Giãn phế quản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Giãn phế quản là một bệnh lý thuộc chuyên khoa hô hấp. Bệnh gây tổn thương trực tiếp đến phế quản, đường dẫn khí trong phổi, có thể dẫn tới nhiều biến chứng đáng lo ngại. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về triệu chứng và các cách điều trị giãn phế quản trong y học hiện nay.

Giãn phế quản là gì?

Giãn phế quản là tình trạng tăng kích thước phế quản liên tục và không hồi phục của một hoặc nhiều phế quản có đường kính trên 2mm. Sự giãn nở này gây khó khăn cho việc đưa những chất tiết (đàm, chất nhầy) từ đường hô hấp ra ngoài. Những chất tiết ứ đọng tạo điều kiện cho sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn, dẫn đến tình trạng viêm.

Khi đó, bề mặt bên trong của phế quản (thành phế quản) sẽ dày lên theo thời gian do viêm nhiễm hình thành mô sẹo xơ. Bên cạnh đó, các thành phế quản khi trở nên dày hơn cũng sẽ làm cho chất nhầy đọng lại nhiều hơn vì chúng không đủ khả năng để tống xuất chất nhầy di chuyển ra khỏi phổi.

Ngoài ra, khi thành phế quản viêm, các lông mao (có chức năng giúp chất nhờn di chuyển dễ dàng hơn trong phế quản) bị phá hủy. Như vậy, người bệnh dễ bị nhiễm trùng và khiến cho bệnh nhân khó thở hơn.

Hình ảnh mô phỏng tình trạng giãn phế quản

Nguyên nhân của giãn phế quản

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giãn phế quản, trong đó có bệnh xơ nang, một bệnh lý di truyền dẫn đến nhiễm trùng phổi lâu dài và giảm khả năng hô hấp của bệnh nhân. Bệnh xơ nang nếu không được điều trị kịp thời, các triệu chứng sẽ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng dẫn đến tình trạng giãn phế quản là:

  • Nhiễm trùng phổi (hay còn gọi là viêm phổi) gây tổn thương đường dẫn khí
  • Các bệnh di truyền như rối loạn vận động lông chuyển nguyên phát hoặc thiếu enzyme alpha-1 antitrypsin dẫn đến việc lông mao mọc bất thường
  • Hệ thống miễn dịch gặp vấn đề cũng khiến cho người bệnh dễ bị viêm nhiễm
  • Bệnh lao, bệnh sởi cũng có thể gây nên tình trạng giãn phế quản ở trẻ em.
  • Nhiễm nấm Asprgillus phế quản phổi dị ứng (ABPA)
  • Viêm phổi hít (hít phải các chất trào ngược từ đường tiêu hoá như thức ăn hoặc acid dạ dày)
  • Các bệnh khác như : viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjogren, bệnh Crohn
  • Tắc nghẽn đường dẫn khí do khối u hoặc dị vật đường thởthở

Một số trường hợp bệnh nhân bị giãn phế quản nhưng không xác định được nguyên nhân cụ thể, gọi là giãn phế quản nguyên phát.

Triệu chứng của giãn phế quản

Một số triệu chứng thường thấy của bệnh giãn phế quản là:

  • Ho ra đàm nhiều
  • Ho ra đàm có lẫn máu
  • Cảm thấy đau tức ngực vì khó thở
  • Thở khò khè
  • Móng tay khum
  • Cân nặng bị giảm sút trầm trọng

Bên cạnh đó, các triệu chứng có thể thấy ở bện nhân bị giãn phế quản cấp là:

  • Người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi
  • Sốt và/hoặc ớn lạnh
  • Tình trạng khó thở trở nên trầm trọng hơn
  • Thường xuất hiện tình trạng đổ mồ hôi đêm

Chẩn đoán bệnh giãn phế quản

Bác sĩ có thể nghĩ bệnh nhân bị giãn phế quản dựa vào diễn biến ho khạc đàm kéo dài, ho ra máu tái phát hoặc quan sát đặc điểm móng tay khum của bệnh nhân.

Sau đó, các phương pháp chẩn đoán chính xác giãn phế quản, cũng như tìm được nguyên nhân và đánh giá mức độ của bệnh, có thể được các bác sĩ áp dụng là:

  • Chụp CT ngực hoặc chụp X-quang, các xét nghiệm này sẽ giúp các bác sĩ biết được tình trạng của phổi.
  • Xét nghiệm máu và cấy đờm để tìm xem có tình trạng nhiễm trùng hay không.
  • Đánh giá chức năng phổi để xác định khả năng hoạt động của phổi như thế nào
  • Nội soi phế quản cũng là một phương pháp để quan sát trực tiếp tổn thương ở phổi nếu có. Trong trường hợp tắc nghẽn do dị vật, nội soi phế quản cũng có thể tìm và loại bỏ dị vật làm tắc nghẽn đường thở. Phương pháp này cũng có thể được sử dụng để loại bỏ chất nhầy ở trong phổi.

Điều trị giãn phế quản

Hiện nay, các bác sĩ chưa thể điều trị dứt điểm bệnh giãn phế quản. Mục tiêu của các phương pháp điều trị chính là giảm nhẹ và kiểm soát các triệu chứng của bệnh.

Nếu nguyên nhân gây bệnh là do suy giảm hệ miễn dịch hoặc bệnh nhiễm nấm Aspergillus phế quản phổi dị ứng (ABPA), bác sĩ sẽ tập trung chữa trị tình trạng này trước tiên.

Các bác sĩ có thể điều trị giãn phế quản bằng cách kê đơn thuốc cho bệnh nhân. Một số loại thuốc có thể được các bác sĩ chỉ định là:

  • Thuốc kháng sinh: loại thuốc được sử dụng điều trị tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn.
  • Thuốc nhóm Macrolide: loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm nhiễm cùng một lúc.
  • Các loại thuốc khác nhằm loại bỏ chất nhầy do phổi tiết ra

Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng những thiết bị hỗ trợ để làm loãng dịch nhầy và giúp bệnh nhân ho tống dịch ra ngoài, hoặc các phương pháp vật lý trị liệu nhằm đẩy chất nhầy ra khỏi cơ thể.

Chú ý: những phương pháp điều trị trên chỉ mang tính chất tham khảo, tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ dụng phương pháp phù hợp nhất đối với người bệnh.

Bác sĩ có thể khám và điều trị bệnh giãn phế quản

  • Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Khắc Bảo, 20 năm kinh nghiệm, Quận 10, Hồ Chí Minh.
  • Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Chân Phương, 15 năm kinh nghiệm, Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Hồng Anh, hơn 20 năm kinh nghiệm, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết luận

Giãn phế quản là một căn bệnh không nên xem thường. Do đó, khi nhận thấy các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh, người bệnh cần phải tìm đến các bác sĩ hô hấp gần nhất để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.



Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: Cleverlandclinic.org, NHS.uk