Bệnh rung nhĩ: nguyên nhân triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Bệnh rung nhĩ là một bệnh lý gây rối loạn rối loạn nhịp tim phổ biến nhất trên thế giới và cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ đột quỵ tăng cao, đặc biệt là ở các bệnh nhân lớn tuổi. Vì lý do đó, đây được coi là một căn bệnh nguy hiểm, người bệnh rung nhĩ cần tuân thủ tư vấn và điều trị của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

Bệnh rung nhĩ là gì?

Rung nhĩ hay còn gọi là rung tâm nhĩ là một loại rối loạn nhịp tim khiến tâm nhĩ của tim đập nhanh và không đều. Bệnh xảy ra khi tim xuất hiện một hay nhiều ổ đập bất thường tại cơ tâm nhĩ hay các vùng liền kề, khiến tâm nhĩ bị ảnh hưởng và đập không hiệu quả. Các cơ tim bị ảnh hưởng ổ đập bất thường sẽ co nhanh hơn nhưng biên độ co lại giảm, tạo nên hiện tượng như đang run. Từ đó, máu về tim không được bơm hiệu quả và dẫn đến những bất thường khác cho người bệnh.

Nguyên nhân rung nhĩ

Rung nhĩ có thể đơn phương xuất hiện như một bệnh lý độc lập hoặc đóng vai trò như là triệu chứng thứ phát do một bệnh lý khác. Một số tình trạng, bệnh lý là nguyên nhân của rung nhĩ như:

  • Đái tháo đường (tiểu đường)
  • Cường giáp
  • Bệnh van 2 lá
  • Tăng huyết áp
  • Các bệnh phổi
  • Suy tim sung huyết (CHF)
  • Hút thuốc, sử dụng chất kích thích, uống nhiều caffein,…

Yếu tố nguy cơ không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra rung nhĩ, tuy nhiên, người có các yếu tố nguy cơ có khả năng mắc bệnh cao hơn so với bình thường. Một số yếu tố nguy cơ của rung nhĩ như:

  • Tuổi tác: Người càng cao tuổi càng dễ mắc bệnh
  • Béo phì
  • Uống nhiều thức uống có cồn (rượu, bia,..)
  • Tăng huyết áp
  • Có các bệnh lý tim mạch khác: bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh van tim, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim,…
  • Tiền sử gia đình có người từng mắc bệnh rung nhĩ
  • Các bệnh mãn tính khác như: bệnh tuyến giáp, hội chứng chuyển hóa, ngưng thở khi ngủ, bệnh thận mạn,…

Triệu chứng của bệnh rung nhĩ

Người bệnh rung nhĩ thường không có triệu chứng, tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân có triệu chứng từ sớm. Các triệu chứng của bệnh khác nhau ở mỗi bệnh nhân, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: tuổi, bệnh lý nền gây ra rung nhĩ (do bệnh tim mạch hay bệnh cơ quan khác) và mức độ rung nhĩ ở bệnh nhân.

Một số triệu chứng của bệnh rung nhĩ, bao gồm:

  • Cảm giác mệt mỏi, uể oải: Đây là triệu chứng thường gặp nhất, tuy nhiên không đặc hiệu cho bệnh lý này.
  • Loạn nhịp tim: Nhịp tim nhanh hơn bình thường và không đều (lúc nhanh lúc chậm)
  • Hồi hộp, đánh trống ngực: Là cảm giác tự thấy tim đập nhanh, thình thịch.
  • Đau ngực: Có cảm giác đau nhói hoặc cảm giác tức nặng ngực.
  • Mau mệt khi gắng sức.
  • Tiểu tiện nhiều lần.
rung-nhi
Mệt mỏi là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh rung nhĩ

Chẩn đoán bệnh rung nhĩ

Để chẩn đoán bệnh rung nhĩ, bên cạnh các thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể đề nghị một số cận lâm sàng, xét nghiệm liên quan như:

  • ECG (hay còn gọi là điện tâm đồ) tại chỗ hoặc các thiết bị theo dõi nhịp tim trong thời gian dài khác: Đây là cận lâm sàng thường quy để chẩn đoán các rối loạn nhịp tim.
  • Nghiệm pháp gắng sức: là phương pháp ghi nhân điện tâm đồ của bệnh nhân khi đang gắng sức.
  • Siêu âm tim: Là cận lâm sàng để phát hiện các bất thường cấu trúc cơ tim và đánh giá mức độ co bóp các buồng tim.
  • Xét nghiệm máu: Bệnh lý tuyến giáp, đái tháo đường,… cũng là nguyên nhân gây bệnh rung nhĩ, có thể đánh giá các bệnh lý này thông qua một số chỉ số chuyên biệt trong máu. Xét nghiệm máu cũng giúp bác sĩ đánh giá biến chứng và diễn tiến điều trị bệnh.
  • X-quang ngực: Là một cận lâm sàng hình ảnh thường quy hỗ trợ chẩn đoán bệnh và đánh giá các bất thường khác trong lông ngực.

Điều trị bệnh rung nhĩ

Bệnh rung nhĩ tùy vào bệnh cảnh mà có thể được điều trị hết hoàn toàn hay tiến triển mạn tính suốt đời. Điều trị bệnh rung nhĩ chủ yếu là phòng ngừa các biến chứng và cắt cơn loạn nhịp.

  • Điều trị bằng thuốc:
    • Các thuốc chống loạn nhịp, thuốc làm chậm nhịp tim.
    • Các thuốc chống đông: Do người bệnh rung nhĩ có cơ tim co bóp không hiệu quả, dễ dẫn đến tình trạng ứ đọng máu, hình thành các cục máu đông hay còn gọi là huyết khối. Các cục máu đông này có thể bong tróc vào tuần hoàn gây thuyên tắc mạch máu, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là tình trạng đột quỵ. Thuốc chống đông giúp ngăn chặn nguy cơ hình thành huyết khối từ đó giảm biến chứng cho bệnh nhân.
  • Phương pháp sốc điện hay còn gọi là khử rung là thủ thuật để tái lập lại điện cực tim, làm tim đập lại bình thường.
  • Phẫu thuật: Đối với các bệnh nhân nặng, không đáp ứng với điều trị thuốc có thể sẽ điều trị bằng phẫu thuật. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể sẽ cần đeo máy tạo nhịp vĩnh viễn.
Đeo máy tạo nhịp tim điều trị bệnh rung nhĩ

Khi nào bạn cần đến bác sĩ tư vấn?

Bệnh rung nhĩ là một bệnh lý nguy hiểm gây nhiều biến chứng cho cơ thể, nhất là đột quỵ. Người lớn tuổi và có nhiều bệnh nền có nguy cơ cao mắc bệnh và dễ xảy ra biến chứng cần thăm khám sức khỏe thường xuyên để tầm soát các rối loạn sớm nhất. Cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch khi xuất hiện các triệu chứng gợi ý loạn nhịp như hồi hộp, đánh trống ngực, đau ngực. Không chủ quan và tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa tim mạch một cách nghiêm chỉnh.

Bệnh viện, Phòng khám điều trị bệnh rung nhĩ