Ợ nóng: nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Ợ nóng là một triệu chứng phổ biến của đường tiêu hóa và có thể được điều trị tại nhà. Nhưng sự xuất hiện thường xuyên của triệu chứng này có thể gợi ý một số bệnh lý nghiêm trọng cần có sự đánh giá chính xác của bác sĩ. Docosan mời bạn tham khảo bài viết này để hiểu hơn về nguyên nhân và cách chữa trị chứng ợ nóng.

Ợ nóng, trào ngược và bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Ba thuật ngữ này thường được sử dụng thay thế lẫn nhau trong giao tiếp thường ngày. Tuy nhiên bản chất của chúng không giống nhau. 

Trào ngược, còn được gọi là trớ, là tình trạng các chất chứa trong dạ dày đi ngược lên thực quản, họng và miệng, tạo cảm giác chua miệng hay đắng miệng. Khi tình trạng trào ngược này diễn tiến mạn tính thì được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

Ợ nóng là biểu hiện thường thấy của hai tình trạng trên. Nó cũng là triệu chứng thường gặp nhất của các bệnh lý thực quản.

Ợ nóng là gì?

Ợ nóng đặc trưng bởi cảm giác khó chịu hay cảm giác nóng rát ở vùng ngực, ngay sau xương ức, có thể xuất phát từ vùng thượng vị (hay chấn thủy) và cũng có khi lan đến cổ. Cảm giác này thường xuất hiện sau ăn, khi nằm xuống hoặc khi vận động mạnh.

Nhìn chung ợ nóng không quá khó chịu và có thể được kiểm soát bằng một số biện pháp tại nhà. Tuy nhiên, ợ nóng thường xuyên có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng, đòi hỏi bạn đến phòng khám để tìm nguyên nhân.

o-nong
Chứng ợ nóng thường xảy ra sau ăn

Tại sao bị ợ nóng?

Thực quản là một phần của ống tiêu hóa, nối giữa vùng miệng – họng với dạ dày ở bên dưới. Ợ nóng được cảm thấy khi các chất chứa trong dạ dày trào ngược vào thực quản, có thể lên đến họng và miệng. 

Bình thường thì tình trạng trào ngược này không xảy ra, bởi vì cơ vòng thực quản dưới vẫn còn hoạt động tốt. Đây là khối cơ hình vòng ở vị trí nối giữa thực quản và dạ dày, có nhiệm vụ như cách cổng một chiều cho thức ăn đi xuống dạ dày. 

o-nong
Cơ vòng thực quản dưới (LES) không đóng kín làm chất chứa trong dạ dày trào ngược vào thực quản

Nhưng khi cơ vòng thực quản dưới suy yếu, hay cánh cổng không đóng kín, thức ăn và axit dạ dày có thể đi ngược lên trên. Niêm mạc thực quản không thể thích nghi tốt với những chất dịch mang tính axit này như niêm mạc dạ dày, do vậy sự trào ngược gây ra cảm giác nóng rát dọc theo đường đi của thực quản.

Một tình huống khác cũng làm thức ăn dễ đi lên thực quản là khi có thoát vị dạ dày qua cơ hoành. Bất thường này xảy ra khi một phần của dạ dày bị đẩy qua khỏi lỗ trong cơ hoành và đi vào lồng ngực.

Yếu tố nguy cơ

Một số thức ăn và thức uống nhất định có thể gây ra ợ nóng:

  • Các loại hành
  • Đồ ăn cay, nóng
  • Các sản phẩm từ khoai tây, đặc biệt khi được chiên, rán
  • Thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ, giàu chất béo
  • Bạc hà
  • Sô cô la
  • Rượu, bia, thức uống có ga, cà phê, thức uống có caffeine
  • Những bữa ăn lớn

Việc nằm xuống ngay sau bữa ăn cũng làm tăng nguy cơ trào ngược và cảm giác ợ nóng, đặc biệt sau những bữa ăn thịnh soạn, giàu chất béo, đồ cay nóng. Điều này cũng xảy ra khi vận động, thể dục mạnh sau bữa ăn.

Béo phì mang thai cũng liên quan. Sự trào ngược xảy ra do tình trạng tăng áp lực trong ổ bụng quá mức và kéo dài ở hai đối tượng này. Bên cạnh đó, các thay đổi hormone trong thai kỳ cũng làm cơ vòng dưới thực quản giãn ra.

Dù không rõ ràng, nhưng tình trạng căng thẳng, lo âu, stress cũng có thể là nguyên nhân.

Biểu hiện của ợ nóng

Đặc điểm điển hình của ợ nóng được mô tả như sau:

  • Cảm giác nóng rát hoặc khó chịu sau xương ức, có thể đi lên từ vùng bụng trên và lan lên đến cổ (dọc theo đường đi của thực quản).
  • Đây là một triệu chứng ngắt quãng, thường thấy nhất là sau khi ăn, trong khi vận động thể dục hoặc khi nằm xuống. 
  • Cảm giác khó chịu thường giảm đi sau khi uống thêm nước hoặc thuốc kháng acid, nhưng có thể xuất hiện thường xuyên và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, bao gồm cả giấc ngủ.
  • Có thể có cảm giác đắng miệng hay chua miệng. Do vậy thỉnh thoảng cũng được gọi là ợ chua, nhưng tên gọi này không mô tả chính xác bản chất.

Bên cạnh đó, một số triệu chứng khác có thể đi kèm theo ợ nóng:

  • Trào ngược, hay trớ: cảm giác được thức ăn trào lên đến họng và miệng, kèm theo vị chua, vị đắng
  • Ho, khàn giọng: dấu hiệu gợi ý chất trào ngược đi vào đường thở
  • Nấc cục
  • Đầy hơi, khó tiêu
  • Đau bụng trên (vùng chấn thủy)
  • Hôi miệng
o-nong

Khi nào thì cần gặp bác sĩ?

Có hai tình huống khả thi về các dấu hiệu gợi ý bạn cần đến gặp bác sĩ. Một là khi triệu chứng ợ nóng dai dẳng, khó kiểm soát, bệnh lý của đường tiêu hóa có thể đã tiến triển xấu hơn. Hai là khi triệu chứng ợ nóng bị nhầm lẫn với một biểu hiện khác của một bệnh lý ngoài đường tiêu hóa, thường gặp và đáng lưu ý nhất là bệnh tim mạch.

Tình trạng trào ngược kéo dài có thể dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), hoặc có thể đi kèm bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Bạn cần liên hệ cơ sở y tế ngay nếu có những dấu hiệu sau: 

  • Nuốt khó, nuốt đau
  • Đi cầu ra phân đen, phân máu đỏ tươi
  • Khó thở
  • Cơn đau lan ra sau vai 
  • Chóng mặt, choáng váng, đau đầu

Ợ nóng không phải là triệu chứng của bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, không phải ai cũng mô tả chính xác cảm giác của mình. Và một cơn đau tim (đau thắt ngực) cũng có thể bị nhầm lẫn thành một triệu chứng ợ nóng thông thường. Bạn có thể bị đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim cấp nếu có thêm các triệu chứng sau:

  • Đau ngực dữ dội, cảm giác như nghiền nát
  • Khó thở
  • Cơn đau lan lên hàm, cánh tay
  • Đổ mồ hôi trong cơn đau

Biến chứng có thể xảy ra

Nếu triệu chứng ợ nóng xảy ra thường xuyên và ảnh hưởng đến đời sống của bạn, hãy đến gặp bác sĩ. Đây có thể là dấu hiệu của giai đoạn trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và cần có điều trị thuốc. Nếu không được điều trị đúng cách, GERD có thể tiến triển thành một tổn thương tiền ung thư ở thực quản, gọi là thực quản Barrett

Niêm mạc thực quản tổn thương kéo dài có thể trở thành yếu tố thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển trong thực quản, gây ăn uống kém, nuốt đau, nuốt khó.

Chẩn đoán 

Triệu chứng ợ nóng được chẩn đoán dựa vào việc bác sĩ khai thác các tính chất của cảm giác khó chịu mà người bệnh mô tả. Bác sĩ sẽ hỏi rõ về tính chất, tần suất và đặc điểm kèm theo của những đợt ợ chua hay trào ngược, nhằm chẩn đoán bạn có bị GERD hay chưa. 

Một số cận lâm sàng cũng sẽ được sử dụng như: 

  • X-quang thực quản
  • Nội soi thực quản dạ dày
  • Đo pH thực quản
  • Đánh giá nhu động thực quản

Các lựa chọn trong điều trị

Nếu bạn có ợ nóng nhưng không thường xuyên, bạn có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà và thay đổi lối sống để giảm bớt hoặc ngăn ngừa triệu chứng này. Thành lập lối sống lành mạnh, cũng như kiểm soát cân nặng, có thể giúp ích. Bạn cũng có thể tránh một số điều như sau: 

  • Nằm ngay sau khi ăn
  • Hút thuốc lá
  • Ăn nhiều sô cô la
  • Uống nhiều rượu bia, chất có cồn
  • Uống nhiều cà phê, trà, chất nhiều caffeine
  • Hạn chế tối đa những đồ ăn và thức uống gây trào ngược, ợ nóng như: đồ cay, thức ăn nhiều chất béo, chiên, rán, hành, khoai tây

Nếu những thay đổi này không giúp cải thiện triệu chứng, bạn sẽ cần bác sĩ can thiệp điều trị bằng một số thuốc. Các thuốc được dùng bao gồm:

  • Thuốc kháng axit (antacids)
  • Thuốc đối kháng thụ thể H2 (H2RAs)
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPIs)

Một số tên thuốc thường gặp như: Nexium, Protonix, Prevacid, Prilosec.

Tuy nhiên, sử dụng kéo dài những thuốc này có thể dẫn đến một số tác dụng phụ. Chẳng hạn thuốc đối kháng thụ thể H2 có thể gây táo bón hoặc tiêu chảy. Trao đổi với bác sĩ của bạn nếu có các tác dụng phụ.

Tổng kết

Ợ nóng có thể kiểm soát được với điều trị tại nhà và thay đổi lối sống nếu nó xuất hiện với tần suất thưa thớt. Bạn cần tham vấn bác sĩ nếu ợ nóng diễn ra thường xuyên hơn và ảnh hưởng tới đời sống hằng ngày.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu chứng ợ nóng tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.


Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.