Xạ trị ung thư tuyến giáp: Mục đích và lưu ý khi xạ trị

Việc ứng dụng đồng vị phóng xạ Iod 131 trong xạ trị ung thư tuyến giáp đã mang lại những hiệu quả nhất định trong công tác điều trị ung thư tuyến giáp, cải thiện sức khỏe cho nhiều bệnh nhân. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu mục đích và lưu ý khi xạ trị ung thư tuyến giáp trong bài viết dưới đây nhé!

Ứng dụng Iod-131 trong xạ trị ung thư tuyến giáp

Dựa vào khả năng hấp thụ iod trong cơ thể của tuyến giáp mà đồng vị iod phóng xạ (I-131) đã được dùng để xạ trị ung thư tuyến giáp. Các tế bào nang giáp có khả năng bắt giữ iod phóng xạ, năng lượng bức xạ ion hóa từ đồng vị iod phóng xạ có thể phá hủy tuyến giáp và những vị trí có tế bào giáp bao gồm cả tế bào ung thư. Cơ thể có khả năng lưu giữ iod phóng xạ trong quá trình xạ trị ung thư tuyến giáp nhưng ít ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể.

Kiều iod phóng xạ dùng trong xạ trị ung thư tuyến giáp lớn hơn nhiều so với liều dùng trong phương pháp xạ hình giúp chẩn đoán xác định ung thư tuyến giáp. Phương pháp điều trị này thường được sử dụng sau khi phẫu thuật mô giáp nhưng có khả năng còn những mô giáp chưa thể loại bỏ được hoặc trường hợp ung thư đã di căn hạch và cơ quan khác. Xạ trị ung thư giáp có thể kéo dài sự sống cho bệnh nhân.

Ung thư tuyến giáp dạng nhú và dạng nang là hai thể có đáp ứng với xạ trị, còn với ung thư tuyến giáp dạng tủy và ung thư không biệt hóa không phải là chỉ định của xạ trị vì những thể này không bắt giữ iod phóng xạ. Trong điều trị ung thư giáp phẫu thuật vẫn là lựa chọn hàng đầu. Xạ trị ung thư tuyến giáp được áp dụng trong giai đoạn muộn, ung thư xâm lấn và di căn.

Quy trình điều trị những khối u to, có dấu hiệu xâm lấn, di căn, đặc biệt là di căn hạch cổ, di căn xa; đầu tiên bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, nạo hạch cổ được chỉ định trong một vài trường hợp. Sau đó tùy vào từng trường hợp bác sĩ điều trị sẽ chỉ định xạ trị I-131 để hủy phần mô giáp còn sót lại trong quá trình điều trị. Bệnh nhân sau khi được cắt bỏ tuyến giáp sẽ cần uống thuốc hormone giáp suốt phần đời còn lại.

Những tác dụng phụ khi xạ trị tuyến giáp

Điều trị I-131 là biện pháp xạ trị ung thư tuyến giáp hiện đại với phương pháp chiếu trong ứng dụng y học hạt nhân. Biện pháp này sẽ chọn lọc tác động vào tổ chức tuyến giáp còn lại hay đã di căn nên khi xạ ít ảnh hưởng đến các tổ chức cơ quan khác trong cơ thể so với xạ trị chiếu ngoài. Tuy nhiên, xạ trị với I-131 vẫn tồn tại một số tác dụng phụ với tần xuất và mức độ thấp.

Tác dụng phụ thường gặp trong quá trình xạ trị là buồn nôn, nôn, viêm tuyến giáp do chất phóng xạ, sưng vùng cổ không ít khi có kèm triệu chứng đau, viêm tuyến nước bọt, giảm tiết nước bọt, khô miệng, giảm vị giác, viêm dạ dày – ruột, viêm đường tiết niệu… Các triệu chứng này xảy ra đa phần ở mức độ nhẹ, tuy có ảnh hưởng lên đời sống của bệnh nhân nhưng có khắc phục bằng thuốc chống nôn, thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Đa phần các triệu chứng cũng sẽ tự giới hạn.

I-131 được sử dụng trong xạ trị ung thư tuyến giáp được ghi nhận với ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, bản chất của nó vẫn là những đồng vị phóng xạ với khả năng phát ra tia xạ, tồn đọng trong cơ thể. Chúng có thể phát ra những tia xạ ảnh hưởng đến người thân do đó cần giữ khoách cách với người xung quanh để tránh nhiễm xạ. Thời gian cần cách ly trong khoảng 2-3 ngày. Mục đích chính là để nguồn bức xạ từ bệnh nhân hạn chế ảnh hưởng đến người xung quanh.

Lưu ý khi xạ trị ung thư tuyến giáp

Trước khi xạ trị ung thư tuyến giáp với I-131 bác sĩ điều trị sẽ hướng dẫn bệnh nhân ngưng sử dụng hormone giáp trong khoảng 4-6 tuần trước thời điểm xạ nhằm tăng khả năng hấp thu I-131 tối đa, từ đó điều trị sẽ diễn ra hiệu quả nhất có thể. Chỉ số cần thực hiện trước khi xạ trị đó là TSH.

Khi chỉ số TSH đo được có giá trị tương ứng với mức cần thiết theo yêu cầu của phác đồ, bệnh nhân sẽ được cho uống I-131 liều thấp và chụp xạ hình I-131 để chẩn đoán tình trạng khối u còn sot lại hoặc di căn chưa được phát hiện. Sau đó bệnh nhân cũng sẽ kiêng cử muối trong vòng 2 tuần trước khi xạ để lượng Iod phóng xạ được hấp thu là tối đa.

Từ kết quả chẩn đoán bằng I-131, các phần sót lại của tuyến giáp hoặc các khối ung thư tuyến giáp di căn sẽ được tìm thấy và tiến hành điều trị. Xét nghiệm này giúp bác sĩ có thể ước lượng được phần tuyến giáp còn sót lại cần được phá hủy là bao nhiêu cũng như đánh giá tình trạng di căn xa ở hạch cổ, phổi, gan, xương và các vị trí khác.

Cần lưu ý với bệnh nhân được xạ trị cần cách ly theo thời gian quy định để tránh tia xạ gây ảnh hưởng đến người xung quanh đặc biệt là phụ nữ mang thai, trẻ en,… Sau khoảng thời gian quy định (2 đến 3 ngày) khi tia phóng xạ đã được giảm thiểu và không còn khả năng tác động xấu đến người xung quanh thì quá trình cách ly được hoàn tất.

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Xạ trị ung thư tuyến giáp: mục đích và lưu ý khi xạ?”. Hy vọng qua bài viết này quý bạn đọc đã có những thông tin bổ ích về ứng dụng đồng vị phóng xạ Iod-131 trong xạ trị tuyến giáp bị ung thư. Đây là một phương pháp điều trị bệnh rất hữu ích trong nền y học hiện đại và sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai.

Xem thêm: Chi phí xạ trị

Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.

Nguồn tham khảo: CDC