Nội soi trực tràng có gây đau không? Chi phí bao nhiêu?

Nội soi trực tràng là phương pháp chẩn đoán bằng cách đưa ống nội soi có gắn camera qua đường hậu môn vào trực tràng, sau đó quan sát bề mặt bên trong trực tràng. Hãy cùng Docosan tìm hiểu một số thông tin về soi trực tràng trong bài viết dưới đây nhé!

Nội soi trực tràng là gì? Nội soi trực tràng có đau không?

Nội soi trực tràng là phương pháp dùng ống nội soi có gắn camera đưa vào qua đường hậu môn tới trực tràng để quan sát bề mặt bên trong thành trực tràng. Nhờ vào hình ảnh quay được từ camera bác sĩ có thể phát hiện các thương tổn trên thành trực tràng như viêm loét, khối polyp, khối u, xuất huyết niêm mạc,…

Trong một số trường hợp bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết lấy bệnh phẩm để chẩn đoán xác định sang thương thuộc dạng nào, vì nội soi chỉ giúp thấy sang thương trên thành trực tràng, không quan sát được lớp bên dưới nên không biết bản chất của tổn thương ra sao. Một số trường hợp có thể cầm máu, lấy dị vật… trong khi nội soi hay can thiệp cắt bỏ polyp nếu cần thiết.

Trực tràng là phần cuối cùng của ruột già, có độ dài khoảng 20 đến 30 cm. Trực tràng có chức năng lưu giữ phân cũng như các chất thải từ quá trình tiêu hóa, tham gia đào thải các chất cặn bã này ra khỏi cơ thể qua ống hậu môn. Trực tràng đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, nếu chúng gặp phải vấn đề hay rối loạn, người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc đào thải phân và hoạt động của nhiều cơ quan khác trong cơ thể cũng có thể bị ảnh hưởng.

Căn cứ vào đặc điểm ống nội soi, phương pháp nội soi trực tràng được biết đến với 2 phương pháp chính là soi bằng ống cứng và nội soi ống mềm. Trước đây, khi nội soi ống mềm chưa ra đời, phương pháp nội soi bằng ống cứng là phương pháp chính và phổ biến nhất. Tuy nhiên, khi nội soi ống mềm ra đời và có nhiều ưu điểm hơn phương pháp tiền nhiệm, nó nhanh chóng được sử dụng rộng rãi cũng như được nhiều bác sĩ nội soi lựa chọn cho người bệnh.

Nội soi trực tràng ống mềm là ống nội soi có đường kính khoảng 1,3 cm, có chiều dài khoảng 65cm. Thân ống mềm được cấu tạo từ chất liệu đặc biệt để có thể uốn được theo các đoạn cong, gấp khúc bên trong ruột. Với thiết kế như vậy, ống nội soi có thể dễ dàng di chuyển trong lòng ruột, hạn chế các tổn thương, giảm cảm giác đau và khó chịu cho người bệnh so với ống nội soi cứng.

Bên cạnh đó, các kỹ thuật điều trị đồng thời với nội soi ống mềm được thực hiện dễ dàng như sinh thiết và hệ thống bơm hút bằng máy. Điều này là điểm cải tiến nổi bật và lớn nhất so với nội soi ống cứng (phải mở nắp ống để đưa dụng cụ vào). Khi mở nắp ống cứng, ống sẽ bị hởl, hơi thoát ra ngoài làm cho lòng ruột bị xẹp xuống, gây khó khăn cho bác sĩ nội soi trong việc quan sát các tổn thương.

Nội soi trực tràng có thể gây cho ra một số cảm giác khó chịu, đau thốn nhẹ vùng bụng dưới và làm cho người được nội soi có cảm giác muốn đi đại tiện. Tuy nhiên, ống nội soi chỉ đưa vào vùng trực tràng một đoạn ngắn khoảng 15 đến 20cm nên đa số người được nội soi đều có thể chịu đựng được, không cần gây mê trước khi soi.

Tuy nhiên khi nội soi khi gây mê thì chúng ta sẽ không còn cảm giác đau hay khó chịu. Gây mê giúp người được nôi soi tránh được kích thích, quá trình thực hiện thủ thuật diễn ra thuận lợi hơn, đặc biệt khi cần áp dụng các kỹ thuật khác sẽ có độ chính xác cao hơn như cắt polyp, xâm lấn niêm mạc, tiêm cầm máu trong xuất huyết tiêu hóa, sinh thiết chẩn đoán ung thư,…

Khi nào cần nội soi trực tràng?

Nội soi trực tràng được bác sĩ chỉ định khi cần chẩn đoán các bệnh lý thuộc vùng trực tràng – hậu môn như viêm loét trự tràng, xuất huyết tiêu hóa, polyp trực tràng, ung thư đại – trực tràng, rò hậu môn, trĩ… Một số triệu chứng sau xuất hiện ở người bệnh có thể được bác sĩ yêu cầu tiến hành nội soi trực tràng:

  • Đau bụng kéo dài mãn tính: đặc biệt khi cơn đau xảy ra ở vùng bụng dưới rốn, đau bụng bên trái hoặc đau theo cơn co thắt nhu động ruột
  • Đại tiện ra máu nhiều lần, đi cần phân đen (xuất huyết tiêu hóa)
  • Phân có lẫn máu, chất nhầy
  • Tiêu chảy, táo bón kéo dài không thuyên giảm khi điều trị nội khoa
  • Đau, ngứa, chảy dịch ở vùng hậu môn
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân

Ngoài ra nội soi trực tràng còn được chỉ định trong các trường hợp theo dõi tiến triển của bệnh như viêm loét trực tràng, polyp hay ung thư trực tràng,.. Ngoài ra nội soi cũng là phương pháp giúp tầm soát phát hiện sớm ung thư trực tràng ở nhóm đối tượng có nguy cơ cao như lớn hơn 40 tuổi, tiền căn gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng,…

Không có chống chỉ định tuyệt đối cho nội soi trực tràng vì đây là một biện pháp ít xâm lấn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện, cần cân nhắc việc nội soi đối với một số đối tượng như bệnh nhân quá già yếu, thai phụ (đặc biệt là trong những tháng đầu thai kỳ), suy tim, rối loạn nhịp tim, rối loạn đông máu, thuyên tắc phổi, nghi ngờ thủng ruột, tắc ruột hoặc vừa phẫu thuật đường ruột xong,….

Chi phí nội soi trực tràng là bao nhiêu?

Chi phí cho một buổi nội soi trực tràng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau như trang thiết bị tại phòng nội soi, chuyên môn kỹ thuật, có điều trị khác kèm theo như cắt polyp hay tiến hành sinh thiết không… Tuy nhiên, nhìn chung phương pháp này có chi phí không cao vì chỉ thực hiện ở một đoạn ruột ngắn là trực tràng, thời gian nội soi nhanh chóng và cũng không gây ra quá nhiều khó chịu cho người bệnh.

Đối với nội soi không gây mê thì giá tiền cho một lần nội soi không kèm các thủ thuật khác rơi vào khoảng dưới 1 triệu đồng. Khi có các thủ thuật khác kèm theo giá sẽ tăng cao dần. Trường hợp nội soi có gây mê giá sẽ cao hơn vì độ phức tạp của quá trình nội soi, rơi vào khoảng trên 2 triệu đồng.

Nội soi trực tràng có phải nhịn ăn không cũng là một thắc mắc của nhiều người khi được chỉ định làm phương pháp nội soi. Trước khi soi trực tràng bạn không cần nhịn đói vì khi chuẩn bị soi sẽ được thụt rửa trực tràng để có thể quan sát rõ tổn thương hơn, do đó không cần nhịn ăn.

Nội soi trực tràng là phương pháp được sử dụng rất phổ biến, rất hữu ích trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý trực tràng. Biện pháp này ít gây cảm giác khó chịu hay đau đớn, phù hợp với hầu hết mọi người.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NHS