Trực tràng: Giải phẫu, chức năng và bệnh lý thường gặp

Trực tràng là một phần của ống tiêu hoá và giữ một số vai trò quan trọng cho cơ thể. Cơ quan này cũng có thể mắc một số bệnh lý như viêm nhiễm, sa hay ung thư. Ở bài viết này Docosan sẽ gửi đến những thông tin quan trọng nhất về cơ quan này như vị trí giải phẫu, cấu trúc, chức năng để bạn có cái nhìn tổng quát về nó.

Giải phẫu trực tràng

Vị trí

Trực tràng là một cơ quan nằm trong ổ bụng, nối giữa đại tràng và ống hậu môn, dài khoảng 12-15 cm, nhìn từ trước tới thì thẳng nên người ta gọi là trực tràng. Nó nằm phía trước xương cùng cụt và các mạch máu thần kinh ở trước xương cùng.

Ở nam, cơ quan này nằm sau bàng quang, các quai ruột non, túi tinh, ống tinh, tuyến tiền liệt và ngăn cách với các tạng sinh dục này bởi mạc tiền liệt – phúc mạc. Ở nữ, nó nằm sau tử cung và thành sau âm đạo và ngăn cách với thành này bởi mạc trực tràng – âm đạo.

Ở hai bên, cấu trúc này liên quan phía trên thông qua phúc mạc với các quai ruột non và kết tràng xích-ma và ở phía dưới phúc mạc với bao xơ chứa đám rối thần kinh hạ vị. Phía dưới, nó liên quan chặt chẽ với hệ thống cơ thắt ngoài hậu môn. 

Cấu tạo

Cũng giống như các cơ quan khác của ống tiêu hoá, trực tràng có cấu tạo gồm 5 lớp từ trong ra ngoài như sau:

  • Lớp niêm mạc
  • Lớp dưới niêm mạc
  • Lớp cơ gồm cơ vòng bên trong và cơ dọc bên ngoài
  • Lớp dưới thanh mạc
  • Lớp thanh mạc

Khi trống, niêm mạc bên trong tạo nên rất nhiều các nếp dọc ở phần dưới nó và biến mất khi nó căng. Nó thường có 3 đến 4 van hình bán nguyệt gọi là các van hoặc nếp.

Cơ quan này được cấp máu chủ yếu bởi 3 động mạch:

  • Động mạch trực tràng trên là nhánh tận của động mạch mạc treo tràng dưới. Cấp máu cho toàn bộ vùng bóng và niêm mạc ống hậu môn.
  • Động mạch trực tràng giữa bắt nguồn từ động mạch chậu trong hoặc động mạch hạ vị. Chia các nhánh tưới máu phần dưới bóng và cơ quan sinh dục.
  • Động mạch trực tràng dưới xuất phát từ động mạch thẹn trong cấp máu cho các cơ thắt, cơ nâng hậu môn và niêm mạc ống hậu môn.

Ngoài ra còn có động mạch cùng giữa cấp máu cho cấu trúc này. Do hệ thống mạch máu nuôi dưỡng nó khá phong phú, trong phẫu thuật ung thư rất ít khi bị thiếu máu tại miệng nối.

Chức năng

Cơ quan này giữ vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hoá. Nằm ở đoạn cuối ống tiêu hoá, bộ phận này chức năng giữ chất thải và đào thải chúng qua đường đại tiện. Sau khi thức ăn được đưa vào miệng, xuống thực quản rồi dạ dày, tại đây dạ dày co bóp và tiêu hoá thức ăn thành dạng lỏng sau đó chuyển đến ruột non. Tại ruột non và đại tràng, các chất dinh dưỡng và khoáng chất sẽ được hấp thụ và giữ lại cho cơ thể.

Các chất không có lợi hoặc không dư thừa sẽ được đẩy xuống đây. Chất thải sẽ được giữ lại, đồng thời các dây thần kinh sẽ được kích thích, truyền tín hiệu đến vỏ đại não, tạo cảm giác muốn đi đại tiện. Lúc này nó đã sẵn sàng quá trình đẩy chất thải ra ngoài thông qua hậu môn. Do đó, nếu đại tràng gặp vấn đề thì quá trình đại tiện sẽ bị rối loạn, ví dụ như không thể tống phân ra ngoài khiến tắc ruột.

Một số bệnh trực tràng thường gặp

Sa trực tràng

Đây là tình trạng bộ phận này rời khỏi vị trí vốn có của nó và chui ra ngoài qua lỗ hậu môn, sa một phần hay hoàn toàn. Bệnh lý này không gây ra biến chứng nặng hay diễn biến phức tạp nhưng lại gây nhiều lo lắng và e ngại đến bệnh nhân. Lứa tuổi thường gặp của bệnh là trẻ em và người già nhưng tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh.

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng bệnh này, ví dụ như:

  • Tăng áp lực ổ bụng: do rặn nhiều (tiêu chảy, táo bón), sỏi bàng quang, bí tiểu, phụ nữ mang thai, người làm nghề khuân vác nhiều,…
  • Sự suy yếu của các cấu trúc giữ hậu môn, trực tràng
  • Khuyết tật do bẩm sinh hay mắc phải
  • Suy dinh dưỡng

Triệu chứng thường gặp:

  • Cảm giác có khối nhô ra qua kênh hậu môn khi đi đại tiện, rặn và trở lại như cũ ngay sau đó. Trường hợp nặng, khối sa chỉ trở lại khi đẩy lên hoặc ở bên ngoài thường trực.
  • Cảm giác mót rặn, đi ngoài không hết phân
  • Đi cầu ra máu
  • Táo bón hoặc tiêu chảy

Hầu hết trường hợp sa trực tràng cần phải phẫu thuật mới có thể điều trị triệt để. Bệnh thường không để lại di chứng nguy hiểm nào.

Viêm loét đại trực tràng

Viêm loét đại trực tràng là bệnh lý tiêu hoá rất thường gặp, đặc trưng bởi sự viêm nhiễm mạn tính lớp niêm mạc và dưới niêm đại-trực tràng. Bệnh được xếp vào nhóm bệnh viêm ruột (IBD) gồm viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Nguyên nhân còn chưa được biết rõ, nhiều chuyên gia cho rằng bệnh có liên quan đến cơ chế tự miễn.

Triệu chứng: Biểu hiện ở tiêu hoá: đau quặn theo khung đại tràng, tiêu chảy hoặc táo bón, thay đổi thói quen đi cầu, hội chứng lỵ, xuất huyết tiêu hoá dưới. Biểu hiện ngoài tiêu hoá:

  • Bệnh Crohn: thiếu vitamin B12, sỏi thận, sỏi mật.
  • Viêm loét đại tràng: viêm cột sống dính khớp, hồng ban nút, viêm kết mạc, viêm mống mắt, viêm gan mạn tự miễn, ung thư đường mật, viêm đài bể thận, sỏi thận,…

Điều trị viêm thường là điều trị nội khoa bằng phương pháp dùng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn. Phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột có thể được chỉ định khi thủng ruột, chảy máu ồ ạt hay ung thư hoá.

Ung thư trực tràng

Ung thư trực tràng là bệnh lý ung thư phổ biến và có tỷ lệ tử vong cao. Ở Việt Nam, trong số các loại ung thư thì ung thư đại-trực tràng đứng hàng thứ ba về tỷ lệ mắc, chỉ sau ung thư gan và ung thư phổi, với tỷ lệ tử vong hằng năm khoảng 4,1%. Các yếu tố thuận lợi của bệnh ung thư đại tràng có thể kể đến như:

  • Chế độ ăn uống: nhiều dầu mỡ, thịt đỏ, đồ uống có cồn, ít chất xơ
  • Hút thuốc lá
  • Béo phì, ít vận động thể lực
  • Có các tổn thương tiền ung: polyp trực tràng, viêm loét đại trực tràng, bệnh Crohn,…
  • Yếu tố di truyền
  • Lớn tuổi

Triệu chứng của ung thư thường không đặc hiệu, thường gặp là:

  • Đi cầu ra máu
  • Cảm giác mót rặn
  • Thay đổi thói quen đi cầu: tiêu chảy, táo bón hoặc đi tiêu nhiều lần trong ngày
  • Đau bụng

Điều trị ung thư là điều trị đa mô thức: phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích, chăm sóc giảm nhẹ và cá thể hoá theo từng trường hợp.

Ngoài các bệnh lý trên, trực tràng cũng có thể bị polyp, áp xe,… Để có một hệ tiêu hoá nói chung và trực tràng nói riêng khoẻ mạnh, hãy hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, thịt đỏ, rượu bia, thuốc lá và tăng cường ăn rau xanh, tập luyện thể dục bạn nhé.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NHS