U máu dưới da là bệnh gì? 1 số dạng u thường gặp

U máu dưới da là tình trạng bẩm sinh hoặc mắc phải ở trẻ sơ sinh và người lớn. U xuất hiện tại nhiều vị trí trên cơ thể, chủ yếu tập trung ở vùng đầu, mặt, cổ. Hiện nay các dạng u máu dưới da thường gặp được phân loại theo đặc điểm hình thái và bản chất giải phẫu của khối u.Hãy cùng Docosan tìm hiểu về tình trạng này trong bài viết sau đây nhé!

U máu dưới da là bệnh gì?

U máu dưới da (hay u mạch máu) là một khối u tế bào lành tính thường gặp ở trẻ em, hình thành do sự tăng sinh của các mạch máu (gồm động mạch, tĩnh mạch và mao mạch). Tỷ lệ gặp u máu dưới da lần lượt là: gần 60% xuất hiện khi ở trẻ sơ sinh, 40% trong tháng đầu và 30% ở trẻ đẻ non có cân nặng sau sinh dưới 1,8kg. Theo thống kê, có 60% u máu xuất hiện ở vùng đầu, mặt và cổ và một phần nhỏ có u máu dị dạng xuất hiện trong nội tạng.

U máu dưới da ở trẻ sơ sinh thường sẽ xuất hiện, phát triển qua các giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn tăng sinh: Ở giai đoạn này u máu dưới da thường diễn ra trong 3 tháng, nhưng có khi diễn ra trong 6 tháng với u máu nông, 8-10 tháng với u máu sâu. Trong giai đoạn này, 80% u máu tăng gấp đôi kích thước trong đó khoảng 5% phát triển ồ ạt, có thể đe dọa tính mạng, ảnh hưởng chức năng và thẩm mỹ của trẻ.
  • Giai đoạn ổn định: Sau giai đoạn tăng sinh, u máu dưới da dần dần ổn định cả kích thước và dấu hiệu lâm sàng. Ở giai đoạn này, khối u kéo dài đến tháng thứ 18-20.
  • Giai đoạn thoái triển: Giai đoạn này chậm màu khối u máu dưới da sẽ bắt đầu nhạt dần sau đó xẹp đi. Hầu hết khối u máu dưới da sẽ thoái triển khi trẻ được 5 tuổi.

Phân loại các dạng u máu dưới da thường gặp

Theo giải phẫu học

U máu dưới da dạng mao mạch

Đây dạng u máu dưới hay gặp nhất, chiếm khoảng 60% các trường hợp. Ở bệnh nhân này, các mao mạch tăng sinh và giãn da nhưng không có sự tăng sinh của các tế bào nội mô và cơ trơn. U máu mao mạch chứa các mao mạch ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, gồm có mao mạch rỗng, cũng có mao mạch đầy, rộng và không đồng đều như các mao mạch bình thường.

U máu dưới da dạng hang

Dạng u máu này chiếm khoảng 30% các trường hợp mắc bệnh. U máu hang có tổ chức giống như những mô liên kết của cơ quan, gồm những hốc hang nhỏ, đầy máu, thông với nhau và thường có vỏ xơ bọc xung quanh, có thể gây chèn ép lên các tổ chức ở phía dưới. Đôi khi những hốc máu trong u máu hang được ngăn cách nhau bởi các vách collagen có nhiều mô liên kết sợi và các chất chun co giãn. Trong u máu hang, thì các mao mạch giãn rất rộng và chức nhiều máu.

U máu dưới da
U máu dạng hang gặp ở khoảng 30% các bệnh nhân

Theo đặc điểm lâm sàng

U máu nông dưới da

Loại u máu dưới da ở phần sát mô biểu bì, có hình thái là u chứa những mao mạch giãn rộng, tăng sinh, ứ máu đi kèm với tổ chức dạng hang. U máu nông dưới da xuất hiện và tiến triển chậm, thường chỉ được phát hiện khi đã có kích thước lớn gây khó chịu.

Loại u máu này có thể đạt tới kích thước lớn như quả chanh, xuất hiện đơn lẻ hoặc thành chụm có 3 – 4 u rải rác ở mặt, vùng cổ. Phần da phía trên u máu nông có thể có màu bình thường hoặc tím nhạt, có tĩnh mạch nông chạy phía trên, u phình to ra khi gắng sức hoặc khi cúi xuống.

U máu sâu dưới da

Là loại u máu dưới da sâu ở phần mềm, dưới luôn lớp mỡ, có thể tăng sinh đến thâm nhiễm cơ và các cơ quan nằm sâu như tuyến nước bọt, dây thần kinh. Biểu hiện u máu sâu khá giống với u máu nông dưới da nhưng da phía trên thường bị thâm nhiễm nhiều hơn, có tĩnh mạch chạy ở trên khối u, vùng xung quanh da hơi nhăn, màu hồng hoặc tím. U ít khi gồ lên khỏi da, chủ yếu lặn sâu, nhưng cũng sưng to hơn khi cúi đầu hoặc lao động nặng, và bóp xẹp.

U máu dưới da phẳng 

U mạch máu phẳng là một nhóm bệnh bẩm sinh đi kèm với tổn thương dị dạng ở các mao mạch tại mô da. Trong đó, lòng mạch bị giãn ra và không có sự tăng sinh bất thường của các tế bào nội mô mao mạch. Biểu hiện của u máu phẳng là xuất hiện những vết sẫm màu đỏ lấm tấm trên da, có nền hồng nhạt, đỏ nhạt hoặc đỏ thẫm, không gồ lên hơn bề mặt da, co giãn da xung quanh vẫn mềm mại. Nên người bệnh chỉ thấy da khác màu và có tính chất giống như da thường.

U máu dưới da
U máu dạng phẳng thường đi kèm với bất thường dị dạng mạch máu

U máu dưới da gồ (u máu củ)

U máu gồ có thể do u máu phẳng tiến triển thành dạng ác tính và lan rộng. U gồ khỏi da từ vài mm đến 1cm hoặc hơn, có màu hồng đậm như máu, đỏ tía. Da phủ lên hơi nhăn, khi va chạm dễ chảy máu dẫn tới nhiễm khuẩn và mất máu nhiều. Đôi khi u máu gồ hình thành một đám rộng ở cả vùng da lớn ở mặt hoặc dọc cổ. Loại u máu này có thể phát triển và hóa thành ung thư theo tuổi hoặc tự ngừng phát triển, thu nhỏ và teo hết hẳn.

Phình mạch dạng rối

Dạng u mạch máu dưới da này được hình thành từ u máu gồ tự phát hoặc dưới ảnh hưởng của sự thay đổi nội tiết tố (do mang thai, dùng thuốc tránh thai). Đôi khi, phình mạch rối là một thể trung gian giữa u máu và tình trạng giãn phình động – tĩnh mạch. Phình mạch rối gồm những mao mạch giãn rộng, kích thước không đồng đều, gồ to, có nhịp mạch đập và không bóp xẹp được.

U máu trong xương hàm

Là loại u máu dưới da nguy hiểm nhất, có thể dẫn đến mất lượng máu nhiều mà tử vong. Thường u máu trong xương hàm là u niêm mạc miệng hoặc u máu nướu xâm lấn ác tính gây phá hủy dần xương hàm và vỡ mạch máu gây chảy ồ ạt. Hiếm gặp hơn, u máu có thể phát triển từ trung tâm xương hàm, phá hủy dần lợi và răng, và gây chảy máu ra bên ngoài nếu không cầm máu ngay lập tức.

U máu dưới da
U máu trong xương hàm có thể gây mất máu nhiều đến tử vong

Một số thể u máu đặc biệt khác

  • U máu kết hợp: Trong các thể bệnh trên, có nhiều loại u máu có thể cùng phát triển và kết hợp với nhau như u máu phẳng xen kẽ u máu gồ, u máu nông dưới da xen kẽ với u máu sâu dưới da,…
  • U máu rải rác (Hội chứng Rendu và Osler): Có tính chất di truyền theo gia đình, đặc trưng bởi những u máu dưới da rải rác và có trong niêm mạc, màu sẫm, có chấm đen, da xanh xao, chảy máu và giãn mạch. Loại u máu này khu trú ở hai lá phổi có thể gây rò động – tĩnh mạch. Thường gặp là u máu hay khu trú ở má, cổ, niêm mạc miệng, môi, lưỡi, sàn miệng, hàm ếch, niêm mạc mũi,… dễ gây chảy máu khó cầm

Nguyên nhân gây ra u máu dưới da

Một vài nguyên nhân có thể gây ra u máu dưới da ở người lớn và trẻ sơ sinh:

  • Do trẻ đẻ non, cân nặng sau sinh dưới 1.8kg
  • Do sự thay đổi nội tiết tố, mẹ mang thai hoặc sử dụng thuốc tránh thai, bố hoặc mẹ nhiễm vi khuẩn hoặc virus trong thời kỳ mang thai, tiếp xúc với môi trường hóa chất độc hại
  • Do rối loạn nội tiết tố của trẻ, trẻ bị suy giảm miễn dịch
  • Do trẻ gặp phải vấn đề về sự bất thường của mạch máu
  • Một vài trường hợp có thể do chấn thương (ngã, va đập) gây ra

Biến chứng của u mạch máu dưới da

Thông thường, u máu dưới da ở người lớn và trẻ sơ sinh là lành tính. Tuy nhiên, không vì thế mà mọi người được phép chủ quan khi có sự xuất hiện u máu dưới da trên cơ thể. Bởi bệnh nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời hoặc ở những vị trí nhạy cảm cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Những vị trí xuất hiện u máu dưới da bạn nên quan tâm, chú ý hơn đó là:

  • U máu trong xương hàm, dễ làm vỡ mạch máu, gây chảy máu ồ ạt, khó cầm
  • Các u máu dưới da ở trong miệng, trên môi, mũi hay trên mi mắt có thể gây ra những khó khăn khi ăn uống, hô hấp hay tầm nhìn.
  • U máu dưới da ở tai có thể ảnh hướng đến khả năng nghe
  • U máu dưới da ở họng, hạ họng gây khó thở, ho; nếu  lan rộng hoặc xâm lấn vào thanh quản gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như khó thở, ho nhiều dẫn đến chảy máu khó cầm do vị trí khối u ở sâu. 
  • U mạch máu dưới da ở bộ phận sinh dục nữ, trực tràng… có thể gây xuất huyết bên trong, ra ngoài, lở loét, bội nhiễm.

Trong quá trình điều trị nhất là với u máu dưới da ở trẻ sơ sinh, bố mẹ cần thường xuyên quan sát để phát hiện được những thay đổi, sự bất thường của tính chất u máu. Nếu có những dấu hiệu dưới đây bố mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời:

  • U máu dưới da bị nhiễm trùng, có mủ
  • U máu dưới da bị vỡ và bắt đầu lở loét, chảy máu
  • U máu dưới da có kích thước lớn, phát triển nhanh gây mất thẩm mỹ, nhất là ở vùng mặt
  • U máu dưới da ở những vị trí gây ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt, sức khỏe

Phòng ngừa và điều trị u máu dưới da

Hầu hết, u máu dưới da lành tính, có thể tự nhạt dần, reo đi và tự biến mất trong một vài năm, tức là không cần thiết phải điều trị. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, u máu dưới da ở những vị trí nguy hiểm hay có những dấu hiệu, biến chứng bất thường cần đưa người bệnh đi khám và kiểm tra. Việc điều trị hay không sẽ được bác sĩ tư vấn và quyết định.

Thông thường, những u máu nên được điều trị là những u máu ở vị trí nguy hiểm (mắt, tai, mũi, hàm, miệng…), ở trên mặt gây mất thẩm mỹ, hoặc những u máu có kích thước lớn, diễn biến phức tạp, nguy hiểm đe dọa đến tính mạng. Một số phương pháp điều trị có thể được chỉ định là: uống thuốc, tiêm thuốc, laser, phẫu thuật. Để đạt được hiệu quả trong việc điều trị, quan trọng là bạn phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ cũng như có sự chăm sóc, chế độ dinh dưỡng hợp lý trong quá trình đó.

Để phòng ngừa cho trẻ khỏi bị u máu dưới da, bố mẹ cần chú ý một số vấn đề như sau:

  • Không tiếp xúc hoặc hạn chế tiếp xúc với môi trường có hóa chất độc hại nhất là trong thời kỳ mang thai.
  • Trong thời kỳ mang thai, mẹ nên tiêm phòng đầy đủ, hạn chế các tác nhân gây bệnh, tránh nhiễm các loại virus, vi khuẩn
  • Nếu bị bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc mà phải đi khám, uống thuốc theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ
  • Thường xuyên siêu âm theo dõi tình hình phát triển của con, tránh những bất thường có thể xảy ra; ăn uống đủ chất, bổ sung các vitamin cần thiết cho mẹ và bé khỏe mạnh, phát triển đủ tháng, đủ cân nặng.
  • Kiểm soát tốt, hạn chế những tác nhân bên ngoài và điều trị kịp thời những tổn thương ở mạch máu (côn trùng cắn, chấn thương…) giúp hạn chế nguy cơ bị u mạch máu dưới da
  • Khi phát hiện trẻ bị u máu dưới da, không nên chủ quan mà đưa trẻ đi khám, kiểm tra để có thể điều trị kịp thời, hiệu quả

U máu dưới da có thể thoái triển hoặc phát triển mạnh trong cuộc sống của người bệnh, và gây nhiều biến chứng khó lường. Vì vậy, khi phát hiện có u máu dưới da, bạn nên kịp thời đến sớm để khám và làm xét nghiệm tại các bệnh viện lớn uy tín để được chẩn đoán chính xác, theo dõi và có liệu pháp điều trị hiệu quả nhất.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

U máu dưới da có nguy hiểm không?

Thông thường, u máu dưới da là lành tính. Tuy nhiên,nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời hoặc ở những vị trí gây hưởng đến các chức năng của cơ thể (mắt, mũi, họng, miệng, hàm…) cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, u máu dưới da còn gây mất thẩm mỹ nếu xuất hiện trên mặt, kích thước lớn

Trường hợp nào thì u máu dưới da phải tiến hành điều trị?

U máu dưới da phải điều trị hay không phải được bác sĩ kiểm tra và chỉ định. Một số trường hợp phải điều trị là khi:
U máu dưới da bị nhiễm trùng, có mủ
U máu dưới da bị vỡ và bắt đầu lở loét, chảy máu
U máu dưới da có kích thước lớn, phát triển nhanh gây mất thẩm mỹ, nhất là ở vùng mặt
U máu dưới da ở những vị trí gây ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt, sức khỏe

Nguồn tham khảo: emedicine.medscape