Suy thượng thận cấp và những thông tin bạn cần biết

Suy thượng thận cấp xảy ra do sự thiếu hụt cortisol, đây được xem là một tình trạng cấp cứu. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về bệnh lý này trong bài viết này nhé!

Suy thượng thận cấp là gì?

Tuyến thượng thận trong điều kiện bình thường tiết ra khoảng 20-30 mg cortisol mỗi ngày, nếu lượng cortisol được sản xuất ít hơn có thể gây ra cơn suy thượng thận cấp. Suy thượng thận cấp do thiếu cortisol có thể xem như một tình trạng cấp cứu. Đợt cấp có thể xảy ra khi đang điều trị suy thượng thận mạn tính. Suy thượng thận cấp hay gặp do suy thượng thận nguyên phát (bệnh Addison) nhiều hơn nguyên nhân thứ phát do tổn thương từ tuyến yên.

Cơn suy thượng thận cấp có thể xảy ra do:

  • Bệnh nhân suy thượng thận mạn bị stress, chấn thương, phẫu thuật, nhiễm trùng, bỏng hoặc đang điều trị thuốc. Bệnh nhân cắt bỏ tuyến thượng thận có thể gây ra đợt cấp.
  • Suy thượng thận thứ phát: suy tuyến yên do u bướu chèn ép hoặc suy tuyến yên do dùng corticoid lâu dài nhưng ngưng thuốc đột ngột.
  • Tuyến thượng thận bình thường chưa ghi nhận bệnh lý trước đây có thể gặp đợt cấp do xuất huyết tuyến thượng thận hoặc có sự tạo thành huyết khối. Ngoài ra còn có thể gặp phả nguyên nhân nhiễm trùng huyết do não mô cầu, phế cầu, tụ cầu, liên cầu.
  • Chụp phim động mạch hoặc tĩnh mạch thận, thượng thận có thuốc cản quang cũng tiềm ẩn nguy cơ gây tai biến huyết tắc dẫn tới xuất huyết. Bệnh nhân đang điều trị với thuốc kháng đông có thể gặp phải đợt cấp.
  • Hội chứng Debre Fibriger (thiếu men 21 hydroxylase) thường gặp ở trẻ em, biểu hiện bằng hội chứng mất muối, mất nước, tiêu chảy, nôn ói, trụy mạch kèm theo với triệu chứng nam hóa xảy ra sau sinh.

Cortisol trong cơ thể có rất nhiều tác dụng, thiếu cortisol sẽ đưa đến suy chức năng đa cơ quan:

  • Tụt huyết áp do giảm trương lực mạch máu, cơ chế có thể do sự giảm đáp ứng của tim và mạch máu đối với cortisol và một phần do giảm khả năng giữ natri bởi thận.
  • Thiếu cortisol nên thận không thải được hoàn toàn nước, làm giảm natri máu gây ra nhiều triệu chứng ức chế hệ thần kinh trung ương.
  • Thiếu hoạt tính của corticoid khoáng trên thận có thể làm tăng kali máu, toan chuyển hóa. Giảm khả năng tân sinh đường gây ra hạ đường huyết lúc đói. Tăng đa nhân ái toan, tăng sản xuất bạch cầ lympho.

Triệu chứng của suy tuyến thượng thận cấp

Triệu chứng của suy thượng thận cấp gây ra do sự giảm cortisol. Tình trạng này có thể đưa đến nhiều triệu chứng không đặc hiệu và cũng chưa hoàn toàn giải thích được về mặt cơ chế như yếu mệt, vô cảm, chán ăn, nôn ói, đau bụng, sốt (không do yếu tố nhiễm trùng).

  • Bệnh nhân có tổng trạng suy sụp, mệt mỏi nhiều.
  • Có thể choáng nặng, mạch nhanh yếu, tiếng tim nhỏ dần. Nhiệt độ cơ thể cao cũng thường gặp và có thể do nhiễm trùng đi kèm.
  • Rối loạn tri giác, huyết áp thấp, hạ huyết áp tư thế.
  • Chán ăn, buồn ói, ói mửa và đau bụng hầu như luôn hiện diện.
  • Triệu chứng đau bụng có thể nặng và gây nhầm lẫn với nguyên nhân đau bụng ngoại khoa.
  • Bệnh nhân Addison (suy thượng thận nguyên phát) thường có biểu hiện sạm da toàn thân hoặc ở gần các rãnh như ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, núm vú, môi, lợi niêm…
  • Trong suy thượng thận cấp thứ phát bệnh nhân cũng có thể xuất hiện các triệu chứng tương tự như trên nhưng không có da xanh xao, ngoài ra còn có thêm suy giảm chức năng sinh lý, mất kinh, rụng lông, da trắng như sáp, các triệu chứng của suy giáp, rối loạn thị trường mắt…
  • Bệnh nhân nếu dùng cortisol lâu ngày thể xuất hiện hội chứng cushing.

Điều trị suy thượng thận cấp

Điều trị cơn suy thượng thấp là một điều trị cấp cứu không nên trì hoãn, cần chẩn đoán bệnh sớm nhất để khẳng định chẩn đoán và đề ra phác đồ điều trị phù hợp. Nếu được nghi ngờ suy thượng thận cấp, bệnh nhân cần được điều trị kịp thời và nhanh chóng, vì sự chậm trễ có thể dẫn đến tử vong.

Xử trí trong giai đoạn cấp tính

Nếu nghi ngờ bệnh nhân mắc phải suy thượng thận cấp, cần lấy máu định lượng cortisol và điều trị ngay bằng hydrocortison 100 – 300 mg truyền tĩnh mạch và lắp dịch truyền nước muối đẳng trương (NaCl) không cần chờ kết quả. Sau đó có thể dùng hydrocorson phosphat hay hydrocortison succinat đường tĩnh mạch. Hydrocortison 50 – 100 mg/ mỗi giờ có thể được chỉ định kéo dài suốt ngày đầu tiên. Ngày thứ 2 hydrocortison được chỉ định với liều 50 – 100 mg/mỗi 8 giờ.

Điều trị trong những ngày tiếp theo cần dựa theo mỗi tình huống lâm sàng cụ thể, phù hợp với tình trạng hồi phục và đáp ứng của bệnh nhân. Nhiễm khuẩn thường là yếu tố gây khởi phát đợt cấp của suy thượng thận nên cân nhắc sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm trong lúc chờ kết quả lần cấy đầu tiên nếu bệnh nhân có tình trạng nhiễm trùng nặng như nhiễm trùng huyết. Nếu có tình trạng hạ đường huyết cần điều trị tích cực.     

Xử trí trong giai đoạn hồi phục

Khí bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục, có thể ăn được bằng đường miệng, dùng hydrocortison uống 10 – 20 mg/ 6 giờ và giảm liều duy trì ở mức phù hợp theo phác đồ. Việc chỉ định dùng thuốc kéo dài cho bệnh nhân cần được cân nhắc và đưa ra liều phù hợp. Bệnh nhân đã có một đợt cấp suy thượng thận cần phải thăm dò đánh giá mức độ suy thượng thận về lâu dài và tìm nguyên nhân nếu điều kiện cho phép.

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Suy thượng thận cấp và những thông tin bạn cần biết”. Suy thượng thận là một bệnh lý hay gặp trong chuyên khoa nội tiết. Căn bệnh này vẫn còn mới mẻ đối với nhiều người tuy nhiên lại rất nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Người bệnh cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và xử trí, tránh gây biến chứng.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NHS