Một số cách trị nha chu tại nhà đơn giản và hiệu quả

Viêm nha chu hay bệnh nha chu là bệnh lý nha khoa phổ biến hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Vậy viêm nha chu là gì và có cách trị nha chu tại nhà không? Hãy cùng Docosan giải đáp các thắc mắc này trong bài viết dưới đây nhé.

Nha chu là gì? Viêm nha chu có nguy hiểm không?

Trước khi đi sâu vào những cách trị viêm nha chu tại nhà hãy lướt qua các khái niệm quan trọng của nha chu và bệnh viêm nha chu.

Nha chu là gì?

Nha chu còn gọi là mô quanh răng, được cấu tạo từ 4 thành phần chính:

  • Nướu: Bề mặt màu hồng nhạt có lấm tấm da cam, phần nướu nhô lên giữa kẻ răng gọi là gai nướu. Có nướu rời tạo thành khe nướu và sát bên dưới là nướu dính, nơi nướu dính vào cổ răng gọi là biểu mô bám dính.
  • Xương ổ răng: Nằm giữa 2 vách xương dày gọi là phiến cứng, bao bọc quanh chân răng là loại xương xốp có nhiều mạch máu, bạch huyết và thần kinh đi qua, che phủ bên ngoài là niêm mạc xương ổ răng.
  • Dây chằng nha chu: Còn gọi là màng nha chu gồm năm nhóm hệ thống sợi Collagen. Màng nha chu nối liền xương ổ răng vào cément chân răng có nhiệm vụ giữ răng ổn định và phân tán lực tác động lên răng.
  • Cément chân răng: Hay còn gọi là vỏ gốc răng, ở trên thường tiếp xúc với men răng
    ở dưới có lỗ chóp gốc để mạch máu và thần kinh lưu thông với tủy răng.

Chức năng của nha chu: Nha chu nắm giữ nhiều chức năng quan trọng trong đó phải kể đến các công dụng chính như:

  • Liên kết răng vào ổ răng, giữ răng ổn định
  • Kiểm soát vi chuyển động của răng
  • Kiểm soát sự dẫn truyền tín hiệu liên quan đến cảm giác kích thích ngoại lai và vận động
  • Kéo răng trong thời kỳ răng mọc
  • Phân tán lực tác động lên răng

Viêm nha chu có nguy hiểm không?

Với những chức năng quan trọng như vậy, nếu nha chu bị bệnh sẽ ảnh hưởng không hề nhỏ đến sức khoẻ răng miệng, dẫn đến nhiều hậu quả nguy hiểm như nướu mất khả năng bám dính răng, xương ổ răng bị tiêu hủy, các túi nha chu bắt đầu hình thành, chức năng của răng bị suy giảm, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày.

Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết viêm nha chu

Viêm nha chu đứng hàng thứ hai trong các bệnh lý nha khoa thường gặp nhất, chỉ sau sâu răng. Viêm nha chu xảy ra khi có một hoặc nhiều thành phần của mô nha chu bị tổn thương. Có thể phân làm hai loại nguyên nhân:

  • Tai chỗ: Được xem là quan trọng và chủ yếu nhất, thường thấy là sự xuất hiện của mảng bám, vôi răng mà nguyên do là vệ sinh răng miệng kém hoặc không đúng cách làm tích tụ vi khuẩn; hút thuốc lá; do miếng trám dư; răng giả không đúng cách; xáo trộn hoặc chấn thương khớp cắn.
  • Toàn thân: Có thể thấy ở những bệnh cảnh làm giảm sức đề kháng của cơ thể như: suy dinh dưỡng, bệnh tiểu đường, ung thư, HIV/AIDS, bệnh nhân sau xạ trị, hoá trị, bỏng nặng; tình trạng căng thẳng lo âu kéo dài; đôi khi là phản ứng quá mẫn của cơ thể hoặc xáo trộn nội tiết, mang thai.

Dấu hiệu nhận biết viêm nha chu: Viêm nha chu thường diễn tiến thầm lặng và dễ bị bỏ qua, vì vậy cần cẩn trọng khi gặp các dấu hiệu sau để đến gặp nha sĩ cũng như phối hợp cách trị nha chu tại nhà:

  • Vôi răng, cao răng đóng thành mảng ở cổ răng
  • Sưng nướu, đau nướu
  • Chảy máu ở nướu, đặc biệt là khi chải răng hoặc nhai thức ăn
  • Đè vào vùng nướu, lợi bị sưng có thể thấy dịch mủ chảy ra
  • Hôi miệng
  • Khi nhai thức ăn thấy răng không bình thường, răng bị lung lay
  • Răng thưa do bị di lệch

Một số cách trị nha chu tại nhà

Khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh lý viêm nha chu, người bệnh nên sớm gặp bác sĩ nha khoa để có phương pháp điều trị thích hợp nhất. Tuỳ vào tình trạng viêm hiện tại, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phẫu thuật hoặc không cần phẫu thuật.

Nếu tình trạng viêm nhẹ, bạn có thể tham khảo một số cách trị nha chu tại nhà đơn giản bằng các nguyên liệu dễ tìm như:

Súc miệng bằng nước muối ấm

Muối có khả năng kháng khuẩn rất tốt, giảm viêm, giảm đau, sử dụng phương pháp súc miệng bằng nước muối loãng giúp cải thiện nhiều vấn đề răng miệng trong đó có viêm nha chu. Cách này còn giúp người bệnh giảm đau nướu rất tốt.

Pha một ít muối sạch vào nước đun sôi để ấm (tránh để dùng quá nhiều muối có thể khiến men răng bị ăn mòn). Mỗi ngày sử dụng nước muối ấm để súc miệng khoảng 3 – 5 phút sau khi ăn hoặc khi thấy cơn đau xuất hiện, mỗi lần súc ít nhất 30 giây.

Cách trị nha chu tại nhà bằng nha đam (lô hội)

Nha đam có tính chất kháng viêm, kháng khuẩn nhẹ và làm lành vết thương. Nha đam còn có khả năng làm giảm tình trạng hôi miệng. Cách dùng như sau:

  • Mát xa nướu bằng nước ép nha đam tươi, để nguyên trong khoảng nửa tiếng, sau đó rửa sạch.
  • Hoặc ngậm nước ép lô hội trong miệng vài phút, sau đó nhổ ra.
  • Bạn cũng có thể uống khoảng vài muỗng nước nha đam đều đặn. Lưu ý không nên uống nước nha đam quá nhiều vì nó tác dụng nhuận tràng. 

Cách trị nha chu tại nhà bằng nghệ

Nghệ có chứa curcumin, một chất sát khuẩn và kháng viêm cực mạnh. Nghệ có thể dễ dàng loại bỏ tất cả vi khuẩn trong lợi và cũng trị viêm, giảm đau. Cách trị nha chu tại nhà bằng nghệ như sau:

  • Lấy một ít bột nghệ và đánh răng hàng ngày.
  • Hoặc dùng hỗn hợp nghệ đâm nhuyễn/bột nghệ cùng với vitamin E thoa lên nướu buổi tối trước khi đi ngủ. Sáng hôm sau thức dậy súc miệng lại bằng nước ấm. Lặp lại trong vài ngày cho đến khi thu được kết quả tốt.

Ngoài các cách trên đừng quên vệ sinh răng miệng đúng cách bằng cách đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám; có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý để giảm stress; khám răng định kỳ mỗi 6-12 tháng để phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời.

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Một số cách trị nha chu tại nhà đơn giản và hiệu quả”. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thêm vài thông tin bổ ích về bệnh và cách trị nha chu tại nhà.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.

Nguồn tham khảo: NHS

Contact Me on Zalo
Call Now Button