Viêm phế quản là bệnh lý đường hô hấp phổ biến ở trẻ em. Nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách, bệnh có thể diễn tiến nặng hơn và dẫn đến viêm phổi. Vậy bố mẹ cần chăm sóc trẻ bị viêm phế quản tại nhà như thế nào? Hãy cùng tham khảo thông tin qua bài viết dưới đây cùng Docosan nhé!
Tóm tắt nội dung
Nguyên nhân và dấu hiệu viêm phế quản ở trẻ

Nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm phế quản ở trẻ. Virus, vi khuẩn là những tác nhân gây bệnh hàng đầu. Bên cạnh đó, trẻ còn có thể bị cảm cúm, cảm lạnh do các tác nhân môi trường, tác nhân dị ứng như khói, bụi, phấn hoa,… Trẻ có tiền sử hen suyễn, viêm mũi dị ứng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn khi tiếp xúc với các chất kích ứng.
Triệu chứng viêm phế quản ở trẻ rất điển hình và dễ nhận biết. Bố mẹ hãy theo dõi và đưa trẻ đến khám bác sĩ khi thấy con bị ho dai dẳng, khó thở, thở khò khè, đau tức ngực, mệt mỏi, sốt nhẹ.
Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị viêm phế quản cho cha mẹ
Cho trẻ uống nhiều nước ấm
Cách đơn giản nhất để hồi phục sức khỏe cho trẻ bị viêm phế quản chính là bổ sung đủ nước. Uống nhiều nước giúp giảm cơn đau họng và dễ khạc đờm, từ đó giúp trẻ thoải mái, hỗ trợ quá trình phục hồi. Ba mẹ có thể cho trẻ uống nước ấm, nước chanh ấm với mật ong hoặc ăn súp lỏng để bổ sung thêm nước cho trẻ.
Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn

Trẻ bị bệnh, đặc biệt là viêm phế quản cần được nghỉ ngơi nhiều hơn. Tuy nhiên, nghẹt mũi do viêm phế quản sẽ khiến trẻ khó thở và khó ngủ. Dưới đây là một số phương pháp giúp con bạn ngủ ngon hơn:
- Ngủ gối đầu cao: Ngủ với tư thế này giúp trẻ ngủ ngon, giảm ho vào ban đêm.
- Không gian ngủ thoải mái: Bạn nên chuẩn bị phòng ngủ sạch sẽ, yên tĩnh cho trẻ.
- Ngủ trưa: Giấc ngủ ngắn vào buổi trưa giúp trẻ hồi phục năng lượng, mau khỏi bệnh.
Làm sạch đường thở của trẻ
Trẻ viêm phế quản thường có triệu chứng nghẹt mũi và chảy nước mũi. Do vậy, bố mẹ nên vệ sinh mũi họng của trẻ bằng nước muối sinh lý hằng ngày nhằm rửa sạch các chất nhầy tiết ra từ xoang mũi. Đường thở thông thoáng, sạch sẽ giúp trẻ dễ thở, cải thiện triệu chứng và thoải mái. Tuy nhiên, không nên để trẻ sử dụng các loại thuốc xịt thông mũi trong 3 – 4 ngày liên tiếp vì dễ dẫn đến tình trạng lờn thuốc.
Chườm ấm và bổ sung độ ẩm cho đường hô hấp

Trong một số trường hợp, ho do viêm phế quản có thể gây đau tức ngực ở con trẻ. Chườm ấm lên ngực là một phương pháp hữu hiệu giúp giãn cơ ngực và giảm đau do ho. Bạn nên sử dụng khăn ấm hoặc miếng đệm sưởi chườm lên ngực trong vòng 15 – 20 phút nhiều lần trong ngày để giảm đau. Đặc biệt, bạn nên đảm bảo khăn chườm không quá nóng do điều này có thể gây bỏng cho trẻ.
Tăng độ ẩm không khí sẽ giúp làm loãng chất nhầy, dễ thở, từ đó cải thiện triệu chứng viêm phế quản. Bố mẹ có thể tăng độ ẩm không khí bằng cách cho trẻ tắm bằng nước nóng hoặc sử dụng máy phun sương tạo độ ẩm cho không khí xung quanh.
Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ

Chế độ ăn uống hỗ trợ rất nhiều đến quá trình hồi phục của trẻ. Bạn nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm đa dạng các nhóm dinh dưỡng, khoáng chất và vitamin. Ngoài ra, trẻ bị viêm phế quản nên ăn thức ăn nấu nhừ, mềm, dạng lỏng như cháo, súp để tránh bị sặc, ho, đồng thời hỗ trợ làm loãng đàm nhớt.
Xây dựng lối sống lành mạnh cho trẻ
Để bệnh viêm phế quản mau khỏi, phụ huynh nên tập cho trẻ thói quen ngủ sớm, ngủ đủ giấc và vận động, rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên. Lối sống lành mạnh là yếu tố then chốt tăng khả năng đề kháng của cơ thể, giúp cơ thể chống chọi lại bệnh tật.
Cẩn trọng khi cho trẻ sử dụng thuốc không kê đơn
Bố mẹ có thể dễ dàng tìm mua các thuốc hạ sốt, giảm đau do viêm phế quản như acetaminophen hay ibuprofen. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý cho trẻ uống thuốc đúng cách và đúng liều lượng ghi trên nhãn để đem lại hiệu quả điều trị tối ưu, tránh tác dụng phụ.
Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng vì mỗi loại thuốc sẽ có liều lượng khác nhau tùy thuộc theo tuổi, tình trạng của từng trẻ.
Vệ sinh khu vực sống

Môi trường sống hay các yếu tố gây dị ứng chính là một trong những nguyên nhân gây viêm phế quản. Do vậy, bạn cần vệ sinh nhà cửa thật kỹ, tránh để trẻ tiếp xúc với khói, bụi, lông chó mèo, bụi phấn hoa,… Nhằm bảo vệ mũi họng cho con trẻ, phụ huynh nên khuyến khích con đeo khẩu trang hoặc sử dụng máy lọc không khí, thẻ lọc không khí để kiểm soát chất lượng không khí hít vào.
Thẻ lọc không khí và khử mùi ion e air Card Plus là giải pháp bảo vệ sức khỏe gia đình toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Ion e air Card Plus là sản phẩm nhỏ gọn, tiện dụng, hoạt động 24/7, có thể đeo gần miệng, cổ hoặc treo trên túi áo, ô tô,…
Sản phẩm có hai hiệu ứng lọc không khí là bao bọc và loại bỏ bụi giúp cải thiện chất lượng không khí, phòng ngừa tình trạng viêm phế quản và viêm phế quản tái phát ở trẻ.
Phòng bệnh viêm phế quản ở trẻ
Chủ động phòng ngừa viêm phế quản là phương pháp hiệu quả giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ, tránh nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Một số biện pháp phòng bệnh bố mẹ có thể tham khảo:
- Tránh khói thuốc lá: Bạn cần đảm bảo không để trẻ không tiếp xúc với khói thuốc lá. Khói thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính gây viêm phế quản và các bệnh về đường hô hấp khác.
- Vệ sinh thường xuyên: Phụ huynh nên khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên để tránh hít phái virus, vi khuẩn trong môi trường và tập che miệng khi ho, hắt hơi.
- Tiêm vaccine: Từ khi trẻ còn nhỏ, bố mẹ nên chủ động đưa con đi tiêm các loại vaccine phòng ngừa bệnh gây viêm phế quản như cúm, ho gà, phế cầu,…
- Lối sống lành mạnh: Trẻ cần được tập thói quen ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, ngủ sớm để tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Các câu hỏi thường gặp
Mật ong có giúp cải thiện tình trạng viêm phế quản không?

Mật ong có thể giúp cải thiện tình trạng viêm phế quản ở trẻ. Đây là phương pháp hỗ trợ điều trị viêm phế quản tại nhà đơn giản, lành tính, giúp làm dịu cơn đau họng và ngăn ngừa ho ở trẻ em trên 1 tuổi.
Viêm phế quản ở trẻ bao lâu thì khỏi?
Viêm phế quản ở trẻ sẽ khỏi sau 2 – 3 tuần nếu bệnh được phát hiện kịp thời, điều trị đúng cách và trẻ đáp ứng tốt. Tuy nhiên, thời gian lành bệnh có thể kéo dài hơn nếu trẻ mắc viêm phế quản có biến chứng. Vì vậy, bố mẹ cần theo dõi sức khỏe của trẻ thường xuyên và đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi có dấu hiệu.
Dấu hiệu trẻ bị viêm phế quản cần gặp bác sĩ là gì?
Sau khi đã áp dụng các biện pháp chăm sóc viêm phế quản tại nhà mà không hiệu quả, bạn cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám. Trẻ cần đến bệnh viện khi có dấu hiệu sau:
- Ho dai dẳng và nặng hơn.
- Sốt cao.
- Khó thở.
- Mệt mỏi, suy nhược.
- Chán ăn.
- Đau ngực kéo dài.
- Da, môi xanh xao.
- Nôn liên tục.
- Sưng mặt, cổ.
- Có hành vi bất thường, lú lẫn.
Bài viết đã cung cấp thông tin chi tiết về cách chăm sóc trẻ bị viêm phế quản tại nhà. Đây là căn bệnh có thể tự khỏi sau thời gian ngắn nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách. Vì vậy Docosan mong rằng quý phụ huynh hãy thực hành thật tốt các biện pháp chăm sóc để bảo vệ sức khỏe của con, giúp con mau chóng khỏi bệnh.
Xem thêm:
- Nguyên nhân gây ra khạc đờm ra máu và cách điều trị
- Nguyên nhân khiến cổ họng có đờm và cách loại bỏ hiệu quả
- Dị ứng lông mèo: 10 triệu chứng thường gặp và cách điều trị
Tài liệu tham khảo:
1. 6 Home Remedies for Bronchitis in Children and When to Seek Help from Primary Care Doctor in Norwalk, CT
- Link tham khảo: https://docsmedicalgroup.com/docsurgentcare/6-home-remedies-for-bronchitis-in-children-and-when-to-seek-help-from-primary-care-doctor-in-norwalk-ct/
- Ngày tham khảo: 06/03/2025
2. Battling Bronchitis? Try These Home Remedies
- Link tham khảo: https://health.clevelandclinic.org/bronchitis-home-remedies
- Ngày tham khảo: 06/03/2025