U máu: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

U máu là bệnh lý thường gặp ở trẻ em nhưng không phải ai cũng hiểu rõ. Bố mẹ thường lo lắng khi khối u xuất hiện với con nhỏ, sợ rằng những vấn đề ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như sức khỏe. Bài viết dưới đây của Docosan sẽ gửi đến bạn thông tin về u máu.

Tổng quan về bệnh u máu

U máu là u lành tính thường gặp nhất ở trẻ em. U máu thường tồn tại trong suốt những năm đầu tiên và có thể thoái triển dần trong thời gian dài, hiếm khi thấy u máu ác tính.

Khối u thường phát triển nhanh ở trẻ từ 5 tháng tuổi, một số trường hợp phát triển chậm cho đến khi trẻ 18 – 20 tháng tuổi. Sau một thời gian, u sẽ dần thoái triển cả về hình thái và kích thước và đa số khối u biến mất hoàn toàn hay một phần khi trẻ 5 – 10 tuổi.

U máu ở trẻ có thể xuất hiện mọi vị trí trên cơ thể: đầu, mặt, cổ, tay chân, hầu họng, khí phế quản, gan, âm hộ,… tuy nhiên u máu thường tập trung nhiều nhất ở đầu, mặt, cổ. Tùy thuộc vào vị trí và kích thước của khối u mà người bệnh có thể phải đối mặt với các nguy cơ nứt u, lở loét và chảy máu khác nhau. Nhìn chung, u máu ở trẻ là bệnh thường gặp nhưng hiếm khi gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

U máu
U máu: triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

Nguyên nhân gây ra bệnh u máu và những đối tượng dễ mắc bệnh

U máu là kết quả của sự tăng sinh mạch máu nhưng nguyên nhân chính xác dẫn đến quá trình tăng sinh các mạch máu hiện vẫn chưa được hiểu rõ. Có thể do tác động của môi trường viêm nhiễm hoặc tiếp xúc các yếu tố phóng xạ.

U máu thường gặp ở những đứa trẻ có các đặc điểm sau:

  • Chủng tọc da trắng
  • Mẹ mang đa thai
  • Trẻ sinh non
  • Trẻ sinh ra nhẹ cân

Triệu chứng của bệnh u máu

U máu có thể xuất hiện ngay sau sinh, nhưng phổ biến nhất là trong khoảng thời gian vài tháng đầu đời. Biểu hiện là một vết đỏ phẳng ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, hay gặp nhất ở vùng đầu mặt cổ. Thông thường một đứa trẻ chỉ có một u máu.

Về hình thái, hình ảnh u máu được phân 3 loại:

  • U máu mao mạch: Là dạng phổ biến nhất. Khối u thường nông và nổi đỏ ngay trên da.
  • U máu dạng hang: Ít phổ biến hơn, là dạng u máu sâu dưới da, màu xanh, khi lớn gồ lên trên da.
  • U máu hỗn hợp: Tổn thương sâu dưới da, có cả màu xanh và đỏ trong khối u.

Tuy nhiên, tất cả đều có chung một đặc điểm sinh lý và các giai đoạn tiến triển, bao gồm 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn tăng sinh: Thường diễn ra trong 3 –  6 tháng với u máu nông, 8 – 10 tháng với u máu sâu. Trong giai đoạn này, u máu tăng gấp đôi kích thước, phát triển ồ ạt, gây thẩm mỹ và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
  • Giai đoạn ổn định: Thường kéo dài đến tháng thứ 18-20. Sau giai đoạn tăng sinh, u máu dần ổn định cả kích thước và dấu hiệu lâm sàng.
  • Giai đoạn thoái triển: Giai đoạn này chậm thời gian đầu màu da nhạt dần sau đó u máu dưới da xẹp dần, nhưng chậm hơn. Đa số các trường hợp sau 6 tuổi sẽ tự thoái triển sau 6 tuổi.
U máu
U máu: triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

Các biện pháp chẩn đoán bệnh u máu

Bác sĩ chẩn đoán u máu qua hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng cẩn thận. Sinh thiết da có thể được thực hiện nếu còn nghi ngờ chẩn đoán. Một số xét nghiệm cận lâm sàng chuyên sâu được xem như là các chỉ điểm cho tình trạng thâm nhiễm và biệt hóa của khối u máu:

  • Yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) trong máu và nước tiểu.
  • Yếu tố tăng trưởng beta nguyên bào sợi trong nước tiểu.
  • Siêu âm và chụp cộng hưởng từ: để phân biệt khối u máu trên da với các tổn thương khác như u nang bạch huyết, hạch bạch huyết và xác định vị trí u máu trong các cơ quan.

U máu có nguy hiểm không?

U máu lành tính, trẻ phát triển bình thường nhưng do đa số u ở vùng đầu mặt cổ nên có ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và tâm lý bé khi lớn lên. Những u máu phát triển nhanh được điều trị muộn, khi đến giai đoạn thoái triển để lại sẹo da hoặc mô mỡ xơ thừa làm mất tính thẩm mỹ.

Bệnh u máu không gây tử vong, nhưng nó có thể gây ảnh hưởng tới chức năng của hệ thống tiêu hoá, hô hấp, mắt và tai. Loét hay xảy ra ở các vùng quấn tã lót, cổ, bề mặt niêm mạc. Hiếm khi xảy ra chảy máu nhiều.

U máu da lớn hoặc u máu nội tạng (đặc biệt là ở gan) có thể gây suy tim bởi nó làm tăng lưu lượng máu. Biến dạng cấu trúc sống có thể xảy ra, đặc biệt là u máu ở vùng mặt như đầu mũi, môi, tai.

Các u máu nghiêm trọng có thể gây đe dọa tử vong như u máu ở đường thở gây khó thở, u có thể phát triển rất nhanh kết hợp với rối loạn đông máu làm dễ chảy máu. U máu ở mi mắt gây che lấp tầm nhìn ảnh hưởng thị lực, u ở lưỡi gây khó ăn uống…

U máu
U máu: triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

Các biện pháp điều trị bệnh u máu

U máu là một bệnh lý không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người bệnh, u máu có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên trong một số trường hợp, người bệnh cần được điều trị với các phương pháp khác nhau tùy theo đặc điểm của từng loại u máu nếu có các biến chứng:

  • Khối u thường xuyên chảy máu
  • U máu ở những vị trí làm giảm tính thẩm mỹ, gây ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh.
  • U lớn chèn ép lên hệ mạch máu và hệ tuần hoàn
  • U lớn chèn ép vào đường thở, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp
  • U máu cản trở tầm nhìn hoặc chuyển động của mắt.

Điều trị bằng tia laser: tia laser có tác dụng giảm đỏ, giảm kích thước khối u và thúc đẩy nhanh quá trình liền vết thương sau khi u máu tự thoái triển. Sau điều trị, bạn nên dùng các loại kem dưỡng ẩm để hạn chế các vết rạn da.

Điều trị u máu ở nội tạng: U máu ở nội tạng thường là u máu dạng lồi. Thường gặp u máu dạng lồi ở người lớn và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm hơn u máu trẻ em.Phẫu thuật loại bỏ khối u, phẫu thuật cắt đứt nguồn cung cấp máu cho khối u hoặc phẫu thuật cắt bỏ các cơ quan bị ảnh hưởng là những phương pháp điều trị được cân nhắc nếu u máu ở nội tạng. Trong trường hợp có chỉ định phẫu thuật, nếu có bảo hiểm y tế thì chi phí điều trị u máu khoảng 3 – 5  triệu đồng.

U máu
U máu: triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

Tóm lại, u máu là bệnh lành tính, thường xuất hiện ở những năm đầu đời và dần thoái triển những năm sau đó. Nếu con bạn mắc phải u máu, bạn cần đưa con đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán, theo dõi và đưa ra liệu trình điều trị phù hợp.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Contact Me on Zalo
Call Now Button