Rối loạn lo âu: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Bài viết được tham khảo từ Chuyên gia tâm lý Trần Anh Vũ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị trên Docosan.com


Lo lắng là một cảm xúc bình thường của con người. Đó là cách bộ não phản ứng với căng thẳng và cảnh báo bạn về mối nguy hiểm tiềm tàng phía trước. Bất kỳ ai cũng có thể thỉnh thoảng lo lắng. Tuy nhiên, rối loạn lo âu là một tình trạng khác với lo lắng thông thường. Bài viết sau đây sẽ cung cấp bạn đọc những thông tin hữu ích về bệnh rối loạn lo âu.

1. Rối loạn lo âu là gì?

Rối loạn lo âu là một nhóm bệnh tâm thần gây ra lo lắng và sợ hãi thường xuyên. Sự lo lắng quá mức có thể khiến bạn cảm thấy muốn tránh các hoạt động thường ngày như đi làm, đi học, gặp gỡ gia đình. Các tình huống xã hội khác có thể kích thích hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của chứng rối loạn lo âu.

2. Các loại rối loạn lo âu

Một số chứng rối loạn lo âu phổ biến bao gồm:

  • Rối loạn lo âu lan toả (Generalized Anxiety Disorder – GAD). Bạn cảm thấy lo lắng và căng thẳng quá mức về những điều không thực tế, không có lý do hoặc lý do không đáng.
  • Rối loạn hoảng sợ. Bạn cảm thấy sợ hãi đột ngột và dữ dội, khiến bạn ở trong cơn hoảng loạn. Bạn có thể đổ mồ hôi, đau ngực và tim đập thình thịch (đánh trống ngực). Đôi khi bạn cảm thấy như bị nghẹt thở hoặc lên cơn đau tim.
  • Rối loạn lo âu xã hội. Còn được gọi là ám ảnh xã hội. Bạn lo lắng một cách ám ảnh và tự giác quá mức về những tình huống xã hội thường ngày. Bạn quan tâm quá mức về việc người khác đánh giá hoặc chế giễu mình.
  • Những ám ảnh cụ thể. Bạn cảm thấy sợ hãi tột độ về một đối tượng hoặc tình huống cụ thể, chẳng hạn như sợ độ cao hoặc đi máy bay. 
  • Ám ảnh sợ khoảng trống (Agoraphobia). Bạn có nỗi sợ hãi rất lớn khi ở một nơi mà dường như bạn khó có thể thoát ra ngoài hoặc tìm sự giúp đỡ nếu trường hợp khẩn cấp xảy ra. Ví dụ, bạn bị hoảng sợ hoặc cảm thấy lo lắng khi ở trên máy bay, phương tiện giao thông công cộng hoặc đứng trong đám đông.
  • Hội chứng lo lắng bị xa cách. Đối với hội chứng này, bạn sẽ cảm thấy rất lo lắng hoặc sợ hãi khi một người mà bạn thân thiết rời khỏi tầm mắt của bạn. Bạn sẽ luôn lo lắng rằng điều gì đó tồi tệ có thể xảy ra với người thân của bạn. Bất kỳ ai cũng có thể mắc chứng lo lắng bị xa cách.
  • Chứng im lặng chọn lọc. Đây là một dạng hội chứng sợ xã hội, trong đó trẻ nhỏ nói chuyện bình thường với các thành viên trong gia đình nhưng lại không thể nói chuyện ở nơi công cộng, ví dụ như ở trường học.
  • Rối loạn lo âu do thuốc. Sử dụng hoặc ngừng một số loại thuốc nhất định, sử dụng các loại thuốc bất hợp pháp có thể gây ra một số triệu chứng của rối loạn lo âu.

3. Nguyên nhân của rối loạn lo âu

Các nhà nghiên cứu không biết chính xác điều gì gây ra chứng rối loạn lo âu, đó có thể là sự kết hợp phức tạp của nhiều yếu tố. Một số nguyên nhân của rối loạn lo âu bao gồm:

  • Di truyền
  • Chất hóa học trong não. Một số nghiên cứu cho thấy rối loạn lo âu có thể liên quan đến việc dẫn truyền các tín hiệu thần kinh trong não kiểm soát nỗi sợ hãi và cảm xúc gặp vấn đề.
  • Môi trường căng thẳng. Liên quan đến những sự kiện mà bệnh nhân đã thấy hoặc trải qua. Các sự kiện thường bao gồm bị lạm dụng và bỏ rơi thời thơ ấu, sự qua đời của một người thân, bị tấn công hoặc nhìn thấy bạo lực.
  • Lạm dụng thuốc hoặc sử dụng không đúng chỉ định. Người bị rối loạn lo âu có thể đi cùng với việc sử dụng rượu và chất gây nghiện không kiểm soát.
  • Điều kiện y tế. Một số tình trạng về tim, phổi và tuyến giáp có thể gây ra các triệu chứng tương tự như rối loạn lo âu hoặc làm cho các triệu chứng lo lắng tồi tệ hơn.
roi loan lo au la gi
Rối loạn lo âu khác với sự lo lắng thông thường

Các yếu tố làm tăng nguy cơ gây rối loạn lo âu bao gồm:

  • Tiền sử rối loạn sức khỏe tâm thần. Mắc một chứng rối loạn sức khỏe tâm thần khác, chẳng hạn như trầm cảm, cũng làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu.
  • Lạm dụng tình dục thời thơ ấu. Bị lạm dụng cảm xúc, thể chất, tình dục hoặc bị chối bỏ trong thời thơ ấu có liên quan đến chứng rối loạn lo âu sau này.
  • Chấn thương. Trải qua các đợt chấn thương làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), gây ra các cơn hoảng sợ.
  • Những sự kiện tiêu cực trong cuộc sống. Các sự kiện căng thẳng hoặc tiêu cực, chẳng hạn như mất cha mẹ lúc nhỏ làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu.
  • Bệnh nặng hoặc bệnh mãn tính. Thường xuyên lo lắng về sức khỏe của chính mình hoặc sức khỏe của người thân, hoặc bạn đang chăm sóc người bị bệnh có thể khiến bạn cảm thấy quá tải và lo lắng.
  • Lạm dụng chất gây nghiện. Việc sử dụng rượu và ma túy bất hợp pháp khiến bạn có nhiều khả năng bị rối loạn lo âu. Một số người cũng sử dụng các chất này để che giấu hoặc giảm bớt các triệu chứng lo lắng.
  • Nhút nhát khi còn nhỏ. Sự nhút nhát và trốn tránh khỏi những người không quen biết và địa điểm xa lạ lúc nhỏ có liên quan đến chứng lo âu xã hội ở thanh thiếu niên và người lớn.
  • Lòng tự tôn thấp. Nhận thức tiêu cực về bản thân có thể dẫn đến chứng rối loạn lo âu xã hội.

4. Các triệu chứng rối loạn lo âu

Triệu chứng chính của rối loạn lo âu là sợ hãi hoặc lo lắng quá mức. Rối loạn lo âu cũng có thể khiến bạn khó thở, khó ngủ, khó tập trung. Các triệu chứng cụ thể của bạn phụ thuộc vào loại rối loạn lo âu mà bạn mắc phải.

Các triệu chứng thường gặp là:

  • Hoảng sợ và lo lắng.
  • Cảm giác hoảng sợ về cái chết hoặc sự nguy hiểm.
  • Các vấn đề về giấc ngủ.
  • Không thể bình tĩnh.
  • Tay hoặc chân lạnh, đổ mồ hôi, tê hoặc ngứa ran.
  • Khó thở.
  • Thở nhanh và gấp hơn bình thường.
  • Tim đập nhanh.
  • Khô miệng.
  • Buồn nôn.
  • Căng cơ.
  • Chóng mặt.
  • Suy nghĩ về một vấn đề lặp đi lặp lại và không thể dừng lại.
  • Không có khả năng tập trung.
  • Tránh xa các đồ vật hoặc địa điểm gây sợ hãi.

5. Điều trị rối loạn lo âu

Các phương pháp điều trị và kiểm soát các triệu chứng của rối loạn lo âu thường bao gồm:

  • Sử dụng thuốc để điều trị rối loạn lo âu. Hãy thảo luận với bác sĩ để được tư vấn những loại thuốc phù hợp.
  • Tâm lý trị liệu : đây là một phương pháp giúp bạn hiểu cảm xúc ảnh hưởng đến hành vi như thế nào. Một chuyên viên sức khoẻ tâm thần được tập huấn sẽ ngồi nghe và nói chuyện với bạn về những suy nghĩ và cảm xúc của bạn, sau đó gợi ý những cách để hiểu và kiểm soát cảm xúc, hành vi cũng như chứng rối loạn lo âu của bạn.

Bạn cần hiểu rõ rối loạn lo âu của bản thân và tuân thủ kế hoạch điều trị để đảm bảo đạt được hiệu quả điều trị tối ưu.

Ngoài ra có một số cách giúp bạn kiểm soát được các triệu chứng của mình, chẳng hạn như :

  • Cắt giảm thực phẩm và đồ uống có caffeine, chẳng hạn như cà phê, trà, coca cola, nước tăng lực và sô cô la. Caffeine là một loại chất thay đổi tâm trạng và nó có thể làm cho các triệu chứng rối loạn lo âu tồi tệ hơn.
  • Ngừng sử dụng thức uống có cồn và ma tuý tiêu khiển. Lạm dụng các chất này làm tăng nguy cơ rối loạn lo âu.
  • Ăn uống đúng cách và tập thể dục giúp giải phóng các chất hóa học trong não, làm giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng của bạn.
  • Các vấn đề về giấc ngủ và rối loạn lo âu thường đi đôi với nhau. Hãy ưu tiên việc nghỉ ngơi tốt, có thói quen thư giãn trước khi đi ngủ. 
  • Bạn có thể thử thiền hoặc thiền chánh niệm để giúp bạn thư giãn sau một ngày căng thẳng và có thể giúp việc điều trị của bạn đạt hiệu quả tốt hơn.
  • Viết ra những suy nghĩ của bạn trước khi một ngày kết thúc có thể giúp bạn thư giãn để không phải trằn trọc với những suy nghĩ lo lắng cả đêm.
  • Luyện tập suy nghĩ tích cực.
  • Gặp gỡ và trò chuyện với bạn bè. Một số người cảm thấy tốt hơn khi nói chuyện với những người khác đang trải qua các triệu chứng và cảm xúc tương tự. 

Hãy liên hệ bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc hoặc thảo dược nào. Nhiều loại hóa chất có thể làm cho các triệu chứng lo lắng trở nên tồi tệ hơn.

6. Chuyên gia tâm lý và Trung tâm tư vấn uy tín

  • SHARE được thành lập từ năm 2008 – là một trong những trung tâm điều trị tâm lý đầu tiên tại Hà Nội.
  • Chuyên gia Trần Anh Vũ đã có 9 năm kinh nghiệm trong việc tham vấn và điều trị tâm lý.
  • Chuyên gia tâm lý Đoàn Thị Hương là một trong những Thạc sỹ tâm lý lâm sàng đầu tiên trong chương trình hợp tác đào tạo thạc sỹ lâm sàng giữa Trường Đại học giáo dục Hà Nội và Trường Đại học Vanderbilt Hoa Kỳ.

Việc điều trị rối loạn lo âu cần sự kiên nhẫn để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp với bạn. Đối với hầu hết những người bị rối loạn lo âu, sự kết hợp giữa thuốc và tư vấn tâm lý là lựa chọn tốt hơn cả. Với sự chăm sóc và điều trị thích hợp, bệnh nhân có thể học được cách kiểm soát các triệu chứng.


Nguồn tham khảo: webmd