Liên cầu khuẩn nhóm B ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh như thế nào?

Liên cầu khuẩn nhóm B (GBS, Group B Streptococcus) là một vi khuẩn có trong cơ thể chúng ta, thường không gây bệnh. GBS có thể được lây truyền khi sản phụ chuyển dạ sanh con, gây ra bệnh lý nhiễm trùng rất nguy hiểm ở trẻ sơ sinh. Cùng Doctor có sẵn tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Liên cầu khuẩn nhóm B là gì?

Liền cầu khuẩn nhóm B – Streptococcus agalactive là vi khuẩn thường trú tại đường sinh dục nữ, là một trong những tác nhân quan trọng gây nhiễm khuẩn và viêm màng não ở trẻ sơ sinh. Vi khuẩn cho kết quả CAMP test dương tính. Một số nghiên cứu chỉ ra với mỗi 3 phụ nữ thì có 1 người có vi khuẩn GBS trong âm đạo. Tuy nhiên chúng không phải là nguyên nhân lây truyền bệnh qua đường tình dục.

liên cầu khuẩn nhóm B
Hình ảnh liên cầu khuẩn nhóm B

Sự ảnh hưởng của liên cầu khuẩn nhóm B đối với trẻ sơ sinh?

Trẻ sơ sinh có thể mắc phải liên cầu khuẩn nhóm B trong lúc sản phụ chuyển dạ, sinh con và có thể dẫn đến các bệnh lý nhiễm trùng nguy hiểm đến tính mạng trẻ sơ sinh như nhiễm trùng huyết, viêm màng não và viêm phổi. Chỉ sô ít trẻ sơ sinh (1/2.000 bé) sẽ bị nhiễm trùng bởi GBS (GBS bộc phát sớm).

Sản phụ nguy cơ cao lây nhiễm GBS cho em bé thì cần dự phòng trong lúc chuyển dạ là chích kháng sinh trực tiếp vào tĩnh mạch sẽ giúp giảm thiểu khả năng lây truyền bệnh. Việc thử nghiệm và chữa trị khi chuyển dạ không ghi nhận hiệu quả do một số trẻ sơ sinh vẫn mắc GBS. Nếu em bé bị GBS, bé có thể được chữa trị với thuốc kháng sinh trong lúc ở bệnh viện.

liên cầu khuẩn nhóm B
Trẻ sơ sinh có thể mắc phải liên cầu khuẩn nhóm B trong lúc sản phụ chuyển dạ

Nhiễm GBS được chia thành hai giai đoạn: khởi phát sớm và khởi phát muộn.

  • Nhiễm GBS giai đoạn sớm: thường gặp trong 7 ngày đầu sau sinh, chiếm tỉ lệ 2/3 trẻ sơ sinh nhiễm GBS. Nhiễm GBS khởi phát sớm ở trẻ có thể gặp nhiễm trùng huyết, viêm phổi và viêm màng não. Khoảng 10% trẻ mắc GBS sẽ tử vong (ngay cả với sự chăm sóc y tế tốt nhất), một số hồi phục sau điều trị viêm màng não do GBS nhưng mang theo tổn thương về thể chất hoặc tinh thần vĩnh viễn.
  • Nhiễm GBS giai đoạn muộn: thường gặp ở những trẻ từ 7 – 90 ngày tuổi (gặp nhiều trong vòng 1 tháng tuổi, hiếm gặp sau ba tháng tuổi). Nhiễm GBS giai đoạn muộn thường biểu hiện bằng bệnh lý viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Nhiễm GBS giai đoạn muộn ít gặp hơn khởi phát sớm – khoảng 1/3 trẻ sơ sinh bị nhiễm GBS giai đoạn muộn. Nhiễm GBS giai đoạn muộn có tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiễm giai đoạn sớm, khoảng 1/20 (5%) trẻ sơ sinh tử vong nếu nhiễm giai đoạn muộn. Tuy nhiên, một nửa số trẻ vượt qua sau nhiễm GBS muộn sẽ gặp tổn thương về tinh thần, thể chất khó hồi phục. Hiện tại chưa có phương pháp đặc hiệu nào để ngăn ngừa nhiễm GBS giai đoạn muộn ở trẻ sơ sinh. Một số loại vaccine đang trong quá trình thử nghiệm và cần rất nhiều thời gian nữa mới được sản xuất trên thế giới.

Triệu chứng của nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B ở trẻ sơ sinh?

Trẻ sơ sinh nhiễm GBS các dấu hiệu thường gặp trong 24 giờ đầu sau sinh, bao gồm:

  • Thở rên, nhịp thở thường tăng nhanh
  • Da xanh tím tái, nhiệt độ bất thường
  • Li bì, ăn uống kém
  • Mạch, nhịp tim nhanh hoặc chậm
  • Huyết áp giảm
  • Đường huyết giảm.
liên cầu khuẩn nhóm B
Trẻ sơ sinh nhiễm GBS các dấu hiệu thường gặp trong 24 giờ đầu sau sinh

Phòng ngừa lây nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B như thế nào?

Yếu tố cốt lõi trong việc phòng ngừa là nhận định ra các sản phụ nào đang mang vi khuẩn liên cầu nhóm B để họ có thể được điều trị nhằm giảm thiểu xác suất lây nhiễm đến em bé. Việc này có thể được thực hiện qua hai cách khác nhau, và cả hai phương pháp này đều có giá trị như nhau.

liên cầu khuẩn nhóm B
Bà bầu cần thăm khám và làm xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B

Cách thứ nhất dựa vào yếu tố nguy cơ, tức những đối tượng có những yếu tố nguy cơ như sau sẽ được tham vấn điều trị:

  • Những lần mang thai trước có em bé bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B
  • Tìm thấy GBS trong nước tiểu vào bất kỳ lúc nào trong thai kỳ (kể cà trường hợp đã được sử dụng kháng sinh)
  • Chuyển dạ sanh non trước khi thai nhi được 37 tuần
  • Nhiệt độ cơ thể cao hơn 38°C vào lúc chuyển dạ
  • Có dấu hiệu cho thấy nguy cơ nhiễm trùng ở em bé
  • Chuyển dạ đã được 18 giờ hoặc hơn sau khi ối vỡ (nguy cơ nhiễm trùng ối).

Phương thức thứ hai là sử dụng xét nghiệm tìm liên cầu khuẩn nhóm B như một xét nghiệm thường quy khi em bé trong khoảng 35 đến 37 tuần tuổi, sản phụ có thể được xét nghiệm có dương tính với GBS không. Xét nghiệm bằng cách quệt lấy mẫu tại vùng âm đạo dễ dàng. Sau đó mẫu quệt này sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm và sản phụ sẽ được biết kết quả trong thời gian sớm.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. Bài giảng Vi sinh y học, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
  2. Thận trọng với bệnh liên cầu khuẩn nhóm B ở trẻ sơ sinh, Sở Y tế Hà Nội.
  3. Preventing Group B Strep Disease in Newborns, CDC

Có thể bạn quan tâm

Contact Me on Zalo
Call Now Button