Chẩn đoán sốt xuất huyết và điều trị bệnh sốt xuất huyết hiện đã được nghiên cứu và đưa ra được các triệu chứng lâm sàng cũng như cân lâm sàng và dịch tễ để chẩn đoán và đề ra được một phác đồ cụ thể giúp điều trị bệnh. Hãy cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh truyền nhiễm này qua bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt nội dung
Sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm virus, do muỗi truyền bệnh. Khi nhiễm virus dengue sẽ gây nên triệu chứng lâm sàng khác nhau ở mỗi người.
Tỉ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết đã tăng gấp 30 lần trong 50 năm qua. Hiện nay ước tính có tới 50-100 triệu trường hợp nhiễm bệnh ở hơn 100 quốc gia trong vùng dịch lưu hành, khiến cho gần một nửa dân số thế giới đang trong tình trạng có nguy cơ.
Sốt xuất huyết Dengue chủ yếu xuất hiện ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa.
Bệnh có thể gặp ở trẻ em và người lớn. Vòng đời trọn vẹn của virus dengue liên quan đến muỗi trung gian truyền bệnh (hay vector) và người là nạn nhân chính và cũng là nguồn lây.
Chẩn đoán sốt xuất huyết như thế nào?
Chẩn đoán sẽ phải dựa trên 3 yếu tố: dịch tễ, biểu hiện trên lâm sàng cũng như các xét nghiệm đơn giản.
Chẩn đoán lâm sàng dựa vào các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới.
Chẩn đoán lâm sàng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới năm 2009, bệnh SXH-Dengue được chia làm 3 mức độ:
- Sốt xuất huyết Dengue
- Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo
- Sốt xuất huyết Dengue nặng
Sốt xuất huyết Dengue
Lâm sàng: Sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày, và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau:
- Biểu hiện xuất huyết: lacet dương tính, chấm xuất huyết dưới da, chảy máu cam hoặc chân răng (ít/nhẹ).
- Da sung huyết, phát ban.
- Nhức đầu chán ăn, buồn nôn.
- Đau cơ, khớp, nhức hai hố mắt.
Xét nghiệm máu:
- Hematocrite bình thường hoặc tăng.
- Số lượng tiểu cầu bình thường hoặc hơi giảm.
- Số lượng bạch cầu thường giảm.
Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo
Lâm sàng
Bao gồm các triệu chứng của SXH-Dengue, kèm theo các dấu hiệu cảnh báo sau:
- Vật vã, lừ đừ, li bì.
- Đau bụng hoặc ấn đau vùng gan.
- Gan to > 2 cm dưới bờ sườn.
- Nôn ói nhiều.
- Xuất huyết niêm mạc (nhiều/nặng).
- Tiểu ít.
Xét nghiệm máu
- Hematocrite tăng cao.
- Số lượng tiểu cầu giảm nhanh chóng.
Sốt xuất huyết Dengue nặng (A91c)
Khi người bệnh có một trong các biểu hiện sau:
- Sốc SXH-Dengue: do thoát huyết tương nặng dẫn đến sốc giảm thể tích, ứ
dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều. - Xuất huyết nặng.
- Suy tạng.
Sốc sốt xuất huyết Dengue
Suy tuần hoàn cấp, thường xảy ra vào ngày thứ 3-7 của bệnh, biểu hiện bởi các triệu chứng vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ,huyết kẹt hoặc tụt, hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít.
Sốc sốt xuất huyết gồm 2 mức độ:
- Sốc SXH-Dengue: có dấu hiệu suy tuần hoàn, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt kèm theo các triệu chứng lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, vật vã, bứt rứt hoặc li bì.
- Sốc SXH-Dengue nặng: sốc nặng, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được.
Xuất huyết nặng
Chảy máu cam nặng, rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa, và nội tạng, thường kèm theo tình trạng sốc nặng, giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng.
Suy tạng nặng
- Suy gan cấp, men gan AST, ALT > 1.000 U/L.
- Suy thận cấp.
- Rối loạn tri giác (SXH thể não).
- Viêm cơ tim, suy tim, hoạc suy chức năng các cơ quan khác.
Chẩn đoán cận lâm sàng
Có thể chẩn đoán xác định bệnh bằng các xét nghiệm:
Huyết thanh chẩn đoán
- Kháng thể IgM kháng Dengue tạo ra trong giai đoạn cấp. Nếu có IgM là đang bị nhiễm virus Dengue cấp tính hoặc vừa mới xảy ra.
- Kháng thể IgG kháng Dengue xuất hiện trong nhiễm trùng tiên phát và thứ phát, nhưng trong nhiễm trùng thứ phát hiệu giá rất cao so với nhiễm trùng tiên phát.
Xác định IgM, IgG kháng virus Dengue có lợi ích để phát hiện bệnh ở những trường hợp tản phát hoặc bệnh nặng có nguy cơ tử vong cao.
Xét nghiệm nhanh
- Tìm kháng nguyên NS1: trong 4 ngày đầu của bệnh.
- Tìm kháng thể IgM: từ ngày thứ 5 trở đi.
Xét nghiệm ELISA
- Tìm kháng thể IgM: từ ngày thứ 5 trở đi.
- Tìm kháng thể IgG: lấy máu 2 lần cách nhau 1 tuần, so sánh hiệu giá kháng thể (tăng gấp 4 lần).
Xét nghiện PCR, phân lập virus
Virus Dengue có thể phân lập được từ các bệnh phẩm: huyết thanh, máu của người bệnh. Thời gian có nồng độ cao của virus trong máu từ ngày 1 – 6 của bệnh.
Khi người bệnh tử vong lấy các bệnh phẩm gan, lách, hạch, tuyến ức … để phân lập virus.
Điều trị sốt xuất huyết
Điều trị sốt xuất huyết chủ yếu là điều trị triệu chứng và bù dịch:
Điều trị triệu chứng:
- Nếu sốt cao ≥ 39oC:
- Cho thuốc hạ sốt: Paracetamol đơn chất, 10-15mg /kg /4-6giờ, tổng liều không quá 60mg /kg /24giờ (không dùng Acetyl salicylic acid như Aspirin, hoặc Analgin, Ibuprofen vì có thể gây xuất huyết, toan máu)
- Nới lỏng quần áo, lau mát bằng nước ấm.
Bù dịch sớm bằng đường uống hoặc truyền dịch
- Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước Oresol, hoặc nước chin, nước trái cây, nước cháo loãng với muối.
- Truyền dịch nên xem xét nếu người bệnh không uống được, nôn nhiều, có dấu hiệu mất nước, lừ đừ, hematocrit tăng cao mặc dù huyết áp vẫn ổn định. Có thể truyền các dịch truyền như Ringer’s lactate, NaCl 0,9%.
Đối với các trường hợp sốt xuất huyết nặng nề: thì tùy thuộc vào thể lâm sàng của bệnh mà bác sĩ sẽ có hướng điều trị riêng để giúp bệnh nhân cải thiện bệnh.
Hiện nay, sốt xuất huyết đang là bệnh lý phổ biến và bùng phát dữ dội ở nhiều nước và có cả Việt Nam. Chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết phải lưu ý dựa vào dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng đơn giản. Điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và bù dịch bằng đường uống hoặc truyền dịch.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Có thể bạn quan tâm: