Virus RSV: Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị

Các bệnh lý viêm đường hô hấp là căn bệnh phổ biến có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi. Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân, và virus RSV là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm đường hô hấp trên ở người lớn cũng như gây viêm phổi và tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu bài viết dưới đây để có cái nhìn tổng quan về nhiễm RSV.

Virus RSV là gì?

RSV là tên viết tắt của respiratory syncytial virus, hay còn gọi là virus hợp bào hô hấp. Đây là loại virus rất phổ biến gây ra các bệnh ở đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi…đặc biệt là ở trẻ em

Môi trường phát triển ưa thích của RSV là các tế bào biểu mô đường hô hấp. Chúng có thể tấn công vào đường hô hấp, gây hẹp hay bít tắc các đường thở nhỏ trong phổi bởi sự tăng tiết các chất nhầy của các tế bào đường hô hấp, trong các trường hợp nặng có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

Virus RSV có 2 tuýp:

  • Tuýp 1: gây sốt cao, tiên lượng nặng
  • Tuýp 2: sốt nhẹ, thậm chí không sốt
virus rsv
Virus RSV

RSV có lây không?

Virus RSV lây lan rất mạnh. Virus hợp bào hô hấp đi vào cơ thể qua mắt, mũi hay miệng, nó lây lan một cách dễ dàng qua các dịch tiết đường hô hấp bị nhiễm virus như ho, hắt hơi

Virus có thể tồn tại trên các bề mặt như mặt bàn, nắm cửa, bàn tay,.. vì thế nắm tay với người nhiễm virus hay tiếp xúc với các bề mặt có chứa virus cũng sẽ khiến bạn bị nhiễm.

Trẻ em là một đối tượng dễ lây lan khi chúng đi nhà trẻ và khi được người nhà chăm sóc.

Các đối tượng dễ bị nhiễm RSV

Tất cả chúng ta ai cũng có thể bị nhiễm virus RSV, tuy nhiên đối với trẻ lớn và người lớn khỏe mạnh, bệnh có thể biểu hiện nhẹ nhàng giống như viêm mũi họng, cảm cúm thông thường và chúng ta có thể lướt qua được dễ dàng. 

Tuy nhiên bệnh có thể diễn tiến nặng nề hơn thành viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh và nhũ nhi. Đây là một loại virus rất phổ biến. Hầu như tất cả trẻ em đều bị nhiễm RSV khi chúng được 2 tuổi. Tuy nhiên, nó cũng có thể trở nên rất nguy hiểm.

Theo thống kê của Tổ chức Các bệnh phổi Thế giới, mỗi năm, virus RSV đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 66.000 trẻ em và có khoảng 3 triệu người nhập viện vì nhiễm virus này. Một số trường hợp cần lưu ý ở trẻ nhỏ vì RSV có thể gây ra bệnh cảnh nặng là:

  • Trẻ sinh non
  • Trẻ sơ sinh rất nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 6 tháng trở xuống
  • Trẻ em dưới 2 tuổi bị bệnh phổi mãn tính hoặc bệnh tim bẩm sinh (có từ khi sinh ra)
  • Trẻ em bị suy giảm hệ miễn dịch
  • Trẻ bị rối loạn thần kinh cơ

Bên cạnh đó, người lớn tuổi cũng là một đối tượng dễ gặp các hậu quả nghiêm trọng khi nhiễm RSV, đặc biệt là các đối tượng sau:

  • Người lớn tuổi, đặc biệt là những người từ 65 tuổi trở lên
  • Người lớn bị bệnh tim hoặc phổi mãn tính
  • Người lớn có hệ thống miễn dịch suy yếu

Dấu hiệu nhiễm RSV

Những người bị nhiễm virus RSV thường xuất hiện các triệu chứng trong vòng 4 đến 6 ngày sau khi bị nhiễm. Đối với người lớn và trẻ lớn khỏe mạnh, bệnh tương đối nhẹ như các bệnh cảm cúm thông thường. Các triệu chứng của nhiễm RSV thường bao gồm

  • Sổ mũi, nghẹt mũi
  • Giảm cảm giác thèm ăn
  • Ho khan
  • Đau họng nhẹ
  • Hắt xì
  • Sốt

Đối với các trẻ nhỏ, ngoài các triệu chứng trên, sau một vài ngày có thể tiến triển thành viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm tiểu phế quản,..cần nên được nhập viện với các triệu chứng như:

  • Ho đàm vàng, xanh
  • Khó thở, thở nhanh hơn bình thường.
  • Thở khò khè.
  • Ho ngày càng nặng.
  • Thờ ơ, mệt mỏi, giảm hứng thú với mọi thứ xung quanh hoặc chán ăn.

Nhóm trẻ dưới 1 tuổi thường mắc những biến chứng nặng hơn. Ở người lớn và trẻ khỏe mạnh, virus này thường chỉ gây ra cảm lạnh nhẹ và tự khỏi sau đó. Hầu hết các trường hợp nhiễm virus RSV có thể khỏi hoàn toàn sau 1-2 tuần,

Làm sao để chẩn đoán nhiễm RSV?

Người lớn và trẻ lớn khỏe mạnh bị nhiễm RSV thường không cần nhập viện. Nhưng một số người bị nhiễm RSV, đặc biệt là người lớn tuổi và trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, có thể phải nhập viện. Khi đó các bác sĩ sẽ thăm khám, nghe phổi để phát hiện các âm phổi bất thường, kiểm tra độ bão hòa oxy trong máu người bệnh, lấy máu xét nghiệm tìm bằng chứng của nhiễm trùng và thực hiện chụp X Quang phổi để đánh giá tình trạng đường hô hấp.

Việc xét nghiệm để tìm ra virus hợp bào hô hấp thường không cần thiết, vì hiện tại vẫn chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, xét nghiệm tìm bằng chứng có sự hiện diện của RSV là cần thiết để phân biệt với các bệnh lý khác, một số phương pháp thường sử dụng là:

  • Xét nghiệm tìm kháng nguyên của virus qua dịch tiết mũi: đây là xét nghiệm rẻ tiền, thực hiện nhanh, tuy nhiên có thể bỏ sót các trường hợp nhiễm bệnh thực sự
  • PCR: cho kết quả chính xác hơn phương pháp ở trên, tuy nhiên chi phí cao và cần các thiết bị chuyên dụng

Điều trị nhiễm virus RSV như thế nào?

Phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân nhiễm RSV là chăm sóc hỗ trợ:

  • Dùng thuốc hạ sốt, giảm đau khi người bệnh có sốt và đau đầu, đau nhức cơ. Có thể dùng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau như Paracetamol, Ibuprofen. Không nên cho trẻ em uống Aspirin. Dù là loại thuốc nào thì cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước, đặc biệt là khi dùng cho trẻ nhỏ.
  • Làm sạch và thông thoáng đường hô hấp. Hút và bơm rửa mũi khiến cải thiện tình trạng hô hấp
  • Uống đủ nước để làm loãng đàm nhớt. Nếu người bệnh không uống nước được có thể đặt đường truyền tĩnh mạch
  • Hỗ trợ hô hấp trong các trường hợp người bệnh bị khó thở hay suy hô hấp dưới các hình thức như thở Oxy, đặt nội khí quản,..

VSR là virus nên không cần điều trị kháng sinh. Tuy nhiên, kháng sinh được dùng khi nghi ngờ có tình trạng đồng nhiễm các vi khuẩn khác hoặc để phòng ngừa các biến chứng nặng.

Corticosteroid và thuốc giãn phế quản thường không hữu ích và hiện nay không được khuyến cáo

Các thuốc kháng virus hiện tại vẫn đang được nghiên cứu và chưa thấy hiệu quả nào rõ rệt. 

Virus RSV có để lại biến chứng gì không?

Đối với người lớn và trẻ khỏe mạnh, bệnh tương đối nhẹ và có thể vượt qua mà không để lại di chứng hay biến chứng nào. Tuy nhiên,đối với trẻ sơ sinh và người lớn tuổi, có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề:

  • Viêm phổi và viêm tiểu phế quản: có thể dẫn đến suy hô hấp, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, nhiễm trùng huyết,..
  • Viêm tai giữa: Biến chứng này thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do tai và đường hô hấp có liên quan mật thiết với nhau. Nếu nặng nề có thể diễn tiến lan vào não.
  • Hen suyễn: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh trẻ nhỏ nếu bị nhiễm virus hợp bào hô hấp nghiêm trọng sẽ có nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn khi trưởng thành

Cách phòng ngừa virus RSV

Bạn có thể thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của RSV. Cụ thể, nếu bạn có các triệu chứng giống như cảm lạnh, bạn nên:

  • Che những cơn ho và hắt hơi của bạn bằng khăn giấy hoặc tay áo sơ mi phía trên, không dùng tay
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây
  • Tránh tiếp xúc gần gũi, chẳng hạn như hôn, bắt tay và dùng chung cốc và dụng cụ ăn uống với những người khác
  • Làm sạch các bề mặt thường xuyên chạm vào như tay nắm cửa và thiết bị di động

Tốt nhất, những người có các triệu chứng giống như cảm lạnh không nên tiếp xúc với trẻ em có nguy cơ cao mắc bệnh RSV nghiêm trọng, bao gồm trẻ sinh non, trẻ em dưới 2 tuổi bị bệnh phổi hoặc tim mãn tính và trẻ em có hệ miễn dịch suy yếu. Nếu không được, bạn nên cẩn thận làm theo các bước phòng ngừa nêu trên và rửa tay trước khi tiếp xúc với những đứa trẻ như vậy. 

Nếu bạn là cha mẹ của những đứa trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh RSV nặng nên giúp con của mình, khi có thể, hãy làm những việc sau

  • Tránh tiếp xúc gần với người bệnh
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây
  • Tránh chạm vào mặt bằng tay chưa rửa
  • Hạn chế thời gian ở trong các trung tâm chăm sóc trẻ em hoặc các môi trường có khả năng lây nhiễm khác, đặc biệt là trong mùa lạnh và mùa mưa. Điều này có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và lây lan virus trong mùa RSV

Các nhà nghiên cứu đang phát triển vắc xin ngừa virus RSV, tuy nhiên vẫn chưa có hiệu quả rõ rệt và công bố rộng rãi.

Lời kết

RSV là một loại virus gây bệnh hô hấp thường gặp nhất. Virus gây ra các triệu chứng giống như cảm cúm và thường nhẹ, sẽ tự khỏi hoàn toàn sau 1-2 tuần. Tuy nhiên ở các đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người lớn tuổi thì virus RSV có thể là mối nguy hiểm vì gây ra viêm phổi, viêm tiểu phế quản,.. một số trường hợp nặng cần phải nhập viện và thở máy.

Cách điều trị virus RSV là chăm sóc hỗ trợ và điều trị triệu chứng, chưa có điều trị đặc hiệu hiệu quả. Hãy bảo vệ sức khỏe của bạn và những người thân yêu bằng cách trang bị cho mình các kiến thức phòng chống bệnh và thực hiện chúng.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Có thể bạn quan tâm