Xét nghiệm Cortisol trong máu và những điều cần biết

Xét nghiệm cortisol là một loại xét nghiệm máu giúp định lượng cortisol, một hormone steroid do tuyến thượng thận tiết ra, có trong máu của bạn. Để hiểu rõ hơn về phương pháp xét nghiệm này, mời bạn đọc cùng Docosan tìm hiểu nội dung dưới đây.

Cortisol là gì?

Cortisol là một loại hormone steroid được sản xuất bởi tuyến thượng thận. Cortisol tác động đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể của bạn. Đây là hormone có vai trò rất quan trọng vì cortisol giúp cơ thể bạn :

  • Đáp ứng với stress
  • Chống nhiễm trùng
  • Điều hoà đường huyết
  • Duy trì huyết áp
  • Điều hoà chuyển hoá trong cơ thể
xét nghiệm cortisol
Cortisol là một loại hormone steroid được sản xuất bởi tuyến thượng thận

Khi nồng độ cortisol tăng cao trong máu sẽ khiến bạn có những triệu chứng sau :

  • Tim đập nhanh
  • Khô miệng
  • Đau dạ dày
  • Tiêu chảy
  • Hoảng hốt

Như vậy cortisol được xem như một hệ thống báo động trong cơ thể chúng ta. Khi có các khủng hoảng, căng thẳng hoặc có vật thể lạ xâm nhập, nồng độ cortisol tăng cao giúp tăng năng lượng cho cơ thể đáp ứng với những khủng hoảng hoặc tấn công vật thể lạ và khôi phục lại trạng thái cân bằng trong cơ thể.

Xét nghiệm Cortisol để làm gì?

Xét nghiệm cortisol đo lường nồng độ cortisol của cơ thể có quá cao hay quá thấp không, gián tiếp đánh giá hoạt động của tuyến thượng thận trong cơ thể. Một số bệnh (chẳng hạn như bệnh Addison hay hội chứng Cushing) làm thay đổi nồng độ cortisol trong cơ thể.

xét nghiệm cortisol
Xét nghiệm Cortisol để làm gì?

Một số triệu chứng của hội chứng Cushing :

  • Béo phì, đặc biệt tích tụ mỡ vùng cổ
  • Huyết áp cao
  • Đường huyết cao
  • Da dễ bầm tím
  • Yếu cơ
  • Phụ nữ có thể bị rối loạn kinh nguyệt và mọc lông trên mặt.

Một số triệu chứng của bệnh Addison :

  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Mệt mỏi
  • Yếu cơ
  • Đau bụng
  • Vết đồi mồi trên da
  • Hạ huyết áp
  • Buồn nôn và nôn
  • Tiêu chảy
  • Rụng tóc

Ngoài ra, bạn nên xét nghiệm cortisol nếu bạn có những triệu chứng suy thượng thận nghiêm trọng, do đây là một tình trạng có thể đe doạ tính mạng của bệnh nhân. Những triệu chứng suy thượng thận là :

  • Huyết áp rất thấp
  • Nôn trầm trọng
  • Tiêu chảy trầm trọng
  • Mất nước
  • Đau đột ngột và dữ dội vùng bụng, thắt lưng và chân
  • Lơ mơ, mất tri giác

Thực hiện xét nghiệm Cortisol như thế nào?

Bạn không cần nhịn ăn uống trước khi thực hiện xét nghiệm. Thông thường, xét nghiệm Cortisol được thực hiện vào buổi sáng, thời điểm mà nồng độ cortisol trong cơ thể bạn cao nhất trong ngày. Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị bạn dừng sử dụng một số loại thuốc trước khi xét nghiệm vì thuốc có thể ảnh hưởng đến việc làm tăng hay giảm nồng độ cortisol trong cơ thể bạn.

xét nghiệm cortisol
Thực hiện xét nghiệm Cortisol như thế nào?

Quy trình xét nghiệm Cortisol tương tự như thực hiện xét nghiệm máu thông thường, cụ thể như sau: Bác sĩ quấn garo quanh cánh tay sau đó dùng cồn để làm sát khuẩn vùng da sẽ lấy máu. Bác sĩ đưa ống kim tiêm vào tĩnh mạch ở vùng khuỷu tay, thu thập mẫu máu vào ống đựng chuyên dụng và gửi đến phòng xét nghiệm. Bạn có thể bị bầm tím tại ví trí kim tiêm được đưa vào. Một số rủi ro (hiếm gặp) có thể xảy ra bao gồm: chảy máu quá nhiều, tụ máu, choáng váng hoặc ngất xỉu, nhiễm trùng tại vị trí đâm kim.

Kết quả xét nghiệm Cortisol

Nếu bạn thực hiện vào khoảng 8 giờ sáng, nồng độ cortisol được xem là bình thường nằm trong khoảng từ 5,0 – 25,0 µg/dL hay 138 – 690 nmol/L. 

Nồng độ cortisol cao hơn bình thường có thể chỉ ra rằng:

  • Tuyến yên đang giải phóng quá nhiều ACTH để kích thích tuyến thượng thận bài tiết cortisol. Tình trạng này có thể do khối u hoặc do sự tăng trưởng quá mức của tuyến yên.
  • Có khối u trong tuyến thượng thận, dẫn đến sản xuất dư thừa cortisol.
  • Bệnh lý ở cơ quan khác trong cơ thể có liên quan đến việc sản xuất cortisol, chẳng hạn như cường giáp, nhiễm trùng, viêm tuỵ, stress…
  • Hội chứng Cushing hoặc bệnh Cushing
  • Một số trường hợp sinh lý như : gắng sức, béo phì, có thai…
xét nghiệm cortisol
Kết quả xét nghiệm Cortisol

Nồng độ cortisol thấp hơn bình thường có thể cho thấy:

  • Bạn mắc bệnh Addison.
  • Bạn bị suy tuyến yên, nghĩa là tuyến yên không kích thích tuyến thượng thận khiến cho tuyến thượng thận sản xuất quá ít cortisol.
  • Một số bệnh lý làm giảm nồng độ cortisol khác như suy chức năng tuyến giáp hoặc các bệnh lý về gan.

Phòng khám tư vấn và xét nghiệm Cortisol

  • Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health, Quận 10, TP.HCM.
  • Golden Healthcare, Tân Bình, TP.HCM.
  • Trung tâm chẩn đoán và xét nghiệm y khoa Điag, Quận 10 TP.HCM.
  • Phòng khám Đa khoa Quốc tế TIMEC, Bình Tân, TP.HCM.

Xét nghiệm Cortisol nhằm định lượng nồng độ hormone cortisol trong cơ thể bạn quá cao hay quá thấp, qua đó gián tiếp chẩn đoán một số bệnh lý mà bạn có thể đang gặp phải. Bạn đọc nên trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ trước khi quyết định thực hiện xét nghiệm này.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: Cortisol Level Test – Healthline