Răng bị ê buốt: Nguyên nhân và cách điều trị

Bạn đã bao giờ cảm thấy răng bị đau nhói, đột ngột khi ăn uống? Đó có thể là tình trạng răng bị ê buốt (răng nhạy cảm), là một vấn đề răng miệng phổ biến, gây sự khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Sau đây, hãy cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn về tình trạng này để có cách điều trị và phòng ngừa hợp lý nhé!

Răng bị ê buốt” và “nhạy cảm ngà

Răng bị ê buốt (răng nhạy cảm) là cách gọi thông thường của hiện tượng nhạy cảm ngà, được định nghĩa là cảm giác “đau nhói, xảy ra đột ngột, xuất phát từ ngà răng bị lộ khi có các kích thích do nhiệt (nóng hoặc lạnh), cơ học (cọ xát), hóa học (chua, ngọt), khí động (luồng hơi) hoặc kích thích thẩm thấu, không liên hệ với bệnh hay tình trạng nào khác.”

Đầu tiên, để hiểu rõ về định nghĩa trên, chúng ta cần biết ngà răng là gì và như thế nào là ngà răng bị lộ. Ngà răng là một thành phần cấu tạo nên răng, nằm giữa lớp men thân răng hoặc xê măng chân răng bên ngoài và tủy răng bên trong. Ngà ở một răng khỏe mạnh sẽ không bị lộ, nghĩa là không tiếp xúc trực tiếp với môi trường miệng. Có nhiều nguyên nhân khiến ngà răng bị lộ, thông qua đó các tín hiệu kích thích từ môi trường miệng được truyền vào tủy răng (nơi chứa nhiều dây thần kinh), gây ra cảm giác ê buốt răng.

Tại sao răng bị ê buốt?

Ngà răng bị lộ, tạo nên các kênh truyền tín hiệu kích thích đến tủy răng.

Nguyên nhân khiến răng bị ê buốt xuất phát từ những nguyên nhân làm ngà răng bị lộ, cụ thể gồm:

  • Mất lớp men hoặc xê măng chân răng: răng bị mòn do lực cắn quá mạnh, thói quen nghiến răng, chế độ ăn uống nhiều axit (thực phẩm có vị chua nhiều, nước có gas…), chải răng quá mạnh; răng bị sứt mẻ…
Răng bị mòn gây lộ ngà
  • Tụt nướu: do bệnh nha chu hoặc do tuổi tác, làm lộ ngà chân răng.
Tụt nướu làm lộ ngà chân răng
  • Sau một số điều trị răng miệng: lấy cao răng, tẩy trắng răng, trám răng không tốt với bờ miếng trám không khít sát…
  • Thói quen vệ sinh răng miệng không tốt: chải răng không đúng cách, sử dụng tăm xỉa răng…

Điều trị răng bị ê buốt

Điều trị răng bị ê buốt gồm 3 mức độ dưới sự hướng dẫn của bác sĩ nha khoa:

  • Loại bỏ các yếu tố nguyên nhân cũng như thay đổi thói quen gây ê buốt răng. Sử dụng kem đánh răng chống ê buốt.
  • Nếu vẫn chưa hết ê buốt, bên cạnh các biện pháp trên, cần sử dụng thêm thuốc gel bôi chống ê buốt.
  • Cuối cùng, nếu những phương pháp trên vẫn không hiệu quả, nên kết hợp trám răng, bọc mão…, nhất là trong các trường hợp răng bị mòn nhiều.

Phòng ngừa ê buốt răng

Hiện nay, vấn đề chống ê buốt vẫn là một thử thách với nhiều sản phẩm, công nghệ mới đang được nghiên cứu. Vì thế, việc phòng ngừa ê buốt răng là rất quan trọng.

  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách: Chải răng với bàn chải lông mềm ít nhất 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa ít nhất 1 lần/ngày, không dùng tăm xỉa răng.
  • Loại bỏ thói quen răng miệng không tốt: Nghiến răng, nhai đá…
  • Chế độ ăn uống hợp lý: Giảm các thực phẩm nhiều axit, sau khi dùng nên uống một ly nước lọc để pha loãng môi trường axit trong miệng.
  • Kiểm soát ê buốt răng tại nhà: sử dụng kem đánh răng, gel bôi chống ê buốt.

Tổng kết

Răng bị ê buốt (nhạy cảm ngà) là tình trạng phổ biến, hầu như ai cũng sẽ trải qua một lần trong đời, có thể thường xuyên hoặc thỉnh thoảng, nhưng nói chung đều mang lại cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến vấn đề ăn uống cũng như sinh hoạt hằng ngày. Bản chất của răng bị ê buốt là hiện tượng ngà răng bị lộ, gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Bên cạnh các phương pháp điều trị, việc phòng ngừa và kiểm soát ê buốt răng tại nhà cần được đặc biệt quan tâm.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

  • Hoàng Tử Hùng. Ê buốt răng và cuộc chiến chống ê buốt. Hội nghị khoa học quốc gia ngành Răng Hàm Mặt và Triển lãm Nha khoa quốc tế lần IV, Hà Nội, 2011.
  • Orchardson R., Gillam D. Managing Dentin Hypersensitivity, J Am. Dent. Assoc. 137 (7), 2006.
  • News-medical.net