Đi cầu ra máu là bệnh lý gì?

Đi cầu ra máu là một triệu chứng không hiếm gặp, nó gợi ý một tình trạng bất thường về sức khỏe ở đường tiêu hóa của bạn. Vậy đại tiện ra máu là gì? Đi cầu ra máu là bị gì? Đi cầu ra máu tươi có nguy hiểm không? Hãy cùng Docosan tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Tổng quan

Nếu sau khi đi vệ sinh bạn phát hiện một lượng nhỏ máu có màu từ đỏ tươi đến đen trong toilet, trên giấy vệ sinh hoặc trong phân, có thể bạn đang bị đi cầu ra máu. Thông thường bệnh trĩ là nguyên nhân phổ biến nhất của việc đi cầu ra máu, bên cạnh đó có nhiều lý do khác có thể xảy ra.

Nguyên nhân gây đi cầu ra máu

Nguyên nhân của việc đi cầu ra máu được đánh giá theo các mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Các lí do của việc đi cầu ra máu bao gồm:

  • Nứt hậu môn: Những vết rách nhỏ ở niêm mạc hậu môn có thể dẫn đến chảy máu và đau khi đi phân. Vết rách đó có thể do táo bón hoặc do lúc rặn sanh em bé.
  • Loạn sản mạch máu: Các mạch máu ruột phình to ra, trở nên dễ vỡ và chảy máu.
  • Bệnh trĩ: đây là những khối mô được tạo thành từ các mạch máu của búi tĩnh mạch trĩ và sợi cơ. Trĩ nội ở sâu bên trong trực tràng, không đau nhưng gây chảy máu. Trong một số trường hợp, chúng có thể đi lòi ra ngoài hậu môn.
  • Táo bón: Phân cứng và rặn nhiều khi đại tiện có thể dẫn đến nứt hậu môn và bệnh trĩ, cả hai đều có thể dẫn đến việc đi cầu ra máu
  • Polyp hậu môn hoặc đại trực tràng: Polyp là những khối u kích thước nhỏ có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Nếu polyp xuất hiện trong lòng ruột, chúng có thể gây chảy máu. Polyp không phải là ung thư, nhưng một số trường hợp hiếm gặp có thể phát triển thành u ác tính.
  • Loét đại tràng: Vết loét có thể hình thành khi tình trạng xói mòn trở nên trầm trọng hơn trong đường tiêu hóa. Phân có màu đen như bã cà phê, có thể xảy ra nếu loét gây chảy máu trong đường ruột, những vết loét sâu hơn có thể đi cầu ra máu màu đỏ tươi.
  • Ung thư hậu môn hoặc ung thư ruột già: Quá trình khối u hình thành cần các mạch máu để phát triển. Các mạch máu trong đại tràng rất dễ vỡ gây chảy máu.
  • Bệnh viêm ruột: gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Đi cầu ra máu có thể xảy ra cùng với đau bụng và tiêu chảy.
  • Bệnh túi thừa: là khối phồng trong ruộtgià, theo thời gian, các mạch máu do ma sát nên bị tổn thương bề mặt, vỡ và chảy máu. Nếu không có triệu chứng, nó được gọi là bệnh túi thừa, nhưng nếu xảy ra tình trạng viêm, bệnh sẽ được gọi là viêm túi thừa.
  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng đường ruột bao gồm cả siêu vi và vi khuẩn, chẳng hạn như salmonella (thương hàn) có thể gây chảy máu.
  • Rối loạn đông máu: Một số tình trạng có thể gây dễ chảy máu vì chúng ảnh hưởng đến khả năng đông máu của cơ thể. Nguyên nhân bao gồm thiếu hụt vitamin K, bệnh máu khó đông và tình trạng số lượng tiểu cầu thấp, còn được gọi là giảm tiểu cầu.
  • Tổn thương đường tiêu hóa trên: Loét hoặc các vấn đề khác trong dạ dày hoặc thậm chí thực quản có thể gây đi cầu ra máu. Chảy máu từ đường tiêu hóa trên có nhiều khả năng xuất hiện dưới dạng phân có màu đen như bã cà phê.
  • Nguyên nhân đi cầu ra máu ít phổ biến hơn bao gồm phản ứng dị ứng với một số loại thực phẩm.

Triệu chứng

đi cầu ra máu
Đi cầu ra máu là bệnh lý gì?

Triệu chứng đi cầu ra máu rõ ràng nhất là có máu trên giấy vệ sinh hoặc có thể nhìn thấy máu hoặc phân có lẫn máu trong bồn cầu. Điều cần phải chú ý nhất là màu sắc của máu (hoặc màu phân) vì nó có thể gợi ý những đặc điểm quan trọng giúp xác định vị trí tổn thương của đường tiêu hóa:

  • Máu đỏ tươi gợi ý chảy máu trong đường tiêu hóa dưới, chẳng hạn như ruột già hoặc trực tràng.
  • Máu có màu đỏ sẫm hoặc màu rượu vang có thể cho thấy xuất huyết ở đường tiêu hóa trên như ruột non hoặc đoạn đầu của đại tràng.
  • Phân có màu đen như bã cà phê có thể cho thấy xuất huyết từ dạ dày hoặc phần trên của ruột non.

Các triệu chứng khác liên quan đến đi cầu ra máu bao gồm:

  • Lơ mơ, không tỉnh táo
  • Ngất
  • Chóng mặt
  • Đau bụng dưới hoặc đau dọc khung đại tràng

Chú ý những triệu chứng cấp cứu

Đi cầu ra máu lượng nhiều nghiêm trọng có thể được coi là cấp cứu y tế. Hãy đến phòng cấp cứu nếu bạn cũng gặp phải bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Lạnh tay chân, da khô sần sùi
  • Hoang mang, lo lắng.
  • Đi cầu ra máu nhiều lần
  • Chóng mặt hay ngất.
  • Đau bụng quặn cơn.
  • Nhịp thở nhanh
  • Hậu môn đau dữ dội
  • Buồn nôn và nôn nhiều, hoặc nôn ra máu.

Đi cầu ra máu có tự khỏi không?

Hầu hết các trường hợp đi cầu ra máu ở người lớn tuổi là do bệnh trĩ. Khoảng 95% các trường hợp đi cầu ra máu sẽ tự thoái lui mà không cần điều trị. Tuy nhiên không có nghĩa là nguyên nhân cơ bản cũng đã biến mất.

Thống kê cho thấy rằng chỉ có 40% những người bị đi cầu ra máu chủ động đi khám bác sĩ, tuy nhiên chảy máu đôi khi là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng (ung thư), vì vậy không nên chủ quan nếu đi cầu ra máu.

Chẩn đoán đi cầu ra máu như thế nào?

Đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của bạn. Thông tin cần thiết bao gồm thời điểm máu chảy đầu tiên, màu sắc, liều lượng, số lần tái phát và các triệu chứng đi kèm mà bạn đang gặp phải.

Tiếp theo bác sĩ sẽ nhìn và khám bằng tay để kiểm tra xem có thực sự là đi cầu ra máu hay không. Điều này được tiến hành bằng việc đưa ngón tay trỏ đeo đã đeo găng tay, kèm gel bôi trơn vào hậu môn để kiểm tra các bất thường, chẳng hạn như bệnh trĩ.

Các xét nghiệm sẽ được tiến hành như sau:

  • Nội soi: một ống soi mỏng, linh hoạt có gắn camera được đưa vào trong hậu môn, giúp bác sĩ quan sát tình trạng bên trong ống tiêu hóa, ví dụ như nội soi đại tràng hoặc nội soi đại tràng.
  • Xét nghiệm máu: Công thức máu toàn phần có thể giúp đánh giá mức độ chảy máu và gợi ý có bị thiếu máu không.
  • Xét nghiệm máu ẩn trong phân: Chúng có thể cho thấy nếu có chảy máu lượng rất ít mà không nhìn thấy được bằng mắt thường.
  • Rửa dạ dày: Nếu bác sĩ nghi ngờ vấn đề chảy máu ở dạ dày, họ có thể đưa một ống thông qua mũi vào dạ dày để tháo rửa các chất bên trong và để trống trải cho việc xác định vị trí chảy máu.
  • Các xét nghiệm hình ảnh: Bác sĩ có thể đề nghị chụp Xquang bụng với một chất cản quang, chẳng hạn như bari.

Đi cầu ra máu điều trị như thế nào?

Điều trị đi cầu ra máu hoàn toàn dựa vào nguyên nhân gây ra nó và mức độ nặng của tình trạng chảy máu.

Các biện pháp khắc phục tại nhà

đi cầu ra máu
Đi cầu ra máu là bệnh lý gì?

Một cách giảm đau và khó chịu do bệnh trĩ tại nhà là tắm nước ấm. Bôi kem theo hướng dẫn bác sĩ cũng có thể làm giảm đau, giảm kích ứng.

Nếu vết nứt hậu môn là do táo bón, cải thiện tình trạng táo bón sẽ giúp vết nứt lành lại.

Những phương pháp điều trị nhằm ngăn ngừa táo bón tại nhà có thể làm giảm nguy cơ đi cầu ra máu như:

  • Ăn nhiều chất xơ.
  • Sử dụng thuốc làm mềm phân.
  • Thường xuyên tập thể dục
  • Vệ sinh đúng cách vùng hậu môn trực tràng.
  • Uống đủ nước

Điều trị y tế

Nếu các biện pháp điều trị táo bón tại nhà không hiệu quả, hãy liên hệ với bác sĩ về các phương pháp điều trị và đơn thuốc.

Bệnh trĩ có thể cần điều trị xâm lấn hơn nếu đi cầu ra máu lượng nhiều, cơn đau dữ dội hoặc búi trĩ sa ra ngoài hậu môn. Các phương pháp bao gồm thắt dây cao su, cắt bằng laser và phẫu thuật.

Rò hậu môn có thể tự khỏi, nhưng để đề phòng nhiễm trùng bác sĩ có thể cho dùng một số loại thuốc kháng sinh.

Ung thư đại tràng cầu điều trị lâu dài, chẳng hạn như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.

Polyp có thể cần được phẫu thuật cắt bỏ nếu chúng lớn, số lượng nhiều hoặc chúng có thể tiến triển thành ung thư. Bác sĩ có thể cắt polyp trong quá trình nội soi đường tiêu hóa.

Liên hệ ngay với các chuyên gia tiêu hóa:

Kết luận

Đi cầu ra máu là một vấn đề không hiếm gặp và thường là do bệnh trĩ. Tuy nhiên, nó cũng có thể là dấu hiệu của các tình trạng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như ung thư đại trực tràng.

Liên hệ bác sĩ với bất kỳ trường hợp đi cầu ra máu nào sẽ có cơ hội loại trừ tình trạng nghiêm trọng hơn hoặc đưa ra phương pháp điều trị kịp thời, thích hợp.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu Đi cầu ra máu là bệnh lý gì? tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.

Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.

Tài liệu tham khảo

Rectal Bleeding: Causes, Symptoms, and When to Seek Help
https://www.healthline.com/health/rectal-bleeding#symptoms