Nhóm máu hiếm và những thông tin cần biết

Nhóm máu hiếm là nhóm máu như thế nào? Trước nay có thể bạn đã nghe về nhóm máu A, B, AB, O trong chương trình học phổ thông. Nhưng bên cạnh đó còn có một hệ thống nhóm máu Rhesus quan trọng không kém sau hệ thống ABO góp phần cấu thành nên sự đa dạng nhóm máu ở người. Nhóm máu hiếm là một trong những lĩnh vực nghiên cứu quan trọng trong chuyên ngành Huyết học. Cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Đặc điểm nhóm máu ở người

Máu người chứa các tế bào hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể. Ngoài ra máu còn chứa các tế bào bạch cầu giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng và tiểu cầu hỗ trợ qua trình đông máu. Không những vậy, máu còn chứa các kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu và kháng thể hồng cầu lưu hành trong máu. Thật ra hệ thống nhóm máu rất phức tạp lên tới 33 hệ thống, nhưng thực tế chỉ có hai hệ nhóm máu quan trọng nhất là hệ ABO và hệ Rhesus được sử dụng. Sự kết hợp giữa 2 hệ thống này sẽ tạo nên những nhóm máu hiếm.

Hai hệ thống nhóm máu ABO và Rhesus kết hợp với nhau tạo thành 8 nhóm máu cơ bản bao gồm vài nhóm máu hiếm mà hầu hết chúng ta đều biết rõ. Nhóm máu được xác định bởi di truyền qua việc thừa hưởng gen từ bố mẹ – một gen từ mẹ và một gen từ bố – để tạo ra một cặp.

nhóm máu hiếm
Hiện nay có 8 nhóm máu chính ở người dựa theo hệ thống phân loại ABO và Rh

Hệ thống ABO

Khi nói đến hệ thống nhóm máu ABO, chúng ta phân thành 4 loại chính là nhóm máu A, nhóm máu B, nhóm máu AB và nhóm máu O. Ví dụ sau đây có thể giúp bạn hiểu hơn về hệ thống nhóm máu ABO. Cha mẹ đều có nhóm máu AO có thể đồng thời truyền kháng nguyên O cho con của họ, tạo ra máu OO. Sáu trong số các tổ hợp này (AA, AB, BB, AO, BO, OO) được gọi là kiểu gen. Bốn nhóm máu (A, B, AB và O) bắt nguồn từ các kiểu gen này.

  • Nhóm máu A: có kháng nguyên A trên màng hồng cầu, kháng thể Anti – B trong huyết thanh.
  • Nhóm máu B: có kháng nguyên B trên màng hồng cầu, kháng thể Anti – A trong huyết thanh.
  • Nhóm máu AB: có kháng nguyên A và B trên màng hồng cầu, không có Anti – A và Anti – B trong huyết thanh.
  • Nhóm máu O: không có kháng nguyên A & B trên màng hồng cầu, có đồng thời kháng thể Anti – A và Anti – B trong huyết thanh.

Hệ thống Rhesus (Rh)

Máu cũng được phân loại theo yếu tố Rh. Đây là 1 hệ thống gồm 13 kháng nguyên được tìm thấy trên màng hồng cầu trong đó quan trọng nhất là yếu tố D. Nếu các tế bào hồng cầu có kháng nguyên, chúng được coi là Rh dương tính, nếu không thì được coi là Rh âm tính. Tùy thuộc vào việc có kháng nguyên Rh hay không mà mỗi nhóm máu được gán một ký hiệu dương hoặc âm phía sau hệ thống ABO.

Các kháng thể hệ Rh không có sẵn trong máu, chỉ xuất hiện khi có sự tiếp xúc với kháng nguyên, vì vậy kháng thể hệ Rh được gọi là kháng thể miễn dịch. Kháng thể kháng Rh dương không có sẵn trong huyết tương như nhóm A và B của máu mà chỉ được hình thành ở những người Rh âm sau khi nhận được nhiều lần 1 lượng máu Rh dương. Kháng thể phát triển chậm, khoảng 2 – 3 tháng sau khi nhận máu Rh dương mới phản ứng. Khi đã được tạo ra thì tính miễn dịch sẽ được tồn tại nhiều năm.

Do đó, nếu một người Rh âm chưa hề tiếp xúc với máu Rh dương thì việc truyền máu sẽ không gây một phản ứng tức thời nào. Tuy nhiên nếu lần sau họ lại được truyền máu Rh dương có thể xảy ra tai biến nghiêm trọng như ở hệ thống ABO.

Thế nào là nhóm máu hiếm?

Theo Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, tỷ lệ nhóm máu ABO ở người dân Việt Nam như sau: nhóm máu O chiếm 42,1%, nhóm máu B chiếm khoảng 30,1%, nhóm máu A chiếm khoảng 21,2% và nhóm máu AB chiếm khoảng 6,6%. Ở Việt Nam, nhóm máu hiếm như Rh âm chiếm tỷ lệ rất ít, khoảng từ 0,04% – 0,07% dân số, nên nhóm máu Rh âm được gọi là nhóm máu hiếm. Tức là trong 90 triệu dân, chỉ có 36.000 người có máu Rh âm. Con số này ở người dân da trắng là khoảng 15%, cao hơn rất nhiều so với chúng ta. 

nhóm máu hiếm
Nhóm máu Rh- ở nước ta chiếm khá ít nên được xem là nhóm máu hiếm

Tỷ lệ các nhóm máu không phổ biến và tương đồng ở những khu vực khác nhau trên thế giới. Ví dụ, ở Ấn Độ nhóm máu phổ biến nhất là B dương, trong khi ở Đan Mạch lại là nhóm máu A dương tính. Tuy nhiên, hầu hết những người mang nhóm máu hiếm đều có Rh âm tính. Do tỷ lệ Rh âm thấp nên những người mang nhóm máu này cần tìm đến các tổ chức đáng tin cậy để tìm những ai có nhóm máu tương đồng, tránh tình trạng nguy hiểm xảy ra mà không có người truyền máu.

Khi nói đến yếu tố Rh, những người có nhóm máu Rh dương tính có thể nhận được máu Rh dương tính hoặc Rh âm tính, trong khi những người có nhóm máu Rh âm tính chỉ có thể nhận được máu Rh âm tính. Trong một số trường hợp, một người phụ nữ mang nhóm máu hiếm là Rh âm tính có thể mang thai một đứa trẻ mang nhóm máu Rh dương tính, dẫn đến tình trạng nguy hiểm được gọi là bất tương hợp nhóm máu Rh.

Trong tình huống trên, người mẹ cần phải được tư vấn và xử trí tại các bác sĩ chuyên khoa Sản trước, trong và cả sau sinh. Tránh trường hợp thiếu máu tán huyết dẫn đến tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ gây vàng da nhân. Để phòng ngừa bất tương hợp nhóm máu Rh ở mẹ mang nhóm máu Rh âm sinh con lần 2 ta dùng D globulin miễn dịch trong các trường hợp sau:

  • Ở tuần thai thứ 28 – 30.
  • Trong vòng 72 giờ sau khi chấm dứt thai kỳ.
  • Sau bất kỳ đợt chảy máu âm đạo nào.
  • Sau khi chọc ối hoặc sinh thiết gai rau.

Kết luận

Mặc dù máu người nhìn chung đều giống nhau, nhưng có nhiều hệ thống phức tạp được sử dụng để phân loại dựa trên các cấu trúc cấu thành bề mặt. Có 33 hệ thống nhóm máu, nhưng hầu hết mọi người đều quen thuộc với hệ thống ABO và Rh, cung cấp tám nhóm máu cơ bản. Nói chung, AB âm tính được coi là nhóm máu hiếm nhất. Tuy nhiên, vì nhóm máu có liên quan đến di truyền, nên không có loại máu nào được coi là hiếm nhất trên toàn thế giới.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu nhóm máu hiếm tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn


Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.

Contact Me on Zalo