Rụng tóc có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả yếu tố di truyền và những thay đổi trong cơ thể. Hãy cùng Docosan tìm hiểu tường tận 16 nguyên nhân rụng và cách điều trị hiệu quả qua bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt nội dung
- 1 Giới thiệu về rụng tóc
- 2 Dấu hiệu nhận biết rụng tóc
- 3 Nguyên nhân gây rụng tóc
- 3.1 Di truyền
- 3.2 Thay đổi nội tiết tố
- 3.3 Tác dụng phụ của thuốc
- 3.4 Căng thẳng
- 3.5 Tạo kiểu tóc quá mức
- 3.6 Xạ trị
- 3.7 Hoá trị
- 3.8 Suy giáp
- 3.9 Thiếu máu
- 3.10 Mang thai
- 3.11 Tới thời kỳ mãn kinh
- 3.12 Nấm da đầu
- 3.13 Sử dụng dầu gội không thích hợp
- 3.14 Gây áp lực trên tóc nhiều
- 3.15 Tuổi tác cao
- 3.16 Mất cân bằng chế độ dinh dưỡng
- 4 Các phương pháp chẩn đoán rụng tóc
- 5 Cách điều trị rụng tóc
- 6 Cách phòng ngừa rụng tóc
- 7 Khi nào cần gặp bác sĩ?
Giới thiệu về rụng tóc
Rụng tóc là gì?
Rụng tóc là hiện tượng tóc gãy rụng khỏi da đầu, có thể xảy ra do các yếu tố sinh lý hoặc bệnh lý. Hiện tượng này diễn ra một cách tự nhiên theo chu kỳ sống của tóc. Quá trình tóc cũ rụng và tóc mới mọc lại diễn ra một cách cân bằng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, rụng tóc quá mức có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe.
Chu kỳ phát triển của tóc
Sự phát triển của tóc trải qua ba chu kỳ:
- Giai đoạn anagen (giai đoạn phát triển): Có thể kéo dài từ 2 – 8 năm. Trong giai đoạn này, tóc mọc lên và phát triển dày đặc. Có khoảng 85% – 90% tóc trên đầu chúng ta đang trong giai đoạn này.Giai đoạn này thường đề cập đến khoảng 85% đến 90% tóc trên đầu bạn.
- Giai đoạn catagen (giai đoạn chuyển tiếp): Đây là thời gian tóc ngừng phát triển và các nang tóc co lại, kéo dài khoảng 2 – 3 tuần.
- Giai đoạn telogen (giai đoạn nghỉ ngơi): Giai đoạn này kéo dài khoảng 3 tháng, sau đó tóc sẽ rụng vào cuối chu kỳ để bắt đầu một chu kỳ mới.
Phân biệt rụng tóc sinh lý và bệnh lý
Thông thường người ta sẽ phân biệt nguyên nhân rụng tóc là do bệnh lý chỉ là rụng tóc sinh lý bình thường dựa trên số lượng tóc rụng mỗi ngày.
- Rụng tóc sinh lý: Là khi một người rụng chỉ từ 50 – 100 sợi tóc mỗi ngày. Tóc rụng để nhường chỗ cho các sợi tóc mới mọc lên từ nang tóc, giúp duy trì sự cân bằng và sự phát triển khỏe mạnh của tóc. Rụng tóc sinh lý không gây lo ngại về sức khỏe vì tóc mới sẽ mọc lại bình thường theo chu kỳ.
- Rụng tóc bệnh lý: Là tình trạng tóc rụng nhiều hơn mức bình thường do các nguyên nhân như: bệnh lý, rối loạn nội tiết, thiếu dinh dưỡng hoặc các tác động từ môi trường. Trong trường hợp này, tóc rụng không thể tự mọc lại đầy đủ, gây ra tóc mỏng, thưa và có thể dẫn đến hói. Rụng tóc bệnh lý cũng có thể kèm theo các triệu chứng khác như ngứa da đầu, rụng tóc thành từng mảng hoặc tóc dễ gãy rụng bất thường khi chải đầu.
Việc phân biệt rõ giữa rụng tóc sinh lý và bệnh lý rất quan trọng để có phương án chăm sóc tóc và điều trị kịp thời, tránh tình trạng tóc rụng không kiểm soát.
Dấu hiệu nhận biết rụng tóc
Như đã đề cập, các dấu hiệu cáo động tình trạng rụng tóc bệnh lý bao gồm:
- Rụng tóc nhiều hơn 100 sợi mỗi ngày.
- Tóc mỏng dần, đặc biệt là ở đỉnh đầu và đường chân tóc.
- Xuất hiện các mảng hói.
- Tóc trở nên yếu và dễ gãy.
Nguyên nhân gây rụng tóc
Di truyền
Rụng tóc do di truyền (hay còn gọi là rụng tóc androgenetic) là nguyên nhân rụng tóc ở nam và nữ phổ biến nhất, đặc biệt là nam giới ở các nước Châu Mỹ và Châu Âu. Di truyền là một yếu tố quan trọng trong việc quyết định mức độ và tốc độ rụng tóc.
Người ta ước tính khoảng 40% nam giới mắc tình trạng này và con số này tăng dần khi về già, biểu hiện dưới dạng hói đầu. Trong khi đó, tình trạng này ít phổ biến ở phụ nữ dưới 70 tuổi và thường biểu hiện theo kiểu tóc mỏng dần ở đỉnh đầu. Nhiều bệnh nhân mắc rụng tóc do di truyền có tiên sử người thân cũng gặp tình trạn này.
Thay đổi nội tiết tố
Sự thay đổi hormone trong cơ thể cũng có thể là nguyên nhân rụng tóc nhiều. Điều này đặc biệt hay gặp ở những phụ nữ đang trải qua những quá trình thay đổi nội tiết tố đáng kể như: phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh. Khi đó, nồng độ các hormone trong cơ thể không được ổn định đã ảnh hưởng đến chu kỳ phát triển của tóc, khiến tóc dễ rụng hơn.
Tác dụng phụ của thuốc
Nguyên nhân rụng tóc cũng có thể là do tác dụng phụ của một số loại thuốc mà bạn đang sử dụng. Các loại thuốc như: thuốc điều trị ung thư, viêm khớp, trầm cảm, bệnh tim, bệnh gút và huyết áp có thể sẽ ảnh hưởng đến nang tóc và gây rụng tóc. Điều này thường là tác dụng phụ của việc thuốc can thiệp vào các chức năng bình thường của cơ thể, bao gồm sự phát triển của tóc.
Căng thẳng
Căng thẳng về tâm lý hoặc thể chất quá mức có thể gây ra tình trạng rụng tóc tạm thời. (telogen effluvium). Khi tảài qua những cú sốc về mặt tinh thần hoặc khi gặp căng thẳng kéo dài, chu kỳ phát triển của tóc sẽ bị gián đoạn, khiến nhiều sợi tóc chuyển sang giai đoạn nghỉ và rụng sớm hơn bình thường.
Tạo kiểu tóc quá mức
Những số liệu thống kê cho biết, có khoảng 78% đã từng uốn hoặc nhuộm tóc, trong đó 15% là thực hiện thường xuyên mỗi tháng. Việc làm đẹp cho tóc đã trở thành một phần không thể thiếu để giúp chúng ta có được sự tự tin, cá tính cho riêng mình. Tuy nhiên, việc gia tăng áp lực cho tóc khi sử dụng các loại thuốc uốn, nhuộm, duỗi tóc hay tác động cơ học của máy sấy, máy làm xoăn… cũng chính là cách bạn đang “hành hạ” mái tóc của mình.
Tác động của những việc này gây ảnh hưởng lớn tới các lớp lipid và các lớp vảy keratin ở lớp biểu bì của tóc, khiến chúng liên kết không chặt chẽ. Đây chính là nguyên do khiến lõi tóc bị khô, nang tóc teo lại và các tóc rụng ngày càng nhiều hơn.
Xạ trị
Điều trị bằng xạ trị, đặc biệt là khi xạ trị ở vùng đầu, có thể làm tổn thương các nang tóc, dẫn đến rụng tóc nghiêm trọng. Sau khi hoàn thành liệu trình xạ trị, tóc có thể không mọc trở lại, hoặc mọc lại nhưng bị thay đổi về màu sắc hoặc kết cấu so với ban đầu.
Hoá trị
Hầu hết các thuốc hóa trị để điều trị ung thư sẽ gây rụng tóc nghiêm trọng đối với bệnh nhân. Nguyên nhân là vì những loại thuốc này tấn công vào những loại tế bào đang phát triển nhanh chóng (chẳng hạn như tế bào ung thư). Trong khi đó, tóc cũng là một loại tế bào có chu kỳ phát triển nhanh của cơ thể. Điều này dẫn đến tình trạng rụng tóc trên toàn bộ cơ thể.
Suy giáp
Hormone tuyến giáp, cụ thể là thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3), đóng vai trò điều chỉnh tốc độ trao đổi chất của cơ thể và ảnh hưởng trực tiếp đến chu kỳ phát triển của tóc. Trong bệnh suy giáp, tuyến giáp hoạt động kém, các quá trình trao đổi chất chậm lại, làm gián đoạn các quá trình tế bào, trong đó có sự phát triển của tóc.
Ngoài ra, suy giáp còn ảnh hưởng đến chất lượng tóc, khiến tóc trở nên khô, yếu và dễ gãy hơn. Các triệu chứng khác của suy giáp như da khô, mệt mỏi và tăng cân cũng là những dấu hiệu phổ biến mà người bệnh có thể gặp phải.
Thiếu máu
Thiếu sắt là nguyên nhân rụng tóc phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ. Sắt là thành phần quan trọng trong việc cung cấp oxy cho các nang tóc. Thiếu sắt sẽ làm giảm lượng oxy cung cấp cho da đầu, làm tóc yếu và dễ rụng.
Mang thai
Nhiều phụ nữ mang thai cũng trải qua tình trạng rụng tóc n hiều hơn mức bình thường. Nguyên nhân có thể do sự thay đổi nội tiết tố đột ngột, tâm trạng căng thẳng và sự thiếu hụt dinh dưỡng của người mệ khi mang thai. sau sinh, do sự thay đổi nội tiết tố đột ngột. Hormone estrogen tăng cao trong thời kỳ mang thai giúp tóc ít rụng, nhưng sau khi sinh, nồng độ hormone này giảm đột ngột, dẫn đến hiện tượng rụng tóc nhiều.
Tới thời kỳ mãn kinh
Rụng tóc do mãn kinh cũng là một trong những nguyên nhân rụng tóc phổ biến, xảy ra do sự mất cân bằng hormon trong cơ thể. Khi đó, nồng độ estrogen và progesteron giảm thấp hơn bình thường sẽ khiến tóc trở nên mỏng hơn và tăng trưởng chậm hơn. Mặt khác, việc sản xuất androgen trong thời kỳ này cũng tăng lên làm tăng tốc độ co lại của các nang lông, góp phần làm tóc rụng nhiều hơn.
Nấm da đầu
Các bệnh lý nấm da đầu (như bệnh nấm tóc, bệnh lý viêm da tiết bã,…) cũng là nguyên nhân rụng tóc nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng ban đầu của nâm da đầu sẽ bao gồm nổi gàu và ngứa nhiều. Sau khoảng 20 ngày không điều trị, tóc của bệnh nhân bắt đầu rụng nhiều, có thể tạo thành các mảng hói hình tròn hoặc hình bầu dục với kích thước khác nhau trên da đầu.
Cần điều trị sớm nấm da đầu để tránh làm lây lan và tổn thương nghiêm trọng cho toàn bộ nang tóc.
Sử dụng dầu gội không thích hợp
Sử dụng dầu gội không phù hợp với da đầu và tóc có thể làm da đầu khô, kích ứng và làm tóc dễ gãy rụng. Điều này đặc biết hay xảy ra với một số loại dầu gội chứa hóa chất mạnh, chúng khiến tóc mất độ ẩm, gây hư tổn và rụng tóc nhiều ở cả nam và nữ.
Gây áp lực trên tóc nhiều
Thường xuyên buộc tóc quá chặt hoặc tạo các kiểu tóc kéo căng da đầu có thể gây tổn thương nang tóc, dẫn đến tình trạng rụng tóc do áp lực kéo dài. Tình trạng này còn được gọi là “rụng tóc do kéo căng” (traction alopecia).
Tuổi tác cao
Cơ thể sẽ lão hóa theo thời gian khiến cho chu kỳ phát triển của tóc chậm lại. Khi về già, tóc không còn phát triển nhanh hoặc dày như lúc còn trẻ, lượng tóc rụng cũng sẽ nhiều hơn. Tóc trở nên mỏng hơn do sự suy giảm hoạt động của các nang tóc và sự lão hóa tự nhiên của cơ thể. Đây là một tiến trình tất yếu và rất khó để khắc phục hoàn toàn.
Mất cân bằng chế độ dinh dưỡng
Một nguyên nhân rụng tóc mà ít người để ý đó là chế độ ăn thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết như: protein, vitamin D, biotin, kẽm và các vitamin nhóm B. Đây là các dưỡng chất quan trọng cần thiết cho sự phát triển tóc. Khi chế độ dinh dưỡng của bạn không cung cấp đủ những chất này, tóc bạn sẽ trở nên yếu và dễ gãy rụng hơn bình thường.
Chu kỳ này tiếp tục lặp đi lặp lại trong suốt cuộc đời của chúng ta và mỗi nang tóc hoạt động độc lập với các nang tóc lân cận có nghĩa là sự phát triển của các sợi tóc không đồng bộ, tóc có thể rụng vào nhiều thời điểm vì nhiều lý do như sau.
Các phương pháp chẩn đoán rụng tóc
Một số phương pháp chẩn đoán rụng tóc bao gồm:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quan tình trạng tóc và da đầu của bạn, xem xét những triệu chứng liên quan khác như: tóc mỏng, khô, gãy rụng, các mảng hói. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ khai thác tiền sử bệnh lý, tiền sử gia đình và các yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến tóc của bạn.
- Sinh thiết da đầu: Bác sĩ sẽ thực hiện lấy một mẫu nhỏ da đầu để phân tích dưới kính hiển vi. Sinh thiết da đầu giúp xác định nguyên nhân rụng tóc do viêm, nhiễm trùng hoặc các bệnh lý tự miễn như chứng rụng tóc từng mảng (alopecia areata).
- Xét nghiệm máu: Để tìm kiếm các nguyên nhân bệnh lý nội khoa gây rụng tóc, bác sĩ có thể chỉ đinh một số xét nghiệm máu liên quan đến suy giáp, thiếu máu , thiếu sắt hay các vi chất dinh dỡng khác.
- Thử nghiệm kéo tóc (Hair Pull Test): Bác sĩ sẽ nhẹ nhàng kéo một nắm tóc nhỏ từ các khu vực khác nhau trên da đầu để đánh giá mức độ rụng tóc. Nếu hơn 10% số tóc bị kéo ra, điều này có thể chỉ ra tình trạng rụng tóc bất thường.
- Soi kính hiển vi ánh sáng phân cực (Dermoscopy): Phương pháp sử dụng một thiết bị đặc biệt để quan sát chi tiết da đầu và nang tóc. Từ đó, giúp phát hiện những dấu hiệu đặc trưng của các loại rụng tóc, chăng hạn như sự biến dạng của nang hoặc sự hiện diện các lớp vảy da.
Cách điều trị rụng tóc
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây rụng tóc, các phương pháp điều trị sẽ được lựa chọn phù hợp với từng bệnh nhân. Dưới đây là một số phương pháp phổ biến trong điều trị rụng tóc:
- Điều trị bằng thuốc: Một loại thuốc không kê đơn thường được sử dụng phổ biến là Minoxidil – một thuốc dùng tại chỗ (bôi hoặc xịt lên da đầu), có tác dụng làm giãn các mạch máu nhỏ trên da đầu, giúp tăng cương lưu thông máu và cung cấp dưỡng chất cho tóc, làm tóc mọc nhanh hơn. Ngoài ra, đối với nam giới có hói đầu có di truyền, Finasterid thường được kê đơn để làm giảm nồng độ hormon dihydrotestosterone (DHT) – một trong những nguyên nhân chính gây teo nang tóc. Lưu ý rằng bạn cần tuân thủ điều trị để hạn chế tác dụng phụ và tăng cường tác dụng chính cuẩ thuốc.
- Phẫu thuật cấy tóc: Phẫu thuật cấy tóc là phương pháp chuyển các nang tóc khỏe mạnh từ vùng da đầu có tóc dày sang các khu vực bị hói hoặc thưa tóc. Quy trình này có thể mang lại kết quả lâu dài, nhưng cũng đi kèm với một số rủi ro như nhiễm trùng hoặc sẹo. Hiệu quả của cấy tóc phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và đặc điểm tóc của từng người.
- Liệu pháp laser: Liệu pháp laser là phương pháp sử dụng tia laser cường độ thấp để kích thích sự phát triển của tóc. Nguyên lý hoạt động của laser là kích thích lưu thông máu ở da đầu và thúc đẩy quá trình trao đổi chất tại các nang tóc. Tuy nhiên, liệu pháp này chỉ có hiệu quả đối với những trường hợp rụng tóc nhẹ và cần thực hiện nhiều lần để thấy rõ kết quả.
- Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): PRP là một liệu pháp mới trong điều trị rụng tóc, bằng cách lấy máu từ cơ thể người bệnh, sau đó quay ly tâm để tách huyết tương chứa nhiều tiểu cầu. Huyết tương này được tiêm trở lại vào da đầu, giúp kích thích sự phát triển của nang tóc và cải thiện chất lượng tóc. PRP là phương pháp an toàn và ít gây biến chứng, tuy nhiên cần thực hiện nhiều lần để đạt kết quả tốt.
- Một số phương pháp tự nhiên: Sử dụng dầu dừa, nha đam, vỏ bưởi để mát xa da đầu sẽ giúp tóc chắc khỏ và mọc nhanh hơn. Tuy nhiên, cách này thường có hiệu quả ở mức độ nhẹ và cần được kết hợp với chế độ chăm sóc tóc hợp lý.
Cách phòng ngừa rụng tóc
Xây dựng 4 thói quen dưới đây sẽ giúp bạn phòng ngừa rụng tóc hiệu quả:
- Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh: Bạn cần cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, đặc biệt là luôn đảm bảo cơ thể đủ năng lượng, protein và sắt. Đồng thời, hạn chế tiêu thụ những loại thực phẩm có hại cho tóc như: Bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho tóc, Hạn chế các loại thực phẩm có hại cho tóc như thức ăn có chỉ số đường huyết cao, đồ ăn nhiều dầu mỡ và chất kích thích.
- Chăm sóc tóc: Gội đầu đúng cách và không gội quá thường xuyên, sử dụng sản phẩm chăm sóc tóc phù hợp, hạn chế các loại dầu gội chứa sulfate, hóa chất uốn nhuộm hay tác động nhiệt độ cao quá thường xuyên.
- Lối sống: Dành thời gian để thư giãn và tránh xa những áp lực hàng ngày, đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 giờ mỗi ngày để giúp cơ thể phục hồi và giảm thiểu nguyên nhân rụng tóc do căng thẳng. Bên cạnh đó, thực hiện các hoạt động thể dục thể thao cũng sẽ hỗ trợ cải thiện tuần hoàn máu đên da đầu, giúp nang tóc nhận được dưỡng chất cần thiết.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Rụng tóc có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Do đó, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp tầm soát và phát hiện sớm các bệnh lý này và có phác đồ để điều trị phù hợp.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Dấu hiệu bất thường
Nếu gặp phải một số dấu hiệu bất thường liên quan đến rụng tóc, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các dấu hiệu có thể cho thấy tình trạng rụng tóc nghiêm trọng hoặc do các bệnh lý tiềm ẩn bao gồm:
- Rụng tóc đột ngột, nhanh chóng.
- Rụng tóc kèm theo đau hoặc ngứa da đầu.
- Xuất hiện các mảng hói trên da đầu.
- Tóc rụng thành búi khi chải hoặc gội đầu.
- Tóc mỏng đi trên diện rộng.
- Rụng tóc đi kèm với các triệu chứng như mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân, sốt, hoặc đau khớp,…
Một số bệnh viện chuyên khoa uy tín
Dưới đây là một số địa chỉ khám da liễu uy tín mà bạn có thể tham khảo khi có thắc mắc về vấn đề rụng tóc của mình:
- VITA Clinic – Quận 1, TP.HCM
- Phòng Khám Da Liễu Dr Michaels – Quận 2, TP.HCM
- Oracle Beauty Clinic Vietnam – Quận 3, TP.HCM
- Lux Beauty Center – Quận 3, TPHCM
- Bệnh viện Da liễu Hà Nội – Đống Đa, Hà Nội
Xem thêm:
- Móng tay bị lõm – Hiểu hơn để cẩn thận hơn
- 15 bệnh da liễu thường gặp nhất và cách phòng tránh hiệu quả
- Dị ứng mỹ phẩm xử lý ra sao? Khám và điều trị ở đâu?
- Trẻ bị bỏng – 6 bước sơ cứu cấp tốc phụ huynh lưu lại ngay
Trên đây là tổng hợp 16 nguyên nhân rụng tóc nhiều ở nam và nữ và cách điều trị cũng như phòng ngừa. Hy vọng bài viết mang lại cho bạn những kiến thức hữu ích. Hãy chia sẻ bài viết cho bạn bè và người thân cùng biết nhé.
Nguồn tham khảo:
1. Hair loss
- Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21753-hair-loss
- Ngày tham khảo: 11/09/2024
2. Hair Loss
- Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hair-loss/symptoms-causes/syc-20372926
- Ngày tham khảo: 11/09/2024