Vaccine sởi quai bị rubella: Những thông tin cần biết

Với khả năng phòng bệnh cao lên đến 95%, chỉ cần 2 mũi tiêm, vaccine phòng sởi quai bị rubella MMR II có thể giúp phòng ngừa cả 3 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên được khuyến cáo tiêm hầu hết người dân. Cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn về vắc-xin này trong bài viết dưới đây.

Vaccine sởi quai bị rubella là gì?

Vaccine sởi quai bị rubella hay còn được gọi là vaccine MMR II là vaccine sống, giảm độc lực giúp phòng ngừa 3 bệnh: sởi, quai bị và rubella.

Khi nào cần tiêm vắc xin MMR II phòng sởi-quai bị-rubella? - VNVC
Vaccine sởi quai bị rubella

Sởi, quai bị, rubella đều là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt với trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai.

  • Bệnh sởi: Tổng trạng thay đổi, triệu chứng viêm long có trước và nặng nhất vào thời điểm phát ban, dấu Koplik, ban dát sẩn mọc theo thứ tự không gian và thời gian và khi ban mất để lại vết thâm kèm bong vẩy cám. Bệnh này có thể dẫn đến viêm phổi, nhiễm trùng tai, động kinh, tổn thương não, thậm chí tử vong. Nếu thai phụ mắc bệnh sởi, nguy cơ dị dạng thai nhi rất cao. Bên cạnh đó thai phụ bị mắc sởi còn có nguy cơ bị sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu.
  • Bệnh quai bị: Có triệu chứng điển hình là tuyến mang tai sưng to hai bên không cùng lúc, hóa mủ, đau đầu, đau nhức cơ, sốt, khó nhai, viêm tinh hoàn … Quai bị có thể dẫn đến điếc, viêm màng não, sưng đau tinh hoàn hoặc buồng trứng, có thể gây vô sinh. Quai bị ở phụ nữ mang thai không làm tăng tỉ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ nhưng làm nguy cơ sảy thai trong 3 tháng đầu cao hơn bình thường, có thể gây sinh non hoặc thai chết lưu.
  • Bệnh Rubella: Biểu hiện trên lâm sàng là tình trạng sốt trung bình 3 ngày, không thay đổi tổng trạng, hồng ban dát sẩn, nổi hạch (đặc biệt hạch sau tai) và viêm khớp (ở người lớn). Bệnh đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai. Nếu mắc bệnh Rubella trong thai kỳ có thể gây sinh non, sẩy thai. Đặc biệt nếu mắc trong giai đoạn đầu mang thai, trẻ sinh ra có nguy cơ cao mắc Hội chứng Rubella bẩm sinh – khiến trẻ chậm phát triển, và dễ bị dị tật bẩm sinh
  • Sởi, quai bị, rubella: Đều là những căn bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp nếu không được chủng ngừa bằng vaccine trước đó. Hiện nay, đã có vaccine kết hợp giúp phòng ngừa cùng lúc ba bệnh sởi, quai bị, rubella chỉ trong 1 mũi tiêm, phổ biến nhất là vaccine MMR II.

Khi nào cần tiêm vaccine sởi quai bị rubella?

Tất cả trẻ em trên 12-15 tháng tuổi và người lớn đều nên được tiêm vaccine sởi quai bị rubella để chủ động chủng ngừa sởi, quai bị, rubella. Ngoài ra vaccin sởi quai bị rubella còn được khuyến cáo chích ngừa cho trẻ trên 12 tháng bị nhiễm HIV mà chưa bị suy giảm miễn dịch.

Tuy nhiên, vì là vaccine sống giảm độc lực nên vaccine MMR II không được khuyến cáo tiêm cho phụ nữ đã biết mình có thai. Trong trường hợp đã lỡ tiêm mới biết mình mang thai, mẹ bầu cần thông báo với bác sĩ sản khoa để được tư vấn biện pháp chăm sóc và theo dõi thai kì phù hợp.

Hiện chưa có bằng chứng về việc vaccine rubella làm tăng nguy cơ bị dị tật trong thai kỳ. Một nghiên cứu lớn trên phụ nữ tình cờ biết đang có thai ngay sau khi tiêm vaccin rubella, đã không ghi nhận bất cứ trường hợp nào sinh con bị dị tật bẩm sinh, cho nên (nếu lỡ ) mũi tiêm ngừa rubella rơi vào thời điểm đang mang thai thì sẽ không được coi như là một chỉ định để chấm dứt thai kỳ.

Phác đồ tiêm vaccine MMR II phòng sởi, quai bị, rubella có sự khác nhau giữa các độ tuổi:

Với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 7 tuổi

Theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới và CDC.

Khuyến cáoWHOCDC
Mũi 112 – 18 tháng12 – 15 tháng
Mũi 236 tháng4 – 6 tuổi
Bảng khuyến cáo tiêm vaccine sởi quai bị rubella ở trẻ em
  • Mũi 1 là lần tiêm đầu tiên
  • Nếu bỏ sót liều nhắc lại (mũi 2) thì nên tiêm nhắc lại trước 12 tuổi. Vaccin sởi quai bị rubella được khuyến cáo chích ngừa cho trẻ trên 12 tháng bị nhiễm HIV mà chưa bị suy giảm miễn dịch.

Với trẻ từ 7 tuổi trở lên và người lớn

  • Mũi 1 là lần tiêm đầu tiên vào thời điểm bất kỳ được chỉ định
  • Mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 1 tháng
  • Lưu ý đối với phụ nữ, nên hoàn tất phác đồ tiêm chủng vaccine sởi, quai bị, rubella trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.

Các lưu ý khi tiêm vaccine sởi quai bị rubella

Khi tiêm vaccin sởi quai bị rebella thì có một số lưu ý sau mà người tiêm nên biết trước khi đăng kí tiêm chủng:

Phản ứng phụ có thể xảy ra khi tiêm vaccine sởi quai bị rubella

Phản ứng phụ khi tiêm vaccine sởi quai bị rubell gồm:

Rubella

Virút vaccin rubella khi đưa vào qua đường chích vẫn có thể gây nhiễm virút máu vì vậy các biến chứng chủ yếu của tiêm vaccin này sẽ giống như các triệu chứng của bệnh rubella với sốt, phát ban, đau khớp và nổi hạch.

  • Các phản ứng hay gặp ở trẻ em bao gồm sốt, phát ban và nổi hạch.
  • Khoảng 5-22% trẻ có biểu hiện sốt nhẹ vào ngày thứ 5- ngày 14 sau chích vaccin MMR.
  • Khoảng 5% trẻ nổi ban, đôi khi kèm sưng hạch. Đau khớp hiếm gặp ở trẻ em, chỉ chiếm khoảng 0,5% trường hợp.
  • Ngược với trẻ em, biểu hiện bệnh lý khớp rất hay gặp ở người lớn, đặc biện là phụ nữ trẻ (nhất là nhóm tuổi từ 25 tuổi trở lên).
  • Có khoảng 25% phụ nữ trẻ có biểu hiện đau khớp, khoảng 10% phụ nữ trẻ có biểu hiện viêm khớp sau khi chích ngừa MMR.
  • Các biểu hiện ở khớp thường xảy ra vào ngày thứ 7 tới ngày 21 sau khi chích vaccin. Biểu hiện đau, viêm khớp thường thoáng qua và tự hết.

Sởi

Tai biến khi chích vaccin có virút sởi giảm độc lực rất hiếm xảy ra, nếu có thì bao gồm chán ăn, nôn, ỉa chảy, viêm mũi họng.

Khoảng 10% trẻ có phát ban kiểu sởi nhẹ ở mặt, trên ngực vào ngày thứ 10, ban tồn tại chừng 48 giờ. Tổng trạng không thay đổi.

Quai bị

Thành phần quai bị có thể gây viêm tuyến mang tai và sốt nhẹ.

Sốt động kinh và viêm tinh hoàn cũng có thể xảy ra .

Hiếm khi xảy ra viêm màng não vô khuẩn, nếu có thì thường được phát hiện trong khoảng 15-35 ngày sau tiêm.

Chống chỉ định vaccine sởi quai bị rubella cho đối tượng nào?

Các chống chỉ định của tiêm vaccine sởi quai bị rubella:

  • Người đang bị suy giảm miễn dịch do bất kỳ nguyên do nào, hoặc đối tượng bị dị ứng nặng với bất kỳ thành phần nào của vaccin (đặc biệt tiền căn dị ứng neomycin).
  • Trẻ đang sốt cao
  • Bị lao tiến triển
  • Mới được tiêm Gamaglobulin hoặc truyền máu trong vòng 3 tháng
  • Bị dị ứng với trứng
  • Phụ nữ đang có thai
  • Bệnh đang điều trị corticoit, xạ trị, hoá trị ung thư
  • Bệnh nhân vừa chấm dứt đợt điều trị corticoide liều cao trong vòng một tháng gần đây.

Kết luận

Vaccine sởi quai bị rubella hay còn được gọi là vaccine MMR II là vaccine sống, giảm độc lực giúp phòng ngừa 3 bệnh: sởi, quai bị và rubella. Tất cả trẻ em trên 12-15 tháng tuổi và người lớn đều nên được tiêm vaccine sởi quai bị rubella để chủ động chủng ngừa sởi, quai bị, rubella. Trước khi tiêm ngừa người bệnh cũng cần lưu ý về các phản ứng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm và các chống chỉ định của tiêm vaccine này.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Có thể bạn quan tâm

Contact Me on Zalo
Call Now Button