Ung thư tuyến nước bọt: Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị

Bệnh ung thư tuyến nước bọt có thể không còn xa lạ với nhiều người trong hoàn cảnh xã hội hiện nay. Đây là căn bệnh ác tính hiếm gặp nhưng có khả năng tác động đến chất lượng cuộc sống khá nghiêm trọng. Vậy nguyên nhân, dấu hiệu chẩn đoán cũng như cách điều trị bệnh là gì? Hãy cùng Docosan tìm hiểu nhé!

Ung thư tuyến nước bọt là bệnh gì?

Ung thư tuyến nước bọt là một loại khối u ác tính hiếm gặp tồn tại trong các tuyến nước bọt của khoang miệng. Ung thư tuyến nước bọt có thể bắt đầu ở bất kỳ tuyến nước bọt ở miệng, cổ hoặc hầu họng của người bệnh. Các tuyến nước bọt bình thường có chức năng tạo ra nước bọt, hỗ trợ tiêu hóa, giữ cho miệng được ẩm và trơn láng giảm nhiễm vi khuẩn, bảo vệ sức khỏe răng miệng.

Ở các tuyến nước bọt khác nhau có thể phát triển các quá trình bệnh lý khác nhau mà biểu hiện của bệnh ung thư tùy thuộc vào vị trí, tính chất phát triển của từng khối u. Ung thư tuyến nước bọt thường xảy ra nhất ở u tuyến nước bọt mang tai, chiếm khoảng 85% trong tất cả các khối u tuyến nước bọt và khoảng 15% là ung thư tuyến nước bọt dưới hàm. Điều trị ung thư tuyến nước bọt thường cần đến phẫu thuật, nhưng để điều trị ung thư được triệt để, ngoài phẫu thuật ra còn bao gồm xạ trị và hóa trị.

Ung thư tuyến nước bọt
Hình ảnh khối u tuyến nước bọt dưới lưỡi

Nguyên nhân bị ung thư tuyến nước bọt 

Nguyên nhân của ung thư tuyến nước bọt hiện vẫn chưa được các nhà khoa học chứng minh và làm sáng tỏ. Hiện nay, một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến nước bọt bao gồm:

  • Tuổi: số tuổi càng cao thì càng làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến nước bọt.
  • Giới tính: nam giới có tỷ lệ mắc ung thư tuyến nước bọt nhiều hơn nữ giới.
  • Tiếp xúc với phóng xạ: bệnh nhân ung thư áp dụng việc xạ trị vùng đầu và cổ làm gia tăng nguy cơ phát triển bệnh lý ung thư tuyến nước bọt.
  • Yếu tố môi trường: Một số yếu tố về môi trường tác động đến tăng sinh khối u như như tiếp xúc nhiều hóa chất, bụi bặm hoặc làm những công việc trong hầm mỏ, sản xuất cao su, thuộc da, làm nghề mộc,… đều có khả năng dẫn đến ung thư tuyến nước bọt
  • Yếu tố lối sống: Các thói quen sinh hoạt và sử dụng các chất có liên quan đến ung thư như là rượu, bia, thuốc lá, chế độ ăn mất cân bằng, sử dụng nhiều điện thoại di động,…

Dấu hiệu chẩn đoán bệnh ung thư tuyến nước bọt 

Các tuyến nước bọt chính của hệ tiêu hóa tập trung nằm ở mỗi bên đối xứng của khuôn mặt và bên dưới lưỡi. Khi khối ung thư tuyến nước bọt tăng sinh lớn thì một số dây thần kinh quan trọng và các cấu trúc khác chạy qua hoặc gần tuyến nước bọt có thể bị ảnh hưởng chèn ép.

Các dấu hiệu và triệu chứng ung thư tuyến nước bọt, bao gồm:

  • Phát hiện một cục bất thường hoặc sưng trong miệng, má, hàm hoặc cổ
  • Đau ở khu vực xung quanh miệng, má, hàm, tai hoặc cổ mà không đỡ
  • Nhận ra sự chênh lệch về kích thước và hình dạng của nửa bên trái và bên phải của khuôn mặt hoặc cổ trước khi có khối u
  • Tê ở một phần khuôn mặt khi ung thư chèn ép thần kinh
  • Có yếu các cơ ở một bên mặt
  • Khó mở miệng rộng hơn, khít hàm nặng dần
  • Có dịch bất thường chảy ra từ tai, mũi hoặc cổ họng
  • Khó nuốt, nuốt vướng, nuốt đau
  • Chảy nước bọt liên tục và không liên quan đến bữa ăn 
  • Các tiền triệu của ung thư như: sụt cân, mệt mỏi, ăn uống kém, sốt nhẹ, … 
Ung thư tuyến nước bọt
Hình ảnh ung thư tuyến nước bọt với một khối u sưng to một bên mặt

Ung thư tuyến nước bọt là bệnh ác tính không phổ biến do đó các bác sĩ không khuyên bạn làm các xét nghiệm chuyên sâu trừ khi có triệu chứng nghi ngờ. Tuy nhiên, vì vị trí của khối u ở nông dưới da, trong nhiều trường hợp ung thư tuyến nước bọt có thể được phát hiện sớm. Thông thường bệnh nhân đến khám bác sĩ vì tự nhận thấy một khối u trong một trong các tuyến nước bọt, đặc biệt là u tuyến nước bọt giai đoạn cuối hoặc u tuyến mang tai giai đoạn sớm. Xét nghiệm tầm soát các tuyến nước bọt để tìm khối u thường là một kỹ thuật thường quy của bệnh ung thư tuyến nước bọt. Tuy nhiên vẫn cần lưu ý và theo dõi các dấu hiệu tiềm tàng của ung thư tuyến nước bọt và không bỏ qua chúng có thể để giúp phát hiện sớm các bệnh và điều trị có hiệu quả nhất.

Biện pháp điều trị ung thư tuyến nước bọt 

Phẫu thuật

Phẫu thuật thường là phương pháp điều trị chính cho ung thư tuyến nước bọt ở mọi giai đoạn. Khối u có thể cắt bỏ được hay không phụ thuộc phần lớn vào mức độ phát triển xâm lấn của nó vào cấu trúc lân cận, nhưng nó cũng phụ thuộc vào trình độ và kinh nghiệm của phẫu thuật viên. 

Trong hầu hết các trường hợp, khối u ác tính và các mô lân cận của tuyến nước bọt xung quanh sẽ được loại bỏ hoàn toàn. Mô mềm gần đó cũng có thể được lấy ra nếu có nghi ngờ tế bào ung thư di căn. Mục tiêu chính của phẫu thuật là không có tế bào ung thư nào còn sót lại sẽ gây tái phát . Nếu tế bào ung thư đã tăng sinh mạnh có khả năng lan rộng nhanh chóng hoặc nếu nó đã lan đến các hạch bạch huyết thì cần bóc tách nhóm hạch bạch huyết từ cùng một bên cổ.

Ung thư tuyến nước bọt
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính của bệnh Ung thư tuyến nước bọt

Xạ trị

Xạ trị là sử dụng tia X hoặc hạt năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm ức chế phát triển của chúng. Liệu pháp xạ trị có thể được sử dụng khi:

  • Cách điều trị chính (hoặc kết hợp với hóa trị liệu) đối với một số trường hợp ung thư tuyến nước bọt không thể cắt bỏ bằng phẫu thuật vì kích thước hoặc vị trí của khối u nằm quá sâu hoặc lý do người bệnh không chấp nhận.
  • Liệu pháp tăng cường sau phẫu thuật để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào có thể bị sót lại, giúp giảm nguy cơ ung thư tái phát.
  • Ở những người bị ung thư tuyến nước bọt tiến triển trước khi được thực hiện phẫu thuật để làm giảm với các triệu chứng như đau, chảy dịch hoặc khó nuốt.

Hóa trị

Hóa trị là điều trị bằng các thuốc chống ung thư được truyền vào máu hoặc bằng đường uống. Những loại thuốc này sẽ đến tất cả các khu vực của cơ thể, làm cho phương pháp này hữu ích đối với các bệnh ung thư đã di căn ra khỏi tuyến nước bọt. Hóa trị liệu thường không được sử dụng đơn lẻ để điều trị ung thư tuyến nước bọt ở các giai đoạn sớm và vừa.


Trên đây là những thông tin về bệnh ung thư tuyến nước bọt mà bài viết đã mang lại những hiểu biết nhất định cho bạn đọc về căn bệnh ác tính này. Tuy nhiên một số các dấu hiệu và triệu chứng trên cũng có thể là của các khối u tuyến nước bọt lành tính hoặc do các nguyên nhân khác. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ vấn đề nào liên quan nghi ngờ thì tốt nhất người bệnh phải gặp bác sĩ sớm để xác định và điều trị nguyên nhân nếu có.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: cancer.net