Chứng hôi miệng: Nguyên là gì? Điều trị ra sao?

Hôi miệng là một trong những việc dễ khiến chúng ta bị xấu hổ trước người khác, nhưng sâu xa hơn nó lại phản ảnh một tình trạng bất thường nào đó của cơ thể. Vậy hôi miệng là triệu chứng của bệnh gì? Làm gì để hết hôi miệng? Mời bạn cùng Docosan tìm hiểu về chứng hôi miệng trong bài viết dưới đây nhé!

Tổng quan về hôi miệng

Dưới đây là một số điểm chính về hôi miệng. Thông tin chi tiết sẽ được trình bày trong nội dung chính của bài viết.

  • Hôi miệng chiếm khoảng ¼ số lượng người trên toàn cầu.
  • Nguyên nhân hôi miệng phổ biến nhất là vệ sinh răng miệng không đúng cách.
  • Vi khuẩn sẽ phân hủy các mảnh thức ăn còn sót lại trong miệng, tạo ra các hợp chất có chứa lưu huỳnh.
  • Uống đủ nước có thể làm giảm hôi miệng.
  • Cách điều trị tốt nhất là vệ sinh răng miệng đúng cách, bao gồm chải răng, sử dụng chỉ nha khoa, súc rửa miệng với nước.

Hôi miệng là bệnh gì?

Hôi miệng là một vấn đề phổ biến có thể gây ra rối loạn tâm lý đáng kể ở đa số người trưởng thành. Ai cũng có thể bị hôi miệng, nghiên cứu ước tính cứ 4 người trên thế giới thì có 1 người bị hôi miệng.

Hôi miệng đứng thứ ba trong số những lý do phổ biến mà mọi người phải tìm đến nha sĩ, sau sâu răng và bệnh nướu răng.

Các biện pháp điều trị đơn giản tại nhà và thay đổi lối sống, chẳng hạn như vệ sinh răng miệng theo đúng hướng dẫn của nha sĩ, bỏ hút thuốc, thường có thể giúp cải thiện hoặc loại bỏ hôi miệng. Tuy nhiên, nếu tình trạng hôi miệng vẫn xảy ra sau khi bạn đã làm những việc trên, nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra nguyên nhân tiềm ẩn có thể gây ra triệu chứng này.

Nguyên nhân gây hôi miệng

hoi-mieng
Hút thuốc lá là 1 trong những nguyên nhân gây hôi miệng

Các nguyên nhân dễ khiến bạn bị hôi miệng bao gồm:

  • Viêm nhiễm, mủ amidan: Đôi khi, những viên sỏi nhỏ chứa vi khuẩn bao phủ có thể hình thành trên amidan ở phía sau cổ họng và tạo ra mùi hôi. Ngoài ra, nhiễm trùng hoặc viêm trong mũi, cổ họng hoặc xoang có thể gây hôi miệng.
  • Mảnh thức ăn: Sự nghiền nhỏ của răng khiến các mảnh thức ăn mắc kẹt trong kẽ răng có thể gây ra hôi miệng. Một số thực phẩm nặng mùi như hành, tỏi cũng có thể là 1 nguyên nhân. Sau khi chúng được tiêu hóa, các sản phẩm phân hủy của chúng sẽ được đưa vào máu đến phổi, nơi chúng có thể ảnh hưởng đến hơi thở.
  • Hút thuốc lá: Người hút thuốc lá nhiều có nguy cơ cao mắc các bệnh lý về nướu, cũng có thể gây hôi miệng hơn người không hút thuốc.
  • Chăm sóc răng miệng kém: Đánh răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách, thường xuyền đảm bảo loại bỏ các mảnh thức ăn nhỏ có thể tích tụ và từ từ phân hủy, tạo ra mùi. Một lớp vi khuẩn được gọi là mảng bám tích tụ nếu bạn không thường xuyên đánh răng. Nó có thể gây kích ứng nướu và gây ra tình trạng viêm nha chu. Người sử dụng răng giả nhưng không thường xuyên làm sạch chúng hoặc không đúng cách cũng có thể tích tụ vi khuẩn gây ra hôi miệng.
  • Khô miệng: Nước bọt cũng đóng vai trò vệ sinh miệng chứ không chỉ để làm ẩm. Nếu miệng bị khô hoặc khô tự nhiên do một bệnh lý nhất định, chẳng hạn như bệnh khô miệng, mùi hôi có thể tích tụ.
  • Dị vật: Hôi miệng có thể gây ra nếu chúng có dị vật nằm trong khoang mũi, đặc biệt là ở trẻ em. Tất nhiên đứa trẻ sẽ cảm thấy khó chịu và quấy khóc khá nhiều.
  • Chế độ ăn: Chế độ ăn kiêng và ít carbohydrate có thể gây ra chứng hôi miệng. Điều này là do sự phân hủy chất béo tạo ra hóa chất gọi là xeton. Các xeton này có mùi khá nồng.
  • Bệnh tật: Một số bệnh ung thư, suy gan và các bệnh chuyển hóa khác có thể gây ra chứng hôi miệng, do các hỗn hợp các chất hóa học đặc biệt mà chúng tạo ra. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể gây hôi miệng bởi dịch acid dạ dày thường xuyên trào ngược lên thực quản
  • Thuốc: Sử dụng một số loại thuốc có thể làm giảm nước bọt gây khô miệng và do đó tạo nên mùi hôi. Các loại thuốc khác như nitrat trong điều trị đau thắt ngực, một số thuốc an thần, chẳng hạn như phenothiazin có thể tạo ra mùi khi chúng phân hủy ở ruột và giải phóng hóa chất trong hơi thở. Những người sử dụng vitamin nhiều dưới dạng thực phẩm bổ sung cũng dễ bị hôi miệng.

Nguyên nhân khác gây hôi miệng

Như đã nêu, nguyên nhân phổ biến nhất gây hôi miệng là do vệ sinh răng miệng kém, bên cạnh đó các bệnh lý nghiêm trọng cũng có thể gây hôi miệng bao gồm:

  • Nhiễm toan ceton: Khi mức insulin của một bệnh nhân tiểu đường bị giảm rất thấp, cơ thể của họ không thể sử dụng glucose nữa và thay vào đó bắt đầu sử dụng các nguồn dự trữ khác, ở đây là chất béo. Sản phẩm phân hủy của chất béo là cetone và nó tích tụ gây độc cho cơ thể, đồng thời làm bệnh nhân có hơi thở đặc biệt khó chịu. Nhiễm toan ceton là một tình trạng cấp cứu và đe dọa tính mạng bệnh nhân.
  • Tắc ruột: Hơi thở có thể có mùi hôi như phân nếu bị tắc ruột, do sản phẩm tiêu hóa không đi xuống được mà ứ lại trong đường ruột.
  • Giãn phế quản: Đây là tình trạng lâu ngày đường hô hấp dưới trở nên giãn ra so với bình thường, tạo điều kiện tích tụ chất nhầy như đàm nhớt, dẫn đến hôi miệng.
  • Viêm phổi hít: Tình trạng viêm phổi hoặc đường hô hấp do vô tình hít phải chất nôn, nước bọt, thức ăn hoặc chất lỏng vào khí quản thay vì thực quản.

Triệu chứng hôi miệng

Mùi hôi của hơi thở mỗi người có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân của nó. Thông thường rất khó để phát hiện mùi hôi miệng của chính bản thân, vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến của một người bạn thân hoặc người thân để đánh giá xem liệu bạn có hôi miệng hay không.

Một cách khác để tự kiểm tra mùi là liếm cổ tay rồi ngửi. Nếu vùng cổ tay đã liếm có mùi hôi, nó chứng tỏ bạn có thể bị chứng hôi miệng.

Các biện pháp khắc phục hôi miệng tại nhà

hoi-mieng

Vệ sinh răng miệng là chìa khóa của hầu hết các tình trạng hôi miệng. Các thay đổi lối sống khác và các biện pháp bao gồm:

  • Đánh răng ít nhất hai lần một ngày, nhất là sau bữa ăn.
  • Dùng chỉ nha khoa nhằm giảm sự tích tụ của các mảnh thức ăn và mảng bám giữa các kẽ răng. Vai trò của chỉ nha khoa rất quan trọng vì đánh răng đơn thuần chỉ vệ sinh khoảng 60% bề mặt của răng.
  • Làm sạch các dụng cụ chỉnh nha: Bất cứ thứ gì gắn vào miệng của bạn, bao gồm răng giả, cầu răng hoặc miếng bảo vệ miệng, nên được vệ sinh đúng cách mỗi ngày đêngăn ngừa vi khuẩn tích tụ và truyền trở lại miệng. Thay đổi bàn chải đánh răng 2 đến 3 tháng một lần cũng rất quan trọng vì những lý do tương tự.
  • Cạo lưỡi: Dụng cụ cạo lưỡi đôi khi có thể hữu ích vì vi khuẩn, thức ăn và tế bào chết không chỉ bám trên răng mà còn tích tụ trên lưỡi, đặc biệt là ở những người hút thuốc hoặc những người bị chứng khô miệng
  • Uống nhiều nước. Tránh rượu và thuốc lá, cả hai đều làm mất nước trong miệng. Nhai kẹo cao su có thể giúp kích thích sản xuất nước bọt nhằm hạn chế khô miệng.
  • Thức ăn: hạn chế hành, tỏi và thức ăn cay. Thực phẩm có đường cũng có liên quan đến tình trạng hôi miệng. Hạn chế cà phê và rượu.

Nếu hơi thở có mùi hôi vẫn tồn tại mặc dù đã thực hiện các biện pháp này, bạn nên đến gặp bác sĩ để làm các xét nghiệm thêm nhằm loại trừ các bệnh lý khác.

Chẩn đoán nguyên nhân gây hôi miệng

Thông thường, đánh giá ban đầu chỉ đơn giản là ngửi hơi thở của một người nghi ngờ mắc chứng hôi miệng và nha sĩ sẽ định mức độ hôi miệng trên thang mức độ sáu điểm. Nha sĩ có thể cạo mặt sau của lưỡi và ngửi vết cạo vì vị trí đó thường có thể là nguồn phát ra mùi hôi.

Có nhiều loại máy dò tinh vi có thể đánh giá mùi chính xác hơn. Chúng bao gồm những điều sau:

  • Halimeter: Máy đo hơi thở nhằm phát hiện mức độ lưu huỳnh trong hơi thở
  • Sắc ký khí: Xét nghiệm này đo nồng độ ba hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi: Hydrogen sulfide, methyl mercaptan và dimethyl sulfide.
  • Xét nghiệm BANA: Phương pháp này đánh giá nồng độ một loại enzyme được tạo ra bởi vi khuẩn gây chứng hôi miệng.
  • Xét nghiệm beta-galactosidase: Nồng độ của enzyme beta-galactosidase đã được nghiên cứu là có liên quan với mùi hôi miệng.

Sau những xét nghiệm trên, nha sĩ sẽ có thể xác định nguyên nhân hôi miệng của bạn.

Điều trị hôi miệng

Phương pháp tốt nhất để giảm chứng hôi miệng là vệ sinh răng miệng đúng cách. Điều này đảm bảo rằng ngăn ngừa sâu răng cũng như giảm khả năng mắc các bệnh lý về nướu răng.

Tần suất thăm khám răng với nha sĩ nên được duy trì tối thiểu hai lần một năm. Bạn có thể sẽ được hướng dẫn sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn hoặc kem đánh răng có chứa chất kháng khuẩn.

Ngoài ra, nếu có bệnh nướu răng kèm theo, có thể cần một quy trình làm sạch chuyên sâu của nha sĩ để loại bỏ vi khuẩn tích tụ trong các khoảng hở giữa nướu và răng.

hoi-mieng

Bị hôi miệng thì nên đi khám ở đâu?

  • Nha khoa Bình Dương – Thủ Dầu Một, Bình Dương
  • Nha khoa Hidental – Q.7
  • Phòng khám chuyên khoa H2 Clinic – Hai Bà Trưng, Hà Nội

Kết luận

Nhìn chung, hôi miệng rất phổ biến và hoàn toàn không gây ra ảnh hưởng gì khá nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn. Tuy nhiên việc điều trị hôi miệng cũng đóng góp một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe răng miệng của chúng ta. Vì vậy ngay khi bạn nghi ngờ mình bị hôi miệng hoặc được người thân phản ánh, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.