Ung thư thực quản có đáng sợ không? 7 yếu tố nguy cơ gây bệnh

Ung thư thực quản là loại ung thư khá phổ biến trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, ung thư thực quản cũng nằm trong số những bệnh ung thư phổ biến nhất, với tỷ lệ mắc ung thư hằng năm gần 9 ca trên 100.000 người. Đối tượng từ 50 đến 60 tuổi là những người có nguy cơ cao mắc căn bệnh này.

Vậy ung thư thực quản ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh như thế nào cũng như các dấu hiệu nhận biết để chẩn sớm bệnh ung thư này, hãy cùng Doctor có sẵn  tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Ung thư thực quản là gì?

Ung thư thực quản là một dạng ung thư với khối u ác tính hình thành từ các tế bào biểu mô ở thực quản – đoạn đầu của ống tiêu hóa dẫn thức ăn từ hầu đến dạ dày. Ung thư thực quản có thể ở bất kì vị trí nào dọc theo thực quản.

Ung thư thực quản được chia theo loại tế bào có liên quan, với 2 dạng chính: ung thư biểu mô vảy và ung thư biểu mô tuyến. Đây là 2 dạng ung thư chiếm hơn 95% trường hợp gây các khối u thực quản ác tính. Các loại khác hiếm gặp hơn, bao gồm u lympho, u ác tính, khối u carcinoid và sarcoma. Trong đó, ung thư thực quản đoạn trên và giữa hầu hết là ung thư biểu mô vảy, điều trị hiệu quả bằng xạ trị và hóa trị. Đoạn dưới cùng thường gặp ung thư  biểu mô tuyến và điều trị với xạ trị và hóa trị ít hiệu quả hơn.

  • Ung thư biểu mô tế bào vảy: Là dạng phổ biến nhất của ung thư thực quản, chiếm khoảng 90% các trường hợp trên toàn thế giới với tỉ lệ cao nhất ở Trung Quốc, Trung Á, Đông và Nam Phi. Tỉ lệ mắc ở nam và nữ là như nhau, cao hơn ở người da đen và thường gặp nhất ở người từ 60 đến 70 tuổi.
  • Ung thư tuyến thực quản: Là dạng ung thư thực quản phổ biến ở Bắc Mỹ và châu Âu. Theo dữ liệu năm 2013 của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, hầu hết các trường hợp xảy ra ở người trên 50 tuổi và tỉ lệ mắc bệnh ở những người 65 tuổi trở lên là 12 – 16 người trên 100.000 người mỗi năm, với nguy cơ ở nam giới cao gấp 8 lần so với nữ giới và nguy cơ ở người da trắng cao gấp 8 lần so với người da đen.
ung thư thực quản
Các khối u ác tính hình thành từ tế bào biểu mô thực quản

Ung thư thực quản là căn bệnh có tiên lượng xấu vì chúng thường không có triệu chứng rõ ràng. Bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn nên việc điều trị ung thư thực quản rất khó khăn. Mặc dù có những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, theo thống kê tỉ lệ sống sót sau 5 năm đối với những người bị ung thư thực quản là 15 đến 20% ở Hoa Kỳ.

Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư thực quản

Không rõ chính xác nguyên nhân gây ung thư thực quản. Bệnh xảy ra khi các tế bào thực quản tiến triển những thay đổi (đột biến ADN), dẫn đến các tế bào phát triển và phân chia không kiểm soát và hình thành các khối u trong thực quản có thể phát triển để xâm lấn các cấu trúc lân cận và di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.

Yếu tố nguy cơ gây ung thư thực quản loại ung thư biểu mô tế bào vảy

  • Sự thiếu hụt dinh dưỡng, cụ thể là sự thiếu hụt các chất chống oxy hóa như vitamin A, C , E, kẽm, folate và selen.
  • Lối sống thiếu khoa học như uống rượu (>140g/tuần) và hút thuốc lá là các yếu tố có thể hiệp đồng tăng nguy cơ thực quản nếu bệnh nhân sử dụng cả hai.
  • Bệnh co thắt tâm vị (một dạng rối loạn chức năng mà thực quản không có khả năng đẩy thức ăn xuống dạ dày và cơ vòng dưới thực quản mở ra không hoàn toàn làm ứ đọng thức ăn ở thực quản) dẫn đến viêm mạn tính ở thực quản. Trên thực tế, những bệnh nhân mắc chứng co thắt tâm vị có khả năng phát triển thành ung thư cao gấp 28 lần so với bình thường.
  • Nuốt phải chất có tính ăn mòn (do vô tình ở trẻ em hay cố ý ở người lớn), tỉ lệ mắc ung thư thực quản từ 2% đến 30%, nguy cơ gấp 1000 lần so với người bình thường.
  • Bệnh di truyền Tylosis, đây là bệnh di truyền hiếm gặp, biểu hiện bởi sự tăng sinh quá mức các tế bào sừng ở lòng bàn tay và bàn chân. Những người bệnh này thường phát triển các u nhú ở lòng thực quản, có nguy cơ cao phát triển thành ung thư biểu mô vảy thực quản, khoảng 50 đến 100%.

Yếu tố nguy cơ gây ung thư thực quản loại ung thư tuyến thực quản

  • Người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) do quá trình tiếp xúc kéo dài với acid dạ dày, niêm mạc thực quản bị tổn thương và thay đổi cấu trúc (chuyển sản).
  • Bệnh nhân béo phì thường có khả năng mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản hơn.
  • Hút thuốc lá.
  • Bệnh Barrett thực quản, một tình trạng bệnh ảnh hưởng đến đoạn dưới thực quản,Barrett thực quản có thể do GERD gây ra. Bệnh nhân bị Barrett thực quản có nguy cơ mắc ung thư thực quản gấp 11 lần, tỷ lệ mắc không cao (khoảng 0,12-0,13%). Sàng lọc ung thư thực quản có thẻ được khuyến cáo đối với những người mắc Barrett thực quản.
ung thư thực quản
Hút thuốc là yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư thực quản

Các giai đoạn của ung thư thực quản

  • Giai đoạn 0: Các tế bào bất thường (chưa phải ung thư) chỉ được tìm thấy trong lớp tế bào đệm niêm mạc thực quản.
  • Giai đoạn I: Các tế bào ung thư chỉ được tìm thấy trong lớp tế bào đệm niêm mạc thực quản.
  • Giai đoạn II: Ung thư đã đến lớp cơ hoặc thành ngoài của thực quản. Ngoài ra, ung thư có thể đã lan đến 1 đến 2 hạch bạch huyết gần đó (một phần của hệ thống miễn dịch).
  • Giai đoạn III: Ung thư đã xâm nhập sâu hơn vào lớp cơ bên trong hoặc thành mô liên kết. Nó có thể đã lan ra ngoài thực quản vào các cơ quan xung quanh và/hoặc đã lan đến nhiều hạch bạch huyết gần thực quản.
  • Giai đoạn IV: Đây là giai đoạn tiến triển nặng nhất. Ung thư đã lan đến các cơ quan khác trong cơ thể và/hoặc đến các hạch bạch huyết ở xa thực quản.

Các dấu hiệu ung thư thực quản

Dấu hiệu ung thư thực quản giai đoạn đầu thường có các triệu chứng không đặc hiệu, thỉnh thoảng có nuốt vướng. Do đó rất khó phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu. Người bệnh có biểu hiện nuốt nghẹn tăng dần, thường tiến triển từ từ sau 3 – 4 tháng.

Đau khi nuốt là triệu chứng ung thư thực quản thường gặp, đau sau xương ức. Nếu khối u ở thực quản thấp thì có thể gặp đau bụng. Đau có thể lan ra sau lưng giữa hai vai, lên cằm, ra sau tai hay ra vùng trước tim. Khi đau ra sau lưng thì nghi ngờ xâm lấn cột sống.

Các triệu chứng phối hợp khác như ợ hơi, nôn mửa tăng tiết nước bọt, sặc cũng có khi là triệu chứng hoặc biến chứng của rò thực – khí phế quản.

ung thư thực quản
Dấu hiệu của bệnh ung thư thực quản

Các dấu hiệu ung thư thực quản tiến triển và xâm lấn, bao gồm:

  • Chảy máu thực quản (biểu hiện nôn ra máu, đi ngoài phân đen)
  • Viêm phổi (có thể là triệu chứng cũng có khi là biến chứng)
  • Ho dai dẳng (do rò, thực – phế quản)
  • Nói khó (do xâm lấn dây thần kinh quặt ngược thanh quản)
  • Hội chứng Horner
  • Chèn ép tĩnh mạch chủ trên
  • Chảy máu dữ dội do ung thư thực quản xâm lấn vào động mạch chủ

Các triệu chứng ung thư thực quản di căn: tràn dịch màng phổi ác tính, gan to, hạch cổ, đau xương, đái máu.

Triệu chứng ung thư thực quản toàn thân có thể gặp: gầy sụt cân trên 90% bệnh nhân, da sạm, khô do thiếu dinh dưỡng lâu ngày, thiếu máu, mệt mỏi…

Ung thư thực quản được chẩn đoán như thế nào?

Bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng như trên được chỉ định một số xét nghiệm, bao gồm:

  • Nội soi thực quản: Ống nội soi sẽ được đưa vào qua đường mũi hoặc miệng. Mục đích của xét nghiệm này để xác định các loại tổn thương và vị trí tổn thương, đánh giá tính nhu động của thực quản và mức độ của tổn thương. Đồng thời kết hợp với lấy sinh thiết để xác định mô bệnh học.
  • Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác như: Siêu âm, chụp CT, cộng hưởng từ MRI, X quang ngực, xạ hình xương và các xét nghiệm sinh học phân tử để xác định giai đoạn tiến triển của ung thư thực quản và chỉ định phác đồ điều trị thích hợp.
ung thư thực quản
Hình ảnh nội soi thực quản 

Ung thư thực quản được điều trị như thế nào?

Có tới 75% người bị ung thư biểu mô tuyến được chẩn đoán ở giai đoạn quá nặng để điều trị khỏi. Nhìn chung, tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở bệnh nhân ung thư di căn xa là 5%. Có nhiều phương pháp điều trị cho ung thư thực quản và tùy thuộc vào giai đoạn chẩn đoán. Liệu pháp phẫu thuật, hóa trị và xạ trị đều đã được chứng minh làm tăng khả năng sống sót và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

  • Đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn phẫu thuật được bệnh nhân có thể được chỉ định các thủ thuật như cắt thực quản, mở thông dạ dày nuôi dưỡng, cắt hớt niêm mạc thực quản hay cắt khối u qua nội soi,…
  • Đối với những bệnh nhân bị ung thư thực quản giai đoạn không thể chỉ định phẫu thuật, các phương pháp thường dùng là xạ trị, hóa trị, miễn dịch. Nhiều trường hợp bệnh đã giảm nhẹ thành giai đoạn phẫu thuật được. Hóa xạ trị đồng thời là điều trị chuẩn cho giai đoạn này, có thể sử dụng trước phẫu thuật hoặc sau phẫu thuật hoặc hóa xạ trị đồng thời đối với những bệnh nhân chống chỉ định phẫu thuật.
  • Đối với ung thư thực quản giai đoạn muộn (giai đoạn IV) và có di căn xa, điều trị triệu chứng nuốt nghẹn bằng phương pháp nong, đặt stent hay xạ trị kết hợp với điều trị các tổn thương do di căn và sử dụng hóa chất cho toàn thân.
ung thư thực quản
Điều trị ung thư thực quản bằng hóa trị

Làm thế nào để ngăn ngừa ung thư thực quản?

Để ngăn ngừa các nguy cơ dẫn đến ung thư thực quản, cần:

  • Giảm ăn thức ăn chứa nitrosamin, tăng cường các vitamin thiết yếu bằng chế độ ăn nhiều trái cây và rau củ.
  • Điều trị triệt để bệnh viêm thực quản trào ngược mạn tính.
  • Kiểm soát cân nặng phù hợp.
  • Khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ.
  • Không dùng bia, rượu, thuốc lá.
ung thư thực quản
Biện pháp phòng bệnh ung thư thực quản

Câu hỏi thường gặp

Ung thư thực quản có chữa được không?

Ung thư thực quản nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì khả năng điều trị khỏi khá cao, tuy nhiên bệnh cũng có thể tái phát sau thời gian điều trị. Mặt khác, bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn nên việc điều trị ung thư thực quản rất khó khăn và tỉ lệ sống sót rất thấp.

Chi phí phẫu thuật ung thư thực quản

Chi phí phẫu thuật có thể dao động từ vài triệu đến vài chục triệu. sẽ tùy thuộc vào từng loại phẫu thuật được chỉ định như cắt thực quản, mở thông dạ dày nuôi dưỡng, cắt hớt niêm mạc thực quản hay cắt khối u qua nội soi,…

Ung thư thực quản có nên mổ không?

Bệnh nhân bị ung thư thực quản cần được phẫu thuật để loại bỏ khối u, trong trường hợp bệnh đã tiến triển đến giai đoạn không phẫu thuật được, phải tiến hành các phương pháp khác như hóa trị, xạ trị để ngăn chặn sự phát triển của các khối u.

Ung thư thực quản nên ăn gì?

Bệnh nhân ung thư thực quản cần được cung cấp chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để duy trì cân nặng và sức khỏe như thịt, các loại rau củ, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, tránh các thực phẩm gây khó tiêu như dầu mỡ,… Lưu ý, tất cả thực phẩm phải có thể chất mềm mịn, dễ nuốt để thuận lợi cho người bệnh.

Ung thư thực quản có lây không?

Ung thư thực quản là một dạng bệnh do đột biến trong cấu trúc di truyền, nghĩa là không có khả năng lây nhiễm thông qua tất cả các hình thức tiếp xúc với người bệnh như đường hô hấp, dịch tiết, máu,… 

Ung thư thực quản có nguy hiểm không?

Ung thư thực quản là căn bệnh có tiên lượng xấu vì chúng thường không có triệu chứng rõ ràng. Bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn nên việc điều trị ung thư thực quản rất khó khăn và tỉ lệ sống sót rất thấp.

Thời gian xạ trị ung thư thực quản

Tùy theo mức độ tiến triển của bệnh mà thời gian xạ trị ung thư thực quản thay đổi khác nhau. Thời gian xạ trị có thể kéo dài vài tuần hay vài tháng tùy theo chỉ định của bác sĩ.

Ung thư thực quản có di truyền không?

Chưa ghi nhận nghiên cứu cụ thể chứng minh ung thư thực quản có tính di truyền. Tuy nhiên, yếu tố di truyền cũng được cho là một yếu tố nguy cơ cần quan tâm do bệnh có liên quan đến đột biến trong cấu trúc di truyền.

Ung thư thực quản có mấy giai đoạn?

Dựa vào tiến triển bệnh, có thể phân ung thư thực quản thành 4 giai đoạn theo mức độ nghiêm trọng tăng dần (từ I đến IV), giai đoạn 0 chỉ phát hiện các tế bào bất thường (chưa phải ung thư) nằm trong lớp niêm mạc thực quản.

Xét nghiệm ung thư thực quản

Các xét nghiệm ung thư thực quản bao gồm nội soi kết hợp lấy sinh thiết, kèm theo các xét nghiệm khác như siêu âm, chụp CT, cộng hưởng từ MRI, X quang ngực, xạ hình xương…và các xét nghiệm sinh học phân tử để phân loại giai đoạn bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Ung thư thực quản nên ăn gì và kiêng gì?

Người ung thư thực quản nên bổ sung đầy đủ các loại dinh dưỡng để duy trì cân nặng và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Người bệnh nên kiêng ăn các thực phẩm khó tiêu, thực phẩm thô, gây khó khăn khi nuốt và thức ăn nóng vì sẽ làm tổn thương niêm mạc thực quản.


Hi vọng rằng thông qua bài viết này, các bạn sẽ có cái nhìn khái quát hơn về bệnh và các dấu hiệu nhận biết của bệnh ung thư thực quản. Nếu bạn hoặc người thân của bạn có những dấu hiệu bất thường trên, xin vui lòng đặt lịch khám với chuyên gia hoặc bác sĩ trên docosan.com.