Một số điều bạn cần biết về xuất huyết tiêu hóa trên

Xuất huyết tiêu hóa trên là một tình trạng cấp cứu có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân. Triệu chứng của bệnh rất điển hình, và việc cấp cứu kịp thời là rất quan trọng. Hôm nay mời bạn cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về 1 số đặc điểm của bệnh xuất huyết tiêu hóa trên nhé!

Tổng quan về xuất huyết tiêu hóa trên

xuất huyết tiêu hóa trên
Tổng quan về xuất huyết tiêu hóa trên

Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng máu chảy ra khỏi lòng mạch vào đường tiêu hóa và thải ra ngoài bằng cách nôn ra máu hay tiêu ra máu. Là một cấp cứu nội hay ngoại khoa thường gặp và là biến chứng của nhiều bệnh. Xuất huyết tiêu hóa  có thể do tổn thương trên đường tiêu hóa hoặc ngoài đường tiêu hóa gây chảy từ mức độ nhẹ đến nặng có thể gây sốc. Xuất huyết tiêu hóa có thể xảy ra mọi lứa tuổi, thường gặp ở người lớn nhiều hơn trẻ em, nam nhiều hơn nữ.

Xuất huyết tiêu hóa chia làm 2 loại:

  • Xuất huyết tiêu hóa trên: tổn thương từ thực quản cho đến góc Treitz, bệnh nhân có thể vừa ói ra máu, đi tiêu ra phân đen hay ra máu đỏ hoặc chỉ có ói ra máu ở giai đoạn đầu, hoặc chỉ có tiêu ra máu.
  • Xuất huyết tiêu hóa dưới: tổn thương từ góc Treitz trở xuống, bệnh nhân thường tiêu ra máu đỏ, có thể đi cầu phân đen.

Ai dễ bị hội chứng xuất huyết tiêu hóa trên?

Khoảng 60% bệnh nhân có tiền căn xuất huyết tiêu hóa trên thì lần xuất huyết này có thể chảy máu cùng một vị trí. Mặt khác, khai thác tiền căn trong bệnh án xuất huyết tiêu hóa trên có thể giúp xác định nguyên nhân gây xuất huyết hay những vấn đề ảnh hưởng đến việc điều trị.

Một số tiền căn gợi ý nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa gợi ý như:

  • Xuất huyết tiêu hóa do dãn vỡ tĩnh mạch thực quản hay tĩnh mạch phình vị gặp ở BN có tiền căn bệnh gan hay nghiện rượu.
  • Xuất huyết tiêu hóa do loạn sản mạch máu gặp ở BN có tiền căn bệnh thận, hẹp động mạch chủ, dãn tĩnh mạch gây xuất huyết có tính di truyền.
  • Xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng gặp ở BN tiền căn nhiễm Helicobacter pylori, dùng NSAIDS hay hút thuốc.
  • Xuất huyết tiêu hóa do bệnh lý ác tính thường gặp ở BN có thói quen hút thuốc lá, nghiện rượu, hay nhiễm Helicobacter pylori.

Chú ý hỏi những bệnh nền ảnh hưởng đến xử trí xuất huyết tiêu hóa như:

  • Những bệnh khiến BN dễ giảm Oxy máu (ví dụ: bệnh mạch vành, bệnh phổi). Những BN này yêu cầu duy trì mức Hemoglobin cao hơn những BN khác.
  • Những BN dễ quá tải tuần hoàn khi được truyền dịch hay máu (bệnh thận, suy tim). Khi truyền phải theo dõi kỹ.
  • Những BN có tình trạng chảy máu khó kiểm soát do có bệnh về rối loạn đông cầm máu, suy gan nặng. Đôi khi cần truyền thêm tiểu cầu hay huyết tương tươi đông lạnh.
  • BN dễ bị hít sặc (như hôn mê, bệnh não gan). Những BN này cần xem xét đặt nội khí quản.

Bên cạnh đó, bạn nên lưu ý những thuốc đã và đang sử dụng, bao gồm:

  • Dùng Aspirin hay NSAIDS gây loét dạ dày, tá tràng.
  • Những thuốc gây tổn thương thực quản (Kali, phosphonates)
  • Thuốc gây chảy máy nặng hơn: thuốc kháng kết tập tiểu cầu (ví dụ clopidogrel), thuốc kháng đông.
  • Những thuốc gây ảnh hưởng biểu hiện lâm sàng như dùng sắt, bismuth.

Triệu chứng xuất huyết tiêu hóa trên

Các dấu hiệu nhận biết xuất huyết tiêu hóa trên rất đa dạng, đôi khi có thể nhầm lẫn với các triệu chứng rối loạn tiêu hóa thông thường, tuy nhiên chúng cũng có thể báo động một tình trạng đe dọa tính mạng của bệnh nhân:

Nôn ra máu

xuất huyết tiêu hóa trên
Nôn ra máu là 1 triệu chứng của bệnh xuất huyết tiêu hóa trên
  • Lượng máu có thể thay đổi.
  • Tính chất: máu đỏ tươi, đỏ bầm, nâu đen, cục, lỏng lẫn thức ăn do tác động của acid clohydric, pepsin và máu tạo thành hematine.
  • Cần phân biệt với chảy máu cam, ăn tiết canh, ho ra máu (máu đỏ tươi, bọt, không có thức ăn, pH kiềm)

Tiêu phân đen

  • XHTH trên với lượng 200-400ml sẽ gây tiêu phân đen giống như hắc ín.
  • XHTH dưới có thể gây tiêu phân đen nhưng hiếm khi như hắc ín.
  • Tiêu phân đen có thể xảy ra đơn độc hay sau khi ói máu hay đồng thời.
  • Cần phân biệt với tiêu phân đen do thuốc (bismuth, sắt, than hoạt), táo bón.

Các triệu chứng khác

  • Đau vùng bụng trên, đau bụng, sôi ruột
  • Hoa mắt, ù tai, chóng mặt, khát nước
  • Triệu chứng mất máu cấp
  • Da niêm: da lạnh, niêm nhợt, trắng bệch
  • Mạch: nhanh nhẹ, khó bắt
  • Huyết áp: giảm
  • Tình trạng tri giác: tỉnh, mệt, li bì, vật vã

Những biểu hiện nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong

  • Sốt: 80% trường hợp xuất huyết tiêu hóa trên
  • Hội chứng nguy kịch hô hấp cấp có thể xảy ra trong 24h của sốc giảm thể tích
  • Thuyên tắc phổi: hiếm
  • Thiểu niệu
  • Hôn mê gan

Khi nào bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa trên cần được hồi sức tích cực?

Khi tình trạng xuất huyết tiêu hóa trên nặng và kéo dài, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng shock, đe dọa tính mạng và cần được cấp cứu ngay lập tức. Các dấu hiệu nhận biết shock bao gồm:

  • Thay đổi huyết động, thở nhanh nông và yếu
  • Huyết áp tụt, kẹt, hay bằng 0.
  • Chi lạnh.
  • Bệnh nhân lú lẫn, không tỉnh táo.

Nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa trên

xuất huyết tiêu hóa trên
Loét dạ dày là 1 nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa trên

Các nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa trên được chia làm 2 nhóm:

Nguyên nhân chung của xuất huyết tiêu hóa trên và dưới:

  • Giảm tiểu cầu
  • Sốt xuất huyết
  • Bệnh Hemophilia
  • Suy gan
  • Do thiếu Vitamin K
  • Do dùng thuốc chống đông (Warfarin, Heparin)

Nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa trên:

  • Xuất huyết tiêu hóa trên
  • Loét dạ dày là 1 trong những nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa trên
  • Thực quản
  • HC Mallory weiss
  • Vỡ dãn TM thực quản, TM phình vị
  • Loét thực quản
  • Dạ dày tá tràng
  • Loét dạ dày – tá tràng
  • Ung thư dạ dày/Polyp dạ dày tá tràng
  • Viêm xuất huyết tiêu hóa
  • Sang thương mạch máu: Dieulafoy, Hemangiomia, loạn sản mạch máu
  • Chảy máu đường mật

Chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa trên

Khi tiếp nhận một bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa trên, bác sĩ đầu tiên phải tìm các dấu hiệu shock để loại trừ bệnh cảnh cấp cứu.

Tiếp theo, họ sẽ thăm khám các dấu hiệu về tri giác, màu sắc da niêm của bệnh nhân. Bằng thăm khám hậu môn trực tràng, bác sĩ sẽ xác nhận được liệu bệnh nhân có bị xuất huyết tiêu hóa trên thực sự.

Cuối cùng, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm sau đây để đánh giá chi tiết hơn tình trạng bệnh:

  • Xét nghiệm máu và dịch tiết.
  • Ure máu.
  • Khí máu động mạch: nếu bệnh nhân mất máu nặng

Chẩn đoán hình ảnh

  • Nội soi dạ dày: làm sớm ngay nếu được (trong vòng 24h) trong mọi trường hợp xuất huyết tiêu hóa trên. Nội soi giúp ta thấy hình ảnh sang thương và can thiệp thủ thuật cầm máu ngay.
  • Các chẩn đoán hình ảnh khác: chụp mạch máu, viên nang nội soi không dây (thời gian ghi hình là 20 phút).
  • Nội soi đại tràng: khi BN đi cầu phân đen nhưng nội soi tiêu hóa trên không thấy chảy máu.
xuất huyết tiêu hóa trên
Hình ảnh nội soi xuất huyết tiêu hóa trên

Trong trường hợp không xác định được vị trí xuất huyết:

  • Nội soi ruột non: bằng viên nang hay phương pháp double – balloon.
  • Những trường hợp vị trí xuất huyết đã ngưng chảy, khó phát hiện. Nên theo dõi BN trong 24-48h.

Điều trị xuất huyết tiêu hóa trên

Điều trị dựa trên 9 nguyên tắc

  1. Hồi sức tích cực
  2. Duy trì đường truyền tĩnh mạch.
  3. Thở Oxy
  4. Truyền máu
  5. Cầm máu
  6. Đặt Sonde dạ dày – rửa sạch dạ dày.
  7. Thủ thuật can thiệp qua nội soi.
  8. Điều trị dùng thuốc hỗ trợ.
  9. Can thiệp ngoại khoa khi cần.

Điều trị cụ thể

Hồi sức

  • Cho bệnh nhân Thở oxy với tốc độ 1 – 5l/ phút.
  • Truyền dịch dựa vào mức độ nặng của tình trạng xuất huyết tiêu hóa.
  • Cân nhắc truyền hồng cầu lắng trong trường hợp nặng.

Cầm máu

  • Ngưng dùng các thuốc chống đông (wafarin, heparin)
  • Ngưng dùng thuốc NSAIDS.
  • Bổ sung vitamin K 10mg trên bệnh nhân xơ gan có dùng wafarin.
  • Các loại thuốc cầm máu không có hiệu quả (adrenoxyl, adona, transamin) nên không được khuyên dùng
  • Truyền tiểu cầu
  • Truyền huyết tương tươi đông lạnh nếu có thể
  • Đặt sonde dạ dày để làm sạch và giảm lượng acid dạ dày (tùy trường hợp).
  • Dự phòng trước thủ thuật nội soi bằng các loại thuốc ức chế bơm proton omeprazole, pantoprazole, esomeprazole.
  • Chích cầm máu qua nội soi hoặc đốt nhiệt, kẹp mạch máu.
  • Sau nội soi cũng dự phòng bằng thuốc ức chế bơm proton.

Bên cạnh các phương pháp điều trị chung, điều trị bằng thuốc với từng bệnh lý khác nhau gây xuất huyết tiêu hóa trên bao gồm:

  • Thuốc bảo vệ niêm mạc thực quản và chống nôn trong hội chứng Mallory Weiss.
  • Vasopressin hoặc somatostatin trong xuất huyết tiêu hóa trên do bệnh vỡ giãn tĩnh mạch thực quản.
  • Kháng sinh dự phòng có thể được cân nhắc để phòng ngừa nhiễm trùng
  • Phẫu thuật trong xuất huyết tiêu hóa trên khi nguyên nhân xuất huyết là u, ung thư, hoặc xuất huyết mức độ nặng, tái phát, hoặc thất bại với các điều trị bằng thuốc.

Kết luận

Tóm lại, xuất huyết tiêu hóa trên là một tình trạng cấp cứu, không thể trì hoãn. Vì vậy, ngay khi bạn nhận biết mình hay người thân đang có những dấu hiệu của xuất huyết tiêu hóa trên, điều quan trọng là hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được điều trị kịp thời và đúng cách. Bạn hoàn toàn có thể hồi phục sau khi được điều trị xuất huyết tiêu hóa trên, trừ khi bệnh diễn tiến đến những biến chứng nghiêm trọng.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu về 1 số điều bạn cần biết về xuất huyết tiêu hóa trên tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: emedicine.medscape.com, moh.gov.vn

Contact Me on Zalo
Call Now Button