Bệnh quai bị ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Bệnh quai bị ở trẻ là một bệnh thường gặp. Bệnh tuy lành tính nhưng có khả năng gây biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới hoặc viêm buồng trứng ở nữ giới và có thể dẫn đến vô sinh. Bài viết sau đây của Doctor có sẵn tổng hợp các lưu ý quan trọng về bệnh quai bị giúp bố mẹ nhanh chóng phát hiện bệnh và đưa trẻ đi chữa trị.

Bệnh quai bị ở trẻ là gì?

Bệnh quai bị ở trẻ em do virus gây ra (thuộc nhóm Paramyxovirus), đây là bệnh khá phổ biến, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt tập trung ở trẻ từ 6 đến 10 tuổi. Bệnh quai bị rất dễ lây qua đường hô hấp khi nước bọt của người nhiễm bệnh phát tán ra ngoài không khí khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Virus quai bị cũng có thể tồn tạitại trên các bề mặt như nắm cửa, dụng cụ ăn uống, và ly uống nước của trẻ bệnh.

Trẻ mắc quai bị có thể lây cho bạn bè trước cả khi gia đình và thầy cô nhận thấy dấu hiệu bệnh ở trẻ. Virus có trong nước bọt của bệnh nhân trước khi bắt đầu sưng tuyến mang tai khoảng 3 – 5 ngày, và sau khi khởi phát khoảng  7 – 10 ngày, đây chính là giai đoạn lây truyền của bệnh, trong đó mạnh nhất khoảng 1 tuần xung quanh ngày khởi phát. Virus cũng có thể thấy ở nước tiểu của bệnh nhân trong vòng 2 tuần. Trẻ em dễ bị lây bệnh quai bị trong khi đi học hoặc đi chơi vì tiếp xúc tập thể đông người.

benh-quai-bi-o-tre
Trẻ bị bệnh quai bị

Triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em

Các triệu chứng của bệnh quai bị ở trẻ như sau:

  • Trước khi phát bệnh 1-2 ngày, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu trong người. Bệnh quai bị ở trẻ khởi phát bằng triệu chứng sốt từ 38-39 độ C, kéo dài trong 3-4 ngày. Theo đó, trẻ sẽ mệt mỏi, ăn ngủ kém, nhức tai, đau đầu, có cảm giác ớn lạnh, sợ gió, đau họng và đau góc hàm.
benh-quai-bi-o-tre
Sốt cao kéo dài là một triệu chứng của bệnh quai bị.
  • Sau đó, tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần. Tuyến mang tai có thể sưng 1 bên hay 2 bên. Nếu sưng cả 2 bên thì 2 tuyến có thể không sưng cùng lúc, tuyến 2 bắt đầu sưng khi tuyến 1 đã giảm sưng. Vùng sưng thường lan đến má, dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài; có khi lan đến ngực gây phù trước xương ức.
benh-quai-bi-o-tre
Tuyến mang tai bị sưng là biểu hiện của bệnh quai bị.
  • Trẻ bị đau hàm khi há miệng, khi nhai, nuốt, cảm giác đau lan ra tai, họng viêm đỏ, hạch góc hàm bị sưng.

Bệnh quai bị ở trẻ thường lành tính, sau khoảng 1 tuần, tuyến mang tai giảm đau, nhỏ dần, bệnh nhân giảm sốt, các triệu chứng khác cũng giảm dần. Tuyến nước bọt không bị teo và không bao giờ hóa mủ (trừ trường hợp bội nhiễm vi khuẩn).

Bệnh quai bị ở trẻ dẫn đến những biến chứng gì?

Bệnh quai bị ở trẻ ít gây ra biến chứng nguy hiểm hơn so với người lớn, song nếu biến chứng xuất hiện, chúng có thể ảnh hưởng lâu dài đến tuổi trưởng thành. 

Các biến chứng thường thấy

  • Điếc tai: Theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, biến chứng điếc tai rất hiếm gặp, với tỷ lệ 1/200.000 trẻ bị nhiễm bệnh quai bị. Điếc tai xảy ra ở giai đoạn khởi phát do virus quai bị gây tổn thương ốc tai. Điếc tai do biến chứng quai bị rất khó hồi phục, thường là điếc một bên tai, hiếm gặp cả hai tai. Hiện nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa biến chứng này. Tuy đã có phương pháp cấy ghép ốc tai để cải thiện thính lực nhưng phương pháp này gây nhiều cản trở và tốn kém.
  • Tổn thương thần kinh: Virus quai bị sau khi xâm nhập vào cơ thể có thể tấn công hệ thần kinh trung ương, làm tăng nguy cơ viêm màng não, viêm não hoặc dị tật tiểu não (gây ra các vấn đề phối hợp vận động). Các biến chứng hệ thần kinh từ quai bị thường gặp hơn ở người lớn hơn nhưng cũng có thể xảy ra ở trẻ em.
  • Viêm tinh hoàn ở bé trai: Cũng như người lớn, trẻ em cũng dễ bị biến chứng viêm tinh hoàn. Thường thì 4/10 số bé trai mắc quai bị sẽ gặp biến chứng viêm tinh hoàn. Do đó khi thấy trẻ mắc quai bị có dấu hiệu sốt cao, đau đầu nhiều, đặc biệt là triệu chứng đau nhiều ở vùng bìu (nơi chứa tinh hoàn), có thể 1 hay 2 bên, trẻ cần được điều trị đúng và kịp thời để tránh di chứng vô sinh trong tương lai.
  • Viêm buồng trứng ở bé gái: Đối với bé gái, biến chứng viêm buồng trứng sẽ có biểu hiện như đau bụng nhiều, lúc này bố mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để được siêu âm, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
  • Viêm màng não do virus: Đây là một trong những biến chứng hiếm gặp nhất và là một biểu hiện nặng của quai bị. Bệnh nhân đau bụng nhiều, ói, có khi tụt huyết áp.

Các biến chứng khác hiếm gặp

  • Viêm tụy là một biểu hiện nặng của quai bị, bệnh nhân bị đau bụng nhiều, ói, có khi tụt huyết áp, điều này xảy ra ở 1 trên 20 trường hợp và thường ở dạng nhẹ.
  • Viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm đường hô hấp thường ít gặp hơn nhưng vẫn có thể xảy ra đặc biệt đối với những trẻ được điều trị không đúng cách.

Khi nào trẻ bị quai bị cần đi khám?

Bệnh quai bị rất dễ lây lan thành dịch do bệnh có thể lây lan ngay cả khi trẻ chưa có biểu hiện triệu chứng. Mặt khác, quai bị không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm tinh hoàn thứ phát sau quai bị dễ làm cho trẻ bị vô sinh – hiếm muộn khi trưởng thành. Do đó, khi trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh quai bị, cha mẹ nên cho trẻ đến trung tâm y tế hoặc bệnh viện để được thăm khám và điều trị, tránh lây lan ra cộng đồng.

Cha mẹ có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương pháp điều trị tốt nhất cho trẻ.

Chăm sóc trẻ bị quai bị như thế nào?

Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh quai bị mà chủ yếu là điều trị triệu chứng và nâng đỡ cơ thể, nằm nghỉ tuyệt đối và cách ly bệnh nhân ít nhất 10 – 15 ngày từ khi phát hiện bệnh.

Điều trị hiện tại chỉ có thể giúp làm giảm các triệu chứng cho đến khi nhiễm trùng diễn ra và cơ thể đã hình thành khả năng miễn dịch, giống như cảm lạnh. Trong hầu hết các trường hợp, trẻ có thể phục hồi trong vòng 2 tuần.

Một số cách để giúp giảm các triệu chứng của bệnh quai bị

  • Cho trẻ uống nhiều nước
  • Chườm lạnh trên vùng bị sưng để giảm bớt cơn đau.
  • Ăn thức ăn mềm hoặc lỏng (cháo, súp) vì nhai có thể gây đau.
  • Bổ sung những loại rau xanh, và trái cây cho trẻ.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Súc miệng bằng nước muối ấm, nước muối sinh lý hay nước súc miệng.
  • Hạ sốt bằng Paracetamol. Trường hợp viêm tinh hoàn, cần mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau và dùng corticoid liều cao ngay từ đầu, thường dùng Prednisolon 60mg/ ngày, sau đó giảm dần trong 7 – 10 ngày.

Một số lưu ý cha mẹ cần tránh khi chăm sóc bé bị bệnh quai bị

  • Tránh uống nước ép và ăn trái cây các loại, nhất là những loại có vị chua như cam, chanh, … vì chúng kích thích sản xuất nước bọt, có thể gây đau.
  • Tránh những thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, bánh, kẹo, hay thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ vì có thể khiến bệnh càng trầm trọng hơn.
  • Không nên tự ý dùng các loại thuốc uống, bôi đắp lên vùng bị sưng khi chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh nhiễm độc.
  • Tránh để trẻ vận động, chạy nhảy nhiều vào những ngày bệnh đang diễn tiến cấp tính.

Lưu ý: Tuyệt đối không dùng các phương pháp điều trị kiểu mê tín dị đoan, truyền miệng, không đắp vôi lá cây lên vùng sưng của trẻ làm nóng, phỏng vùng sưng. Lúc này, vi trùng dễ xâm nhập và gây ra biến chứng viêm tuyến mang tai. Trẻ trong tình trạng này, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dễ bị tử vong. Tóm lại, những cách chữa quai bị này chẳng những không thể chữa khỏi bệnh mà còn gây hại cho trẻ.

Các biện pháp phòng tránh quai bị ở trẻ em

Cách tốt nhất để phòng tránh quai bị ở trẻ em là tiêm vắc xin ngừa quai bị. Vắc xin ngừa quai bị thường có trong loại vắc xin tích hợp sởi – quai bị – rubella (measles-mumps-rubella – MMR) thường được tiêm ngừa cho bé từ 12 – 15 tháng tuổi. Liều thứ 2 của vắc xin MMR sẽ tiêm khi bé được 4 – 6 tuổi.

Ngoài ra, một số biện pháp phòng tránh có thể thực hiện ngay tại nhà là:

  • Thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng.
  • Tránh tiếp xúc hoặc tự cách ly khoảng 2 tuần sau khi các triệu chứng bắt đầu cho đến khi bệnh có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Đeo khẩu trang, che mũi và miệng bằng khăn giấy khi hắt hơi hoặc ho.

Bác sĩ chuyên khoa Nhi điều trị bệnh quai bị

Bác sĩ Phạm Thị Hồng Mai – 31 năm kinh nghiệm trong ngành Nhi khoa và Nội khoa

Tiến sĩ – Bác sĩ Lê Thị Thu Hương – 20 năm làm việc tại Bệnh viện Nhi Trung Ương

Bác sĩ Chế Hoàng Thái từng công tác tại khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi Đồng 1

Xem thêm: Thuốc điều trị quai bị

Tư liệu tham khảo: Mayoclinic


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Có thể bạn quan tâm