Suy thận mạn giai đoạn 3: Dấu hiệu và cách điều trị cần biết

Suy thận mạn là một bệnh lý nguy hiểm, bệnh được chia thành 5 giai đoạn. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về suy thận mạn giai đoạn 3 trong bài viết dưới đây nhé!

Suy thận mạn giai đoạn 3 là gì?

Suy thận mạn (bệnh thận mạn) được chia ra làm 5 giai đoạn. Trong đó, suy thận giai đoạn 3 là mức báo động về sức khỏe và có thể rất nguy hiểm cho người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Mức lọc cầu thận (eGFR) trong suy thận mạn giai đoạn 3 là 30 – 59 ml/phút/1,73m². Trong giai đoạn này đã hình thành một số tổn thương đối với thận và chức năng của thận đã có những suy giảm nhất định.

Suy thận mạn giai đoạn 3 được chia thành hai giai đoạn:

  • Giai đoạn 3a khi mức lọc cầu thận (eGFR) từ 45 – 59 ml/phút/1,73m²
  • Giai đoạn 3b khi mức lọc cầu thận (eGFR) từ 30 – 44 ml/phút/1,73m²

Bệnh nhân nếu mắc phải bệnh thận mạn giai đoạn 3 có thể điều trị và bảo tồn chức năng thận cũng như ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Điều trị bằng phương pháp bảo tồn, thông qua một số nguyên tắc và biện pháp như kiểm soát biến chứng, tuân thủ điều trị thuốc và xây dựng thực đơn ăn uống phù hợp.

Khi mắc phải bệnh thận mạn tính giai đoạn 3 thì các chức năng thận đã suy giảm nhất định do đó dễ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim,… Nguy hiểm hơn bệnh có thể tiến triển sang các giai đoạn 4 và 5, lúc này thận bị tổn thương nghiêm trọng và có khả năng tử vong, cần can thiệp đến các biện pháp điều trị tốn kém tiền của như lọc máu.

Dấu hiệu và triệu chứng của suy thận mạn giai đoạn 3

Suy thận mạn giai đoạn 3 có mức độ nguy hiểm hơn so với 2 giai đoạn đầu. Trong giai đoạn này các triệu chứng có thể xuất hiện và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các triệu chứng có thể gặp là đau lưng, mệt mỏi, ngứa nhiều, phù chi, tiểu đêm,… Bên cạnh đó suy thận mạn giai đoạn 3 còn có thể xuất hiện các biến chứng sau nếu không được điều trị kịp thời:

  • Loãng xương (thiếu canxi do mất cân bằng nội môi)
  • Các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, bệnh cơ tim, hội chứng ure huyết tán huyết, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, tai biến mạch máu não
  • Đái tháo đường, rối loạn đường huyết
  • Rối loạn điện giải, mất cân bằng hệ nội môi trong cơ thể
  • Thiếu máu, da niêm nhợt nhạt xanh xao
  • Rối loạn đông máu
  • Suy giảm chức năng sinh lý gây mất tự tin, ảnh hưởng đời sống tinh thần của người bệnh
  • Nhiễm độc niệu

Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng này người bệnh nên đi khám để được thăm khám và điều trị kịp thời nếu có bệnh, tránh để bệnh tiến triển nặng hơn:

  • Nước tiểu đổi màu vàng đậm, cam hoặc đỏ
  • Đi tiểu thường xuyên, tiểu đêm nhiều lần hoặc lượng nước tiểu ít hơn bình thường
  • Phù do thận giảm lọc, cơ thể tích nước
  • Suy nhược, mệt mỏi thường xuyên
  • Da niêm nhợt nhạt, giảm sự tập trung
  • Mất ngủ, giấc ngủ giảm chất lượng
  • Đau lưng không rõ nguyên nhân
  • Huyết áp đo tại nhà tăng cao

Bạn cần phải đi khám ngay nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào được nêu ở trên. Mặc dù các triệu chứng này không đặc hiệu cao cho suy thận mạn giai đoạn 3 tuy nhiên khi bệnh xảy ra với bất kỳ triệu chứng nào đều mang tính nguy hiểm đối với sức khỏe của người bệnh, cần phải điều trị kịp thời.

Đối với bệnh nhân mắc suy thận mạn giai đoạn 1 và 2 cần phải thường xuyên tái khám theo chỉ định của bác sĩ để hạn chế sự tiến triển của bệnh. Có tỉ lệ lớn bệnh nhân đến khám bệnh và được chẩn đoán bệnh thận mạn tính giai đoạn 3. Biện pháp thường được dùng để chẩn đoán bệnh thận mạn giai đoạn 3 bao gồm:

  • Đo huyết áp
  • Tổng phân tích nước tiểu
  • Xét nghiệm eGFR (được thực hiện mỗi 90 ngày kể từ lần chẩn đoán đầu tiên)
  • Xét nghiệm hình ảnh (khi có chỉ định)

Nguyên tắc điều trị bệnh thận mạn giai đoạn 3

Các biện pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn 3:

  • Khám bác sĩ chuyên khoa thận để lập kế hoạch điều trị phù hợp
  • Kiểm soát đường huyết, đặc biệt là với bệnh nhân có mắc đái tháo đường kèm theo. Tuân thủ chỉ định điều trị đái tháo đường của bác sĩ.
  • Kiểm soát huyết áp ở mức khuyến cáo bằng cách thay đổi lối sống và sử dụng thuốc nếu có chỉ định.
  • Hạn chế sử dụng thuốc lá
  • Xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh theo hướng dẫn của các chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ điều trị
  • Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần
  • Duy trì mức cân nặng hợp lý
  • Không tự ý sử dụng các loại thuốc không phải của bác sĩ kê toa, đặc biệt là các loại thuốc trôi nổi quảng cáo trên mạng xã hội và không rõ nguồn gốc.

Một trong những nguyên tắc quan trọng trong điều trị suy thận mạn giai đoạn 3 đó là xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh, các nguyên tắc như sau:

  • Kiểm soát lượng đạm (protein) và kali đưa vào cơ thể, đặc biệt là các bệnh nhân có tình trạng tăng K+ máu
  • Hạn chế các thức ăn có giàu chất béo, giàu đường bột, nên bổ sung một số loại ngũ cốc, trái cây và rau quả vào thực đơn
  • Hạn chế lượng phospho (phốt-pho) giúp ngăn ngừa các bệnh về xương khớp và còn giúp bảo vệ chức năng thận

Tuy nhiên, tùy vào mỗi case bệnh cụ thể mà trong quá trình điều trị sẽ có chế độ dinh dưỡng riêng. Do đó, tốt nhất bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ. Điều này sẽ rút ngắn quá trình hồi phục cho bệnh nhân, đồng thời ngăn chặn sự tiến triển của bệnh sang các giai đoạn nặng hơn.

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Suy thận mạn giai đoạn 3: dấu hiệu và cách điều trị cần biết”. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có thêm thông tin bổ ích về các dấu hiệu triệu chứng của thận mạn giai đoạn 3 và nắm được nguyên tắc điều trị bệnh.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.


Nguồn tham khảo: NHS