Đau ruột thừa bên nào? Cách nhận biết và hướng xử trí

Nhận biết cơn đau ruột thừa bên nào giúp người bệnh có thể nghi ngờ tình trạng viêm ruột thừa – một cấp cứu ngoại khoa, từ đó sẽ đi khám và điều trị kịp thời. Hãy cùng Docosan tìm hiểu cơn đau ruột thừa bên trái hay phải nhé!

Đau ruột thừa gặp trong bệnh lý nào?

Ruột thừa là một bộ phận nằm ở ruột, dạng hình túi và kích thước cỡ một ngón tay. Ruột thừa thường nằm 1/4 dưới phải của bụng. Ruột thừa kín một đầu, đầu còn lại nối thông với manh tràng – khởi đầu của ruột già. Khi có sự tắc nghẽn xảy ra bên trong ruột thừa, các chất thải bị tích tụ, các tác nhân nhiễm trùng như vi khuẩn có cơ hội sinh sôi nảy nở, gây ra bệnh lý viêm ruột thừa. Biểu hiện của viêm ruột thừa là những cơn đau, vậy đau ruột thừa bên nào?

Viêm ruột thừa là một bệnh lý ngoại khoa thường gặp, bệnh có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào. Bệnh cũng là một cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, cần chẩn đoán và can thiệp sớm để tránh xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, dấu hiệu triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng trong giai đoạn đầu. Do vậy, việc nắm bắt diễn tiến cơn đau của viêm ruột thừa, vị trí đau ruột thừa bên nào và các triệu chứng kèm theo sẽ giúp chúng ta nhận biết bệnh tốt hơn.

Cách nhận biết đau ruột thừa bên nào

Nếu ruột thừa nằm đúng ở vị trí giải phẫu thường gặp thì bệnh nhân thường sẽ có cơn đau ruột thừa điển hình. Việc nhận biết dấu hiệu đau ruột thừa bên nào dựa trên những đặc điểm sau:

Đau bụng

Cơn đau ruột thừa thường nằm ở hố chậu phải (1/4 dưới bụng) là thể điển hình, lưu ý trước khi đau lan xuống hố chậu phải, cơn đau có thể xảy ra ở vùng thượng vị (đau vùng bụng ở phía trên rốn, dưới xương ức) do quy chiếu của hệ thần kinh, gọi là đau quy chiếu.

Ngoài ra, cơn đau có thể bắt đầu ở nhiều vị trí khác nhau, tuy nhiên đa số từ sau 3 giờ sẽ khu trú về hố chậu phải. Nếu ruột thừa quang sang trái, cơn đau có thể ở dưới rốn hoặc ở đau lan về hướng bên trái. Thể viêm ruột thừa sau manh tràng sẽ có triệu chứng đau thắt lưng phải, lan xuống hông và đùi.

Cơn đau ruột thừa đầu tiên sẽ có tính chất đau âm ỉ, đau ngầm, sau đó liên tục tăng dần về cường độ. Sau 24 giờ con đau sẽ khiến bệnh nhân khổ sở và yêu cầu được đi khám bệnh. Lúc này cơn đau gián đoạn mọi hoạt động của bệnh nhân vì chỉ cần một chuyển động nhỏ cũng làm cơn đau xuất hiện. Bệnh nhân sẽ cố gắng tìm tư thế giảm đau.

Đi tiểu thường xuyên

Dưới tác động của hội chứng đáp ứng viêm toàn thân, cơ thể sẽ có đáp ứng lên hệ bài tiết khiến bệnh nhân sẽ đi tiểu nhiều hơn, có thể do sự kích thích từ cơn đau ruột thừa lên hệ thống bài tiết. Đây là triệu chứng báo hiệu mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Nôn ói kéo dài

Bên cạnh dấu hiệu đau ruột thừa bên nào, thì triệu chứng nôn ói đi kèm cũng là một trong những triệu chứng thường gặp trong viêm ruột thừa. Tuy nhiên triệu chứng này không đặc hiệu do dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa khác. Trong bệnh viêm ruột thừa bệnh nhân ói nhiều liên tục, cảm giác bụng cồn cào. Có thể nghĩ tới viêm ruột thừa khi trước đó bệnh nhân không ăn uống gì lạ, triệu chứng đi kèm đau bụng dữ dội có thể nghi ngờ.

Sốt

Viêm ruột thừa thường gây ra sốt nhẹ, nhiệt độ đo được trong khoảng 38 đến 38,5 độ C, ngoài ra còn kèm theo lạnh run. Nguyên nhân bắt nguồn do cơ chế đáp ứng viêm toàn thân trước tình trạng nhiễm trùng ở ruột thừa.

Chán ăn

Cảm giác đau bụng, nôn ói, sốt, mệt mỏi khiến người bệnh cảm thấy chán ăn và không muốn đưa gì vào cơ thể. Bệnh nhân thường chỉ ăn do ý thức về nhu cầu năng lượng đáp ứng cho cơ thể, hoặc khi quá đói. Tuy nhiên ăn không nhiều, tâm lý sợ ăn no sẽ đau bụng nhiều hơn. Nôn ói nhiều cũng khiến bệnh nhân kiêng khem trong việc lựa chọn món ăn, cảm giác ăn không ngon.

Thành bụng co cứng

Bên cạnh triệu chứng đau ruột thừa ở hố chậu phải điển hình thì dấu hiệu co cứng thành bụng cũng là một trong những dấu hiệu thường gặp của bệnh lý viêm ruột thừa.

Điều trị cơn đau ruột thừa

Viêm ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa, cần được phát hiện càng sớm càng tốt. Việc điều trị viêm ruột thừa không quá phức tạp, thách thức trong bệnh lý này chính là việc nhận diện được một tình huống thật sự là viêm ruột thừa để can thiệp điều trị kịp thời. Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ viêm ruột thừa, người bệnh cần đi khám tại cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời, từ đó có hướng xử trí phù hợp.

Nếu bệnh nhân thực sự bị viêm ruột thừa, phương pháp điều trị chính hiện tại là phẫu thuật. Phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột thừa là phương pháp điều trị phổ biến và gần như là duy nhất trong phác đồ điều trị. Vì nếu không cấp cứu khẩn cấp cắt bỏ ruột thừa kịp thời sẽ khiến ruột thừa bị vỡ, dịch viêm tràn vào ổ bụng có thể gây viêm phúc mạc – cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.

Trước khi phương pháp mổ nội soi ra đời, mổ hở là phương pháp được sử dụng. Tuy nhiên hiện nay phương pháp mổ nội soi thường được lựa chọn do tính thẩm mỹ cao và tốc độ hồi phục hậu phẫu nhanh hơn so với cách mổ thông thường. Sau khi được tiến hành thủ thuật, người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn chăm sóc vết thương để tránh vết mổ bị nhiễm trùng.

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Đau ruột thừa bên nào: cách nhận biết và hướng xử trí”. Hy vọng bài viết đã đem lại cho bạn những kiến thức bổ ích về triệu chứng đau ruột thừa bên nào cũng như cách nhận biết bệnh bằng những triệu chứng khác.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NHS