Triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em ba mẹ cần biết!

Triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em mà cha mẹ cần lưu ý là gì? Do quai bị có thể để lại nhiều biến chứng, nên cha mẹ cần nhận biết sớm con mình mắc bệnh để có thể điều trị kịp thời. Bài viết của Docosan sẽ gửi đên bạn thông tin về triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em.

Những điều bạn cần biết về bệnh quai bị ở trẻ em

Bệnh quai bị do virus gây ra (thuộc nhóm Paramyxovirus), đây là bệnh khá phổ biến, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt tập trung ở trẻ từ 6 đến 10 tuổi. Sau khi mắc bệnh, bệnh nhân có miễn dịch vững bền tồn tại nhiều năm, có thể tái phát, nhưng rất hiếm.

Bệnh quai bị thường lây nhiễm nhiều vào mùa xuân do khí hậu ẩm ướt là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, virut phát triển mạnh và gây bệnh. Nguồn bệnh là những người đang mắc quai bị cấp tính hoặc những người mang virus quai bị nhưng không biểu hiện triệu chứng. Bệnh quai bị rất dễ lây qua đường hô hấp khi nước bọt của người nhiễm bệnh phát tán ra ngoài không khí khi nói chuyện, ho và hắt hơi.

Triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em

Có khoảng hơn 70% trường hợp trẻ nhiễm quai mà bị không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Quai bị có 4 giai đoạn sau:

Thời kỳ ủ bệnh trung bình 16-18 ngày có thể thay đổi từ 2-4 tuần.Ở giai đoạn này, trẻ hầu như không có biểu hiện triệu chứng, nhưng trong giai đoạn này virút quai bị đã có thể làm lây lan bệnh cho những trẻ khác xung quanh.

Thời kỳ khởi phát trung bình kéo dài khoảng 1-2 ngày. Trẻ xuất hiện đột ngột với các triệu chứng sau:

  • Sốt nhẹ tới vừa từ 38 tới 39 độ C, kèm lạnh run người, mệt mỏi, uể oải, nhức đầu. Bé ăn kém đôi khi buồn nôn và nôn.
  • Triệu chứng đau một bên tai, đau rõ rệt hơn khi nuốt. Đau ban đầu quanh ống tai rồi lan ra xung quanh, nuốt hoặc há miệng làm đau tăng lên. Cuối giai đoạn này, lỗ tuyến mang tai của bé có thể viêm và ấn vùng tuyến mang tai có đau nhẹ.

Thời kỳ toàn phát có biểu hiện phổ biến nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ. Tuyến mang tai sưng to, đến mức tối đa sau 1-3 ngày. Lúc đầu sưng tuyến mang tai một bên trước rồi sẽ lan qua bên đối diện trong vòng 1-2 ngày. Khi sưng to, tuyến mang tai sẽ lan ra mỏm chũm, lan ra tận cung gò má và lan xuống dưới hàm, dẫn đến làm biến dạng mặt. Gương mặt bé sẽ bị cổ bạnh ra, cằm xệ xuống, đôi khi lưỡi gà sưng to làm khó thở phải mở khí quản cấp cứu. 

Bé sẽ cảm thấy đau nhiều nhất trong giai đoạn này. Da vùng tuyến bị sưng có màu sắc bình thường, không đỏ, sờ ấm hơn da xung quanh, ấn vào gây đau.

Ở giai đoạn này, bé vẫn còn sốt 38-40 độ C và sốt giảm sau 3-4 ngày sau đó. Trẻ có cảm giác khô miệng, đau tai, khó nhai vì gây đau tăng hơn, nhất là khi ăn hoặc uống các thức ăn có vị chua.

Triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em
Triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em, bố mẹ không được xem thường!

Thời kỳ hồi phục trong vòng 10 ngày từ khi khởi phát. Bệnh nhân có thể tự khỏi, các triệu chứng sẽ giảm dần như: hết sốt, tuyến mang tai giảm sưng đau, nhỏ dần nhưng không bị teo, hạch sưng kéo dài lâu hơn một chút, các triệu chứng khác cũng lui dần và khỏi hẳn.

Cách nhận biết bệnh quai bị ở trẻ em

Nhìn chung, để nhận biết trẻ bị quai bị, cha mẹ cần chú ý đến các triệu chứng sau:

  • Sốt cao 38-40 độ C và kéo dài trong 3 đến 4 ngày.
  • Trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, nhức tai, cảm giác sợ gió và hơi ớn lạnh. Trẻ sẽ ăn ngủ kém thậm chí bỏ bữa.
  • Trẻ bị chảy nước bọt, sưng dần tuyến nước bọt mang tai. Sau đó trẻ bị sưng má, đau hàm khi há miệng, khi nhai, khi nuốt nước bọt, cảm giác đau lan ra tai, họng viêm đỏ, sưng hạch góc hàm.
Triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em
Triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em, bố mẹ không được xem thường!

Biến chứng của bệnh quai bị ở trẻ em

Quai bị có thể liên quan đến các cơ quan khác ngoài tuyến nước bọt, gây ra những biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm tinh hoàn ở bé trai
  • Viêm buồng chứng ở bé gái
  • Viêm màng não hoặc viêm não
  • Viêm tụy

Ở bé trai, triệu chứng viêm tinh hoàn thường là một bên, đau, mềm, phù, đỏ da, và tăng nhiệt độ bìu. Biến chứng teo tinh hoàn có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này. Ở bé gái, viêm buồng trứng thường ít gặp hơn, ít đau đớn hơn và hiếm làm giảm khả năng sinh sản.

Triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em
Triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em, bố mẹ không được xem thường!

Khoảng 50% trường hợp nhiễm quai bị của hệ thần kinh trung ương xảy ra mà không có bệnh viêm tuyến mang tai. Viêm màng não với các triệu chứng đau đầu, nôn mửa, cổ cứng, và dịch não tuỷ tăng tế bào lympho. Viêm não, với lơ mơ, co giật, hoặc hôn mê.

Viêm tụy làm bé buồn nôn nhiều, nôn và đau thượng vị đột ngột. Các triệu chứng này biến mất trong khoảng 1 tuần, sau đó hồi phục hoàn toàn.

Viêm tuyến tiền liệt, viêm thận, viêm cơ tim, viêm gan, viêm vú, viêm đa khớp, điếc, và kèm tuyến lệ rất hiếm khi xảy ra.

Chăm sóc và điều trị quai bị ở trẻ

Hiện nay điều trị bệnh quai bị chủ yếu vẫn là điều trị hỗ trợ, giảm và loại bỏ các triệu chứng, ngăn ngừa và phòng các biến chứng nguy hiểm. Bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên nếu bé mắc quai bị, ba mẹ cần đưa bé đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được tư vấn điều trị kịp thời.Bên cạnh việc dùng thuốc, các mẹ nên có chế độ chăm sóc trẻ quai bị phù hợp:

Mẹ cho bé nghỉ học, cách lý với bạn bè trong lớp để hạn chế lây nhiễm. Cho bé sử dụng đồ dùng cá nhân riêng và mang khẩu trang khi phải tiếp xúc với người khác.

Về dinh dưỡng, mẹ cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé, ưu tiên các loại thức ăn mềm và lỏng như cháo, súp,… vì nhai có thể gây đau. Bổ sung các loại rau xanh, đậu, dưa đỏ và xoài cho bé. Tránh các loại thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, các thức ăn cay, nóng, vị tanh, thịt gà, gạo nếp, các thực phẩm chứa acid citric như chanh, cam, bưởi,…

Về uống nước, mẹ cho bé uống nhiều nước, tuy nhiên nên tránh nước hoa quả vì chúng kích thích tiết nước bọt, có thể gây đau.

Mẹ cần đảm bảo vệ sinh cơ thể cho bé luôn sạch sẽ. Cho trẻ tắm nước ấm và súc miệng bằng nước muối ấm hoặc nước súc miệng hằng ngày.

Để bé nghỉ ngơi đầy đủ, tránh vận động chạy nhảy nhiều, nhất là trong các ngày bệnh đang diễn biến cấp tính.

Trong trường hợp bé trai viêm tinh hoàn, mẹ nên cho bé mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau và theo dõi kỹ biến chứng teo tinh hoàn.

Mẹ có thể chườm mát để vùng tuyến nước bọt của bé bớt sưng, đau. Tuy nhiên, mẹ tuyệt đối không nên tin và làm theo các biện pháp dân gian mê tín dị đoan như đắp lá cây lên vùng sưng. Điều này không những không giúp ích cho việc điều trị mà còn tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập làm tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.

Mẹ không nên dùng bất kỳ loại thuốc uống, thuốc bôi nào khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp bé sốt trên 38.5 độ, mẹ có thể dùng Paracetamol cùng các biện pháp hạ sốt thông thường như láu mát, chườm lạnh.

Triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em
Triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em, bố mẹ không được xem thường!

Tóm lại, quai bị là bệnh lý lành tính tuy nhiên có thể lây lan và gây ra những biến chứng nguy hiểm. Cha mẹ không được xem thường triệu chứng quai bị ở trẻ em, cần đưa trẻ bị nhiễm bệnh đến gặp bác sĩ điều trị kịp thời, tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Contact Me on Zalo