Suy tim cấp có nguy hiểm không ? Cách xử lý ra sao ?

Suy tim cấp được định nghĩa là sự khởi phát nhanh chóng của các dấu hiệu và triệu chứng mới hoặc xấu đi của bệnh lý suy tim. Đây thường là một tình trạng đe dọa tính mạng, cần phải nhập viện và điều trị cấp cứu, chủ yếu nhằm mục đích kiểm soát tình trạng quá tải tuần hoàn và rối loạn huyết động.

suy-tim-cap
Suy tim cấp là một tình trạng nguy hiểm của tim (nguồn: https://www.pcronline.com/Topics/Interventions-for-heart-failure/acute-heart-failure)

Suy tim cấp là gì?

Suy tim cấp là một thuật ngữ chung bao gồm những bệnh nhân lần đầu tiên xuất hiện với các triệu chứng và dấu hiệu điển hình của bệnh suy tim và những bệnh nhân bị bệnh cơ tim từ trước, nay triệu chứng trở nên nặng nề hơn (suy tim mất bù cấp tính).

Suy tim cấp xảy ra khi có sự gia tăng đột ngột áp lực đổ đầy ở tim và / hoặc rối loạn chức năng cơ tim cấp tính có thể dẫn đến giảm tưới máu ngoại vi và gây phù phổi. Cơ chế thường gặp nhất là thiếu máu cục bộ cơ tim trong đó tắc mạch vành (nhánh dưới) dẫn đến giảm sức co bóp của cơ tim do động mạch vành bị ảnh hưởng. Trong trường hợp này, việc xử trí không chỉ tập trung vào tổn thương huyết động mà còn giải quyết vấn đề tái tưới máu với mục đích phục hồi chức năng co bóp của cơ tim.

Nguyên nhân gây suy tim cấp

Nguyên nhân của suy tim cấp thường gặp bao gồm:

  • Tác nhân nhiễm trùng
  • Phản ứng dị ứng, phản ứng phản vệ
  • Hình thành cục máu đông trong phổi gây thuyên tắc phổi
  • Vi rút gây bệnh cho tim
  • Phẫu thuật tim phổi
  • Rối loạn nhịp tim hoặc bất thường nghiêm trọng
  • Cơn đau tim cấp

Có một yếu tố nguy cơ có thể đủ để gây ra suy tim và sự kết hợp của các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng xảy ra suy tim cấp. Các yếu tố rủi ro bao gồm:

  • Bệnh lý động mạch vành hoặc tình trạng hẹp động mạch vành có thể do xơ vữa hoặc có huyết khối
  • Tăng huyết áp
  • Đái tháo đường
  • Shock tim
  • Rối loạn nhịp tim
  • Một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc điều trị đái tháo đường
  • Ngưng thở khi ngủ hoặc khó thở khi ngủ (gặp trong một số bệnh lý hô hấp như hen, hoặc có cơ địa béo phì)
  • Bệnh tim bẩm sinh
  • Người nghiện rượu hoặc lạm dụng các chất kích thích cường độ cao
  • Mắc một số virus gây bệnh cho tim
  • Có các bệnh lý thận đi kèm

Nhiều yếu tố làm suy yếu hoặc tổn thương tim theo thời gian, điều này có thể dẫn đến suy tim mạn tính. Một số là do các yếu tố nội sinh, chẳng hạn như bệnh tật hoặc dị tật bẩm sinh. Một số khác đến từ các yếu tố ngoại sinh như chế độ ăn uống không lành mạnh và không thường xuyên tập thể dục.

Các điều kiện dẫn đến suy tim mãn tính bao gồm:

  • Tăng huyết áp
  • Bệnh đái tháo đường
  • Tổn thương van tim
  • Bệnh động mạch vành
  • Bệnh tim bẩm sinh hoặc dị tật di truyền
  • Viêm cơ tim

Phân loại suy tim cấp

Có rất nhiều cách chia suy tim cấp theo các thể khác nhau. Một số cách chia thường gặp:

  • Dựa vào bệnh sử: Suy tim cấp mới hoặc Đợt cấp mất bù của suy tim mạn;
  • Dựa vào huyết áp khi tiếp nhận bệnh nhân: Suy tim cấp huyết áp cao, bình thường, thấp;
  • Dựa vào phân suất tống máu thất trái: Suy tim có PSTM thất trái thấp hoặc PSTM thất trái bảo tồn;
  • Dựa vào tình trạng sung huyết và khả năng tưới máu ngoại vi: ấm (tưới máu tốt), lạnh (tưới máu kém), ẩm (có sung huyết), khô (không sung huyết), từ đó có 4 thể bao gồm ấm ẩm, ấm khô, lạnh ẩm và lạnh khô.
  • Dựa vào tình trạng lúc nhập viện: suy tim mất bù, shock tim, phù phổi cấp, suy tim huyết áp cao, suy tim phải.

Xử trí suy tim cấp

Mục tiêu xử trí ban đầu:

  • Giảm thiểu triệu chứng nguy hiểm và tối ưu tình trạng tuần hoàn của bệnh nhân
  • Khôi phục khả năng hô hấp, thông khí và tình trạng oxy trong máu
  • Cải thiện rối loạn huyết động và chức năng của cơ quan đích trong các trường hợp có tổn thương cơ quan đích như não, thận, tim, …
  • Chẩn đoán nguyên nhân và yếu tố thúc đẩy để tiến hành điều trị (bệnh mạch vành, thiếu máu cục bộ cơ tim, loạn nhịp, nhiễm trùng, thiếu máu…)

Các mục tiêu cần đạt được tiếp theo:

  • Xác định với tình trạng của bệnh nhân có cần đến các biện pháp điều trị không dùng thuốc như thở máy không xâm lấn, lọc máu, can thiệp mạch vành qua da, hỗ trợ tuần hoàn, ghép tim… hay không
  • Tối ưu hoá điều trị suy tim mạn tính như sử dụng ức chế men chuyển (ACEI), chẹn kênh beta,… khi đã ổn định và dặn dò bệnh nhân trước khi ra viện.

Suy tim cấp có nguy hiểm không?

Tiên lượng của người bệnh phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người, cũng như nguyên nhân và mức độ suy tim cấp. Nhiều trường hợp có thể kiểm soát các triệu chứng bằng cách tuân thủ điều trị là các thuốc được bác sĩ chỉ định hoặc các phương pháp cấy ghép.

Ngoài ra, mức độ nguy hiểm của bệnh có thể trở nên phức tạp hơn nếu tình trạng suy tim cấp của người bệnh dẫn đến tổn thương thận hoặc gan hoặc các vấn đề với van tim. Cục máu đông cũng là một trong những biến chứng thường gặp sau cơn suy tim.

Do đó, việc trao đổi với bác sĩ của bạn để xác định nguy cơ của bạn đối với những biến chứng này là điều hết sức cần thiết. Bác sĩ lâm sàng có thể đưa ra một kế hoạch điều trị vừa làm giảm các triệu chứng vừa giúp giảm nguy cơ mắc các biến cố trong tương lai.

Lời kết

Suy tim cấp là một hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng quá tải tuần hoàn cần nhập viện. Tuy nhiên, trái ngược với suy tim ổn định mãn tính, rất ít phương pháp điều trị cải thiện khả năng sống sót lâu dài sau khi nhập viện vì suy tim cấp. Do đó, việc điều trị suy tim cấp vẫn là môt thách thức lớn, rất cần sự hợp tác và tuân thủ điều trị của người bệnh.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu bệnh suy tim cấp tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.


Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.

  1. Phác đồ chẩn đoán và điều trị suy tim cấp, Viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh.
  2. Sameer Kurmani, Iain Squire, Acute Heart Failure: Definition, Classification and Epidemiology (2017)
  3. Everything you need to know about acute heart failure, Healthline.com
Contact Me on Zalo
Call Now Button