Bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em: Nguyên nhân, cách điều trị

Viêm não Nhật Bản ở trẻ em khó phát hiện, vì vậy nhiều cha mẹ đưa trẻ đi cấp cứu muộn. Để giảm tỷ lệ tử vong (30%) và di chứng (50%), cha mẹ cần lưu ý những biểu hiện được miêu tả trong bài viết sau của Doctor có sẵn.

Nguyên nhân bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc giống Flavivirus được muỗi Culex trung gian truyền bệnh từ động vật sang người. Ở nước ta, bệnh viêm não Nhật Bản được ghi nhận ở hầu hết tất cả các tỉnh thành rải rác vào nhiều thời điểm suốt năm, nhất là vào những tháng hè nóng ẩm từ tháng 5 đến tháng 7.

Trẻ em từ 2 đến 8 tuổi là nhóm đối tượng chính của bệnh viêm não Nhật Bản. Bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em xuất hiện phổ biến ở vùng đồng bằng hơn miền núi, ở nông thôn nhiều hơn thành thị.

Virus viêm não Nhật Bản thuộc virus arbo nhóm B, họ Togaviridae, giống Flavivirus; có ARN, phát triển ở tế bào phôi gà và tổ chức nuôi cấy.

Virus không chịu nhiệt, bị bất hoạt ở 56°C trong 30 phút; ở 70°C trong 10 phút, ở 100°C trong 2 phút. Trong trạng thái đông lạnh, virus có thể tồn tại trong vài năm. Dưới tác dụng của axeton, cồn và ête, virus chết sau 3 ngày. Dung dịch Lysol 5% diệt virut trong 1 phút.

Virus gây bệnh được truyền từ động vật sang người thông qua vết muỗi đốt. Loài động vật mang mầm bệnh viêm não Nhật Bản thường là lợn và chim hoang dã. Ở nước ta, loài muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản tên gọi là Culex tritaeniorhynchus. Muỗi có thân màu nâu đen, sinh sản nhanh vào những tháng thuộc mùa nóng. Loài muỗi này hoạt động mạnh vào chập tối, ban đêm bay vào nhà đốt người. Muỗi Culex thích đẻ trứng trong ruộng lúa, kênh mương gần nơi sinh sống.

Triệu chứng viêm não Nhật Bản

Triệu chứng viêm não Nhật Bản không đặc trưng cho bệnh, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác như cảm cúm, ngộ độc thức ăn thông thường. Vì thế cha mẹ thường có tâm lý chủ quan, để tình hình bệnh ở các bé có tiến triển phức tạp, đến khi có các triệu chứng nặng mới đưa đi khám, lúc đó đã muộn cho tương lai của bé. Để cố gắng cứu chữa của các bác sĩ không vô ích, cha mẹ cần thận trọng khi bé có các triệu chứng sau:

Đối với trẻ nhũ nhi

  • Bỏ bú
  • Nôn ói nhiều
  • Sốt cao đột ngột từ 39 độ C trở lên, kém đáp ứng với thuốc hạ sốt
  • Khóc thét, quấy khóc dỗ không nín
  • Gồng cứng người, co giật

Đối với trẻ lớn hơn

  • Đau đầu
  • Đau bụng, tiêu chảy
  • Ngủ li bì, khi thức thì lú lẫn

Những triệu chứng này là gợi ý khả năng mắc viêm não Nhật Bản của trẻ em. Cha mẹ cần nhận biết các triệu chứng gợi ý và quyết đoán trong việc đưa bé đi khám tại các phòng khám nhi có đẩy đủ trang thiết bị để được làm các xét nghiệm cần thiết. Khi trẻ được chẩn đoán chính xác sẽ được nhập viện điều trị kịp thời.

Biến chứng viêm não Nhật Bản

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh viêm não Nhật Bản có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như: 

  • Suy hô hấp
  • Viêm phổi
  • Viêm bể thận – bàng quang 
  • Rối loạn chuyển hóa 
  • Động kinh 
  • Suy giảm nghiêm trọng về nhận thức
  • Rối loạn ngôn ngữ
  • Gặp khó khăn trong vấn đề học tập và tiếp xúc với môi trường xã hội

Bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong cao: 25-30% ở các nước nhiệt đới Đông Nam Á như Việt Nam. Tử vong thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương hành não. Những người bệnh sống sót có thể để lại các di chứng thần kinh – tâm thần.

Chẩn đoán viêm não Nhật Bản ở trẻ em

Chẩn đoán bệnh viêm não Nhật Bản dựa vào các biểu hiện của bệnh, các xét nghiệm và tình hình dịch tễ ở nơi cư trú (thông tin bệnh dịch ở địa phương).

Khi đến khám, bác sĩ sẽ hỏi các thông tin về dịch tễ như: “Ở nơi cư trú của anh/ chị có phát thông tin về dịch bệnh viêm não Nhật Bản hay không? Gần nhà anh chị có bé nào bị các triệu chứng tương tự không?”, … Tiếp theo, bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng, tiền sử bệnh và lịch sử tiêm phòng của bé như : “Bé có biểu hiện gì bất thường? Gần đây bé có bị muỗi chích hay không? Bé có được tiêm phòng viêm não Nhật Bản hay chưa? Bé đã được tiêm mấy mũi?”, … Cha mẹ cần chú ý trả lời chính xác và đầy đủ để bác sĩ có các chỉ định hợp lý.

Thông thường, bác sĩ sẽ cho bé làm các xét nghiệm để có thêm bằng chứng về khả năng mắc bệnh viêm não Nhật Bản:

  • Phân lập virus: (trong 2-3 ngày đầu) từ máu, dịch não tuỷ
  • Phản ứng huyết thanh: Phản ứng kết hợp bổ thể, phản ứng ngưng kết hồng cầu, phản ứng trung hoà, ELISA.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ thấy giảm tỷ trọng lan toả, các khe cuốn não rộng, hệ thống não thất hơi xẹp, không bao giờ thấy dấu hiệu của khối choán chỗ.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm để đánh giá tình trạng tổn thương của bệnh nhân hoặc các biến chứng khác do bệnh gây ra, chẳng hạn như

  • Công thức máu, CRP, đường huyết, điện giải đồ, khí máu: Khi có biến chứng suy hô hấp: khó thở, tím tái, sốc, … ). 
  • Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác: chụp x-quang phổi, siêu âm tim, bụng

Điều trị viêm não Nhật Bản ở trẻ em

Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc điều trị viêm não Nhật Bản chủ yếu là điều trị triệu chứng như:

  • Điều trị suy hô hấp, sốc (nếu có).
  • Chống phù não (nếu có).
  • An thần, hạ sốt
  • Điều trị biến chứng
  • Đảm bảo dinh dưỡng 
  • Kháng sinh khi có chỉ định

Phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em

Bệnh lây truyền qua trung gian muỗi đốt, vì thế việc phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản quan trọng nhất cần phải diệt trung gian truyền bệnh. Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế, để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh, cha mẹ cần chủ động thực hiện các biện pháp sau đây:

  • Phòng chống muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài tay, quần dài hạn chế muỗi đốt. Dùng các biện pháp trừ khử muỗi như: vệ sinh môi trường sinh sống, dùng thuốc trừ muỗi…
  • Nếu có nuôi heo, trang trại cần đặt xa nhà, có biện pháp phòng ngừa muỗi đốt heo vì heo là nguồn súc vật mang mầm bệnh.
  • Bên cạnh phòng chống muỗi đốt, chúng ta còn có biện pháp tiêm phòng viêm não Nhật Bản

Để phòng bệnh chủ động, chích ngừa viêm não Nhật Bản là biện pháp hiệu quả nhất. Các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi từ 1-5 tuổi cần đưa con đi tiêm đầy đủ và đúng lịch trong tiêm chủng thường xuyên.

Lịch tiêm Viêm não Nhật Bản trong chương trình Tiêm chủng mở rộng

Trẻ từ 1-5 tuổi được tiêm phòng miễn phí bệnh viêm não Nhật Bản tại các Cơ sở y tế tuyến huyện, xã trên toàn quốc theo chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Cha mẹ cần đảm bảo đưa con đi tiêm chủng đầy đủ 3 liều cơ bản: Mũi đầu tiên khi trẻ vừa đủ 12 tháng; mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất từ 1-2 tuần; Mũi thứ 3 tiêm sau mũi thứ 2 một năm. Sau đó, cần cho trẻ tiêm nhắc lại mỗi ba năm một lần cho đến 15 tuổi.

Trên đây là những thông tin quan trọng và triệu chứng viêm não Nhật Bản-căn bệnh nguy hiểm ở trẻ em. Ngay khi phát hiện các triệu chứng nêu trên, cha mẹ cần đưa bé đến khám tại các phòng khám nhi có đầy đủ trang thiết bị để được chẩn đoán và diều trị sớm, tăng tỷ lệ sống sót thoát khỏi các biến chứng nguy hiểm của trẻ.

Các phòng khám và bệnh viện điều trị viêm não Nhật Bản


Xem thêm: Giá vacxin viêm não Nhật Bản

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Có thể bạn quan tâm

Contact Me on Zalo
Call Now Button