Vi khuẩn trên tay – 6 kiến thức bạn cần biết

Sự hiện diện của vi khuẩn trên tay của chúng ta luôn thường trực vì bàn tay là phương tiện tiếp xúc chủ yếu trong tất cả các hoạt động lao động và sinh hoạt hằng ngày, đây cũng là con đường lây truyền vi khuẩn từ người này sang người khác phổ biến nhất. Vậy tác hại chính của vi khuẩn ở bàn tay là gì? Cách loại bỏ tối đa vi khuẩn trên bàn tay ra sao? Hãy cùng Docosan tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Tổng quan về vi khuẩn trên tay và sự lây truyền mầm bệnh

Tổng quan về vi khuẩn trên tay và sự lây truyền mầm bệnh
Tổng quan về vi khuẩn trên tay và sự lây truyền mầm bệnh

Phân động vật hoặc phân người là nơi tồn tại chủ yếu của các loại vi sinh vật gây bệnh như E. coli O157, Salmonella, norovirus, chúng được lây truyền qua bàn tay và gây tiêu chảy cho người bệnh, ngoài ra bàn tay còn là phương tiện lây truyền các bệnh nhiễm trùng hô hấp như adenovirus, bệnh lý tay chân miệng.

Nghiên cứu cho thấy cứ mỗi 1 cm2 diện tích da của người khỏe mạnh có thể tồn tại khoảng 40.000 số lượng vi khuẩn trên tay mà ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường được, và con số này còn đặc biệt nhiều hơn ở bề mặt bàn tay, bao gồm lòng bàn tay, móng tay, kẽ ngón tay, vì chúng vốn là nơi chúng ta thường xuyên sử dụng để tiếp xúc với tất cả mọi thứ trong cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày.

Thông thường vi khuẩn có thể tồn tại ở bề mặt bàn tay tối thiểu 3 giờ, nên nguy cơ vi khuẩn từ bàn tay xâm nhập và gây bệnh cho cơ thể là khá cao. Chỉ với hành động chạm tay lên bề mặt có hiện diện vi khuẩn hay virus, sau đó bắt tay với người khác đã làm tăng nguy cơ lây truyền vi sinh vật  gây bệnh cho người khác lên cao hơn nhiều lần. Đặc biệt nếu vô tình chạm vào mũi hoặc miệng của bản thân cũng tự lây bệnh cho chính mình.

Ngoài ra, việc không vệ sinh tay đúng cách sau khi đi vệ sinh, hoặc trước khi ăn uống, cũng tăng nguy cơ đưa các mầm bệnh vào cơ thể, chúng bao gồm tiêu chảy và các bệnh nhiễm trùng hô hấp (viêm phổi). Đây là hai bệnh được xem là nguyên nhân tử vong chính của khoảng 3,5 triệu trẻ em toàn cầu theo thống kê mỗi năm. Các bệnh như bệnh ngoài da, tay chân miệng, bệnh giun sán cũng lây qua việc tiếp xúc bàn tay, chúng thường gây ra tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em.

5 loài vi khuẩn trên tay đáng sợ và những triệu chứng cần biết khi bị nhiễm bệnh

Dưới đây là 5 loài vi khuẩn đáng sợ có thể trú ngụ trên bàn tay bạn kèm theo một số triệu chứng nhận biết khi bị nhiễm bệnh:

1. Salmonella

Salmonella là một chi vi khuẩn hình que thuộc họ Enterobacteriaceae – cùng họ với vi khuẩn E.coli nổi tiếng gây bệnh tiêu chảy. Salmonella được tìm thấy trên khắp thế giới, chúng là nguyên nhân gây nên các bệnh như sốt thương hàn, sốt rét và ngộ độc thực phẩm. 

Loại vi khuẩn này thường được tìm thấy ở trứng sống, thịt gia cầm nấu chưa chín, rau sống… và lây truyền nhanh chóng khi một người ăn phải đồ ăn có nhiễm khuẩn hay tiếp xúc với chất thải từ động vật/người nhiễm bệnh. Chỉ cần Salmonella ngụ trên tay là bạn hoàn toàn có thể “ăn” chúng bất cứ lúc nào.

Triệu chứng của bệnh nhân nhiễm vi khuẩn trên tay Salmonella là tiêu chảy, sốt và đau bụng trong vòng 8-12h sau khi ăn thức ăn nhiễm khuẩn. Trong một số trường hợp ở trẻ con và người già, bệnh nhân có thể bị mất nước dẫn đến những biến chứng nặng hơn. 

2. Listeria

Vi khuẩn trên tay Listeria có thể dễ dàng được tìm thấy trong tự nhiên như trong đất, phân súc vật, nước thải, bùn lầy, rau hỏng, đặc biệt là trong lớp cỏ xanh chưa được phơi khô. 

Vi khuẩn từ đường tiêu hóa xâm nhập vào máu và các mô của người nhiễm vi khuẩn, từ đó di chuyển tới tế bào mẫn cảm và nhân lên nhiều lần. Người có nguy cơ cao mắc bệnh là trẻ sơ sinh, người trung niên, người bị tổn thương hệ miễn dịch và phụ nữ có thai.

Listeria có thể gây viêm dạ dày-ruột, sốt, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau cơ, mệt mỏi, đôi khi có các cơn ớn lạnh, hoặc có thể xuất hiện triệu chứng như bị cảm cúm. Trong một số trường hợp đặc biệt, chúng có thể gây nhiễm trùng huyết và thậm chí là viêm màng não. Nếu không được can thiệp kịp thời, khả năng bệnh nhân tử vong khá cao.

3. Escherichia Coli ( E.coli)

Còn được gọi là vi khuẩn đại tràng, E.coli là một trong những loài vi khuẩn chính kí sinh trong đường ruột các loài động vật máy nóng. Mặc dù là một vi khuẩn cần thiết cho quá trình tiêu hóa thức ăn, E.coli cũng có thể biến thành kẻ thù của cơ thể khi gây bệnh tiêu chảy.

Những chủng đột biến của E.coli mang những đặc tính thực sự nguy hiểm và trở thành một loại vi khuẩn đáng gờm đối với sức khỏe con người. E.coli có thể gây tiêu chảy, sốt, nặng hơn có thể gây tối loạn máu và suy thận.

Loại vi khuẩn này lây truyền qua đường phân – tay – miệng. Chúng truyền từ phân qua đường trung gian là bàn tay, thức ăn, nước uống… và được đưa vào cơ thể bằng đường miệng.

Chúng cũng có thể tồn tại trên thịt không nấu chín và nước sông nhiễm khuẩn. Chính vì thế mà một khuyến cáo quan trọng trong việc phòng tránh vi khuẩn trên tay E.coli là phải rửa tay kĩ trước khi ăn.

4. Staphylococcus aureus

Staphylococcus aureus hay tụ cầu vàng là một loài tụ cầu khuẩn Gram và là nguyên nhân thông thường nhất gây nhiễm khuẩn trong số các loài tụ cầu. Chúng thường được tìm thấy dưới lớp da, tóc cũng như trong mũi và họng của người và động vật.

Vi khuẩn trên tay Staphulococcus có thể gây ra ngộ độc thực phẩm do chế biến thực phẩm không an toàn và thực phẩm không được bảo quản kĩ càng. Ở nhiệt độ phòng, chúng sinh sản nhanh chóng và sản xuất ra một loại chất độc có thể gây bệnh ở người.

Nguyên nhân phổ biến nhất của ngộ độc do Staphylococcus là do chế biến thức ăn với bàn tay trần và không đun nấu chín kĩ sau đó. Vi khuẩn này sẽ theo đường tay truyền qua các loại thực phẩm như salad, các loại bánh mỳ hay sandwiches… và theo vào cơ thể con người.

5. Bacillus (trực khuẩn)

Bacillus là một chi gồm các vi khuẩn hình que thuộc về họ Bacillaceae. Khác với đa số vi khuẩn thuộc chi này là lợi khuẩn thì một số chủng khuẩn Bacillus cereus lại có thể gây ngộ độc thực phẩm.

Vi khuẩn trên tay này sản sinh ra hai loại độc tố: độc tố tiêu chảy và độc tố gây nôn mửa.Trong đó độc tố gây tiêu chảy sẽ làm hủy hoại biểu bì và niêm mạc ruột, thậm chí dẫn đến tử vong còn độc tố gây nôn mửa lại có sức sống cao và không bị phân hủy bởi nhiệt độ cao hay dịch dạ dày.

Lời khuyên của chuyên gia trong việc phòng tránh lây nhiễm Bacillus cereus là giữ đồ ăn nguội trong tủ lạnh đi kèm với rửa tay sạch sẽ trước/sau khi nấu ăn.

Tác hại của việc không rửa tay

Tiêu chảy là 1 trong số những tác hại của việc không rửa tay
Tiêu chảy là 1 trong số những tác hại của việc nhiễm vi khuẩn trên tay

Nhiễm trùng tiêu hóa (tiêu chảy) và hô hấp (viêm phổi) chính là hai tác nhân gây tử vong cho khoảng 1 800 000 trẻ em (< 5 tuổi) hàng năm, và là 2 tác nhân gây tử vong ở trẻ em lớn nhất trên thế giới. Bằng chứng đã cho thấy tỷ lệ trẻ nhỏ bệnh tiêu chảy giảm xuống khoảng 1/3 và viêm phổi thì giảm còn 1/5 chỉ với biện pháp rửa tay.

Mặc dù thói quen rửa tay bằng nước thì rất phổ biến trên toàn thế giới, tuy nhiên rất ít người biết cách rửa tay đúng cách với xà phòng, và việc rửa tay bằng xà phòng được các chuyên gia khẳng định là có khả năng loại bỏ vi khuẩn trên tay hiệu quả, tối ưu hơn nhiều.

Giáo dục rửa tay đúng cách với xà phòng tại môi trường học đường sẽ cải thiện đáng kể tỷ lệ học sinh bị nhiễm trùng tiêu hóa, hô hấp, vì tỷ lệ trẻ rửa tay đúng cách sau khi đi vệ sinh trên toàn cầu hiện tại chỉ đạt chưa đến 20%.

Rửa tay để loại bỏ vi khuẩn trên tay

Cách loại bỏ vi khuẩn gây bệnh khỏi bàn tay đơn giản, rẻ tiền mà hiệu quả nhất không gì khác đó chính là rửa tay đúng cách, bởi các lý do sau:

Hành vi đưa tay bẩn lên mắt, miệng và mũi là một thói quen xấu khó bỏ của mọi người, có thể trực tiếp đưa vi trùng vào cơ thể nơi tiếp xúc (mắt, miệng, mũi).

Vi khuẩn trên tay chưa được vệ sinh đúng cách có thể bám vào đồ ăn thức uống và từ đó theo miệng vào trong cơ thể người.

Ngoài ra bàn tay chứa vi trùng có thể truyền mầm bệnh sang những đồ vật khác thông qua việc vịn tay, nắm hoặc sờ chạm vào bề mặt tay nắm cửa, mặt bàn, và từ đó chuyển sang bàn tay những người khác.

Khi đã hiểu được con đường lây truyền mầm bệnh, cách chặn đứng rất đơn giản. Chỉ bằng việc rửa tay đúng cách với xà phòng sẽ giúp ngăn ngừa sự lây trùng các bệnh nhiễm trùng (đường tiêu hóa, hô hấp, mắt và da)

Bằng chứng về hiệu quả của việc vệ sinh tay đã được khẳng định thông qua hàng tá số liệu thống kê như sau:

  • Số ca tiêu chảy giảm khoảng 23 – 40%
  • Ở người bị suy giảm miễn dịch thì tỉ lệ ca tiêu chảy giảm đến 58%
  • Ca bệnh nhiễm trùng hô hấp (cảm lạnh) giảm khoảng 16 – 21%
  • Tỉ lệ học sinh nghỉ phép do bệnh tiêu hóa giảm được 29 – 57%.

Ngoài ra, tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định rằng, chỉ với động tác vệ sinh tay đúng cách đã có thể giảm đến 35% khả năng lây truyền vi sinh vật gây bệnh và nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Vì thế, các chuyên gia luôn đề cao thói quen rửa tay đúng cách với xà phòng ở thời điểm trước khi ăn và sau khi đi đại tiện, một hành động tuy đơn giản nhưng hiệu quả phòng bệnh mà nó đem lại là vô cùng lớn lao.

Cách ngăn ngừa tình trạng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn

Rõ ràng là việc rửa tay sẽ giúp hạn chế tình trạng nhiễm trùng, từ đó gián tiếp hạn chế tình trạng tự ý sử dụng kháng sinh và giảm đáng kể tỷ lệ vi khuẩn đề kháng kháng sinh. Có đến khoảng 30% ca bệnh tiêu chảy và 20% ​​ca nhiễm trùng hô hấp (cảm lạnh) có thể tự thoái lui mà không cần phải sử dụng thuốc kháng sinh, tuy nhiên tâm lý chung của người dân luôn thích tự mua thuốc ở tiệm thuốc tây để điều trị tại nhà các tình trạng này.

Thời điểm thích hợp để rửa tay

Thời điểm thích hợp để rửa tay
Thời điểm thích hợp để rửa tay

Bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa vi khuẩn trên tay cho bản thân cũng như người thân trong gia đình bằng cách rửa tay đúng cách với xà phòng, nhất là ở các thời điểm phù hợp theo hướng dẫn của bộ y tế, bao gồm:

  • Trước, trong và sau bữa ăn
  • Trước và sau khi bạn chăm sóc người thân trong gia định bị bệnh nhiễm trùng tiêu hóa, hô hấp (cảm cúm, tiêu chảy, viêm phổi)
  • Trước và sau vệ sinh, rửa vết thương
  • Sau khi đi đại tiện, tiểu tiện
  • Sau khi cọ rửa nhà vệ sinh, thay tã cho bé
  • Sau khi ho, hắt hơi hoặc xì mũi
  • Sau khi tiếp xúc với động vật hoặc chất thải của chúng
  • Sau khi chế biến thức ăn cho thú cưng.
  • Sau khi dọn, đổ rác.

Một số câu hỏi liên quan đến vi khuẩn trên tay

Các bước rửa tay theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế?

Bước 1: Làm ướt hai lòng bàn tay, cho xà phòng vào và chà 2 lòng bàn tay vào nhau. 
Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại. 
Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay vào các kẽ ngón. 
Bước 4: Chà mu các ngón tay này lên lòng bàn tay kia và ngược lại (mu tay để khum khớp với lòng bàn tay). 
Bước 5: Chà ngón cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại (lòng bàn tay ôm lấy ngón cái). 
Bước 6: Chà các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và làm khô tay. 
Chú ý: Rửa tay ít nhất trong 30 giây, mỗi thao tác lặp lại ít nhất 5 lần.

Những bệnh liên quan đến vi khuẩn trên tay?

Một số bệnh liên quan đến vi khuẩn trên tay như sốt rét, sốt thương hàn, ngộ độc thực phẩm, viêm dạ dày – ruột, tiêu chảy, tay – chân – miệng…

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu về Vi khuẩn trên tay: 1 số kiến thức quan trọng mà bạn cần biết tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: kiemsoatbenhtatphutho.gov.vn, healthline.com