Xuất huyết tiêu hóa dưới: Nguyên nhân và các điều trị

Xuất huyết tiêu hóa dưới chiếm khoảng 15% các trường hợp xuất huyết trong đường tiêu hóa. Bệnh có thể gây mất nhiều máu và nguy hiểm đến tính mạng khi phát hiện hay chữa trị chậm trễ. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh này qua bài viết sau đây nhé!

Xuất huyết tiêu hóa dưới là gì?

Xuất huyết tiêu hóa dưới là tình trạng chảy máu trong lòng ống tiêu hóa do một hay nhiều tổn thương từ góc Treitz của ruột non đến đến dưới hậu môn. 

Nguyên nhân của bệnh rất đa dạng, trong đó nguồn gốc gây chảy máu từ ruột già và hậu môn chiếm khoảng 90% các trường hợp, còn lại 10% do nguyên nhân từ ruột non.

xuất huyết tiêu hóa dưới
Xuất huyết tiêu hóa dưới là gì?

Nguyên nhân của xuất huyết tiêu hóa dưới 

Xuất huyết tiêu hóa dưới có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, tùy theo độ tuổi mà có những bệnh lý khá chuyên biệt bao gồm: 

Đối với trẻ con 

  • Polyp (Pô-líp)
  • Loạn sản mạch máu
  • Túi thừa Meckel bẩm sinh 
  • Lồng ruột 
  • Nứt hậu môn.

Đối với người lớn 

  • Polyp (Pô-líp)
  • Ung thư đại-trực tràng 
  • Viêm loét đại tràng do nhiễm trùng, do lao, do HIV 
  • Túi thừa đại tràng 
  • Bệnh Crohn 
  • Trĩ nội, trĩ ngoại chảy máu. 
xuất huyết tiêu hóa dưới
Bệnh trĩ – Nguyên nhân gây ra hiện tượng xuất huyết tiêu hóa dưới

Đối với người cao tuổi 

  • Polyp (Pô-líp)
  • Ung thư đại – trực tràng
  • Túi thừa đại tràng 
  • Viêm đại – trực tràng do xạ trị, hóa trị
  • Nhồi máu mạch mạc treo ruột 
  • Trĩ nội, trĩ ngoại chảy máu. 

Triệu chứng xuất huyết tiêu hóa dưới 

Tiêu ra máu 

Triệu chứng đặc hiệu của xuất huyết tiêu hóa dưới là đi tiêu ra máu màu đen, màu đỏ hoặc có cục máu đông trong phân. 

Nếu chảy máu chậm với lượng ít thì người bệnh có thể đi tiêu phân đen như trong xuất huyết tiêu hóa trên. Đôi khi chảy máu ồ ạt khiến bệnh nhân đi tiêu máu đỏ liên tục, ảnh hưởng đến dấu hiệu sinh tồn rõ rệt. 

xuất huyết tiêu hóa dưới
Tiêu ra máu là triệu chứng đặc hiệu của xuất huyết tiêu hóa dưới

Các triệu chứng toàn thân  

Trên thực tế ghi nhận có 30% bệnh nhân biểu hiện thiếu máu mạn tính là thỉnh thoảng bị chóng mặt và thay đổi các dấu hiệu sinh tồn theo tư thế như hạ huyết áp khi đứng dậy, tăng nhịp tim khi đi bộ.

Và 10% các bệnh nhân có triệu chứng của mất máu cấp như bị ngất xỉu và 20% bị mất máu trung bình với tình trạng hoa mắt, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tụt.

Triệu chứng của tiền sử bệnh

Việc khai thác nhóm triệu chứng này giúp định hướng nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa dưới, bao gồm:

  • Loạn sản mạch máu và bệnh túi thừa thường không có triệu chứng trước lần chảy máu đầu tiên 
  • Người bệnh có sử dụng thuốc kháng viêm không steroid hay thuốc chống đông máu không
  • Đau bụng hay vừa tiêu chảy vừa sốt gợi ý Viêm đại tràng nhiễm trùng
  • Tiền sử gia đình có bệnh đa polyp và người bệnh trẻ hơn 30 tuổi sẽ gợi ý bệnh polyp gây xuất huyết tiêu hóa dưới.

Chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa dưới 

Xuất huyết tiêu hóa dưới sẽ chẩn đoán khó hơn xuất huyết tiêu hóa trên, vì chảy máu thường xảy ra từng đợt và gần 50% các trường hợp chảy máu này do nhiều nguyên nhân phối hợp. Các nguyên nhân thường được chẩn đoán:

Polyp Đại – trực tràng 

Có thể gặp ở mọi lứa tuổi, gây chảy máu đỏ lượng trung bình đến nhiều do lớp niêm mạc trên bề mặt của khối polyp bị viêm nhiễm gây xuất huyết. 

Ở trẻ con thì polyp hầu hết là loại lành tính và có thể tự rụng đi. Mặt khác 95% polyp tuyến ở người lớn có thể hóa ác thành ung thư từ 5 năm đến 25 năm sau. Tỉ lệ hóa ác tính tăng theo kích thước khối polyp, polyp có cuống và bệnh có tính gia đình di truyền.

xuất huyết tiêu hóa dưới
Polyp Đại – trực tràng 

U bướu 

U tuyến hoặc bướu ung thư xuất phát từ niêm mạc đường tiêu hóa, nếu có hình dạng chồi sùi hay loét sùi dễ gây chảy máu rỉ rả và dẫn đến thiếu máu mạn tính. 

Bệnh nhân thường đi cầu phân đen, hiếm khi có chảy máu ồ ạt đến đi tiêu ra máu đỏ. Bệnh thường gặp ở người lớn và người cao tuổi có nhiều yếu tố nguy cơ của ung thư.

Bệnh túi thừa 

Khoảng 5 đến 10% bệnh nhân có túi thừa ở ruột non và đại tràng bị viêm loét gây chảy máu một cách đột ngột, thường gặp hơn ở người cao tuổi. 90% xuất huyết tiêu hóa dưới do túi thừa sẽ tự cầm máu.

Vị trí túi thừa bị viêm thường nằm ở đại tràng trái, và ít khi có túi thừa đơn độc. Đồng thời túi thừa cũng thường hay kèm polyp trên niêm mạc đại tràng.

Trĩ hậu môn

Hơn một nửa số bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa dưới khám thấy trĩ hậu môn, tuy nhiên chưa đến 5% xuất huyết là thực sự do trĩ. 

Thăm khám hậu môn – trực tràng là thủ thuật bắt buộc phải làm ngay khi bệnh nhân có triệu chứng xuất huyết tiêu hóa dưới để loại trừ bệnh Ung thư hậu môn – trực tràng.

xuất huyết tiêu hóa dưới
Trĩ hậu môn

Các bệnh lý viêm nhiễm 

Một số tình trạng viêm niêm mạc đại trực tràng sẽ gây xuất huyết tiêu hóa dưới, nhưng hầu hết tự cầm khi điều trị nội khoa thích hợp.

Trường hợp viêm loét đại tràng do lao hoặc nhiễm HIV giai đoạn nặng, xuất huyết tiêu hóa dưới thường kèm theo với tiêu chảy. 

Nhiễm trùng đại trực tràng còn có thể do vi trùng Escherichia Coli, Salmonella Typhi hoặc Clostridium difficile.

Viêm trực tràng sau xạ trị hay hóa trị vùng chậu cũng gây biến chứng xuất huyết tiêu hóa dưới, bệnh điều trị rất khó khăn và tiên lượng xấu. 

Nguyên nhân mạch máu 

Loạn sản mạch máu có tần suất gây bệnh thay đổi từ 5 đến 20% trường hợp xuất huyết tiêu hóa dưới. Nội soi thấy tổn thương trên niêm mạc đại tràng có màu đỏ, hình sao hoặc hình bầu dục, đường kính từ 2mm đến 10mm. 

Các dạng Viêm mạch máu sẽ tạo ra các chấm loét niêm mạc của ruột non và đại tràng. Trường hợp thiếu máu đại tràng với niêm mạc loét và bở có thể gây chảy máu cấp tính, thường là sau một cơn đau bụng cấp nặng và nhiễm trùng máu. 

Nhồi máu mạc treo ruột cấp có thể được báo trước bởi đau bụng dữ dội với đi cầu ra máu đỏ, xảy ra trước nguy cơ thuyên tắc động mạch hay tăng đông máu. 

Điều trị xuất huyết tiêu hóa dưới 

Trước một bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa cần đánh giá toàn thân, các sinh hiệu, xét nghiệm công thức máu để phân biệt tình trạng chảy máu cấp tính hay mạn tính mà có thái độ xử trí hợp lý. 

  • Điều trị qua nội soi
  • Điều trị can thiệp mạch máu 
  • Phẫu thuật. 
xuất huyết tiêu hóa dưới
Phẫu thuật điều trị xuất huyết tiêu hóa dưới

Kết luận 

Thông thường xuất huyết tiêu hóa dưới sẽ ít khi đe dọa tính mạng cấp cứu như xuất huyết tiêu hóa trên. Tình trạng chảy máu thường tự cầm và người bệnh ít khi cần truyền máu hoặc xử trí phẫu thuật khẩn cấp. 

Tuy nhiên, việc chẩn đoán bệnh tìm đúng vị trí và nguyên nhân chảy máu thường khó khăn, nhất là trong tình trạng cấp cứu. Vì vậy khi người bệnh có các dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa dưới thì hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời, tránh các biến chứng nghiêm trọng xảy ra.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Contact Me on Zalo
Call Now Button