Viêm mũi: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm đường hô hấp trên là bệnh lý đường hô hấp rất thường gặp của con người. Trong đó bệnh viêm mũi có thể gặp ở mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người trưởng thành và người già. Vậy viêm mũi là gì, nguyên nhân, chẩn đoán cũng như điều trị bệnh này như thế nào? Hãy cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây.

Viêm mũi là gì?

Đường hô hấp là con đường đưa khí oxy từ môi trường bên ngoài vào cơ thể đến tế bào để tạo năng lượng và thải khí CO2 ra khỏi cơ thể để duy trì sự sống. Trong đó mũi cũng đóng vai trò quan trọng trong đường hô hấp, nó làm chức năng dẫn khí từ ngoài qua hầu họng, thanh quản, vào đường hô hấp dưới, làm ẩm khí và lọc khí bảo vệ cơ thể.

Viêm mũi là phản ứng phức tạp của cơ thể khởi phát sau khi tổn thương tế bào hay do vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp trên.

viêm mũi
Viêm mũi là bệnh thường gặp ở mọi đối tượng

Khi bị viêm mũi sẽ làm niêm mạc mũi phù nề và tăng tiết dịch làm phì đại cuống mũi. Khi 2 mũi đều bị nghẹt bệnh nhân sẽ thở bằng miệng, hậu quả là khí đi vào đường thở không được làm ẩm, làm ấm và làm sạch nên sẽ dễ gây khô miệng, khô họng và làm bệnh bị viêm họng hoặc viêm đường hô hấp dưới.

Viêm mũi gồm 2 dạng bệnh thường gặp là viêm mũi dị ứng viêm mũi thông thường. Trong viêm mũi thông thường có viêm mũi cấp tính và viêm mũi mãn tính.

Nguyên nhân gây bệnh viêm mũi?

  • Các vi khuẩn thường gây viêm đường mũi bao gồm: Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae, …  
  • Do virus như: HSV, Coronavirus, Enterovirus, …
  • Hoặc do các tác nhân vật lý như: do nhiệt, xạ trị, chấn thương lồng ngực, không khí quá khô, quá ẩm, quá nóng, …
  • Và các tác nhân hóa học như: chất kích ứng ở dạng khí, bụi, hoá chất, khói thuốc lá, khói xe,…
viêm mũi
Khói thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây viêm mũi

Chẩn đoán bệnh viêm mũi

Để chẩn được được viêm mũi thì thường ta sẽ xem tình trạng viêm nằm ở đường hô hấp trên hay dưới trước. Đối với trường hợp viêm đường hô hấp trên chủ yếu có các triệu chứng cơ năng và thực thể sau:

  • Người bệnh có các triệu chứng của Hội chứng tắc nghẽn hô hấp trên: khó thở thì hít vào, hoặc cả 2 thì hít và thở, có tiếng rít thanh quản khi thăm khám.
  • Người bệnh có Hội chứng đáp ứng Viêm toàn thân nếu viêm đường hô hấp trên do nhiễm vi khuẩn: sốt > 38 độ C hoặc < 36 độ C, nhịp tim > 90 nhịp/phút, nhịp thở > 20 lần/phút, …
  • Nếu nguyên nhân do siêu vi, người bệnh có Hội chứng nhiễm siêu vi: sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ, nhức đầu, …
  • Nặng hơn nữa có thể dẫn đến Hội chứng suy hô hấp cấp: khó thở, NT > 30l/phút, co kéo cơ hô hấp phụ, …
  • Ngoài ra có thể có các triệu chứng khác như: Nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, đau rát họng, ho, …
  • Viêm đường hô hấp trên thường lui dần sau 5-6 ngày, có thể tự khỏi trong vòng 2 tuần, nếu dài hơn có thể gợi ý đến các bệnh khác như viêm dị ứng, viêm phổi, viêm phế quản.
viêm mũi
Chẩn đoán viêm mũi được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm

Sau khi xác định là thuộc đường hô hấp trên và liên quan đến viêm mũi thì có các thể bệnh viêm mũi thường gặp sau:

Đối với viêm mũi thông thường

Viêm mũi cấp tính thường gặp trong mùa lạnh và hay đi kèm với viêm họng.

  • Sốt 38-40°C
  • Chảy nước mũi
  • Nhức mỏi người, nhức hai bên thái dương.
  • Ngạt mũi kèm theo chảy mũi, lúc đầu nước mũi trong, sau đó vàng xanh kèm theo hắt hơi
  • Khứu giác giảm hoặc mất nên ăn uống thường không ngon miệng.
  • Niêm mạc mũi đỏ, cuốn dưới to lên, dịch nhầy dọc theo sàn mũi hoặc cả khe giữa.
  • Nếu dịch nhiều chảy ra cửa mũi sau xuống họng có thể gây ù tai, ho.

Người bị viêm mũi mạn tính có thể bị quanh năm, thường gặp hơn cả là ở những người có cơ địa dị ứng hoặc bị viêm mũi cấp nhưng không điều trị dứt điểm cứ kéo dài làm mô niêm mạc mũi biến đổi khiến niêm mạc mũi xuất tiết, quá phát và teo lại. Độ ẩm thấp và các chất kích thích trong không khí cũng góp phần dẫn đến viêm mũi mạn tính.

Triệu chứng:

  • Viêm mũi mạn tính ít ảnh hưởng tới toàn trạng
  • Tắc nghẽn mũi kéo dài, ngạt một phần hoặc toàn bộ tùy mức độ thoái hóa của cuốn mũi dưới.
  • Chảy máu mũi
  • Chảy nước mũi từng đợt, màu sắc và mức độ khác nhau, dịch mũi có khi trắng đục, vàng xanh hoặc có màu gỉ sắt.
  • Khứu giác giảm rất thường gặp
  • Ho do dịch mũi chảy xuống họng kích thích phản xạ ho, ho thường có đờm, màu đờm giống với dịch mũi
viêm mũi
Viêm mũi thông thường có thể kèm theo sốt

Đối với viêm mũi dị ứng

Thường là bệnh nhân đã có tiền sử dị ứng. Tác nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng

  • Bên ngoài: Phấn hoa, lông thú cưng, chất kích ứng ở dạng khí, bụi, hoá chất, khói thuốc lá, khói xe,…
  • Bên trong: do cơ địa dị ứng.

Triệu chứng của viêm mũi dị ứng và viêm mũi thông thường có thể phân biệt qua bảng sau:

Viêm mũi dị ứngViêm mũi thông thường
Triệu chứng thường đến nhanh và đột ngột như hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, ngạt mũi 2 bên và ngứa mũi. Có thể gặp các triệu chứng viêm kết mạc dị ứng đi kèm.Triệu chứng thường từ từ, không đột ngột hắt hơi ít nhưng ngạt mũi nhiều, có thể ngạt 1 bên mũi, nước mũi có dạng dịch nhầy đặc hoặc dịch mủ. Thường mệt mỏi, đau nhức toàn thân, có thể bị sốt và sợ lạnh
So sánh viêm mũi dị ứng và viêm mũi thông thường.

Cách điều trị viêm mũi

Đa số các trường hợp viêm mũi thường nhẹ và tự giới hạn trong vòng 2 tuần vì vậy không cần biện pháp điều trị đặc hiệu. Người bệnh có thể tự điều trị triệu chứng ở nhà mà không cần thăm khám bác sĩ hoặc sử dụng thuốc.

Cần nghỉ ngơi hợp lý, hoạt động vận động thể lực ở mức vừa phải, không quá sức. Uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất đi do chảy nước mũi, sốt và ăn uống kém do viêm mũi. Có thể sử dụng một số thuốc điều trị triệu chứng để giảm bớt khó chịu cho người bệnh:

  • Thuốc hạ sốt: acetaminophen, …
  • Thuốc kháng histamin để giảm nghẹt mũi
  • Thuốc điều trị ho như dextromethorphan, guaifenesin, codein
  • Thuốc kháng viêm như dexamethasone, prednisolone dùng để giảm viêm và phù nề đường hô hấp
  • Thuốc xịt mũi: sử dụng tại chỗ để khắc phục nhanh các triệu chứng khó chịu của bệnh viêm mũi như thuốc co mạch, dung dịch vệ sinh rửa mũi,…
viêm mũi
Dùng thuốc xịt điều trị bệnh viêm mũi

Kháng sinh được sử dụng trong một số trường hợp viêm mũi liên quan đến vi khuẩn, và không nên tự ý mua sử dụng ở các nhà thuốc tây vì việc sử dụng kháng sinh liên quan đến một số tác dụng không mong muốn và có thể thúc đẩy đề kháng kháng sinh và nhiễm khuẩn thứ phát, nên kháng sinh cần được sử dụng thận trọng theo chỉ định của bác sĩ.

Riêng đối với viêm mũi dị ứng cần lưu ý thêm một số điều sau:

  • Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.
  • Dùng thuốc corticoid dạng xịt mũi giúp kiểm soát viêm mũi do dị ứng và ổn định bệnh.

Kết luận

Với thời tiết khắc nghiệt và chất lượng không khí ở Việt Nam, viêm mũi là một bệnh phổ biến thường gặp. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu bệnh kéo dài sẽ gây ra những bất tiện trong sinh hoạt. Chính vì vậy, bạn nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa để có thể điều trị dứt điểm nhanh chóng.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.