Những khuyến cáo khi điều trị sốt xuất huyết bạn cần biết

Việc điều trị sốt xuất huyết cần tuân thủ đúng theo phác đồ mới nhất được ban hành. Khi được điều trị ngoại trú người bệnh cần tuân thủ những khuyến cáo để việc điều trị diễn ra an toàn. Hãy cùng Docosan tìm hiểu cách trị sốt xuất huyết trong bài viết dưới đây nhé!

Khi nào cần điều trị sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus Dengue. Bệnh xảy ra quanh năm và có xu hướng gia tăng vào mùa mưa. Trung gian truyền bệnh chủ yếu của bệnh là muỗi Aedes Aegypti. Sốt xuất huyết Dengue có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn, không phân biệt độ tuổi. Bệnh có khả năng gây dịch và khả năng gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Sốt xuất huyết Dengue thường trải qua 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ có những biện pháp điều trị khác nhau, mức độ nguy hiểm khác nhau. Tuy nhiên trong bất kì giai đoạn nào người bệnh cũng cần đi khám ngay khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc sốt xuất huyết.

  • Giai đoạn ủ bệnh kéo dài 3 – 10 ngày, thậm chí lên đến 14 ngày và thường không có triệu chứng nào.
  • Giai đoạn sốt: bệnh nhân có thể sốt cao 39, 40 độ C, lên cơn sốt đột ngột, liên tục, có thể kèm rét run. Triệu chứng có thể gặp khác là nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau mỏi khắp cơ thể và nhức mỏi hai mắt; đây là nhóm triệu chứng báo hiệu hội chứng nhiễm siêu vi. Da xung huyết, có chấm xuất huyết dưới da (ấn không mất), có thể có chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, xuất huyết âm đạo bất thường, xuất huyết tiêu hóa…
  • Giai đoạn nguy hiểm: thường vào ngày thứ 3 đến ngày 7 của bệnh. Tình trạng sốt có thể thuyên giảm tuy nhiên xuất hiện các biểu hiện nguy hiểm như lừ đừ, phù mi mắt, tràn dịch các màng như màng phổi, màng bụng, gan to, đau hạ sườn phải, có thể có dấu hiệu của xuất huyết niêm mạc và các tạng.
  • Giai đoạn hồi phục: sau 24 – 48 giờ của giai đoạn nguy hiểm. Tình trạng sốt thuyên giảm hoàn toàn, tổng trạng của bệnh nhân tốt hơn gần như bình thường, xuất hiện hình ảnh “tiểu đảo trắng trên nền đỏ”, huyết áp ổn định và tiểu nhiều.

Ngay khi phát hiện bản thân hoặc người thân xuất hiện các dấu hiệu của xuất huyết Dengue, kết hợp với các yếu tố dịch tễ thì cần đưa bệnh nahan đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị. Tùy vào từng giai đoạn bệnh cũng như mức độ của bệnh mà bác sĩ điều trị sẽ cho lời khuyên điều trị ngoại trú tại nhà hay là bạn phải nhập viện để theo dõi và điều trị.

Đặc biệt khi bệnh nhân có các dấu hiệu cảnh báo để người bệnh nhận biết mức độ nguy hiểm của bệnh cần can thiệp điều trị sốt xuất huyết như nhập viện ngay, bao gồm:

  • Vật vã, lừ đừ, li bì
  • Gan to trên 2cm dưới bờ sườn
  • Đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau, nhất là ở vùng gan
  • Nôn nhiều ≥3 lần trong vòng 1 giờ hoặc ≥4 lần trong vòng 6 giờ.
  • Xuất huyết niêm mạc như chảy máu răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu
  • Tiểu ít

Các khuyến cáo điều trị sốt xuất huyết

Hiện nay chưa có thuốc điều trị sốt xuất huyết đặc hiệu. Các biện pháp và khuyến cáo hiện tại xoay quanh điều trị triệu chứng và biến chứng của bệnh. Đối với trẻ em và người lớn cũng có những biện pháp điều trị khác nhau, tuy nhiên các nguyên tắc điều trị sốt xuất huyết có những điểm chung như:

  • Thuốc hạ sốt là thuốc điều trị sốt xuất huyết thường được sử dụng nhất vì đây là một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh, đặc biệt là ở trẻ em, cần hạ sốt để tránh ảnh hưởng đến trung tâm điều nhiệt. Ở trẻ em cần lưu ý liều điều trị như paracetamol.
  • Bổ sung nước bằng đường uống hoặc bằng đường tĩnh mạch trong trường hợp cần thiết để hạn chế tình trạng mất nước, cần lưu ý trong việc bồi hoàn nước quá mức, đặc biệt là khi bệnh nhân đã ra khỏi cơn shock giảm thể tích, đề phòng biến chứng phù phổi cấp.
  • Nếu có xuất huyết nặng và rối loạn đông máu trầm trọng, cần phải truyền máu hoặc tiểu cầu cho bệnh nhân.
  • Sử dụng oxy liệu pháp trong trường hợp hạ oxy máu, sốc.
  • Trong trường hợp shock giảm thể tích cần lưu ý truyền đủ dịch cho bệnh nhân theo phác đồ hiện hành, do đó việc theo dõi sinh hiệu bệnh nhân để theo dõi tình trạng shock là rất cần thiết. Lưu ý những biểu hiện như rối loạn ý thức, tay chân mát lạnh, da niêm nhợt nhạt, huyết áp và mạch không ổn định, huyết áp thấp, huyết áp kẹp…

Lưu ý khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Chế độ dinh dưỡng

Trong quá trình điều trị sốt xuất huyết Dengue người bệnh nên ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu nhưng cũng cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, tăng cường uống nhiều nước. Không nên ăn thức ăn có màu nâu hoặc đỏ như tiết canh, thanh long ruột đỏ, chocolate, cà phê,… để tránh gây nhầm lẫn trong việc đánh giá tình trạng xuất huyết.

Chú ý theo dõi sinh hiệu và các dấu hiệu đi kèm

  • Theo dõi thân nhiệt độ tối thiểu 3 lần/ngày, đặc biệt cần lưu ý tình trạng nước tiểu lượng nước nhập và thải ra mỗi ngày, lưu ý khi bệnh nhân có tình trạng đau bụng, nôn, tiêu chảy.
  • Theo dõi ý thức của bệnh nhân: tỉnh táo hay kích thích, lơ mơ, vật vã,…
  • Lưu ý tình trạng xuất huyết như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, chảy máu âm đạo, đại tiện có máu hoặc phân đen, nôn ra máu, tiểu ra máu.

Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ cách điều trị sốt xuất huyết mà bác sĩ cung cấp để mau hồi phục, hạn chế biến chứng:

  • Sử dụng thuốc hạ sốt theo sự hướng dẫn của bác sĩ
  • Nghỉ ngơi tại giường, tránh căng thẳng
  • Uống đủ nước hoặc bù nước bằng dung dịch oresol trong các trường hợp có tiêu chảy, nôn ói nhiều hoặc có rối loạn điện giải, đây là một biện pháp quan trọng trong việc điều trị sốt xuất huyết
  • Tránh các nguy cơ gây xuất huyết như vận động mạnh, đánh răng bằng bàn chải quá mạnh,…
  • Ăn uống đầy đủ, bổ sung các nhóm chất dinh dưỡng
  • Biện pháp phòng và ngừa bệnh tốt nhất là ngủ mùng, hạn chế sự phát triển của trung gian truyền bệnh. Theo nhiều nghiên cứu với các lần mắc sau này người bệnh có thể gặp các triệu chứng nguy hiểm hơn so với lần đầu.

Kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết cho thấy việc nhận biết bệnh trong giai đoạn sớm để đi khám kịp thời sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng nặng và giảm tỉ lệ tử vong. Người bệnh cần phải đi khám sớm để được hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết phù hợp với từng giai đoạn bệnh và nhập viện khi cần thiết.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NHS