Sốc phản vệ là gì? Cách xử lý sốc phản vệ

Sốc phản vệ là một phản ứng của cơ thể, có khả năng đe dọa đến tính mạng con người. Nó có thể làm ngừng thở hoặc nhịp tim. Việc bổ sung một số kiến thức cơ bản về vấn đề này sẽ giúp bạn có được hành trang y tế vững vàng để bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Hãy theo dõi bài chia sẻ dưới đây, Docosan sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích.

Sốc phản vệ là gì?

Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng và cần được xử lý ngay nếu không mong muốn rơi vào trường hợp xấu nhất là tử vong. Tình trạng này có thể xảy ra trong vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với dị nguyên (thực phẩm, thuốc, nọc độc côn trùng, nhựa mủ….).

Sốc phản vệ khiến hệ thống miễn dịch giải phóng một lượng lớn hóa chất nên sẽ khiến cơ thể bị sốc. Đồng thời, huyết áp giảm đột ngột và đường thở sẽ bị thu hẹp, thậm chí gây tắc thở.

Trên thực tế, sốc phản vệ rất hiếm và hầu hết mọi đối tượng đều khỏi bệnh. Nhưng điều quan trọng là bạn cần khai báo thành thật với bác sĩ nếu bản thân đang bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào trong quá trình điều trị bệnh hoặc thực phẩm gây dị ứng. Nếu có tiền sử bị phản ứng phản vệ, bạn sẽ có nguy cơ hơn từ một phản ứng khác. Bên cạnh đó, bạn cũng có nguy cơ bị sốc phản vệ nếu gia đình có tiền sử bị sốc phản vệ hoặc hen suyễn.

Triệu chứng sốc phản vệ

Thông thường, triệu chứng phản vệ thường xảy ra trong vài phút sau khi tiếp xúc với chất gây kích ứng. Nhưng cũng có trường hợp tình trạng phản vệ kéo dài đến nửa giờ hoặc lâu hơn. Các dấu hiệu đầu tiên xuất hiện sẽ có triệu chứng gần giống như triệu chứng dị ứng, điển hình là phát ban da hoặc chảy nước mũi.

sốc phản vệ
Phát ban da là một trong những triệu chứng ban đầu của sốc phản vệ

Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể xuất hiện kèm theo nhiều triệu chứng khác như:

  • Ho khan, thở khò khè, khó thở hoặc khó thở kèm tim đập nhanh
  • Đau, ngứa hoặc tức ngực
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Triệu chứng liên quan đến da liễu: phát ban, ngứa, sưng hoặc đỏ vùng da
  • Hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi
  • Môi hoặc lưỡi bị sưng
  • Sưng, ngứa cổ họng, khàn tiếng, khô họng, đau thắt cổ họng
  • Tiêu chảy
  • Nôn mửa
  • Chuột rút…

Nguyên nhân nào gây ra sốc phản vệ?

Như vừa được đề cập, một trong những nguyên nhân điển hình dẫn đến sốc phản vệ là cơ thể thường xuyên tiếp xúc với chất lạ (dị nguyên) nên cơ thể sẽ tạo ra những kháng thể để chống lại chúng. Trong hầu hết trường hợp, cơ thể không phản ứng với kháng thể được giải phóng nhằm tiêu diệt kháng nguyên. Tuy nhiên, trường hợp sốc phản vệ xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức dẫn đến phản ứng dị ứng toàn thân.

Các dị nguyên điển hình nhất là thức ăn đối với trẻ em và thuốc điều trị bệnh đối với người lớn. Một số thực phẩm có khả năng gây sốc phản vệ như đậu phộng, cá, sữa, trứng, đậu nành, lúa mì, các loại hạt,… Song, một số loại thuốc có khả năng kích hoạt như Penicillin, thuốc giãn cơ, Asspirin, Ibuprofen, thuốc chống viêm không steroid, thuốc chống động kinh,…

sốc phản vệ
Dị ứng với một số thành phần của thuốc Tây y có thể dẫn đến sốc phản vệ

Bên cạnh đó, sốc phản vệ cũng có thể được kích hoạt bởi một số nguyên nhân khác nhưng chúng không quá phổ biến như: phấn hoa cỏ, vết đốt hoặc vết cắn của côn trùng, chất cao su, nhựa mủ,… Một số trường cũng có thể gây ra phản ứng kết kết hợp nhiều thứ khác nhau như:

  • Chạm vào nhựa mủ và ăn đu đủ, hạt dẻ hoặc kiwi
  • Hít phấn hoa cỏ phấn hương và ăn chuối hoặc dưa
  • Hít thở phấn hoa bạch hương và ăn táo, khoai tây sống, cà rốt hoặc cần tây
  • Hít phấn hoa ngải cứu và ăn cần tay, đậu phộng, táo hoặc kiwi

Sốc phản vệ có nguy hiểm không?

Lời giải đáp cho thắc mắc sốc phản vệ có nguy hiểm không là có và rất nguy hiểm nếu người bệnh chủ quan vì nó có thể đe dọa đến tính mạng. Trên thực tế, tình trạng sốc xuất hiện càng sớm thì mức độ nguy hiểm càng trầm trọng và tỷ lệ tử vong càng cao.

Diễn biến của sốc phản vệ được chia thành 3 mức độ nhẹ, trung bình và nặng. Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau đầu, chóng mặt và sợ hãi. Một số trường hợp có thể xuất hiện phát ban da, nổi mề đay, có cảm giác buồn nôn, tê chi, khó thở, bụng đau quặn,… Triệu chứng này sẽ gia tăng khi ở mức độ nặng và nghiêm trọng. Đặc biệt ở mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân sau khi tiếp xúc dị nguyên có thể rơi vào trạng thái hôn mê, nghẹt thở, da tím tái, co giật, không đo được huyết áp và thậm chí là có thể tử vong sau ít phút, một số trường hợp sẽ tử vong sau vài giờ.

Xử lý sốc phản vệ theo phác đồ của Bộ Y tế

Tùy vào mỗi trường hợp bị sốc phản vệ cụ thể mà bác sĩ có thể đưa ra hướng xử lý phù hợp. Dưới đây phác đồ cấp cứu sốc phản vệ của Bộ Y tế công bố vào năm 1999:

Xử lý tại chỗ

Khi phát hiện bệnh nhân bị có triệu chứng của sốc phản vệ, cần dừng ngay đường tiếp xúc với dị nguyên (bao gồm thực phẩm, thuốc uống, thuốc tiêm, thuốc bôi,…). Sau đó cho bệnh nhân nằm tại chỗ và sử dụng thuốc Adrenaline. Đây là một trong những loại thuốc cơ bản chống sốc phản vệ. Thuốc được điều chế dưới dạng dung dịch 1/1.000 tương ứng với ống 1ml = 1mg. Thuốc được sử dụng tiêm dưới da với liều lượng sử dụng sau:

  • Người lớn sử dụng ½ – 1 ống, trẻ em không dùng quá 0.3ml (tỷ lệ pha là 1 ống 1ml + 9ml nước chất. Hoặc dùng Adrenaline 0.01mg/kg cho cả người lớn và trẻ em;
  • Tiếp tục tiêm Adrenaline theo liều lượng trên từ 10 -1 5 phút cho đến khi chỉ số huyết áp ổn định trở lại. Đồng thời, ủ ấm cơ thể bệnh nhân, đầu thấp chân cao và theo dõi huyết áp 10 – 15 phút/ lần. Nếu có triệu chứng nôn thì nên đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng.

Trong trường hợp sốc quá nặng, có khả năng đe dọa đến tính mạng, ngoài việc tiêm dưới da có thể kết hợp tiêm qua tĩnh mạch, bơm qua ống nội khí quản hoặc qua màng nhẫn giáp.

Xử lý tại cơ sở y tế

Tùy vào điều kiện hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế và trình độ chuyên môn của đội ngũ bác sĩ mà việc xử lý sốc phản vệ có thể áp dụng theo các biện pháp sau:

– Xử lý suy hô hấp cấp:

  • Thở oxy mũi, thổi ngạt;
  • Bóp bóng Ambu có oxy;
  • Đặt nội khí quản và thông khí nhân tạo. Nếu xuất hiện phù thanh môn thì cần mở khí quản;
  • Truyền tĩnh mạch chậm bằng thuốc Aminophyline 1mg/kg/giờ hoặc Terbutaline 0.2 microgam/kg/phút. Hoặc có thể sử dụng Terbyutaline 0.5mg (tương ứng với 1 ống) để tiêm dưới da cho người lớn hoặc 0.2ml/10kg đối với trẻ nhỏ. Trong trường hợp triệu chứng khó thở không thuyên giảm thì bổ sung liều thứ hai sau 6 – 8 giờ đồng hồ.

– Thiết lập đường truyền tĩnh mạch: Sử dụng thuốc Adrenaline truyền tĩnh mạch để duy trì chỉ số huyết áp. Bắt đầu truyền bằng 0.1 microgam/kg/phút, đồng thời điều chỉnh tốc độ theo huyết áp (khoảng 2mg/ giời cho người lớn trên 55kg).

Bổ sung một số loại thuốc khác cho bệnh nhân: Trong một số trường hợp, có thể bổ sung cho bệnh nhân một số loại thuốc sau:

  • Methylprednisolon 1 – 2mg/kg/4giờ hoặc Hydrocortisone; 
  • Hemisuccinate 5mg/kg/giờ bằng đường tiêm tĩnh mạch. Trong trường hợp bị sốc nặng có thể sử dụng liều cao gấp 2 – 5 lần;
  • Natriclorua 0,9% 1- 2 lít ở người lớn và không quá 20ml/kg ở trẻ em;
  • Diphenhydramine 1 – 2mg tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch.

– Điều trị phối hợp:

  • Nếu dị nguyên qua đường tiêu hóa thì cho bệnh nhân uống than hoạt 1g/kg;
  • Băng ép chi phía trên chỗ tiêm hoặc đường vào của nọc độc.

Trước, trong và sau khi xử lý sốc phản vệ, kỹ thuật viên cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ít nhất 24 giờ sau khi huyết áp đã ổn định trở lại;
  • Truyền đủ dịch và Adrenaline nhưng huyết áp vẫn không nên thì có thể cân nhắc đến việc truyền huyết tương albumin hoặc bất cứ dung dịch cao phân tử nào có sẵn;
  • Nên vận dụng đường tiêm tĩnh mạch đùi sau khi sơ cứu;
  • Điều dưỡng có thể sử dụng thuốc Adrenaline tiêm dưới da theo phác đồ khi không có bác sĩ chuyên khoa;
  • Hỏi kỹ tiền sử dị ứng của bệnh nhân để chuẩn bị hộp thuốc cấp cứu sốc phản vệ.
sốc phản vệ
Bệnh nhân kiểm theo dõi huyết áp liên tục sau khi cấp cứu do sốc phản vệ

Biện pháp phòng ngừa sốc phản vệ

Một trong những biện pháp phòng ngừa sốc phản vệ tốt nhất là tránh xa các tác nhân dị nguyên gây ra phản ứng. Bạn có thể phòng ngừa thông qua một số biện pháp sau:

  • Thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ về các loại thuốc hay thành phần mà bản thân bị dị ứng. Trong trường hợp cần thiết, bạn có thể sử dụng vòng cổ hoặc vòng tay để bác sĩ biết bạn bị dị ứng với thuốc hoặc chất đó;
  • Nếu bị dị ứng với côn trùng đốt, bạn cần đặc biệt cẩn thận khi đi ra ngoài hay lao động. Tốt hơn hết, bạn cần trang bị một số vật dụng bảo hộ hay mặc áo dài tay, quần ống dài và không đi chân trần. Khi gặp côn trùng, bạn cần giữ bình tĩnh và từ từ di chuyển ra xa và không tát vào chúng;
  • Nếu bị dị ứng với thực phẩm, hãy tìm hiểu kỹ thành phần bên trong. Đồng thời, kiểm tra nhãn mác và hạn sử dụng. Khi ăn ở ngoài, bạn có thể thẳng thắn hỏi đầu bếp quy trình chế biến và những thành phần bên trong. Bởi vì, chỉ cần một liều lượng nhỏ thức ăn cũng có thể khiến bạn bị dị ứng và có khả năng gây ra phản ứng nghiêm trọng.
sốc phản vệ
Trao đổi với bác sĩ nếu bản thân có tiền sử dị ứng với một số thành phần trong thuốc hay thực phẩm

Sốc phản vệ là một phản ứng hết sức nghiêm trọng và cần xử lý đúng cách để bảo toàn tính mạng. Vì mức độ nguy hiểm ở căn bệnh này là đáng báo động nên bạn cần tự trang bị cho bản thân những kiến thức bổ ích từ bài viết này hoặc trao đổi trực tiếp với chuyên gia hoặc bác sĩ.


Bài viết được tham khảo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước cùng tham vấn y khoa từ Bác sĩ Trần Bảo Ngọc. Bài viết mang tính chất tham khảo và Docosan khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.