Ung thư hạch có nguy hiểm không? Có chữa khỏi được không?

Theo Tổ chức Ghi nhận Ung thư Toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2020, ung thư hạch khiến gần 283.000 người tử vong trên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, năm 2020 ghi nhận hơn 2.700 người tử vong do ung thư hạch, đứng hàng thứ 13 trong các loại ung thư. Vậy ung thư hạch là gì và liệu loại ung thư này có chữa được không? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu qua bài viết này.

Hiểu hơn về ung thư hạch

Ung thư hạch (còn gọi là ung thư hạch bạch huyết hay u lympho) là loại ung thư bắt nguồn từ sự tăng sinh mất kiểm soát của các bạch cầu lympho. Tế bào bạch cầu lympho là thành phần quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể. Trong cơ thể có 2 dòng bạch cầu lympho hoạt động bổ trợ nhau là lympho B và lympho T. 

Các bạch cầu lympho hiện diện trong hệ thống bạch huyết, bao gồm: hạch bạch huyết (hạch lympho), lá lách, tuyến ức, tủy xương. Ung thư hạch có thể phát triển trong một cơ quan nào đó có trong hệ thống bạch huyết và theo mạch bạch huyết đi khắp cơ thể. Không giống như các khối u rắn, do bản thân bạch cầu lympho là một loại tế bào máu có khả năng di chuyển đến cơ quan khác, nên không tồn tại khái niệm “ung thư hạch di căn” trong loại ung thư này.

Có nhiều loại ung thư hạch nhưng các tài liệu thường đề cập đến hai loại chính:

  • Ung thư hạch không Hodgkin: Là loại ung thư hạch phổ biến nhất, chiếm khoảng 90% các trường hợp.
  • Ung thư hạch Hodgkin: Là loại hiếm gặp hơn và có thể được chẩn đoán xác định bằng sự hiện diện của tế bào Reed-Sternberg (là các tế bào lympho B lớn bất thường) khi xét nghiệm.

Ung thư hạch không Hodgkin và Hodgkin liên quan đến các loại tế bào lympho khác nhau. Mỗi loại ung thư hạch phát triển với tốc độ khác nhau và phản ứng khác nhau với điều trị.

Cuối cùng, cần phân biệt ung thư hạch (lymphoma) với bệnh bạch cầu (leukemia) và chứng phù bạch huyết.

  • Ung thư hạch: Liên quan đến các tế bào lympho trưởng thành ở hệ bạch huyết.
  • Bệnh bạch cầu: Liên quan đến các tế bào máu hay các tế bào lympho chưa trưởng thành bên trong tủy xương. 
  • Phù bạch huyết: Liên quan đến sự tích lũy nước trong các mô của cơ thể khi mạch bạch huyết bị tắc nghẽn hoặc tổn thương.

Nguyên nhân ung thư hạch là gì?

Hiện nay chưa biết rõ nguyên nhân của ung thư hạch bạch huyết trong hầu hết các trường hợp. Nhưng cơ chế chung của việc sinh căn bệnh này là do sự đột biến gen trong tế bào bạch cầu lympho, khiến tế bào này phân chia nhanh chóng nhưng lại không chết đi như tế bào bình thường, tạo ra một dòng tế bào đột biến liên tục nhân lên mất kiểm soát, khiến các hạch bạch huyết hay các cơ quan của hệ bạch huyết (như lá lách và gan) sưng lên.

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư hạch, bao gồm:

  • Tuổi: 60 tuổi trở lên đối với ung thư hạch không Hodgkin; từ 15 đến 40 tuổi hoặc trên 55 tuổi đối với ung thư hạch Hodgkin.
  • Là nam giới, mặc dù một số kiểu phụ của ung thư hạch có thể phổ biến hơn ở nữ giới.
  • Có hệ thống miễn dịch suy yếu như: bệnh nhân suy giảm miễn dịch do HIV/AIDS, cấy ghép nội tạng và dùng thuốc ức chế miễn dịch, hoặc do các bệnh về miễn dịch bẩm sinh… 
  • Mắc bệnh hệ thống liên quan đến miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjögren, bệnh lupus hoặc bệnh celiac.
  • Đã mắc một số bệnh nhiễm trùng như: nhiễm virus Epstein-Barr, virus viêm gan C, vi khuẩn Helicobacter pylori.
  • Có người thân bị từng mắc phải căn bệnh này
  • Đã tiếp xúc với benzen hoặc thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu.
  • Đã từng điều trị ung thư hạch Hodgkin hoặc không Hodgkin trong quá khứ.
  • Đã từng điều trị ung thư bằng bức xạ.
ung thư hạch
Ung thư hạch thường xảy ra ở nam nhiều hơn nữ

Triệu chứng lâm sàng của bệnh ung thư hạch

Các biểu hiện lâm sàng của ung thư hạch sẽ tùy thuộc vào như vị trí tạo hạch, tốc độ phát triển của khối u và chức năng của cơ quan bị tổn thương.

Dấu hiệu của ung thư hạch giai đoạn sớm

  • Hạch ngoại vi: Bệnh nhân có thể bị sưng hạch ở cổ, nách, hoặc háng. Thường không có cảm giác đau và tiến triển chậm; sau một thời gian có thể tự thoái lui.
  • Các tổn thương ngoài hạch nguyên phát và nhóm triệu chứng B: Thường không phổ biến khi biểu hiện ở mức độ này; tuy nhiên, phổ biến với bệnh tiến triển, biến đổi ác tính hoặc bệnh giai đoạn cuối
  • Tủy xương: Thường có tổn thương ở tủy xương, có thể liên quan đến các tế bào máu.

Dấu hiệu của ung thư hạch giai đoạn tiến triển và muộn

  • Hạch ngoại vi: Sưng hạch gặp ở hầu hết bệnh nhân, các hạch phát triển lớn dần và cảm giác đau xuất hiện khi bệnh ở giai đoạn tiến triển. Đau, yếu, tê liệt hoặc thay đổi cảm giác có thể xảy ra nếu một hạch bạch huyết mở rộng đè lên dây thần kinh cột sống hoặc tủy sống.
  • Các tổn thương ngoài hạch: Gặp ở hơn một phần ba số bệnh nhân, các vị trí tổn thương phổ biến nhất là ở đường tiêu hóa, da, tủy xương, xoang, tuyến giáp, thần kinh trung ương.
  • Nhóm triệu chứng B: Gặp ở khoảng 30-40% bệnh nhân, bao gồm các triệu chứng: nhiệt độ >38°C, đổ mồ hôi ban đêm, sụt cân >10% so với ban đầu trong vòng 6 tháng.
ung thư hạch
Sưng hạch dai dẳng có thể là triệu chứng của ung thư hạch

Xét nghiệm chẩn đoán ung thư hạch

Ung thư hạch hay các bệnh ung thư nói chung thường không thể chẩn đoán bằng xét nghiệm sàng lọc định kỳ, trong khi đó, các triệu chứng của bệnh lý này có thể bị nhầm lẫn với triệu chứng của một số bệnh khác, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường. Do vậy, trong bất cứ trường hợp nào mà các triệu chứng trở nên dai dẳng khiến bạn lo lắng, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán.

Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử và tiền sử bệnh nhân và gia đình của người đó để loại trừ các nguyên nhân không phải ung thư hạch. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được kiểm tra bụng, cằm, cổ, háng và nách… là những nơi có thể bị sưng hạch. Bác sĩ sẽ tìm kiếm các dấu hiệu nhiễm trùng gần các hạch bạch huyết trên để loại trừ nguyên nhân sưng hạch do nhiễm trùng (vì nhiễm trùng là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp sưng hạch).

Sinh thiết

Xét nghiệm sinh thiết liên quan đến việc bác sĩ sẽ cắt lấy một mẫu mô bạch huyết (cắt 1 phần hoặc toàn bộ hạch bạch huyết) để thử nghiệm. Trong một số trường hợp, họ có thể sử dụng kim để lấy mẫu mô. Xét nghiệm này giúp xác định xem có tế bào ung thư hạch hay không và nếu có thì bệnh ở giai đoạn nào và loại lympho nào có liên quan.

Có nhiều loại ung thư hạch bạch huyết và biết chính xác bạn mắc loại nào là chìa khóa để xây dựng một phác đồ điều trị hiệu quả. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc có một mẫu sinh thiết được xem xét bởi một chuyên gia nghiên cứu bệnh học sẽ cải thiện cơ hội chẩn đoán chính xác.

Trong một số trường hợp (ví dụ như bệnh nhân cao tuổi hoặc nghi bệnh đang ở giai đoạn tiến triển), có thể cần phải tiến hành sinh thiết tủy xương. Xét nghiệm này có thể yêu cầu gây tê cục bộ, thuốc an thần hoặc gây mê toàn thân.

ung thư hạch
Sinh thiết hạch là một xét nghiệm quan trọng để chẩn đoán ung thư hạch

Các xét nghiệm thường quy

Công thức máu, nhóm máu, phết máu ngoại biên, hồng cầu lưới, chức năng gan – thận, điện giải đồ, LDH, β2 microglobulin, đông máu toàn bộ, siêu vi HBV, HCV, HIV, siêu âm tim – bụng, điện tâm đồ, X-quang ngực thẳng.

Chẩn đoán hình ảnh khác

Bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm hình ảnh để tìm kiếm các dấu hiệu ung thư hạch ở các vùng khác trên cơ thể. Các xét nghiệm có thể bao gồm: bụng và xương chậu; chụp CT, PET hay MRI.

Xét nghiệm phân tử

Xét nghiệm này giúp tìm những thay đổi đối với gen, protein và các chất khác trong tế bào ung thư để giúp bác sĩ tìm ra loại ung thư hạch mà bạn mắc phải.

Tiên lượng và điều trị ung thư hạch

Tiên lượng ung thư hạch khác nhau ở mỗi bệnh nhân tùy thuộc vào loại ung thư, mức độ tiến triển, mức độ lan rộng, tuổi và các vấn đề sức khỏe khác của bệnh nhân. Nhìn chung, không thể dự đoán một người mắc ung thư hạch sẽ sống được bao lâu, các dữ liệu hiện tại thường đề cập đến tỉ lệ sống sót sau 5 năm được chẩn đoán ung thư hạch. Ước tính tỉ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư hạch Hodgkin là khoảng 89% và ung thư hạch không Hodgkin là 74%.

Phương pháp điều trị ung thư hạch sẽ tùy thuộc vào loại và giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe tổng thể và lựa chọn của cá nhân bệnh nhân. Mục tiêu của điều trị là tiêu diệt càng nhiều tế bào ung thư càng tốt và làm cho bệnh thuyên giảm. Các biện pháp điều trị của ung thư hạch có thể bao gồm:

Trì hoãn và theo dõi

Một số dạng ung thư hạch phát triển rất chậm. Do đó, bác sĩ có thể quyết định chờ đợi và chỉ điều trị ung thư hạch khi các sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân bị ảnh hưởng. Cho đến lúc đó, bệnh nhân vẫn phải trải qua các cuộc kiểm tra định kỳ để theo dõi tình trạng của mình.

Hóa trị

Hóa trị liên quan đến việc sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào phát triển nhanh của cơ thể, trong đó có tế bào ung thư. Các loại thuốc hóa trị thường được tiêm qua tĩnh mạch nhưng cũng có thể được dùng dưới dạng thuốc viên, tùy thuộc vào loại thuốc cụ thể có trên thị trường. 

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư phổ biến, sử dụng tia bức xạ để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị có thể được sử dụng độc lập hoặc cùng với các phương pháp điều trị khác, như phẫu thuật hoặc hóa trị.

Liệu pháp miễn dịch

Sử dụng hệ thống miễn dịch của chính cơ thể người bệnh để tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Có một số loại liệu pháp miễn dịch khác nhau, nhưng tất cả các liệu pháp miễn dịch đều hoạt động bằng cách đào tạo hệ thống miễn dịch của cơ thể để nó có thể có khả năng chống lại tế bào ung thư

Liệu pháp nhắm trúng đích

Sử dụng các thuốc nhắm vào bản chất của sự đột biến trong tế bào ung thư hạch (gen hay protein chuyên biệt) để hạn chế sự phát triển, phân chia, lan rộng của chúng.

Ghép tế bào gốc

Khi các phương pháp điều trị trên không hiệu quả, người bệnh có thể phải ghép tế bào gốc. Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được điều trị hóa trị liều rất cao nhằm tiêu diệt tất cả các tế bào ung thư, nhưng đồng thời cũng tiêu diệt cả tế bào gốc trong tủy xương. Sau khi hóa trị, người bệnh sẽ được ghép các tế bào gốc bình thường để thay thế những tế bào đã bị phá hủy. Có thể sử dụng tế bào gốc của chính bản thân người bệnh hoặc sử dụng tế bào gốc của anh chị em ruột/người cho tế bào gốc có HLA phù hợp.

Chăm sóc bệnh nhân ung thư hạch như thế nào?

Điều trị ung thư thường khó khăn và đi kèm với nhiều tác dụng phụ đáng kể, do đó, bệnh nhân cần tái khám đầy đủ và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, thảo luận với nhân viên y tế về các bài tập vận động hoặc chế độ dinh dưỡng có thể giúp giảm thiểu tác dụng phụ khi điều trị.

Ngoài ra, khi được chẩn đoán ung thư nói chung và ung thư hạch nói riêng, bệnh nhân có thể bị suy sụp. Tuy nhiên, cần biết rằng ung thư hạch là một trong số ít loại ung thư có khả năng điều trị khỏi cao. Do đó, bệnh nhân được khuyến khích thực hiện các hoạt động để giảm sự lo lắng và căng thẳng như thiền, các bài tập thư giãn hoặc bài tập thở sâu, dành thời gian cho bản thân, tâm sự với gia đình và bạn bè,…


Câu hỏi thường gặp

u003cstrongu003eUng thư hạch có chữa được không?u003c/strongu003e

Khả năng khỏi bệnh tùy vào loại và mức độ ung thư. tuy nhiên ung thư hạch thường có tiên lượng tốt, các phương pháp điều trị đã được cải thiện rất nhiều và nhiều người có kết quả rất tốt sau khi điều trị.

u003cstrongu003eUng thư hạch bạch huyết là gì?u003c/strongu003e

Ung thư hạch bạch huyết là loại ung thư bắt đầu trong các tế bào chống nhiễm trùng của hệ thống miễn dịch, được gọi là tế bào lympho.

u003cstrongu003eUng thư hạch bạch huyết sống được bao lâu?u003c/strongu003e

Không thể dự đoán chính xác một người mắc ung thư hạch bạch huyết sẽ sống được bao lâu. Các tài liệu ghi nhận tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư hạch khoảng 75 – 85%.

u003cstrongu003eUng thư hạch có di truyền không?u003c/strongu003e

Ung thư nói chung và ung thư hạch nói riêng có thể liên quan đến sự đột biến gen di truyền trong tế bào ung thư. Do đó, khi trong gia đình (bố, mẹ, anh, chị, em) mắc bệnh ung thư hạch thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người khác

u003cstrongu003eUng thư hạch có lây không?u003c/strongu003e

Ung thư hạch hoàn toàn không lây nhiễm.

u003cstrongu003eUng thư hạch bạch huyết nên ăn gìu003c/strongu003e?

Bạn có thể ăn uống theo sở thích, tuy nhiên, nên tham khảo các chế độ ăn uống lành mạnh, tránh mỡ động vật, đường, các loại ngũ cốc trắng tinh chế như bánh mì trắng, mì ống. Cũng nên tránh đồ uống chứa cồn hay caffein.

u003cstrongu003eUng thư hạch di căn hay không?u003c/strongu003e

Các tế bào ung thư hạch có bản chất là tế bào máu (tế bào lympho) nên có thể di chuyển tự do theo mạch bạch huyết đi khắp cơ thể, do đó không sử dụng khái niệm “di căn” trong trường hợp này như đối với các khối u rắn.

u003cstrongu003eUng thư hạch cổ là gì?u003c/strongu003e

Ung thư hạch cổ có lẽ là cách gọi của những bệnh nhân khi quan sát triệu chứng của u lympho tại hạch cổ. Nhìn chung, cần phải lưu ý rằng ung thư hạch dù khởi phát từ một vị trí nhưng sẽ nhanh chóng lan sang những vị trí khác trên hệ thống bạch huyết (như gan, lách…).


Hy vọng qua bài viết trên đây của Doctor có sẵn, bạn đã có cái nhìn rõ hơn về ung thư hạch, cũng như biết cách để chăm sóc bản thân hoặc gia đình trong trường hợp mắc bệnh. Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team vẫn khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để khi cảm thấy lo lắng về bệnh tại docosan.com.