhiễm ở nhu mô phổi. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là: tắc nghẽn các đường dẫn khí lớn ở trong phổi , hoặc các bệnh lý ở phổi mà người bệnh đang mắc phải hay tình trạng viêm nhiễm từ cơ quan khác lây lan qua cho phổi.

Triệu chứng của áp xe phổi

Triệu chứng đáng chú ý nhất của áp xe phổi là ho có đàm. Đàm có thể có máu, mủ và có mùi hôi.

Các triệu chứng khác của áp xe phổi mà người bệnh có thể mắc phải bao gồm

  • Hơi thở bị hôi
  • Sốt cao hơn 38 độ C
  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Đổ mồ hôi trộm hoặc đổ mồ hôi vào ban đêm
  • Bị sụt cân
  • Cảm giác luôn mệt mỏi

Biến chứng của áp xe phổi?

Trong một số trường hợp hiếm hoi, áp xe phổi có thể bị vỡ. Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Các biến chứng tiềm ẩn sau khi điều trị áp xe bị vỡ hoặc phẫu thuật là:

  • Tràn mủ màng phổi: Mủ từ ổ áp xe tràn ra khoang màng phổi. Tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh và cần cấp cứu xử trí cho bệnh nhân
  • Lỗ rò phế quản màng phổi: Là sự xuất hiện bất thường của một đường thông ở các đường dẫn khí lớn của phổi và khoang màng phổi. Điều trị lỗ rò bằng phẫu thuật mở hoặc nội soi.
  • Chảy máu từ phổi hoặc thành ngực: Lượng máu có thể ít hoặc nhiều, cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
  • Nhiễm trùng lây lan sang các cơ quan khác của cơ thể: Sau khi rời khỏi phổi của người bệnh, vi khuẩn có thể lây lan và tạo ra ổ áp xe ở các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm cả não của bệnh nhân.

Chẩn đoán áp xe phổi

Để chẩn đoán áp xe phổi, trước tiên bác sĩ sẽ xem xét tiền sử y khoa của người bệnh, kể cả những lần phẫu thuật gần đây của bệnh nhân có gây mê. Nếu nghi ngờ có áp xe phổi, bác sĩ sẽ phân tích chất nhầy hoặc mủ trong đàm của bệnh nhân.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sử dụng phương pháp sau để chẩn đoán bệnh áp xe phổi:

  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp X-quang hoặc CT, để xem vị trí nhiễm trùng trong phổi và loại trừ các bệnh lý khác, chẳng hạn như ung thư hoặc khí phế thũng.
  • Đối với những trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể tiến hành thủ thuật lấy mẫu sinh thiết từ ổ áp xe để kiểm tra kỹ lưỡng hơn.

Nếu bác sĩ cho rằng một vật lạ đã xâm nhập vào phổi, phương pháp nội soi phế quản sẽ được sử dụng để kiểm tra một cách trực quan hơn.

Điều trị áp xe phổi như thế nào?

Áp xe phổi có thể được điều trị bằng những phương pháp sau:

  • Thuốc kháng sinh: Nguyên tắc là sử dụng kháng sinh sớm theo kháng sinh đồ và phối hợp từ 2 kháng sinh trở lên. Hầu hết mọi người được tiêm thuốc kháng sinh vào tĩnh mạch trong tối thiểu 4 tuần, có thể kéo dài hơn tuỳ diễn tiến của bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ có thể cho người bệnh chuyển sang sử dụng kháng sinh dạng uống. Sau khi sử dụng kháng sinh một thời gian, các bác sĩ sẽ kiểm tra bằng X-quang một lần nữa để đảm bảo rằng ổ áp xe không còn nữa.
  • Phương pháp dẫn lưu ổ áp xe: Có thể dẫn lưu tư thế, vỗ rung lồng ngực, nội soi phế quản hút mủ dẫn lưu hoặc chọc dẫn lưu mủ qua thành ngực đối với những ổ áp xe ngoại vi sát thành ngực.
  • Phẫu thuật: Đối với một số bệnh nhân, có thể cần phải sử dụng đế phương pháp phẫu thuật để loại bỏ một phần phổi bị áp xe. Phương pháp phẫu thuật cũng có thể giúp loại bỏ dị vật ở bên trong phổi của người bệnh.
  • Ngoài ra cần đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân và điều trị các triệu chứng đi kèm như đau, sốt.

Chú ý: những phương pháp điều trị trên chỉ mang tính chất tham khảo, tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ dụng phương pháp phù hợp nhất đối với người bệnh.

Một số bác sĩ có thể khám và điều trị áp xe phổi

  • Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Khắc Bảo, 20 năm kinh nghiệm, Quận 10, Hồ Chí Minh.
  • Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Chân Phương, 15 năm kinh nghiệm, Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Hồng Anh, hơn 20 năm kinh nghiệm, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết luận

Áp xe phổi là một bệnh lý nguy hiểm, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh. Do đó, khi cảm thấy bản thân có những triệu chứng bất thường, người bệnh cần tìm đến các bác sĩ hô hấp gần nhất để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: Healthline.com, Webmd.com