Viêm họng cấp: nguyên nhân và cách điều trị

Viêm họng là một trong các bệnh lý rất phổ biến thuộc đường hô hấp mà bất kỳ ai ở mọi độ tuổi từ trẻ nhỏ đến người trưởng thành, người già cũng từng mắc phải ít nhất một vài lần trong đời, trong đó viêm họng cấp thường gặp hơn nhiều và thường sẽ tự khỏi hẳn sau khoảng 1 tuần nhưng cũng có những trường hợp bệnh trở nên nặng nề, không tự khỏi. Vậy nguyên nhân do đâu và phải điều trị như thế nào?

Viêm họng cấp là gì ?

Họng là phần phía sau khoang miệng, và phía trên của thực quản và thanh quản. Vùng này được chia làm 3 phần gồm vùng hầu mũi, vùng hầu miệng và vùng hầu thanh quản. 

Viêm họng cấp tính là tình trạng niêm mạc hầu họng bị viêm nhiễm: đỏ, sưng to, nóng, ngứa và đau rát, gây khó chịu và vướng cho người bệnh khi thực hiện nhai nuốt, kéo dài khoảng một tuần và thường tự giới hạn.

viêm họng cấp tính
HIfnh ảnh cổ họng bị viêm họng cấp

Nguyên nhân gây viêm họng cấp

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau làm ta mắc bệnh viêm họng cấp. 

Viêm họng cấp do virus

Virus là nguyên nhân phổ biến nhất của hơn 90% trường hợp mắc bệnh viêm họng. Các loại virus gây nhiễm trùng vùng hầu họng bao gồm virus gây bệnh cảm thông thường, virus cúm, virus sởi, virus thủy đậu, virus quai bị, virus ho gà, Epstein-Barr virus (EBV), Herpes simplex virus (HSV), …

Viêm họng cấp do vi khuẩn

Viêm họng ít khi xảy ra do nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên nếu mắc phải viêm họng do vi khuẩn thì thường sẽ bị nặng, nghiêm trọng, tiến triển phức tạp và dễ phát sinh biến chứng nặng nề hơn nhiều so với do nhiễm virus.

Trong số các vi khuẩn thì liên cầu khuẩn nhóm A (Streptococcus pyogenes) là loại vi khuẩn chủ yếu gây nhiễm trùng ở hầu họng, người ta còn gọi riêng nhóm này bằng tên Viêm họng liên cầu khuẩn (Strep sore throat). Ngoài ra, bệnh cũng có thể xảy ra do vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae), lậu cầu, Chlamydia,…

Một số nguyên nhân khác gây viêm họng cấp

Một số nguyên nhân khác cũng có thể gây viêm họng cấp là:

  • Dị ứng (thời tiết, phấn hoa, bụi, nấm, gia vị, hải sản, lông chó mèo, …), viêm họng do dị ứng thường có mức độ nhẹ và hầu như chỉ gây triệu chứng tại chỗ. 
  • Sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, thức ăn cay, rượu bia, không khí quá nóng khiến cho cổ họng bị ngứa ngáy khó chịu hoặc thường xuyên hít thở bằng đường miệng khi bị nghẹt mũi thì cũng có thể làm cổ họng dễ bị viêm hơn.
  • Không khí khô có thể khiến niêm mạc cổ họng bị khó chịu, đau rát và kích thích.
  • La hét hoặc nói chuyện to, hát trong thời gian dài làm căng  cơ vùng cổ họng quá lâu dẫn đến hiện tượng sưng viêm và đau nhức.
  • Chấn thương: va đập hoặc cắt vào vùng cổ, nghẹn thức ăn ở họng đều có thể gây viêm đau vùng họng
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Trào ngược dạ dày thực quản gây ra tình trạng axit dịch vị trào ngược lên cổ họng và thực quản liên tục trong thời gian dài, có thể phá hủy niêm mạc, dẫn đến hiện tượng nóng rát, kích thích và đau nhức vùng cổ họng
  • Các yếu tố nguy cơ góp phần gây viêm họng: hệ miễn dịch yếu do tuổi còn nhỏ (từ 3-5 tuổi) hoặc do bệnh lý gây suy giảm miễn dịch (tiểu đường hoặc HIV), hít khói thuốc lá thụ động, thời tiết chuyển lạnh đột ngột, môi trường ô nhiễm nhiều bụi bẩn, mắc các bệnh lý về đường hô hấp như viêm xoang, viêm mũi dị ứng, …

Triệu chứng của viêm họng cấp

Viêm họng cấp tính là tình trạng viêm họng kéo dài khoảng một tuần và thường tự giới hạn, là thể bệnh phổ biến nhất của viêm họng, có thể do nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng. 

Triệu chứng của viêm họng cấp ở người lớn và viêm họng cấp ở trẻ em khá giống nhau, viêm họng cấp do nhiễm trùng triệu chứng thường khởi phát đột ngột, bao gồm các triệu chứng tại vùng họng và các triệu chứng toàn thân gồm:

  • Đau họng
  • Cổ họng khô rát
  • Nuốt vướng hoặc khó khăn
  • Nổi hạch bạch huyết ở cổ
  • Amidan sưng đỏ
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Chán ăn
  • Sốt cao
  • Ho
  • Khàn giọng

Ngoài ra nếu viêm họng cấp tính không xuất hiện đơn lẻ mà đi kèm với các bệnh lý khác thì khi đó nếu điều trị chậm trễ sẽ để lại những hậu quả rất nghiêm trọng. Một số thể bệnh kết hợp với viêm họng cấp thường gặp như:

  • Nếu có cúm đi kèm viêm họng: ngoài triệu chứng của viêm họng cấp nêu trên thì còn có sốt trên 38 độ C, mệt mỏi, nhức đầu, đau cứng cơ, lúc nóng lúc lạnh. 
  • Nếu có nhiễm EBV hoặc CMV kèm theo: ngoài triệu chứng của viêm họng cấp nêu trên thì còn sốt nhẹ – vừa, nhức đầu, hạch bạch huyết ở cổ và dưới nướu bị sưng, viêm sưng amidan, không có cảm giác ngon miệng, thỉnh thoảng có thể có gan to, lách to, xuất hiện giả mạc có thể bóc tách, không chảy máu, …

Trong viêm họng cấp do nhiễm trùng lại có 2 thể bệnh thường gặp hơn cả đó là Viêm họng do virus và viêm họng liên cầu khuẩn. Để phân biệt 2 thể bệnh này, ta có thể dựa vào các triệu chứng cơ năng và thực thể được nêu lên trong bảng sau:

Viêm họng do virusViêm họng liên cầu khuẩn
Ho khan
Chảy mũi
Khàn giọng
Đau mắt đỏ
Đau họng khởi phát nhanh chóng
Đau khi nuốt
Sốt
Lưỡi sưng đỏ
Những chấm đỏ nhỏ trên niêm mạc miệng
Nổi hạch bạch huyết ở cổ 

Nếu viêm họng cấp không do nguyên nhân nhiễm trùng thường chỉ gây ra các triệu chứng tại chỗ và gần như không phát sinh các triệu chứng toàn thân như đau nhức cơ thể, sốt, buồn nôn, …

Viêm họng cấp có nguy hiểm không ?

Hơn 90% các trường hợp bị viêm họng cấp đều xảy ra do virus. Thông thường, triệu chứng viêm họng do virus có thể thuyên giảm và tự khỏi chỉ sau 1 tuần mà không cần can thiệp bất cứ loại thuốc nào. 

Tuy nhiên ở một số ít trường hợp, bệnh có thể khởi phát do vi khuẩn, dị ứng hoặc do một số yếu tố kích thích khác. 

Trong đó viêm họng do vi khuẩn có mức độ nặng nề nhất và dễ phát sinh biến chứng nếu không điều trị kịp thời. Nhưng nhìn chung, các thể bệnh viêm họng đa phần đều không gây nguy hiểm đến tính mạng và ít để lại biến chứng nếu được điều trị dứt điểm. 

Tuy nhiên, ta vẫn nên chú ý đến bệnh viêm họng khi nó xuất hiện bởi trong những trường hợp nặng, viêm họng có thể gây viêm nhiễm amidan, viêm thanh quản, viêm phổi, hoặc khiến bệnh phát triển thành mãn tính sẽ rất khó điều trị khỏi, và nặng hơn nữa sẽ làm xuất hiện các biến chứng như: sốt thấp khớp, suy tim và nhiễm trùng máu, tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp khác, …. 

Trường hợp viêm họng là một triệu chứng trong một bệnh lý khác (điển hình là cúm, viêm thanh quản, sốt…) thì thường khó điều trị hơn và bắt buộc phải giải quyết được bệnh lý nền trước.

Khi nào cần gặp bác sĩ ?

Nếu có những biểu hiện hoặc gặp những tình huống sau, người bệnh cần nhanh chóng tìm đến các bác sĩ càng sớm càng tốt.

  • Khi có các triệu chứng của viêm họng do liên cầu khuẩn
  • Các triệu chứng bệnh kéo dài trên 1 tuần và ngày càng nghiêm trọng hơn.
  • Đau họng và ho nhiều gây khó khăn cho việc nuốt nước bọt, ăn uống
  • Khó thở
  • Khó nuốt
  • Máu trong nước bọt hoặc đờm
  • Tăng tiết nước bọt (thường gặp trong viêm họng cấp ở trẻ em)
  • Mất nước
  • Sưng và đau khớp
  • Phát ban
  • Nước tiểu có màu sắc bất thường giống với nước cola.
  • Bệnh nhân bị viêm họng cấp trên một bệnh nền suy giảm miễn dịch như tiểu đường, HIV. Ngoài ra, người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, hóa trị liệu ung thư cũng cần tìm gặp bác sĩ nếu có biểu hiện nghi ngờ bị viêm họng cấp.

Điều trị viêm họng cấp như thế nào ?

Viêm họng được xem là bệnh lý thường gặp và là bệnh lý đơn giản, dễ điều trị nhưng nếu không điều trị dứt điểm ngay từ đầu thì có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. 

Người bệnh nên dành thời gian đến khám bác sĩ để được bác sĩ chẩn đoán viêm họng này là do virus hay liên cầu khuẩn rồi mới kê đơn dùng kháng sinh phù hợp. Người bệnh không nên tự mua thuốc kháng sinh tại các nhà thuốc vì không phải trường hợp viêm họng nào cũng điều trị kháng sinh, kháng sinh chỉ nên được dùng để điều trị viêm họng do nhiễm vi khuẩn.

Trường hợp viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn: 

  • Nên nghỉ ngơi tại nhà cho đến khi không còn triệu chứng sốt và đã dùng thuốc kháng sinh ít nhất 12h
  • Dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ

Trường hợp viêm họng do virus: Để chữa viêm họng, cũng như phòng ngừa bệnh ta có thể áp dụng phương pháp điều trị không dùng thuốc kháng sinh sau:

  • Có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng, stress do học tập hoặc làm việc quá sức.
  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn các thực phẩm giàu vitamin C nhằm tăng cường sức đề kháng, đảm bảo hệ miễn dịch luôn hoạt động khỏe mạnh và hỗ trợ ức chế nhiễm trùng, bổ sung chất lỏng, vitamin và chất xơ: ăn thêm nhiều rau xanh và hoa quả tươi vào trong bữa ăn.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày: chải răng ít nhất 2 lần/ngày và nên súc miệng sau khi ăn trong vòng 30’. Thói quen này sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn trong khoang miệng, ngăn chặn không để mầm bệnh lây lan xuống cổ họng.
  • Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với người bệnh. Không dùng tay để bốc đồ ăn.
  • Hạn chế la hét quá nhiều và nói với âm lượng vừa phải.
  • Tránh tiếp xúc với các yếu tố kích thích như thức ăn cay nóng, mù tạt, cà ri, sa tế, mặn, phấn hoa, …
  • Không hút thuốc và tránh hút thuốc thụ động
  • Súc miệng và cổ họng với nước muối ấm: Khi bị đau rát họng ít nhất mỗi giờ bạn hãy súc miệng một lần với 1 thìa muối (khoảng 5 gam muối) pha với 237 ml nước lọc hoặc dùng nước muối sinh lý mỗi ngày 1 – 2 lần.
  • Uống đồ uống nóng, không uống nước đá, nước lạnh.
  • Uống nhiều nước để thanh lọc cơ thể, làm sạch đường hô hấp
  • Tránh tiếp xúc gần với người bệnh đau họng, cảm lạnh, hoặc các bệnh viêm đường hô hấp trên khác, Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường và khi đến những nơi đông người để ngăn ngừa nguy cơ bị lây nhiễm bệnh.
  • Giữ ấm cơ thể, vào mùa lạnh, nên tắm bằng nước ấm ở nơi không có gió lùa. Tắm nhanh và lau khô người rồi mới mặc quần áo. Mặc đủ ấm tránh bị cảm lạnh.
  • Ngoài ra có thể sử dụng các thực phẩm giúp phòng ngừa và giảm bớt viêm họng được ông bà ta áp dụng từ xưa đến nay như: vỏ xoài và nước lọc, dấm trắng, nước và muối, bột quế, hạt tiêu và mật ong, gừng, nghệ, lá tía tô hoặc trà mật ong, đông trùng hạ thảo.

Một số bác sĩ khám và điều trị viêm họng cấp

Kết luận

Viêm họng cấp có thể tự khỏi trong vài ngày nếu người bệnh có sức đề kháng tốt. Trong trường hợp bệnh xảy ra những biến chứng khó lường trước, người bệnh cần gặp các bác sĩ Tai Mũi Họng sớm để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.


Bài viết được tham khảo từ Bác sĩ Trần Bảo Ngọc và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị trên Docosan.com

Sore Throat – Centers for Disease Control and Prevention

Viêm họng cấp: Nguyên nhân mắc bệnh và cách phòng ngừa – Sở Y Tế Ninh Bình