Virus Zika: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Virus Zika là một vi rút lấy truyền chủ yếu qua đường muỗi đốt. Virus được lấy tên từ khu rừng Zika ở Uganda, đây là cùng nơi đầu tiên phân lập ra chúng vào năm 1947. Virus gây bệnh chủ yếu ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn thế giới. Dịch bệnh do virus Zika đã tạo nên một cơn “sốt” ở châu Mỹ vào năm 2015 và cho đến đầu năm 2016 Bộ Y tế Việt Nam đã xác nhận có 2 ca dương tính với virus Zika. Cùng Doctor có sẵn tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Virus Zika gây bệnh gì?

Virus Zika là một RNA virus, lây truyền chủ yếu qua vết đốt của muỗi Aedes bị nhiễm đặc biệt là muỗi cái Aedes aegypti (dân gian gọi là muỗi vằn). Hầu hết những người bị nhiễm virus Zika không có dấu hiệu và triệu chứng. Một số người bị sốt nhẹ, phát ban và đau cơ. Trong một số trường hợp hiếm hoi, virus Zika có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng về não hoặc hệ thần kinh. Đợt nhiễm virus Zika còn được gọi là bệnh Zika hoặc sốt Zika, thường có triều chứng tương tự như dạng rất nhẹ của bệnh sốt xuất huyết.

Phụ nữ bị nhiễm virus Zika trong thời kỳ mang thai có nguy cơ sẩy thai cao hơn. Nhiễm virus Zika trong thời kỳ mang thai cũng làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh có thể gây tử vong. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu vắc-xin hiệu quả cho việc phòng ngừa nhiễm virus Zika. Hiện tại, cách tốt nhất để ngăn ngừa lây nhiễm là tránh bị muỗi đốt và phá hoại môi trường sống của chúng.

Virus Zika
Virus zika chủ yếu lây qua vết đốt của muỗi

Biểu hiện của nhiễm virus Zika

Theo thống kê, có đến 4 trong 5 người nhiễm virus Zika không có dấu hiệu hoặc triệu chứng. Và hầu như trong số còn lại, khi các triệu chứng xảy ra, chúng thường bắt đầu từ 2 đến 14 ngày sau khi một người bị muỗi nhiễm bệnh cắn. Các triệu chứng thường kéo dài sau đó khoảng một tuần và hầu hết mọi người đều hồi phục hoàn toàn. Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm virus Zika phổ biến nhất bao gồm:

  • Sốt nhẹ
  • Phát ban
  • Đau khớp, đặc biệt là ở bàn tay hoặc bàn chân.
  • Mắt đỏ do viêm kết mạc
Virus Zika
Sốt nhẹ là một trong những triệu chứng thường gặp nhất

Ngoài bốn triệu chứng phổ biến thường gặp ở trên, người nhiễm virus Zika có thể có các dấu hiệu và triệu chứng không điển hình như đau nhức cơ, đau đầu, đau nhức ổ mắt, đau bụng, cảm giác mệt mỏi, khó chịu.

Hãy đến thăm khám bác sĩ ngay nếu gặp các dấu hiệu và triệu chứng trên, đặc biệt nếu gần đây đã đi du lịch đến vùng dịch của virus Zika do Tổ chức Y tế thế giới công bố. Nếu bạn đang mang thai và đã đi qua vùng dịch thì hay đến thăm khám bác sĩ để được xét nghiệm ngay cả khi chưa có các dấu hiệu và triệu chứng trên.

Virus Zika lây qua đường nào?

Virus Zika lây truyền qua 3 con đường chính:

  • Lây qua đường muỗi đốt: Virus Zika thường lây lan sang người qua vết đốt của muỗi bị nhiễm bệnh do đó muỗi được gọi là vector gây bệnh Zika. Hiện nay loài muỗi được coi là vector chính của virus Zika là muỗi Aedes. Khi muỗi đốt một người đã bị nhiễm virus Zika, virus sẽ lây nhiễm sang muỗi và thời gian cần thiết để virus phát triển trong muỗi là khoãng 10 ngày. Sau đó, khi muỗi bị nhiễm bệnh đốt người khác, virus sẽ xâm nhập vào máu của người đó và gây bệnh Zika.
  • Lây truyền từ mẹ sang con: Trong thời kỳ mang thai, virus Zika có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai hoặc khi sinh. Tuy hầu hết phụ nữ bị ảnh hưởng bởi Zika sẽ sinh ra những đứa trẻ bình thường, nhưng phụ nữ mang thai khi có nghi ngờ hoặc có yếu tố dịch tễ nên đến các cơ sở y tế để được giám sát thai kỳ.
  • Lây truyền qua đường tình dục: Virus Zika được ghi nhận rằng có thể truyền từ nam sang nữ. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng virus Zika tồn tại trong tình trùng của người đàn ông, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa biết chính xác thời gian tồn tại cũng như khả năng lây truyền của chúng khi ở trong tinh trùng. Vì thế, khuyến của CDC cho rằng mỗi người khi đi từ nơi có vùng dịch Zika về nên chú ý quan hệ tình dụng an toàn trong 4 tuần đầu tiên.
Virus Zika
Virus Zika lây qua đường mũi chích

Ngoài các đường lây truyền chính trên, các nhà khoa học cũng đã ghi nhận trên toàn thế giới các con đường lây truyền khác nhưng vẫn chưa có tính xác thực như lây qua đường máu, dịch tiết (như nước tiểu, nước bọt), hiến tạng. Tuy nhiên các nhà khoa học vẫn cần phải nghiên cứu thêm về khía cạnh này.

Tác hại của virus Zika

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến này đã công bố virus Zika là nguyên nhân của 2 hội chứng rối loạn thần kinh là dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng tê liệt thần kinh ở người lớn (hay còn gọi là hội chứng Guillain-Barre).

Dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh

Phụ nữ bị nhiễm vi rút Zika trong thời kỳ mang thai sẽ tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non và thai chết lưu. Nhiễm vi rút Zika trong thời kỳ mang thai cũng làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh làm cho đầu trẻ không phát triển bình thường gọi là dị tật đầu nhỏ đi kèm theo đó là một số triệu chứng khác, tất cả gọi là hội chứng Zika bẩm sinh, bao gồm:

  • Kích thước đầu và não nhỏ hơn nhiều so với bình thường dẫn đến hộp sọ bị sụp xuống một phần.
  • Tổn thương và giảm nhu mô não.
  • Tổn thương mắt.
  • Các vấn đề về khớp gây hạn chế chuyển động.
  • Giảm chuyển động của cơ thể do tăng trương lực cơ quá mức sau khi sinh.
Virus Zika
Dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh

Hội chứng Guillain-Barre

Hội chứng Guillain-Barre là bệnh lý hiếm gặp ở người lớn do virus Zika gây ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể tự tấn công một phần hệ thần kinh ngoại biên. Bệnh gây nên cảm giác tê buốt chân tay và phần trên cơ thể, có thể gây yếu liệt. Các triệu chứng này tiến triển đến khi cơ thể yếu liệt hoàn toàn các cơ không còn sử dụng được nữa. Mặc dù người bệnh có thể thoái lui được sau một khoảng thời gian nhưng người bệnh vẫn còn các di chứng yếu cơ về sau.

Ngoài 2 hội chứng nghiêm trọng đặc trưng cho bệnh Zika trên, các nhà khoa học đã ghi nhận thêm một số trường hợp nhiếm virus Zika gây viêm não và viêm tủy.

Cách phòng chống virus Zika

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu vắc-xin để chống lại virus Zika. Nhưng không chỉ dựa vào vắc-xin mà ta vẫn có thể thực hiện các bước để giảm nguy cơ tiếp xúc với virus. Nếu một cặp vợ chồng đang mang thai hoặc đang cố gắng mang thai, những lời khuyên sau có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm virrus Zika:

  • Lên kế hoạch du lịch cẩn thận tránh vùng dịch: CDC khuyến cáo rằng tất cả phụ nữ mang thai nên tránh đi du lịch đến các khu vực có sự bùng phát của virus Zika.
  • Kiêng quan hệ tình dục hoặc tình dục an toàn với bao cao su: Nếu người phụ nữ có bạn tình sống hoặc đã đến khu vực có sự bùng phát của virus Zika, CDC khuyến cáo kiêng quan hệ tình dục khi mang thai hoặc sử dụng bao cao su trong tất cả các hoạt động tình dục.

Nếu chúng ta đang sống hoặc đi du lịch đến các khu vực được biết đến là nơi có virus Zika gây bệnh, hãy thực hiện các bước sau để giảm nguy cơ bị muỗi đốt:

  • Nhà ở sạch sẽ thoáng mát, có máy lạnh: Muỗi mang vi rút Zika hoạt động mạnh nhất từ ​​bình minh đến hoàng hôn, nhưng chúng cũng có thể cắn vào ban đêm. Nên giăng màn chống muỗi khi ngủ nếu bạn đang ở bên ngoài.
  • Mặc quần áo bảo hộ: Khi bạn đi vào những khu vực có muỗi, hãy mặc áo sơ mi dài tay, quần dài, đi tất và đi giày.
  • Sử dụng thuốc chống côn trùng: Có thể thoa permethrin (là một loại dược phẩm kết hợp với thuốc chống côn trùng) lên quần áo, giày dép, dụng cụ cắm trại và cả lều trại hoặc mua đồ đã được xử lý sẵn qua với permethrin. Đối với da, hãy sử dụng thuốc chống muỗi có chứa DEET, picaridin hoặc một trong những hoạt chất khác được biết là có hiệu quả chống muỗi. Khi được sử dụng theo chỉ dẫn, những chất xua đuổi muỗi này được chứng minh là an toàn và hiệu quả, ngay cả đối với phụ nữ mang thai và cho con bú.
  • Phá hoại môi trường sống của muỗi: Muỗi mang vi rút Zika thường sống xung quanh nhà ở và sinh sản trong môi trường ao tù, nước đọng hoặc trong các vật chứa như bể cá, chậu hoa và lốp ô tô đã qua sử dụng. Ít nhất một lần một tuần, đổ hết nước đọng để giúp giảm số lượng muỗi.
Virus Zika
Luôn giữ nhà cửa sạch sẽ để phòng bệnh

Chẩn đoán virus Zika như thế nào?

Bác sĩ sẽ khai thác quá trình diễn tiến của bệnh cũng như dịch tễ du lịch của người bệnh. Cần đảm bảo mô tả chi tiết bất kỳ chuyến đi quốc tế nào kể cả đối tác tình dục của người bệnh đã đến và đi những đâu, xem xét liệu người bệnh có thể đã tiếp xúc với muỗi hay không rồi từ đó đưa ra chẩn đoán ban đầu phù hợp.

Nếu bác sĩ nghi ngờ rằng bạn bị nhiễm virus Zika, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm test phản ứng nhánh Elisa mẫu máu hoặc nước tiểu để xác định chẩn đoán cuối cùng. Các mẫu máu hoặc nước tiểu cũng có thể được sử dụng để xét nghiệm các bệnh khác với triệu chứng tương tự do muỗi lây truyền như sốt xuất huyết Dengue, Chikungunya, Sởi hoặc Rubella.

Nếu thai phụ đang mang thai và không có các triệu chứng nhiễm virus Zika nhưng có dịch tễ gần đây đã đi du lịch đến khu vực có hoạt động lây truyền vi rút Zika kể cả bạn tình, hãy đến thăm khám bác sĩ xem bạn có cần xét nghiệm hay không.

Nếu bạn đang mang thai và có nguy cơ nhiễm vi-rút Zika, bác sĩ cũng có thể đề nghị một trong các xét nghiệm như siêu âm bụng để tìm các vấn đề về não thai nhi hoặc chọc dịch ối để tìm kháng nguyên virus Zika.

Virus Zika
Xét nghiệm máu chẩn đoán bệnh

Điều trị virus Zika như thế nào?

Hiện này, không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh Zika. Để giúp giảm các triệu chứng, hãy nghỉ ngơi uống nhiều nước để ngăn mất nước. Đồng thời có thể sử dụng Acetaminophen (hay còn có tên gọi khác là Paracetamol, Tylenol,…) giúp giảm đau và hạ sốt.

Virus Zika
Điều trị virus Zika bàng thuốc Acetaminophen

Các triệu chứng của nhiễm virus Zika tương tự như các bệnh do muỗi truyền khác, chẳng hạn như sốt xuất huyết vì thế tuyệt đối không dùng aspirin hoặc các loại thuốc chống viêm không steroid khác (NSAID) cho đến khi bác sĩ loại trừ bệnh sốt xuất huyết do những loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng của sốt xuất huyết.

Phòng khám điều trị virus Zika

  • Phòng khám đa khoa Saigon Healthcare
  • Phòng khám đa khoa Vigor Health
  • Phòng khám đa khoa Tâm Phúc

Kết luận về virus Zika

Virus Zika lây truyền chủ yếu qua con đường muỗi đốt, ngoài ra còn có thể lây qua đường tình dục và từ mẹ sang con. Bệnh Zika tuy có tỉ lệ người nhiễm không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào cao nhưng bên cạnh lại có biến chứng vô cùng nghiêm trọng nếu phát bệnh. Cần đến gặp bác sĩ ngay khi đi về từ vùng dịch mà có các dấu hiệu và triệu chứng trên hoặc phụ nữ đang mang thai mà trở về từ vùng dịch.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: Zika virus – Symptoms and causes – Mayo Clinic

Có thể bạn quan tâm

Contact Me on Zalo
Call Now Button