3 cách phân độ trĩ hiện nay thường được sử dụng

Bệnh trĩ là một căn bệnh “khó nói” mà nhiều người âm thầm chịu đựng sự khó chịu mà nó gây ra. Tùy vào phân độ trĩ mà bác sĩ có hướng điều trị phù hợp, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, điều trị dứt điểm đồng thời giúp người bệnh thoát khỏi ám ảnh tinh thần, sự đau đớn mà bệnh mang tới.Để hiểu rõ hơn về trĩ, hãy cùng Docosan tìm hiểu về cách phân độ trĩ thường thấy hiện nay nhé!

Phân độ trĩ nội theo Golihger (1980)

Bệnh trĩ là bệnh lý gây ra hiện tượng căng giãn quá độ các đám rối tĩnh mạch trĩ hậu môn. Sự căng giãn này làm hình thành những búi trĩ ở thành hậu môn – trực tràng. Bệnh lý này gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng lên sức khỏe về mặt thể chất lẫn tinh thần của bệnh nhân. Bởi vị trí bệnh nằm ở khu vực nhạy cảm, khó nói trên cơ thể nên người bệnh e ngại trong việc đi khám.

Búi trĩ gây cảm giác đau đớn, khó chịu đồng thời gây khó khăn trong đời sống sinh hoạt hằng ngày ảnh hưởng đến tâm lý khiến bệnh nhân cảm thấy tự ti. Bệnh còn dẫn gây biến chứng: xuất huyết tiêu hóa dưới, thiếu máu, tắc mạch, nghẹt hậu môn, ung thư đại tràng…

Bệnh trĩ có thể xảy ra ở bất kỳ các đối tượng nào. Bệnh thường gặp hơn ở nhóm nghề nhân viên văn phòng, lái xe đường dài, tựu chung là nhóm người phải làm việc đứng hay ngồi một chỗ quá lâu. Những người làm công việc nặng nhọc, tập luyện cường độ mạnh, phụ nữ mang thai, người thừa cân, béo phì…

Dựa vào đặc điểm giải phẫu mà các nhà lâm sàng học chia thành trĩ nội, trĩ ngoại hay trĩ hỗn hợp. Mỗi nhóm đều có phân độ trĩ khác nhau. Ở mỗi phân độ sẽ có phương pháp điều trị riêng. Muốn điều trị dứt điểm căn bệnh khó nói này, người bệnh phải phát hiện bệnh sớm ngay từ mức độ 1, 2. Nếu để bệnh phát triển đến mức độ 3,4 thì sẽ mất thời gian, tiền bạc hoặc có những biến chứng nặng không thể chữa trị được.

Trĩ nội là búi trĩ xuất phát phía trên đường lược (hay còn gọi là đường hậu môn trực tràng). Trĩ nội hình thành gần cuối trực tràng, người bệnh không thể nhìn thấy hoặc sờ thấy trừ khi búi trĩ đã đến mức độ sa ra ngoài. Nguyên nhân dẫn đến trĩ nội có thể do: táo bón, tiêu chảy, mang thai, sinh nở, béo phì, ngồi một chỗ quá lâu gây áp lực lên trực tràng.

Ở phân độ trĩ nội sẽ bao gồm 4 cấp độ như sau: 

Phân độ trĩ cấp độ 1

Trĩ nội cấp độ 1 là giai đoạn đầu tiên của bệnh. Về cơ chế của bệnh, hệ mạch máu tại hậu môn và trực tràng đoạn dưới bị phình giãn tạo thành dạng búi trĩ. Bệnh nhân bị trĩ cấp độ 1 thì các búi trĩ sẽ có kích thước nhỏ. Phân độ trĩ 1 vẫn còn nằm bên trong lòng trực tràng và chưa bị sa ra ngoài. Người bệnh hầu hết không có cảm giác đau khi bị trĩ nội độ 1, kể cả khi búi trĩ có xuất huyết.

Phân độ trĩ cấp độ 2

Ở phân độ trĩ nội cấp 2, hiện tượng xuất huyết có thể diễn tiến trầm trọng hơn so với độ 1. Kích thước búi trĩ to lên, căng giãn nhiều hơn nên có thể lòi ra khỏi hậu môn khi đi vệ sinh nặng nhưng có thể tự co vào được. Hình ảnh trên nội soi sẽ thấy niêm mạc hậu môn dày, búi trĩ màu đỏ tím và có thể có hiện tượng tiết dịch.

Phân độ trĩ cấp độ 3

Triệu chứng thường gặp của phân độ trĩ nội cấp 3 là cảm giác ngứa ngáy, đau rát, người bệnh than phiền cảm giác khó chịu hơn hẳn 2 cấp độ đầu. Lúc này kích thước búi trĩ khá to, niêm mạc hậu môn cũng dày hơn do đó một vận động nhẹ cũng có thể khiến búi trĩ lòi ra ngoài và không thể quay về. Người bệnh phải nghỉ ngơi một lúc hoặc dùng tay đẩy thì búi trĩ mới tụt vào lại bên trong.

Phân độ trĩ cấp độ 4

Phân độ trĩ nội ở cấp 4 là mức nặng nhất của bệnh. Ở giai đoạn này, hình ảnh bắt gặp được là búi trĩ sưng phồng, lòi ra ngoài, hiếm xảy ra xuất huyết do sự lưu thông máu bị cản trở. Tuy nhiên, hiện tượng tiết dịch nhầy nghiêm trọng hơn, gây ẩm ướt, đồng thời bệnh nhân gặp khó khăn trong việc vệ sinh hậu môn nên ở phân độ trĩ này dễ nhiễm trùng, viêm loét, nặng hơn có thể gây hoại tử búi trĩ.

Phân độ trĩ ngoại

Trĩ ngoại là trĩ được hình thành dưới đường lược ở ống hậu môn theo định nghĩa về mặt giải phẫu. Bệnh gây ra bởi sự sưng và căng giãn tại vùng da ở vị trí nếp gấp hậu môn. Bệnh dễ phát hiện hơn trĩ nội do nằm ngoài vùng hậu môn. Người bệnh sẽ cảm nhận, sờ hoặc thấy một khối nhô lên quanh hậu môn. Trĩ ngoại thường gây khó chịu, đau đơn hơn trĩ nội vì vùng búi trĩ nhô ra bị kích thích và viêm loét.

Trĩ ngoại dễ gặp phải ở những người thường xuyên bị táo bón, chế độ ăn uống thiếu khoa học, ăn nhiều đạm và ít chất xơ, ăn nhiều đồ ăn cay nóng, phụ nữ mang thai…Tương tự trĩ nội, trĩ ngoại cũng được chia làm 4 phân độ trĩ ngoại cụ thể như sau:

Phân độ trĩ thời kỳ thứ nhất

Giai đoạn sớm của bệnh, các triệu chứng không rõ rệt và khó nhận biết. Ở phân độ trĩ ngoại này bệnh nhân thường cảm thấy cộm ở vùng mông thỉnh thoảng đi kèm cảm giác ngứa rát.

Phân độ trĩ thời kỳ thứ hai

Phân độ trĩ ngoại thời kỳ thứ hai đã hình thành các búi tĩnh mạch ngoằn ngoèo, lồi ra khỏi hậu môn. Người bệnh sẽ có cảm giác sưng, đau đớn, khó chịu vô cùng. Nếu không vệ sinh sạch sẽ thì ở phân độ trĩ này nguy cơ viêm nhiễm trùng khá cao.

Phân độ trĩ thời kỳ thứ ba

Ở phân độ trĩ này, có hiện tượng xuất huyết, chảy máu khi đi đại tiện do búi trĩ bị tắc nghẹt. Do đó sự đau đớn của người bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, có thể đau ngoài cơn đại tiện. Trường hợp bệnh nặng, chảy máu kéo dài có thể gây thiếu máu, lâu dài có thể xuất hiện kẽ nứt ở hậu môn.

Phân độ trĩ thời kỳ thứ tư

Đây là thời kỳ nặng nhất của trĩ ngoại. Kích thước búi trĩ to lên rõ rệt, sưng to kèm theo cảm giác đau và ngứa gây khó chịu cho bệnh nhân. Cuộc sống của bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây cũng là giai đoạn dễ nhiễm trùng và dễ xảy ra các biến chứng nhất.

Phân độ trĩ trên lâm sàng

Trong thực hành lâm sàng việc phân chia theo các phân độ trĩ ở trên có hạn chế do thiếu tổn thương khác đi kèm, do đó để thuận tiện hơn cho việc chẩn đoán và điều trị các nhà lâm sàng đã phân độ trĩ các cấp độ theo phương pháp BPRST.

  • B (Bleeding) là mức độ chảy máu khi đại tiện.
  • P (Prolapse) là mức độ sa niêm mạc của búi trĩ khi đại tiện.
  • R (Reduction) là mức độ co hồi về vị trí cũ của búi trĩ sau khi đại tiện.
  • S (Skin tags) là da thừa hậu môn.
  • T (Thrombose) là tình trạng tắc mạch.
BPRST
B0
Không chảy máu
P0
Không sa trĩ
R0
Búi trĩ tự co lên được
S0
Không có da thừa
T0
Không tắc mạch
B1
Chảy máu
P1
Sa 1 búi trĩ
R1
Dùng tay đẩy búi trĩ lên được
S1
Có da thừa
T1
Có tắc mạch
P2
Sa 2 búi trĩ trở lên
R2
Không đẩy búi trĩ lên được

Với cách phân chia theo loại sang thương như trên, sẽ có 3 giai đoạn tương ứng trên lâm sàng như sau:

Giai đoạnBPRSTHướng xử trí
1B1
P0, R0, S0, T0
Điều chỉnh lối sống và thay đổi thói quen ăn uống lành mạnh hơn
Điều trị nội khoa, thủ thuật
2B bất kỳ
P1 hoặc P2 hoặc R1, T0
Phẫu thuật trên đường lược, không phẫu thuật vào vòng hậu môn – trực tràng
Longo, khâu triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn siêu âm
3B bất kỳ
P bất kỳ
R2 hoặc S1 hoặc T1
Phẫu thuật tại vòng hậu môn trực tràng (dưới đường lược)
Kết hợp phẫu thuật trên đường lược hoặc dưới đường lược

Cách điều trị và phòng ngừa bệnh trĩ

Trĩ là một căn bệnh nằm ở khu vực nhạy cảm của cơ thể. Chính vì vậy, nhiều người dù đau đớn, khó chịu nhưng vẫn lựa chọn tự chịu đựng và chữa trị tại nhà chứ không đi khám vì e ngại. Điều này là một sai lầm bởi trĩ muốn điều trị dứt điểm phải điều trị sớm, đúng cách, đúng phương pháp.

Việc để bệnh chuyển sang mức độ nặng hơn sẽ khiến bạn gặp nhiều khó khăn cũng như những biến chứng nguy hiểm. Khi đi khám trĩ, đầu tiên bác sĩ sẽ quan sát trực tiếp để đánh giá mức độ trĩ của bệnh nhân. Sau đó sẽ tiến hành soi đại tràng để biết chính xác hơn.

Nếu phân độ trĩ nhẹ (mức độ 1,2), người bệnh có thể điều trị nội khoa bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt, tránh ngồi nhiều, ngồi lâu, hạn chế vận động mạnh, ăn nhiều chất xơ tránh táo bón, ngâm hậu môn trong nước ấm, nhét hoặc bôi thuốc. Nhưng khi mức độ trĩ nặng, có thể bạn sẽ phải điều trị ngoại khoa bằng cách phẫu thuật cắt bỏ, chích xơ, thắt bằng vòng cao su, quang đông hồng ngoại theo chỉ định của bác sĩ. Phẫu thuật không thể tránh khỏi những biến chứng, người bệnh cần tuân thủ theo chế độ chăm sóc của bác sĩ tránh rủi ro xảy ra.

Trĩ là một căn bệnh có thể phòng ngừa được nếu bạn duy trì những phương pháp sau:

  • Nên có chế độ ăn lành mạnh, khoa học, ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ, trái cây (lê, dâu tây, bơ, táo, chuối, mâm xôi, chuối…), rau củ (cà rốt, củ cải đường, bông cải xanh, khoai lang, các loại đậu, atiso, cải Brussels…), ngũ cốc nguyên cám như lúa mì, yến mạch, gạo lứt…giúp tiêu hóa tốt, đi vệ sinh dễ dàng hơn.
  • Không ăn đồ ăn dầu mỡ, chiên xào, cay nóng, thức ăn chế biến sẵn, đóng hộp… không chỉ giúp cơ thể, hệ tiêu hóa khỏe mạnh mà còn giúp dễ đi vệ sinh, không bị táo bón, tránh việc phải rặn nhiều gây ra trĩ.
  • Uống đủ nước ít nhất là 2L nước mỗi ngày, nước lọc hoặc nước ép từ những thực phẩm có nhiều chất xơ, vitamin, không uống các đồ uống ngọt đóng chai, có ga,nhiều đường gây nghiện hay có cồn như cà phê, bia rượu giúp tiêu hóa tốt, phân mềm. Khi làm việc ở nhiệt độ cao hoặc làm việc mệt nhọc hãy uống đủ nước để bù lại lượng nước đã mất. Bạn nên chia đều lượng nước để uống trong một ngày, không nên uống quá nhiều nước cho một lần.
  • Không rặn mạnh khi đi cầu vì khi cố gắng rặn sẽ tạo ra áp lực lớn hơn lên các tĩnh mạch ở trực tràng dưới làm búi trĩ phình to và dễ chảy máu. Không nên nhịn đại tiện mà hãy đi ngay khi có cảm giác, tránh việc phân bị tồn đọng, khô cứng khó đi, bắt buộc phải rặn mạnh.
  • Khi đi vệ sinh không nên đưa theo điện thoại, sách báo gây mất tập trung khiến đi đại tiện, ngồi ở nhà vệ sinh trong thời gian quá lâu. Việc này về lâu về dài sẽ hình thành thói quen ngồi lâu trên bồn cầu của bạn.
  • Dù là lý do công việc hay học tập, bạn không nên ngồi quá lâu hay vận động mạnh.  Hãy dành thời gian để đi lại ít nhất 30 phút/ 1 lần, tập luyện những bài tập thể dục thể thao nhẹ nhàng tránh những bài tập quá sức, quá nặng, cường độ cao gây tăng áp lực lên tĩnh mạch ở hậu môn.
  • Không để táo bón hay tiêu chảy kéo dài, rặn làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch gây căng và ứ máu. Nếu bị tình trạng này, bạn cần đi khám để được điều trị tránh để quá lâu.
  • Bất kì đối tượng nào cũng có thể bị trĩ nhưng phụ nữ mang thai, người thừa cân, béo phì cần đặc biệt chú trọng chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt để hạn chế bệnh này. Phụ nữ mang thai khi điều trị thuốc cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Ngoài những biện pháp nêu trên, để phòng ngừa bệnh trĩ mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm. Việc phát hiện sớm từ phân độ, mức độ 1,2 không chỉ giúp điều trị nhanh chóng, dễ dàng, hiệu quả mà còn trị được dứt điểm, hạn chế đau đớn, đỡ mất thời gian và tiền bạc.

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Các cách phân độ trĩ hiện nay thường được sử dụng”. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có thêm thông tin bổ ích về các cách phân độ trong bệnh lý trĩ. Đồng thời, hy vọng rằng, khi phát hiện những dấu hiệu của bệnh trĩ, thay vì chủ quan, ngại ngần bạn hãy đến thăm khám bác sĩ để có chẩn đoán cũng như được điều trị kịp thời, nhanh chóng, tránh để bệnh tình trở nặng, khó điều trị hơn. Dù là trĩ nội hay ngoại, tùy vào các mức độ trĩ của người bệnh mà các bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.


Nguồn tham khảo: NHS