Viêm xoang sàng sau: Dấu hiệu, nguyên nhân và điều trị

Viêm xoang hay viêm xoang sàng sau là bệnh thường gặp ở nước ta, ước tính có khoảng 5% tổng số dân cư bị viêm xoang mạn. Tình trạng bệnh ngày càng phổ biến do gia tăng ô nhiễm môi trường, vệ sinh thấp, xác suất nhiễm khuẩn cao và cũng do sự hiểu biết về bệnh còn chưa đầy đủ. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về bệnh này qua bài viết sau đây nhé.

Viêm xoang sàng sau là gì?

Các xoang sau của khuôn mặt người bình thường nằm ở phần sau hốc mũi, gồm xoang sàng sau và xoang bướm. 

Trong đó xoang sàng sau được gọi là khối hay các tế bào sàng sau vì cũng gồm có nhiều hốc nhỏ có vách rất mỏng khi bị viêm hay ứ đọng mủ thì các vách này có thể bị dày lên hay tiêu biến đi.

Nguyên nhân viêm xoang sàng sau

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây bệnh viêm xoang sàng sau,nên để dễ hình dung thì các nguyên nhân này được xếp thành các nhóm chính sau đây 

viêm xoang sàng sau
Nguyên nhân viêm xoang sàng sau

Viêm xoang sàng sau do viêm nhiễm

Nhiễm vi khuẩn

  • Nhiễm khuẩn vùng mũi họng là nguyên nhân thường gặp nhất, như viêm họng, viêm amidan, viêm VA ở trẻ em và viêm mũi.
  • Các bệnh lý nhiễm khuẩn ở răng lợi như viêm lợi, sâu răng, viêm tủy … đều có thể gây viêm xoang sàng sau.

Nhiễm virus: rất hay gặp. Đó là các loại vi rút lây qua đường hô hấp như vi rút cúm, vi rút rhino,  vi rút bán cúm, … hoặc là các vi rút thường trú sẵn trong đường hô hấp của người bệnh khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch sẽ gây ra bệnh Viêm xoang sàng sau.

Viêm xoang sàng sau do dị ứng

Có thể là nguyên phát hoặc thứ phát, cơ địa dị ứng mũi xoang dễ dẫn đến viêm xoang sàng sau mạn tính. 

Viêm xoang sàng sau do chấn thương

Các chấn thương cơ học và áp lực làm vỡ xoang hay tụ máu trong xoang có thể kèm xuất huyết, phù nề niêm mạc đều gây viêm xoang sàng sau. 

Các nguyên nhân giải phẫu cơ học bất thường 

Dị tật bẩm sinh xảy ra tại vách ngăn, khe giữa của các xoang, các khối u lành tính trong xoang và hốc mũi, … Tất cả đều làm cản trở sự dẫn lưu và thông khí của các xoang, cuối cùng gây ra viêm xoang sàng sau.

Viêm xoang sàng sau do cơ địa 

Những người có cơ địa bị suy nhược, suy dinh dưỡng, bệnh rối loạn nội tiết như đái tháo đường, rối loạn nước điện giải thường giảm khả năng miễn dịch của cơ thể và dễ bị viêm xoang sàng sau hơn người bình thường.

Triệu chứng viêm xoang sàng sau

viêm xoang sàng sau
Triệu chứng viêm xoang sàng sau

Viêm xoang sàng sau cấp tính

Biểu hiện toàn thân 

Dấu hiệu nhiễm trùng cấp tính như sốt, lạnh run, mệt mỏi, biếng ăn, bạch cầu trong máu tăng cao. Ở trẻ em thường có biểu hiện một hội chứng nhiễm trùng rõ rệt và sốt rất cao.

Dấu hiệu chủ quan của người bệnh

  • Đau nhức: thường gặp là cảm giác nặng đầu vùng đỉnh hay chẩm, nhức vùng má và quanh ổ mắt
  • Mũi: chảy nước mũi. Tùy theo loại nhiễm khuẩn và thời gian bị bệnh, xuất tiết dịch mũi trong hoặc lẫn máu hồng, hoặc nhầy, mủ vàng tanh.
  • Tắc nghẹt mũi, đôi khi gây giảm khứu giác rõ rệt.

Viêm xoang sàng sau mạn

Bệnh cảnh thường không gây tắc nghẹt mũi, chảy nước mũi kèm mủ nên sẽ ít được lưu ý đến mà dễ dàng bỏ qua. 

Do xoang sàng sau nằm sâu phía trong hốc mũi, sau mệt nên các triệu chứng thường âm ỉ, không rõ như các xoang trước. Đau nhức đầu thường diễn ra thường âm ỉ ở vùng sau gáy hay vùng đỉnh, chẩm.

Viêm xoang sàng sau có nguy hiểm không?

Lưu ý rằng xoang sàng sau nằm dọc bên trong đường đi của dây thần kinh thị giác nên Viêm xoang sàng sau có thể đưa đến Viêm thần kinh thị giác sau hốc mắt, gây mờ mắt, mù lòa vĩnh viễn. 

Dịch tiết và mủ ở xoang sàng sau sẽ không chảy vào hốc mũi, nên không thể hỉ nước mũi ra được. Mà thay vào đó sẽ chảy vào lỗ mũi sau, phải khạc đờm để nhổ mủ ra có thể làm mủ ứ đọng dính lại ở vòm họng gây khó chịu và dễ loạt vào đường hô hấp gây viêm hô hấp dưới.

Ngoài ra người bị viêm xoang sàng sau dễ bị ho, đưa tới viêm họng mạn, với biểu hiện ngứa, rát và khô họng và dễ dẫn đến viêm thanh quản mạn tính hay u lành như hạt xơ dây thanh ở những người phải nói nhiều.

viêm xoang sàng sau
Viêm xoang sàng sau có nguy hiểm không?

người cao tuổi dễ đưa đến viêm khí – phế quản mạn để lâu sẽ viêm giãn phế quản với ho kéo dài, khạc đờm nhiều, có mủ nhất là về đêm. Ở trẻ em thì dễ đưa tới viêm khí – phế quản co thắt với cơn ho kéo dài về đêm, có thể khó thở, tiếng thở rít như cơn hen.

Cách chữa trị viêm xoang sàng sau

Điều trị tại chỗ

Luôn được coi trọng nhằm đảm bảo mũi – xoang được thông thoáng; các chất tiết ứ đọng trong xoang được dẫn lưu ra ngoài tốt.

Tùy theo từng trường hợp thực hiện các điều trị như: Rỏ xoang mũi; xịt mũi; xông hơi mũi; phun khí dung mũi xoang.

Cần lưu ý không được tiến hành chọc rửa xoang trong viêm xoang sàng sau cấp hay các đợt cấp của viêm xoang sàng sau mạn.

viêm xoang sàng sau
Điều trị tại chỗ xông hơi mũi

Điều trị toàn thân 

  • Kháng viêm: với viêm xoang sàng sau mạn nhất là khi không trong đợt viêm cấp, không có mủ hôi đặc. Các thuốc kháng viêm corticoid hay không corticoid là sử dụng cơ bản. 
  • Kháng sinh: nên dùng thuốc có phổ rộng, liều cao. Đối với viêm xoang sàng sau mạn chủ yếu là vi khuẩn kỵ khí nên phải cho thêm các loại kháng sinh chống vi khuẩn kỵ khí.

Cần lưu ý kết hợp kiểm soát tốt các yếu tố cơ địa là nguyên nhân gây viêm xoang sàng sau như dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản… thì sẽ tăng hiệu quả đáng kể của việc điều trị bệnh.

Chữa viêm xoang sàng sau ở đâu uy tín?

  • Phòng khám tai mũi họng Thành Đông – Q. Tân Bình
  • Phòng khám DHA Healthcare – Q.3
  • Phòng khám chuyên khoa tai mũi họng – Bs Nhan Trừng Sơn – Q.1

Kết luận

Viêm xoang sàng sau do cấu trúc, nguyên nhân, diễn biến rất khác nhau nên sẽ có ảnh hưởng cơ bản đến tiên lượng và điều trị. Vì vậy cần hiểu biết đầy đủ về các thể viêm xoang để tự xác định được tình trạng và hướng điều trị, phòng tránh bệnh kịp thời. Nếu gặp phải các dấu hiệu nguy hiểm của Viêm xoang sàng sau thì phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay để có sự đánh giá và chữa trị đặc hiệu tốt hơn cho bệnh.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.