Những thông tin cần biết về tiêm phòng viêm gan B

Tiêm phòng viêm gan B là cách tốt nhất để tránh bị bệnh viêm gan B. Hãy cùng Doctor có sẵn đọc bài viết này để biết thêm về tiêm phòng viêm gan B.

Vaccine viêm gan B là gì?

Khi tiêm vaccine được tổng hợp dựa trên một loại virus đang cần được tránh vào trong cơ thể, sẽ kích thích cơ thể sản xuất ra các kháng thể chống lại virus đó. Sau này nếu nếu có tiếp xúc với virus đó từ môi trường bên ngoài, cơ thể đã có sẵn kháng thể để chống lại được, từ đó bạn có thể không bị mắc bệnh hoặc nếu có thì mức độ cũng sẽ nhẹ hơn.

Tương tự với vaccine viêm gan B, vaccine được tổng hợp dựa trên công nghệ tái tổ hợp AND của virus viêm gan B, tiêm vào cơ thể giúp sản sinh ra kháng thể chống lại virus. Vaccine không thể gây bệnh viêm gan B vì không có AND hay các hạt của virus hoàn chỉnh.

Vaccine có thể tiêm một mình độc lập (đơn giá) hoặc phối hợp với các loại vaccine khác trong cùng 1 mũi tiêm (vaccine 5 trong 1, 6 trong 1,..)

Vì sao nên tiêm phòng viêm gan B?

Tiêm phòng viêm gan B để phòng ngừa bệnh viêm gan B, và đây là một điều rất cần thiết vì viêm gan B vẫn còn là một căn bệnh nguy hiểm và lây lan, đặc biệt là khi chúng không được phát hiện và chữa trị.

Viêm gan B được gây ra do virus viêm gan B (HBV), bệnh làm tổn thương gan, dẫn đến viêm gan cấp với các triệu chứng như đau vùng gan, vàng da, tiểu ít, sẫm màu, phân bạc màu, nôn ói,.. Bệnh có thể điều trị khỏi được.

Tuy nhiên, không ít trường hợp HBV vẫn còn tồn tại trong cơ thể và diễn biến sang viêm gan mạn tính, cuối cùng dẫn đến xơ gan, ung thư gan và tử vong.

Bên cạnh đó, đây là một căn bệnh có khả năng lây lan. Những con đường lây lan của HBV bao gồm:

  • Lây từ mẹ sang con trong lúc sinh hoặc mang thai
  • Lây qua đường tình dục
  • Lây qua các dịch tiết như máu, dịch sinh dục,.. có chứa HBV của người mang bệnh

Vì vậy, ai trong chúng ta cũng đều có khả năng bị lây nhiễm virus viêm gan B qua các hoạt động hằng ngày. Vì thế vai trò của tiêm phòng viêm gan B là quan trọng và cần thiết.

Các đối tượng nên tiêm phòng viêm gan B

Dù tất cả chúng ta ai cũng có nguy cơ bị nhiễm viêm gan B, nhưng có một số đối tượng thuộc diện nguy cơ cao trong việc nhiễm bệnh, vì vậy các đối tượng này cần nên được tiêm phòng viêm gan B và tiêm sớm:

  • Những người tiêm chích ma túy
  • Đồng tính nam
  • Những người có nhiều bạn tình
  • Người có người thân trong gia đình hoặc bạn tình bị viêm gan B
  • Các trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm
  • Những người có tính chất công việc dễ bị lây nhiễm như nhân viên y tế, những người vệ sinh tại cơ sở y tế, tù nhân,..
  • Những người mắc các bệnh mãn tính về gan, thận
  • Những người thường xuyên phải truyền máu

Lịch tiêm phòng viêm gan B

Đối với trẻ sơ sinh có mẹ không bị mắc viêm gan B

Đối với loại vaccine đơn giá

Phác đồ 0-1-6

  • Mũi 1 (mũi sơ sinh): trong vòng 24 giờ sau sinh, tốt nhất là 12 giờ. Có thể tiêm chúng với vaccine lao nhưng phải khác vị trí tiêm trên cơ thể.
  • Mũi 2: vào tháng thứ 1
  • Mũi 3: vào tháng thứ 6

Bên cạnh đó còn có phác đồ 0-1-2 tùy theo loại thuốc.

Đối với các loại vaccine phối hợp

Theo thông tư 38/2017/TT-BYT ban hành ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế, được thực hiện trong chương trình Tiêm chủng mở rộng của Quốc gia

  • Mũi 1( mũi sơ sinh): trong vòng 24 giờ sau sinh, tốt nhất là 12 giờ. Có thể tiêm chúng với vaccine lao nhưng phải khác vị trí tiêm trên cơ thể. Mũi sơ sinh bắt buộc phải là vaccine đơn giá
  • Mũi 2: khi trẻ đủ 2 tháng tuổi
  • Mũi 3: ít nhất 1 tháng sau mũi 2
  • Mũi 4: ít nhất 1 tháng sau mũi 3

Các mũi 2,3,4 sử dụng vaccine phối hợp (5 trong 1, 6 trong 1,..)

Đối với trẻ sơ sinh có mẹ là người bị viêm gan B

Virus gây viêm gan B có thể lây truyền qua đường mẹ con. Trong quá trình mang thai, khả năng lây cho bé là thấp (2%). Chủ yếu bệnh được lây trong quá trình sinh sản, thai nhi đi qua vùng sinh dục của mẹ, và hầu hết sẽ diễn tiến thành viêm gan mạn ở trẻ.  Vì vậy rất cần thiết phải tiêm phòng cho các bé này:

Phác đồ 0-1-2-12

  • Mũi 1: trong vòng sau sinh 24 giờ, tốt nhất là 12 giờ. Tiêm thêm huyết thanh kháng viêm gan B, nhưng tiêm vị trí khác trên cơ thể.
  • Mũi 2: vào 1 tháng tuổi
  • Mũi 3: vào tháng thứ 2
  • Mũi 4: vào tháng thứ 12 ( 1 tuổi )

Khi trẻ được 15-18 tháng thì cần xét nghiệm kiểm tra lại các chỉ số kháng thể trong cơ thể bé để biết được rằng trẻ đã được bảo vệ hiệu quả chưa cũng như không bị nhiễm HBV từ mẹ.

Đối với người lớn có nguy cơ cao bị phơi nhiễm virus viêm gan B

Khi bị các trường hợ tiếp xúc với các dịch tiết, kim tiêm nghi ngờ có chứa mầm bệnh viêm gan B hoặc đơn giản là chuẩn bị đi đến các nơi có nguy cơ cao bị lây nhiễm, bạn cần đến cơ sở y tế để được xét nghiệm xem trước đó có bị mắc viêm gan B chưa. Vì nếu đã mắc viêm gan B rồi thì tiêm không hiệu quả và không cần tiêm nữa.

  • Mũi 1: lần tiêm đầu. Trong trường hợp nghi đã tiếp xúc với bệnh, thì tiêm thêm huyết thanh kháng viêm gan B, tốt nhất trong vòng 48 giờ sau khi tiếp xúc.
  • Mũi 2: sau mũi 1 ít nhất 7 ngày
  • Mũi 3: Sau mũi 2 ít nhất 21 ngày
  • Mũi 4: nhắc lại sau mũi 1 1 năm

Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú

Viêm gan B có thể ảnh hưởng cả mẹ và con trong thai kỳ, vì vậy tiêm ngừa viêm gan B trong khi mang thai ở những phụ nữ nguy cơ cao là điều cần thiết.

Hiện tại chưa có các báo cáo về rủi ro xảy ra do tiêm ngừa viêm gan B ở phụ nữ mang thai và cho con bú. Vì vậy, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và chích ngừa nếu bạn có nguy cơ cao về mắc bệnh viêm gan B.

Các rủi ro khi tiêm phòng viêm gan B

Như tất cá các loại vaccine khác, vaccine viêm gan B sau khi tiêm có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như sốt, đau tại chỗ tiêm,..

Bên cạnh đó, đối với một số người, tiêm ngừa có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong như sốc phản vệ. Hãy tới ngay các cơ sở y tế nếu gặp các vấn đề này sau tiêm:

  • Ngất xỉu
  • Thay đổi thị lưc, chóng mặt
  • Khó thở, thở rít
  • Nổi ban đỏ trên da, mày đay, ngứa
  • Các triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau quặn bụng,..
  • Tím tái

Để hạn chế các tình trạng trên, trước khi tiêm bạn nên khai báo rõ ràng tình trạng bản thân với các nhân viên y tế. Việc tiêm ngừa không nên thực hiện trên các đối tượng sau:

  • Đã xảy ra các phản ứng phản vệ khi tiêm mũi trước
  • Đang có các bệnh lý cấp tính

Tiêm phòng viêm gan B là một trong những cách tốt nhất để có thể tránh được căn bệnh viêm gan B. Và chúng ta cần nên tiêm phòng vì viêm gan B vốn dĩ là một bệnh có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan,.. và nó là căn bệnh truyền nhiễm, vì vậy ai trong số chúng ta đều có khả năng bị mắc phải. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho quý bạn đọc những thông tin cần thiết về tiêm phòng viêm gan B.

Tài liệu tham khảo:

https://www.cdc.gov/vaccines/hcp/vis/vis-statements/hep-b.html

https://www.nhs.uk/conditions/vaccinations/hepatitis-b-vaccine/

Thông tư 38/2017/TT-BYT ban hành ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế Ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.