Suy hô hấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Suy hô hấp là một tình trạng thuộc chuyên khoa Hô hấp, ảnh hưởng đến chức năng của phổi. Vậy suy hô hấp là gì? Nguyên nhân và triệu chứng ra sao? Cách điều trị như thế nào? Hãy cùng Docosan theo dõi bài viết dưới đây.

Suy hô hấp là gì?

suy hô hấp cấp
Suy hô hấp gây ảnh hưởng trực tiếp đến phổi của người bệnh

Suy hô hấp là tình trạng hệ hô hấp của người bệnh không đủ duy trì sự trao đổi khí theo nhu cầu của cơ thể, gây giảm oxy và/hoặc tăng carbon dioxide trong máu.

Khi thở, không khí đi vào trong phổi, oxy được khuếch tán qua phế nang và đi vào máu, sẽ được vận chuyển đến các cơ quan khác. Một vài cơ quan trong cơ thể sẽ cần một lượng máu dồi dào oxy để hoạt động tốt, chẳng hạn như tim và não.

Một vai trò khác của quá trình hô hấp là loại bỏ carbon dioxide khỏi máu và tống ra khỏi cơ thể. Khi tình trạng suy hô hấp xảy ra, cơ thể sẽ bị ứ đọng quá nhiều carbon dioxide trong máu, có thể gây hại cho các cơ quan trong cơ thể người bệnh.

Có hai dạng suy hô hấp là suy hô hấp cấp tính (hoặc gọi ngắn gọn là suy hô hấp cấp) và suy hô hấp mãn tính (gọi tắt là suy hô hấp mạn).

Nguyên nhân của tình trạng suy hô hấp

Nguyên nhân gây suy hô hấp chủ yếu đến từ các bệnh lý liên quan đến phổi. Những bệnh khác có thể ảnh hưởng đến cơ, dây thần kinh, xương hoặc các mô hỗ trợ hô hấp, cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của bệnh nhân. Những nguyên nhân có thể gây nên tình trạng suy hô hấp bao gồm:

  • Các bệnh ảnh hưởng đến phổi, chẳng hạn như COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính), xơ nang, viêm phổi, thuyên tắc phổi và COVID-19
  • Các bệnh lý ảnh hưởng đến các dây thần kinh và cơ kiểm soát hô hấp, chẳng hạn như bệnh xơ cứng teo cơ một bên (Amyotrophic lateral sclerosis – ALS), chứng loạn dưỡng cơ, chấn thương tủy sống và đột quỵ
  • Các vấn đề với cột sống, chẳng hạn như cong vẹo cột sống, có thể ảnh hưởng đến xương và cơ được sử dụng trong quá trình hô hấp.
  • Tổn thương các mô và xương sườn xung quanh phổi do chấn thương vùng ngực.
  • Sử dụng quá nhiều rượu bia và các chất kích thích cũng có thể gây nên tình trạng suy hô hấp
  • Hít phải khói hoặc hóa chất độc hại cũng gây suy hô hấp.

Các triệu chứng của suy hô hấp

Các triệu chứng của suy hô hấp phụ thuộc vào nguyên nhân và nồng độ oxy và carbon dioxide trong máu của người bệnh.

Nồng độ oxy trong máu thấp có thể gây ra khó thở và cảm giác ngộp thở. Da, môi và móng tay của người bệnh cũng có thể trở nên tím tái. Mức độ carbon dioxide cao có thể gây ra tình trạng thở nhanh và lơ mơ.

Khi tim và não không có đủ lượng oxy cần thiết, bệnh nhân cũng có thẻ cảm thấy luôn trong trạng thái buồn ngủ hoặc mất ý thức về mọi thứ xung quanh. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ bị rối loạn nhịp tim.

Chẩn đoán tình trạng suy hô hấp

Để chẩn đoán tình trạng suy hô hấp, các bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh lý của người bệnh. Sau đó, người bệnh sẽ được kiểm tra phổi, tim và màu của móng tay, môi,…

Các phương pháp chẩn đoán khác có thể được sử dụng như:

  • Đo oxy xung ký: Đánh giá lượng oxy trong máu của người bệnh bằng một thiết bị kẹp ở đầu ngón tay bệnh nhân.
  • Xét nghiệm khí máu động mạch: Đo nồng độ oxy và carbon dioxide trong máu của người bệnh, thường lấy máu ở động mạch vùng cổ tay của bệnh nhân.
  • Chụp X-quang và điện tâm đồ: Được chỉ định để các bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Điều trị suy hô hấp như thế nào?

Phương pháp điều trị suy hô hấp được các bác sĩ áp dụng tùy thuộc vào loại suy hô hấp mà người bệnh mắc phải (cấp tính hoặc mãn tính), tình trạng bệnh và nguyên nhân gây bệnh.

Những trường hợp suy hô hấp cấp tính thì người bệnh cần được cấp cứu càng sớm càng tốt. Suy hô hấp mãn tính thường có thể được điều trị tại nhà. Nhưng nếu tình trạng mãn tính tiến triển nặng nề, người bệnh có thể cần phải được điều trị tại bệnh viện.

Một trong những mục tiêu chính của việc điều trị là đưa oxy vào phổi để đến các cơ quan khác và loại bỏ carbon dioxide ra khỏi cơ thể. Kế đến, điều trị dứt điểm nguyên nhân gây bệnh cũng sẽ được các bác sĩ ưu tiên. Các phương pháp điều trị có thể được áp dụng bao gồm:

  • Liệu pháp oxy: Nhằm bổ sung thêm lượng oxy cần thiết cho người bệnh.
  • Phẫu thuật mở khí quản: Nhằm lắp đặt thiết bị hỗ trợ khả năng hô hấp của người bệnh vào khí quản thông qua một lỗ nhỏ được phẫu thuật ở mặt trước cổ.
  • Thông khí nhân tạo: Máy thở được sử dụng nhằm cung cấp không khí cho người bệnh. Bên cạnh đó, thiết bị này còn có thể loại bỏ carbon dioxide ra bên ngoài.
  • Ngoài ra, một số thuốc và các phương pháp khác cũng sẽ được các bác sĩ áp dụng để điều trị nguyên nhân gây bệnh.

Chú ý: những phương pháp điều trị trên chỉ mang tính chất tham khảo, tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ dụng phương pháp phù hợp nhất đối với người bệnh.

Một số bác sĩ có thể khám và điều trị suy hô hấp

  • Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Khắc Bảo, 20 năm kinh nghiệm, Quận 10, Hồ Chí Minh.
  • Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Chân Phương, 15 năm kinh nghiệm, Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Hồng Anh, hơn 20 năm kinh nghiệm, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết luận

Suy hô hấp là một tình trạng bệnh nguy hiểm, người bệnh không nên xem thường. Khi cảm thấy bản thân có những dấu hiệu, triệu chứng bất thường, người bệnh cần tìm đến các bác sĩ hô hấp gần nhất để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: Medlineplus.gov