Giun đũa: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Bệnh giun đũa là một trong những bệnh nhiễm ký sinh trùng phổ biến nhất ở người. Về địa lí, bệnh này phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, đặc biệt là ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém hoặc đông dân cư, dân ở nông thôn nhiễm cao hơn dân ở thành thị, trẻ em nhiễm giun đũa cao hơn người lớn. Cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Nguyên nhân giun đũa

Bệnh do một loại giun có tên là Ascaris lumbricoides gây ra. Trứng giun đũa được tìm thấy trong đất, nước nhiễm phân và phân người. Trứng giun đi vào cơ thể con người khi ai đó ăn thức ăn hoặc uống nước có trứng giun.

Tỉ lệ trẻ em bị nhiễm giun cao hơn người lớn. Có những nguyên nhân khiến các bé vô tình bị nhiễm giun đũa:

  • Đưa tay bẩn vào miệng
  • Ăn trái cây hoặc rau chưa gọt vỏ, rửa sạch hoặc nấu chín
  • Nước nhiễm bẩn, chưa được đun sôi

Với sự tò mò khám phá thế giới xung quanh qua các giác quan, các bé có xu hướng cho mọi thứ vào miệng, kể cả bụi bẩn. Khả năng nhận thức về vệ sinh không bằng người lớn khiến cho trẻ em dễ bị mắc giun đũa.

Triệu chứng bệnh giun đũa

Ban đầu các bé bị nhiễm giun đũa sẽ không biểu hiện triệu chứng gì cho đến khi số lượng giun tăng lên tại chỗ. Các triệu chứng phụ thuộc vào cơ quan mà giun làm tổ nhiều, chẳng hạn như là:

Nếu giun làm tổ trong đường hô hấp:

  • Ho nhiều, thậm chí ho ra giun
  • Thở khò khè hoặc khó thở
  • Đau ngực dữ dội
  • Xquang có nhiều nốt thâm nhiễm rải rác hai phổi

Nếu giun làm tổ trong đường tiêu hoá:

  • Giun sống hoặc xác giun trong phân
  • Chán ăn
  • Sốt
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Tiêu chảy
  • Bé sẽ than phiền với cha mẹ về triệu chứng đau bụng hoặc đầy hơi, vì ruột của trẻ có kích thước nhỏ hơn người lớn nên dễ bị tắc ruột.
  • Lượng giun lớn trong ruột sẽ khiến bé suy dinh dưỡng và hấp thu kém.
  • Nguy hiểm hơn, nếu trứng giun nở nhiều có thể làm tắc ruột thừa và các cơ quan khác, dẫn đến viêm ruột thừa hoặc các vấn đề với gan, tuyến tụy hoặc túi mật.
giun-dua
Giun trong phân là một triệu chứng của bệnh giun đũa

Khi nào cần đi khám?

Gọi cho bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu con bạn có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ bé bị nhiễm giun đũa. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn nhận nuôi con của mình từ một nước đang phát triển hoặc bạn đã đi du lịch đến các khu vực phổ biến bệnh giun đũa.

Bạn cũng cần gọi cho bác sĩ nếu các triệu chứng của con bạn không thuyên giảm khi điều trị hoặc nếu các triệu chứng mới bắt đầu xuất hiện.

Chẩn đoán bệnh giun đũa

Các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh giun đũa bằng cách quan sát thấy giun chui ra khi bệnh nhân ho hoặc đi tiêu. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra mẫu phân của bệnh nhân để tìm trứng giun hoặc một đoạn cá thể giun.

Đôi khi, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh (như chụp X-quang, siêu âm hoặc chụp CT) có thể cho hình ảnh gợi ý ổ giun trong các cơ quan ở bụng hoặc ngực.

Điều trị bệnh giun đũa

Các bác sĩ điều trị bệnh giun đũa bằng thuốc diệt giun với nguyên tắc thuốc có tác dụng với nhiều loại giun, ít độc, dùng một liều duy nhất vẫn đạt hiệu quả cao. Các triệu chứng thường chấm dứt trong vòng 1 tuần kể từ khi bắt đầu điều trị.

Rất hiếm khi bác sĩ phẫu thuật để loại bỏ giun, trừ khi giun gây ra biến chứng như tắc ruột hoặc gây ra các vấn đề với gan, tuyến tụy hoặc túi mật.

Cách phòng chống giun đũa

Vệ sinh môi trường sống là cách tốt nhất để phòng chống giun đũa.

Bên cạnh đó, việc vệ sinh đồ vật mà bé hay cầm nắm như đồ chơi, điều khiển từ xa, … bằng các dung dịch vệ sinh đồ vật an toàn với trẻ nhỏ. Cha mẹ cũng cần nhớ lịch tẩy giun và nhắc bé thường xuyên rửa tay đúng cách. Trong ăn uống hằng ngày cần áp dụng phương châm “Ăn chín uống sôi”, tốt nhất không nên cho trẻ ăn thịt tái hay rau sống, trái cây cần được rửa sạch và gọt vỏ, dùng nĩa để xiên ăn, không bốc ăn.

Đối với người lớn, cần nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và cộng đồng, bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân. Chúng ta cũng nên giữ thói quen rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, không ăn rau củ quả sống khi chưa rửa thật sạch hoặc khi nghi ngờ bị nhiễm phân.

Tẩy giun đúng cách

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, thuốc tẩy giun được dùng cho trẻ em đủ 2 tuổi trở lên, trẻ đang sốt không được uống thuốc tẩy giun.

  • Trẻ ở các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội: Tẩy giun 1 – 2 lần/ năm
  • Trẻ ở các thành phố khác, nơi có điều kiện vệ sinh thấp, tỉ lệ nhiễm giun cao : 2 lần/ năm.

Quy trình rửa tay đúng cách

Dạy trẻ rửa tay theo 6 bước dưới đây. Tốt nhất là rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Nên chuẩn bị cho bé chai nước rửa tay khô, dặn bé dùng bất cứ khi nào, ở đâu.

giun-dua
Rửa tay đúng cách phòng bệnh giun đũa

Các bác sĩ Nhi có kinh nghiệm điều trị bệnh giun đũa

  • Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thê – 40 năm kinh nghiệm – Quận Tân Bình
  • BSCKII Phạm Hải Uyên – 13 năm kinh nghiệm – Quận Bình Thạnh
  • Bác sĩ Trần Văn Công – Phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc – Quận Bình Thạnh

Kết luận

Bệnh giun đũa tuy phổ biến ở trẻ em nhưng có thể dễ dàng phòng ngừa. Khi trẻ bị nhiễm giun đũa, nếu không sớm được uống thuốc trị giun theo toa, rất có thể lượng lớn giun sẽ khiến trẻ bị viêm ruột thừa, hoặc tắc ruột vô cùng đau đớn, phải phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa, hoặc phải nội soi gắp giun. Cha mẹ cần kỹ càng trong vấn đề vệ sinh của trẻ, đưa trẻ đi khám ngay nếu có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm giun.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Phòng bệnh giun đũa cho trẻ – Viện Pasteur