Rối loạn lo âu bệnh tật: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

Rối loạn lo âu bệnh tật gây ra sự lo lắng quá mức về khả năng mắc bệnh dù bạn không hề có bất kỳ triệu chứng nào hoặc chỉ có một triệu chứng nhẹ bình thường. Nhiều người bệnh rối loạn lo âu bệnh tật đang chịu dày vò mỗi những nỗi lo lắng hằng ngày. Bài viết dưới đây của DOCOSAN sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về rối loạn lo âu bệnh tật.

Rối loạn lo âu bệnh tật là gì?

Rối loạn lo âu bệnh tật còn được gọi là chứng nghi bệnh,  đặc trưng bởi sự lo lắng và sợ hãi thái quá luôn cho rằng bản thân mắc đang mắc các bệnh lý nghiêm trọng, ngay cả khi người bệnh hoàn toàn không có triệu chứng nào.

Khi có triệu chứng, dù không nghiêm trọng, những người mắc chứng rối loạn lo âu bệnh tật luôn nghĩ rằng đó là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe. Chẳng hạn như họ nghĩ rằng ho, cảm có thể là do đang mắc bệnh ung thư phổi. Nỗi ám ảnh, lo sợ này gần như không thuyên giảm dù đã được kiểm tra y tế và chẩn đoán hoàn toàn không mắc các bệnh lý nghiêm trọng.

Tâm lý lo âu quá mức do chứng nghi bệnh gây ra gần như không thể kiểm soát, người bệnh rơi vào trạng thái uể oải, thiếu năng lượng. Điều đó dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, công việc, học tập, sinh hoạt hàng ngày sẽ bị giảm sút.

Rối loạn lo âu bệnh tật nếu không được chữa trị có thể nghiêm trọng dần theo thời gian, gây trầm cảm và dẫn đến nguy cơ tự sát. Một số trường hợp bệnh kéo dài suốt cả cuộc đời và bản thân người bệnh phải học cách sống chung với hội chứng này.

Rối loạn lo âu bệnh tật
Rối loạn lo âu bệnh tật: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Nguyên nhân gây ra chứng lo sợ bệnh tật

Hiện nay, nguyên nhân gây rối loạn lo âu bệnh tật chưa được xác định rõ ràng. Các chuyên gia cho rằng rối loạn lo âu bệnh tật có thể là hệ quả do nhiều yếu tố tác động như yếu tố gia đình, môi trường sống, sang chấn tâm lý trong quá khứ,…

  • Yếu tố gia đình: Những người có cha mẹ qua đời hoặc phải sống chung với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thường sẽ tạo ra nỗi sợ và ám ảnh về việc bản thân mắc các bệnh nặng do di truyền từ những người thân trong gia đình.
  • Nhân cách: Người mắc rối loạn lo âu bệnh tật có tính cách cầu toàn, khắt khe với bản thân hoặc tự yêu chiều bản thân quá mức.
  • Sang chấn tâm lý: Tương tự như các căn bệnh tâm thần khác, sang chấn tâm lý có vai trò quan trọng trong hình thành chứng rối loạn lo âu bệnh tật. Trong đó thường gặp nhất là sang chấn do có tiền sử bị bạo hành về tình dục, thể chất hoặc tinh thần.

Ngoài những nguyên nhân trên, rối loạn lo âu bệnh tật cũng có thể xuất hiện do có các yếu tố tác động như:

  • Tiếp cận, tìm kiếm và theo dõi nhiều thông tin về bệnh tật trên Internet, ti vi,… một cách quá mức.
  • Thường xuyên xem các chương trình, bộ phim phản ánh các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
  • Đang sinh sống trong môi trường dịch bệnh hoành hành (như đại dịch Covid-19), chưa thể kiểm soát.
  • Người bị tâm lý căng thẳng kéo dài.
  • Trong quá khứ đã từng mắc phải một căn bệnh quái ác nào đó, có thể đe dọa đến tính mạng.

Triệu chứng của rối loạn lo âu bệnh tật

Biểu hiện đặc trưng của rối loạn lo âu bệnh tật là tình trạng lo lắng, bận tâm quá mức về vấn đề sức khỏe, lo sợ bản thân sẽ bị mắc phải một căn bệnh nghiêm trọng nào đó. Các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân rối loạn lo âu bệnh tật:

  • Thường trực cảm giác lo lắng và ý nghĩ bản thân đang mắc phải các bệnh nghiêm trọng.
  • Liên tục kiểm tra các dấu hiệu bệnh tật trên cơ thể và luôn quy chụp tất cả các triệu chứng trên đều do các bệnh lý nghiêm trọng gây ra.
  • Không có cảm giác yên tâm ngay cả khi đã được bác sĩ chẩn đoán khỏe mạnh, không có vấn đề sức khỏe bất thường. Người bệnh luôn tìm gặp bác sĩ nhiều lần vì luôn có cảm giác bất an, nhưng lại có thể né tránh đến bệnh viện vì sợ bị chẩn đoán mắc các bệnh nan y.
  • Tình trạng lo âu quá mức về việc mắc các bệnh nặng khiến người bệnh trở nên mệt mỏi, đau khổ, u uất và dần dần không thể tiếp tục học tập, làm việc như bình thường.
  • Thường xuyên tìm kiếm các thông tin về bệnh tật.
Rối loạn lo âu bệnh tật
Rối loạn lo âu bệnh tật: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Chẩn đoán bệnh rối loạn lo âu bệnh tật

Rối loạn lo âu bệnh tật được chẩn đoán thông qua triệu chứng lâm sàng dựa trên tiêu chuẩn DSM-5. Các tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lo âu bệnh tật:

  • Người bệnh luôn có sự lo lắng thái quá, thậm chí là vô căn cứ về việc cơ thể mắc các bệnh lý nghiêm trọng.
  • Bản thân người bệnh gần như không có các triệu chứng thực thể hoặc có nhưng mức độ nhẹ, nhưng lại nghĩ đó là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
  • Người bệnh có xu hướng tìm gặp bác sĩ nhiều lần, nhưng lại có thể né tránh đến bệnh viện.
  • Tình trạng nghi bệnh kéo dài ít nhất trong vòng 6 tháng.

Các bác sĩ cũng sẽ khai thác về tiền sử bệnh lý, gia đình và tình trạng sử dụng rượu bia, chất gây nghiện trước khi đưa ra chẩn đoán cuối cùng.

Rối loạn lo âu bệnh tật có ảnh hưởng gì không?

Rối loạn lo âu bệnh tật có thể gây ra một số ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống:

  • Mất dần các mối quan hệ trong đời sống hàng ngày.
  • Tâm lý lo âu quá mức do không thể kiểm soát làm người bệnh uể oải, thiếu năng lượng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc, học tập, sinh hoạt hàng ngày sẽ bị giảm sút, thậm chí gây nghỉ việc.
  • Mất nhiều chi phí cho việc thường xuyên thăm khám tại các cơ sở y tế.
  • Nguy cơ cao mắc phải các chứng bệnh về tâm lý như rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách, trầm cảm,…
Rối loạn lo âu bệnh tật
Rối loạn lo âu bệnh tật: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Các phương pháp điều trị rối loạn lo âu bệnh tật

Các phương pháp điều trị rối loạn lo âu bệnh tật:

Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý (nhất là liệu pháp hành vi nhận thức) là lựa chọn tối ưu trong điều trị rối loạn lo âu bệnh tật. Liệu pháp này giúp người bệnh tìm ra nguyên nhân của các triệu chứng và có các biện pháp thích nghi phù hợp, giúp người bệnh kiểm soát sự lo âu quá mức mà không cần phải đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe liên tục.

Trị liệu tâm lý giúp người bệnh có thể cải thiện các hoạt động sinh hoạt, duy trì hiệu suất học tập, lao động và các mối quan hệ xã hội. Ngoài ra, liệu pháp còn cải thiện một số căn bệnh tâm thần đi kèm như trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Sử dụng thuốc

Lựa chọn ưu tiên trong điều trị bằng thuốc là các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs). SSRIs có hiệu quả cải thiện tâm trạng lo âu và căng thẳng, mang lại cải thiện tích cực và ít tác dụng phụ. Các nhóm thuốc khác chỉ được cân nhắc khi loại thuốc này không mang lại hiệu quả.

Các biện pháp thay đổi lối sống

Bên cạnh trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc, người mắc rối loạn lo âu bệnh tật nên áp dụng thêm một số biện pháp cải thiện để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần.

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh với những thực phẩm sạch, các loại rau xanh, củ quả, thịt, cá nhiều vitamin, khoáng chất. Hạn chế những món ăn chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp, các món ăn nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ.
  • Thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao (khoảng 30 phút mỗi ngày) để có được sức khỏe tốt, cân bằng cảm xúc, tâm lý ổn định. Tập luyện những bài đơn giản, nhẹ nhàng như chạy bộ, bơi lội, đạp xe đạp, yoga, thiền,….
  • Không lạm dụng rượu bia, các chất kích thích, thuốc lá.
  • Ngủ đủ giấc, tập thói quen ngủ trước 23 giờ mỗi ngày để tinh thần được thoải mái, tránh các suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng.
  • Thăm khám sức khỏe tổng quát 6 tháng/ lần để biết được những vấn đề của bản thân.
Rối loạn lo âu bệnh tật
Rối loạn lo âu bệnh tật: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Phòng ngừa rối loạn lo âu bệnh tật

Không có biện pháp ngăn ngừa rối loạn lo âu bệnh tật hoàn toàn. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh có thể giảm đi đáng kể nếu áp dụng một số biện pháp sau:

  • Nếu nhận thấy lo lắng quá mức và thường xuyên về mắc bệnh, bạn nên chủ động tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để có thể được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
  • Học cách thích nghi với căng thẳng, tránh để stress kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
  • Rối loạn lo âu bệnh tật có nguy cơ tái phát cao. Do đó, cần điều trị lâu dài và tổ chức lối sống khoa học, lành mạnh để phòng ngừa tình trạng tái phát.

Rối loạn lo âu bệnh tật ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, bản thân người bệnh cần có sự chủ động trong việc thăm khám, điều trị và kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng như xây dựng một cuộc sống lành mạnh.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.